Trường Giang Tam Hiệp
Trung Quốc có bốn biểu tượng lớn, đó là Hoàng Hà, Trường Giang, Hoàng sơn và Vạn Lý trường thành. Hoàng Hà và Trường Giang có cùng một quê hương là cao nguyên Tây Tạng, đó là suối nguồn của nhiều con sông lớn khác của châu Á, trong đó có sông Cửu Long của chúng ta. Giữa Trường Giang và Hoàng Hà thì Trường Giang có lẽ quan trọng hơn trong đời sống kinh tế và xã hội, lịch sử và văn hóa của Trung Quốc.
Trường Giang (Changjiang) cũng còn có tên là Dương Tử Giang với 6600km là con sông dài nhất châu Á, đứng hàng thứ ba [36] trên thế giới, chảy qua tám tỉnh của Trung Quốc, chia sơn hà xứ này ra hai miền nam bắc. Trường Giang quá rộng nên ngày xưa không có cầu nào bắc qua nổi, người ta chỉ đi bằng thuyền. Người vượt Dương Tử nổi tiếng nhất có lẽ là Bồ-đề Đạt-ma, ông qua sông bằng một chiếc lá con, đi từ Nam Kinh lên núi Thiếu Lâm tại Tung sơn, sau khi truyền ý chỉ cho Lương Vũ Đế không thành. Đó là thế kỷ thứ năm. Ngày nay tại Nam Kinh, Vũ Hán và Trùng Khánh đã có cầu bắc ngang sông.
[36] - Hai sông kia là Amazona và Nil
Bắt nguồn từ một độ cao 5600m, vượt qua bao thác ghềnh núi non để chảy ra biển ở Thượng Hải, sông Trường Giang dẫn nước luồn lách đi qua bao nhiêu miền linh địa kỳ dị, là kẻ chứng kiến biết bao điều đã nằm trong bóng tối của lịch sử, là nguồn cảm khái vô tận của các thi hào. Từ Trường Giang sinh ra khoảng 700 con sông con mà tới nhìn tận mắt tôi mới hay chúng chẳng nhỏ bé chút nào. Những sông hồ đó cũng rất nổi tiếng như sông Mịch La của Khuất Nguyên, Tiền Đường của nàng Kiều, Động Đình Hồ của Lý Bạch.
Sông Trường Giang cũng là chứng nhân của các cuộc chiến đấu trong lịch sử đầy nội chiến và ngoại xâm của Trung Quốc, từ thời Tam Quốc xa xưa đến thời cận đại này. Con sông này với lưu lượng khủng khiếp đã hòa máu của bao người trong dòng chảy của nó, nó đã ghi hình ảnh đầy gió và lửa tại Xích Bích của đầu công nguyên này và với việc Trung Quốc dời đô về Trùng Khánh trên, Trường Giang không quên một nước Trung Quốc suy nhược bị Nhật chiếm cứ và xâu xé.
Thế nhưng vượt lên tất cả những uẩn khúc của lịch sử là phong cảnh lạ lùng của Trường Giang vì dòng chảy từ tây sang đông của nó đã dẫn dòng sông uốn lượn dưới những hẻm núi hiểm trở với những vách đá hầu như dựng đứng tới mây. Đó là những vùng núi non trùng điệp của Vu sơn mà Trường Giang đã tìm đường len lỏi dưới những hẻm sâu. Những đoạn sông nằm giữa hai vách núi dựng đứng được gọi là "hiệp" và từ đó mà sinh ra "Trường Giang tam hiệp", ba hẻm sông nổi tiếng xưa nay đã thu hút hàng thế hệ đến viếng và ngày nay trên thế giới nó đã thành một điểm tụ hội của du khách, chỉ đứng sau Vạn Lý trường thành. Đi qua tam hiệp này cũng là sống lại một thời lịch sử của Trung Quốc, cũng là nơi đọc lại vài trang huyền sử và nhiều bài thơ tuyệt diệu của các thi hào bất tử.
Muốn ngắm Trường Giang tam hiệp ta không có nào khác hơn là đi tàu dọc đường thủy, đó là khoảng giữa Phong Đô và Nghi Xương, đoạn sông dài khoảng 200km. Thế nhưng tôi lên tàu từ Trùng Khánh và về đến Kinh Châu, đoạn dài hơn 500km để được ngắm Trường Giang nhiều hơn và nhớ một thời của Tam Quốc Chí. Đây là con sông hiểm yếu của nước Thục, cả Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đều chết trên bờ sông này cách đây 18 thế kỷ.
Dương Tử Giang! Con sông ghi dấu trong tôi từ thời thơ ấu là đây. Sông rộng mênh mông, hai bờ xa lắc. Nước sông chảy không mạnh như tôi tưởng, về sau tôi biết ở hạ lưu có đê đập để điều hòa dòng chảy. Màu nước đục ngầu, nước đặc quánh phù sa, nhìn như nước sông Cửu Long. Thế nhưng nếu sông Cửu Long đầy lục bình thì ở đây không có bèo củi trôi sông, chỉ nước và nước. Dọc dòng sông này là vô số chuyện cổ tích.
Trùng Khánh là nơi hợp lưu của hai sông Dương Tử và Gia Lăng, là cảng sông quan trọng, có một lịch sử khoảng 3000 năm. Xung quanh Trùng Khánh ngày xưa có địa danh là Quỳ Châu, nơi Khổng Minh xếp đá lập Bát trận đồ, lạc vào đó thì khỏi ra. Lục Tốn, tướng nhà Ngô cũng chẳng ra được, may nhờ có nhạc phụ của Khổng Minh chỉ đường mới thoát. Ra khỏi Trùng Khánh khoảng hơn 100km ta đến Phong đô, ở đó có một ngôi đền được mệnh danh là "Quỷ thành phong đô" nằm ở bờ bắc sông Dương Tử, được xây cách đây 2000 năm. Tới đây ta sẽ thấy cầu Nại Hà, Quỷ môn quan, âm tào địa phủ.
Thần thoại Trung Quốc cho rằng hồn phách con người sẽ đến đây sau khi chết, đi qua cầu và tái sinh lại làm người. Sau Quỷ môn quan khoảng 100km, trên bờ bắc ta sẽ đến Thạch bảo trại. Đây là một kiến trúc được xây trong thời Vạn Lịch nhà Minh, cách đây khoảng 400 năm. Bảo trại là một đền 12 tầng xây trên núi đá, cao 56m, thờ Phật. Nơi đây từ trong một lỗ đá có gạo chảy ra liên tục để nuôi tăng ni. Từ đó mà đền được mang tên "bảo trại". Thế nhưng do tăng ni tìm cách đục đẽo cho lỗ đá rộng ra hầu có thêm gạo, từ đó gạo hết chảy!
Trên bờ nam sông Dương Tử ta sớm đến đền thờ Trương Phi. Đây là nơi vị đại tướng mặt đen bị ám hại năm 220. Đền của ông được xây vào đời Tống (960-1127], nằm trong rừng núi xanh tươi với vô số tranh tượng và bia đá. Xuôi dòng Dương Tử cách đó không đầy 80km nằm trên bờ bắc là Bạch Đế thành, như ta đã biết, là nơi Lưu Bị từ trần hai năm sau khi Trương Phi chết. Đó là chỗ Lưu Bị rút về chốn an toàn của nước Thục sau khi đánh Ngô thất bại.
Vì thế xuôi dòng từ Dương Tử về phía đông, thành Bạch Đế là cửa ngõ bước vào khu vực hiểm yếu của sông, vào "hiệp" thứ nhất, Cù Đường hiệp. Cù Đường hiệp là hiệp hẹp nhất và cũng là đẹp nhật, có nơi sông chỉ rộng 100m. Hai bờ núi đá có độ cao khoảng 500-700m tạo người đi trên sông trong hẻm núi một cảnh tượng vô song của thiên nhiên hùng vĩ. Trong ba hiệp thì hiệp Cù Đường ngắn nhất, chỉ dài chừng 8km, nhưng để lại ấn tượng to lớn nhất. Đỗ Phủ viết về Cù Đường hiệp:
Cù Đường giáp khẩu khúc giang đầu,
Vạn lý phong yên tiếp tố thu
(Cửa Cù Đường ở đầu sông Khúc,
Khói và gió thu liên tiếp muôn dặm)
Sau Cù Đường Hiệp, sông Dương Tử đi vào địa phận của Vu sơn. Vu sơn là một miền núi non mênh mông với 12 đỉnh núi quanh năm mây mù. Chảy dưới chân Vu sơn là Vu Hiệp, dài 46km. Đi trong hẻm núi này khách rời địa phận Tứ Xuyên để qua tỉnh Hồ Bắc. Trong cảnh mây mưa của Vu sơn đó có một chỏm đá cao 7m, đứng mãi với trời đất từ 2000 năm nay. Đó là đỉnh Thần nữ phong. Ngày nọ cách đây cả hai ngàn năm, vua nước Sở lên Vu sơn để tìm phương án trị thủy vì con sông Dương Tử tâm tư bất thường, thường hay nổi giận dâng nước phá hoại mùa màng.
Trên đỉnh Vu sơn đó có một nàng con gái đến với vua, không ai xa lạ, nàng là con gái của Tây Vương Mẫu. "Thiếp ở phía nam Vu sơn, trên đá Cao Khâu, buổi sớm làm mây, buổi chiều làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở chân núi Dương Đài". Tại Cao Đường trên Vu sơn, nàng chỉ cho vua cách trị thủy và hơn thế nữa, tặng vua nhiều đêm chăn gối. Ngày nay Cao Đường còn đền thờ Thần nữ nhưng nay đã tàn phế. Đi tàu dưới sông, tôi thấy được hình dáng nàng trên cao, nhỏ như ngón tay út, lòng nhớ đến cuộc tình của nàng Lý ngư. Đi thêm một đoạn, tại Vu Hiệp này ta thấy một bia đá tương truyền do Khổng Minh tự tay viết, nét chữ vô cùng mạnh mẽ.
Sau đó, tại một nơi trong Vu Hiệp này có người quả quyết với tôi đây là chỗ trận Xích Bích đã diễn ra. Xích Bích là trận đại thắng của Chu Du, dùng kế hỏa công mà phá "hơn tám mươi vạn" quân Tào Tháo. Ngày nay không ai biết đích xác Xích Bích nằm ở đâu trên sông Dương Tử vì có đến 4 địa danh mang tên này. Tôi nghe lòng ngẩn ngơ vì lúc đó gió cực mạnh trên bong tàu, hai bên là vách núi. Xuyên qua các "hiệp" ở đâu cũng thế, không nhất thiết chỗ này, gió mạnh đến nỗi người ta khó đứng lâu trên bong tàu được, nó thổi thốc giữa các hẻm núi dài vài chục cây số như một ống bệ khổng lồ.
Dùng kế hỏa công trong các hẻm núi cỡ này thì thật là tàn khốc nhưng cũng thật lợi hại vì chỉ cần gió đổi chiều thì đó mới là Quỷ môn quan. Đây phải là một cảnh tượng long trời lỡ đất mà tại Bạch Đế thành tôi thấy được vẽ lại hết sức sinh động. Ghê gớm thay, mưu trí của người xưa, biết kết hợp cả trời đất trong mưu đồ của mình. Ngày nay trên sông không còn khói mù, cờ lệnh, khí giới, thuyền bè...Xích Bích đã chìm trong lịch sử.
Sau Vu Hiệp ta đến Tây Lăng hiệp, với 80km, là hiệp dài nhất trong cả ba, bắt đầu với Tỉ Quy và chấm dứt với Nghi Xương. Hiệp này có nhiều đá ngầm, nước xoáy và là hiệp nguy hiểm nhất. Nơi đây tương truyền là chỗ Khổng Minh dấu binh thư khi chưa tìm ra người kế vị xứng đáng. Đến Tỉ Quy ta nhớ đến Khuất Nguyên [37], nhà thơ của thế kỷ thứ tư trước công nguyên mà cảm động thay, đền thờ ông ngày nay vẫn còn. Đây là quê hương của ông, người nước Sở, sống trong thời Chiến quốc. Đó là một con người có chí khí, luôn luôn bị các nịnh thần và thế lực đen tối dèm pha hãm hại, nhưng bao giờ chịu khuất phục.
[37] - Theo nhiều tài liệu, ông sống từ 343-287 trước công nguyên
Một ngày 5.5 nọ, ông quá bi phẫn nhảy xuống sông Mịch La tự tử, đó là một con sông nhỏ chảy vào Động Đình Hồ. Ngày nay bài thơ Ly Tao của Khuất Nguyên vẫn còn được truyền tụng và ngày ông chết trở thành tết Đoan Ngọ. Khoảng 250 năm sau Khuất Nguyên, Tỉ Quy lại sinh thêm một người chịu cảnh oan ức bi thảm nữa, đó là một người đẹp tên là Vương Chiêu Quân. Nàng hay giặt lụa trên bờ bắc của sông Dương Tử. Áo của nàng thơm đến mức cả cánh sông cũng thơm theo. Người đẹp như nàng dĩ nhiên là được tuyển vào cung của nhà vua Hán Nguyên Đế. Nhà vua này có quá nhiều "hậu cung", lười đi xem mặt nên truyền họa sĩ vẽ hình cung nữ dâng lên cho dễ chọn.
Trong lúc các cung nữ đua nhau đút lót cho họa sĩ để được vẽ hình đẹp thì Chiêu Quân quá nghèo không có khả năng nên bị một tên họa công Mao Viên Thọ vẽ xấu. Và nhà Hán hồi đó chỉ lo chuyện mỹ nữ nên hết sức suy nhược, bị "rợ Hồ" phía bắc uy hiếp, đòi cống nạp. Chiêu Quân vì thế mà bị hy sinh cống Hồ, trước khi đi nàng vào cung bái biệt thì nhà vua lười biếng nọ mới hay nàng có nhan sắc khuynh thành. Đó là năm 35 trước công nguyên. Chiêu Quân có tâm tư rất sầu thảm, nàng chỉ biết gửi trong tiếng đàn tì bà và cuối cùng chết ở đất Hồ. Ngày nay tại Tỉ Quy còn Chiêu quân đài tưởng nhớ đến nàng, thơ Đỗ Phủ còn nhắc đến nàng:
Nhất khứ Tử Đài liên sóc mạc,
Độc lưu thanh trũng hướng hoàng hôn
(Ra đi, cung Tử Đài liền sa mạc phía bắc,
Nay chỉ còn nấm mồ xanh trong bóng chiều)
Kinh Châu là trạm cuối cùng của tôi tại Trường Giang. Thị trấn đó đánh dấu thời vàng son của nhà Thục, đó là lúc nhà Thục bành trướng mạnh nhất về nước Ngô ở phía đông. Thế nhưng, như người Trung Quốc cũng nói, sự vật lúc lên tới cực điểm cũng là lúc tàn lụi. Kinh Châu là nơi Quan Công bị quân Ngô giết, cái chết đó làm Lưu Bị quên bài học chiến lược của Khổng Minh, ông đem quân báo thù và thất bại rồi chết tại Bạch Đế. Ngày nay Kinh Châu đã biến mất trên bản đồ, nó được nhập chung với hai thị trấn khác để thành Sa Thị (Shashi).
Nơi đây người ta cũng không còn mấy quan tâm đến Tam Quốc Chí ngày xưa mà đang xây lên một công trình vĩ đại bậc nhất của Trung Quốc, đó "Tam Hiệp công trình", xây đập ngăn sông làm thủy điện và điều hòa nước sông Trường Giang. Ghé Nghi Xương, tôi thấy một công trường khổng lồ, từ cao nhìn xuống thợ thuyền làm việc tấp nập có lẽ cũng như những ngày của Vạn Lý trường thành của 2200 năm trước. Nơi đây sẽ có một đập nước vĩ đại dài 2km, cao 185m ngăn dòng chảy của sông Dương Tử.
Toàn bộ công trình thủy điện sẽ hoàn tất năm 2009 nhưng đến năm 2003 thì Trường Giang tam hiệp đã được ngăn nước, mực nước sẽ dâng cao ít nhất 75m. Hơn hai triệu dân sẽ phải di cư, kể cả dân Tỉ Quy, số phận của họ cũng bi thảm không kém Khuất Nguyên, Chiêu Quân. Thần nữ phong, Bạch Đế thành chắc chắn không bị ngập vì nằm trên cao nhưng hầu như tất cả những phong cảnh vô song của Trường Giang tam hiệp sẽ chìm trong biển nước. Tôi là một trong những người cuối cùng được thấy tam hiệp. Sẽ không còn ai nhắc đến Xích Bích nữa, nó đã chìm trong lịch sử, nay nó sẽ chìm trong đáy nước. Vị thần nữ đứng trên núi cao nhìn xuống chắc không ngờ bài học trị thủy của mình ngày xưa nay đã được ứng dụng triệt để như thế.
TRÊN SÔNG KHÓI SÓNG CHO BUỒN LÒNG AI
Từ Kinh Châu tôi đi Vũ Hán (Wuhan). Vũ Hán là thành phố nằm trên chỗ tụ hội của sông Trường Giang và một con sông nên thơ khác tên là Hán Thủy. Ngày xưa chưa hề có tên Vũ Hán vì thật ra Vũ Hán là do ba thị trấn hợp lại, đó là Vũ Xương, Hán Dương và Hán Khẩu. Ngày trước chúng là ba thị trấn riêng biệt, cách nhau bởi sông Trường Giang rộng mênh mông. Ngày nay chiếc cầu Trường Giang tại Vũ Hán nối chúng lại với nhau biến thành một thị trấn phồn vinh, đồng thời khai tử tên Vũ Xương, làm nhiều người yêu thơ tiếc nuối.
Đường đi của tôi từ Kinh Châu đến Vũ Hán chính là đường xuyên qua Giang Châu, một vùng hoa gấm của thơ phú đời Đường. Giang Châu là một vùng có tên từ thời đầu công nguyên. Thời nhà Hán Tuyên Đế (năm 65], triều đình lấy một số vùng của Dương Châu, Kinh Châu mà lập ra Giang Châu, thủ phủ là Vũ Xương. Đó là một vùng xanh tươi, nhiều sông hồ, gồm Nhạc Dương, Động Đình Hồ, Lư sơn, Hán Thủy, Tầm Dương. Ngày nay tên Giang Châu đã biến mất trên bản đồ, nó đã được chia vào hai tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây.
Vũ Xương một thời là thủ phủ của Giang Châu, là địa danh nổi tiếng. Hơn hai ngàn năm trước ở đây có người đánh đàn hay tên là Bá Nha. Bá Nha hay đàn bài Lưu thủy cao sơn, bài này không ai biết thưởng thức chỉ trừ một người. Người đó là Chung Tử Kỳ. Lã Thị Xuân Thu kể: Ngày nọ Bá Nha gảy đàn, lòng nhớ tới núi cao, Tử Kỳ liền bảo: "Thiện tại hồ cổ cầm, Nguy nguy hồ nhược Thái sơn" (Đánh đàn hay thay, Vòi vọi như Thái sơn). Đến lúc Bá Nha nghĩ đến vực sâu, Tử Kỳ nhận ra ngay "Đăng đăng hồ nhược lưu thủy" (Cuồn cuộn như nước chảy). Đến lúc Tử kỳ chết, Bá Nha đập đàn không bao giờ gảy nữa. Tại Vũ Hán ngày nay có một cái lâu các với biển đề bốn chữ "Lưu thủy cao sơn", bên cạnh đó là một phiến đá, đó là nơi Bá Nha từng gảy đàn.
Phía đông Vũ Hán có Đông Hồ rộng mênh mông, cũng trong thời Chiến quốc của Bá Nha Tử Kỳ có một thi hào đã đến đây, đó là Khuất Nguyên mà ta đã nhắc đến. Ngày nay nơi đây có tượng của ông và viện bảo tàng nghệ thuật nói về con người chí khí đó.
Miền linh địa của nhạc và thơ như Vũ Xương cũng phải là chỗ lui tới của thần tiên. Tương truyền rằng có một đạo sĩ tu thành tiên tên là Phí Văn Vi [38], cưỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Tiên hay cưỡi hạc. Trên núi Thanh Thành, quê hương của đạo sĩ, tiếc thay kẻ người trần mắt thịt như tôi không gặp tiên cũng chẳng thấy hạc. Nhắc lại chuyện Đông Hồ thì tiên và hạc bay ngang đây thấy một bên là Trường Giang hoành tráng, một bên là Đông Hồ kiều diễm mới nghỉ chân trên mỏm đá Hoàng Hộc. Hậu thế mới xây một lâu các ngay trên mỏm đá đó, đặt tên là Hoàng Hạc Lâu, tương truyền khoảng trong thế kỷ thứ tư sau công nguyên. Bốn trăm năm sau có một nhà thơ tên Thôi Hiệu [39] đến đây. Ông lên lầu ngắm cảnh Hán Dương bên kia sông, cảnh trời chiều trên Trường Giang và sáng tác bài thơ Hoàng Hạc Lâu bất hủ:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu!
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? [40]
Đến Giang Châu thì làm sao tôi quên được "Giang Châu tư mã". Đó là tên được đặt cho Bạch Cư Dị, nhà thơ lớn của đời Đường. Cũng như Khuất Nguyên ngàn năm về trước, Bạch Cư Dị là kẻ làm quan nhưng đầy chí khí, đời ông bị đám quan lại bất tài vùi dập. Năm 816, lúc 44 tuổi, ông bị giáng chức đi làm tư mã [41] ở Giang Châu. Lúc này Giang Châu đã dời thủ phủ từ Vũ Xương về Tầm Dương. Tầm Dương chẳng qua là một đoạn sông của Trường Giang, địa danh đó cũng đã biến mất, ngày nay được gọi là Cửu Giang (Jiujiang).
Tầm Dương lại nằm sát núi Lư sơn, một thắng cảnh và núi thiêng của Phật giáo. Bạch Cư Dị về đó, "dựng một mái nhà tranh bên chùa Đông Lâm, dưới ngọn Đông Lô thuộc dãy Lư sơn, dành phần lớn thì giờ tu tiên học Phật"[42]. Thế nhưng Bạch Cư Dị là người hay có lòng xót thương với phụ nữ. Mười năm trước đó, năm 806, ông đã viết bài Trường hận ca thương khóc cho người đẹp Dương Quí Phi. Đó là một bài thơ để lại cho hậu thế một tấm lòng cảm thông đầy nhân đạo với thân phận của hồng nhan bạc mệnh. Năm 816, sau khi chứng kiến cảnh trôi nổi của chính đời mình, đêm nọ, bên bến Tầm Dương hiu quạnh, ông nghe tiếng đàn tỳ bà trong một chiếc thuyền, "giọng đàn lanh lảnh có tiếng ở kinh kỳ".
[38] - Có tài liệu chép là Tử An, theo Lê Nguyễn Lưu, Đường thi tuyển dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997
[39] - Sinh năm nào không rõ, mất năm 754
[40] - Bản dịch của Tản Đà, Ngày Nay số 80, 1937
[41] - Một chức quan nhỏ coi việc hình pháp
[42] - Trích Lê Nguyễn Lưu, sách đã dẫn
Hãy nghe lời tự sự của ông: "Hỏi ra mới biết là một người xướng nữ ở Trường An thường học đàn ở hai nhà thiện tài họ Mục và họ Tào; đến khi tuổi cả sắc suy mới gởi thân làm vợ một người lái buôn. Liền bảo đặt rượu và gảy mấy khúc đàn chơi, gảy xong người ấy buồn bã, tự kể khi trẻ trung thì vui thú chừng nào, nay phải lưu lạc tiều tụy ở nơi giang hồ. Ta ra làm quan ở ngoài đã hai năm vẫn thường lẳng lặng, tự dưng đêm ấy cảm mấy lời nàng nói mời để ý nỗi mình bị giáng trích, nhân làm bài ca trường thiên để tặng. Cả bài có 616 chữ, đặt tên là Tỳ bà hành".
Ôi, nhà thi hào cùng khóc với nàng kỹ nữ, có cảnh nào đáng cảm khái hơn? Vì thế mà tác phẩm Tỳ bà hành vang danh muôn thuở, dưới núi Lư sơn mà sinh ra được bài thơ trác tuyệt của kiếp nhân sinh. Mới đầu là:
Tầm Dương giang đầu hạ tống khách,
Phong diệp, địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty
Để rồi người nghe cảm thấy:
Đồng thị thiên nhai truân lạc nhân,
Tương phùng hà tất tằng tương thức
Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Và lúc chia tay:
Tọa trung khấp hạ thùy tối đa?
Giang châu tư mã thanh sam thấp.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu tư mã đượm mùi áo xanh [43].
[43] - Bản dịch của Phan Huy Thực, trích Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử, giản ước tân biên, NXB Đồng Tháp 1997
May thay cho Bạch Cư Dị, về sau ông lại được vời về kinh, nhận nhiều nhiệm sở khác nhau. Thế nhưng ông cũng đã chán ngán đường hoạn lộ, chỉ nhận những chức vụ không phải tranh giành với quan lại trong triều. Ông tránh triều đình, chủ động xin công tác ở những vùng xa nhưng tuyệt đẹp Hàng Châu, Tô Châu. Các đời vua thay thế nhau, vị nào cũng coi trọng ông nhưng ông tìm cách xa lánh, nhận những chức tước ít thế lực. Năm 836 ông về hưu với hàm Hình bộ thượng thư, kết bạn với sư Như Mãn, tự xưng là Hương sơn cư sĩ, "lòng nơi Thích Phạn, chân chốn Lão Trang". Bạch Cư Dị mất năm 845, thọ 75 tuổi. Ông để lại khoảng 2800 bài thơ, đứng ngang hàng với Lý Bạch và Đỗ Phủ nhưng nếu Lý Bạch phóng đãng giang hồ, Đỗ Phủ lăn lóc phong trần thì ông là một nhà Nho hiển đạt, địa vị nghiêm túc, nghiêng về trí tuệ.