Nga Mi Sơn (Emeishan)
Lý Bạch, nhà thơ đã từng leo lên Nga Mi sơn để ngắm trăng và nghe đàn cầm đã viết về ngọn núi này: "Nga Mi cao xuất Tây Cực thiên, La phù trực dữ thanh minh tế" (Ngọn Nga Mi cao quá trời Tây phương cực lạc, Bao la cây cỏ khoảng trời xanh).
Bao nhiêu năm tháng trước Lý Bạch, Tạp Hoa Kinh (một tên khác của Hoa Nghiêm Kinh) cũng nhắc tới Nga Mi bằng những dòng: "Phổ Hiền hóa nhân thiên đẳng chúng, hiện tướng hải ư Hoa Mi sơn" (Phổ Hiền hóa người trời các loại, Hiện tướng nhiều như biển ở Hoa Mi sơn). Huyền sử chép Nga Mi sơn là trú xứ của Bồ-tát Phổ Hiền, không những thế nơi đây còn có cả một cái ao mà Phổ Hiền từng tắm cho con voi sáu ngà của mình.
Nga Mi sơn nằm ở phía nam tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô 160km về phía tây nam, với đỉnh cao nhất là Vạn Phật đỉnh đo được 3099m. Đường lên núi Nga Mi hết sức cheo leo với hai đường đèo, một phía bắc dài 44km, đường kia phía nam dài 66km. Sau đó ta phải đi bằng dây cáp mới lên được tới đỉnh. Tôi lên đỉnh gặp một ngày nắng tốt, thông thường ở đây mây mùa bao phủ quanh năm vì Nga Mi sơn nằm không xa hai dòng Mân giang và Thanh Y giang. Lên tới đây không khí đã loãng, đi vài bước ta đã hụt hơi.
Thật là một cảnh tượng sơn kỳ thủy tú tôi chưa từng thấy. Đường đi quanh co, cứ qua khỏi một khúc quanh, cảnh vật lại hiện ra khác lạ. Vách núi chập chùng cao như dựng ngược. Thác đổ nước trắng xóa xuống những con suối sâu chảy lẫn trong lá. Đây là chốn thần tiên của kỳ hoa dị thảo. Và khi lên đến nơi, tới Kim Đỉnh, ta đứng trên ngọn Đại Nga chót vót với một độ cao 3077m, "bao la cây cỏ khoảng trời xanh". Đây hẳn là nơi Lý Bạch ngắm trăng rồi viết bài thơ "Nga Mi sơn nguyệt ca" và nghe Thục tăng Tuấn đánh đàn cầm. Ngày xưa hẳn ông phải đi bộ lên đây bằng những bậc tam cấp đá xanh, tôi không rõ đi bao lâu thì tới, nhưng nếu không tới Kim Đỉnh thì khỏi thấy "trời xanh" hay "trăng thu" vì dưới đó xung quanh toàn là vách núi.
Lý Bạch không phải là người đầu tiên lên đây. Từ thời Đông Hán (25-220] ở đây đã có Kim Đỉnh Phổ quang điện. Đến khoảng đời nhà Đường, nhà Tống, tại Nga Mi sơn được xây dựng rất nhiều. Sau đó đời Minh, Thanh là những thời cực thịnh của Nga Mi sơn. Rải rác trong rặng Nga Mi sơn này là 200 đền đài tự viện, là chốn thiêng liêng của Phật giáo Trung Quốc. Ngày nay trên Nga Mi sơn còn khoảng 20 ngôi chùa còn được bảo tồn và đang tu sửa.
Đến Kim Đỉnh tôi thăm được Hoa Tạng tự. Đây là chùa xưa nhất và được trùng tu vào đời Thanh (1866]. Gần đó là Ngọa Vân am, trong đó có một tấm bi đồng có xuất xứ từ đời nhà Minh. Tại Kim Đỉnh người ta có thể thấy một hiện tượng gọi là "Phật Quang", là ánh cầu vồng hình tròn gồm có bảy màu thường xuất hiện lúc giữa trưa khi người xem đứng trên Đỗ Quang đài. Đó là một trong ba cảnh đẹp nhất của Kim Đỉnh: Phật quang, cảnh mặt trời mọc và biển mây xung quanh Kim Đỉnh.
Tại Kim Đỉnh ta có thể đảnh lễ Phổ Hiền và quán đại nguyện của Ngài mênh mông như bầu trời, như ánh dương vừa mọc, như biển mây bao la, như cầu vồng ngũ sắc. Còn nếu muốn tham bái tượng Phổ Hiền thì hãy đến chùa Vạn Niên tự nằm ở độ cao 1020m của Nga Mi, tương truyền Phổ Hiền đã nghỉ chân tại đây. Chùa này được xây đời Tấn (265-420], bị hư hại nhiều lần, đến đời nhà Minh được trùng tu lại. Năm 1946 chùa bị hỏa hoạn, nay chỉ còn "Chuyên điện" (điện đá nung). Điện này được xây từ đời nhà Tống, có hình vòm, không cần cột kéo chống đỡ. Trong điện có tượng Phổ Hiền bằng đồng cao 7,3m, nặng 62 tấn và trên vòm tháp có khoảng 3000 tượng Phật nhỏ.
Nếu Văn-thù Sư-lợi cưỡi sư tử xanh và đại diện cho trí huệ thì Phổ Hiền được trình bày ngồi trên voi trắng và đại diện cho hành động. Văn-thù và Phổ Hiền là sự hợp nhất giữa trí huệ và hành động, đại diện cho nguyên lý "tri hành hợp nhất". Vì thế mà hai vị Bồ-tát này hay được thờ tả hữu bên cạnh đức Phật. Đại nguyện của Phổ Hiền trong hành động thường được gọi là "Phổ Hiền thập nguyện" [38], được nhắc nhở trong hai kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.
Muốn có đại nguyện hành động như Phổ Hiền, tức là "thể nhập hành Phổ Hiền", đó là điều không dễ, nó phải có trí tuệ của Văn-thù. Nói theo văn chương thông thường, muốn hành động phải có trí; muốn có hành động to lớn phải có trí to lớn, muốn có đại hạnh phải có đại trí. Và ngược lại muốn có trí đích thực thì con người phải tự mình nếm trải, tự mình hoạt động. Và muốn có đại trí vượt trên nhị nguyên để hiểu Tính Không thì phải có đại hạnh bao la của Phổ Hiền, trong đó cái cá thể đã bị vượt qua. Cái "tri" và "hành" nằm trong một thể thống nhất của hai mặt biện chứng mà chúng ta có thể chứng ngộ trong phạm vi nhỏ.
Hãy trở lại với Thiện Tài, nhờ nghe Văn-thù giảng các pháp môn mà Thiện Tài mới "thâm nhập được vào đạo trường của hành Phổ Hiền" [39] và khi ở trong đạo trường đó, Thiện Tài tận mắt trông thấy trong mỗi "hạt bụi nhỏ đều chứa đựng trọn vẹn công đức Phổ Hiền". Đó chính là "tất cả trong Một, Một trong tất cả", cốt lõi của Kinh Hoa Nghiêm, cái đại trí của Văn-thù Sư-lợi. Kinh sách Đại thừa nhắc đến khoảng 200 vị bồ-tát và mỗi vị ra đời cũng vì hành động cho thế gian.
[38] - Đó là: 1.Kính lễ chư Phật, 2. Xưng tán Như lai, 3. Rộng tu cúng dường, 4. Sám hối nghiệp chướng, 5. Tùy hỉ công đức, 6. Thỉnh chuyển pháp luân, 7.Thỉnh Phật tại thế, 8. Thường theo học Phật, 9. Luôn thuận chúng sinh, 10. Hồi hướng cho tất cả
[39] - Trích Kinh Hoa Nghiêm, Việt dịch của Thích Nhất Chân
Tại Trung Quốc năm vị được tôn kính nhiều nhất, đó là Di-lặc, Phổ Hiền, Quan Âm, Văn-thù và Địa Tạng, mỗi vị chủ đạo một hướng khác nhau trong việc giáo hóa và cứu độ. Thế nhưng trong các vị thì hành động của Phổ Hiền, "hạnh" của Ngài, là to lớn nhất bao trùm nhất, tổng kết tất cả mọi hoạt động khác. Vì thế mà Phổ Hiền được gọi là bậc "đại hạnh" và cũng là vị cuối cùng trong Kinh Hoa Nghiêm mà Thiện Tài gặp gỡ sau khi đi tìm gặp hơn 50 vị thiện tri thức khác. Với Phổ Hiền, Thiện Tài cầu "Bồ-tát hành, nhất thiết trí" và đó chính là mục đích cuối cùng của bồ-tát đạo của Đại thừa Phật giáo.
Nga Mi sơn xứng danh với hạnh nguyện vô tận của Phổ Hiền với vách núi, biển mây, bao la như không gian, rực rỡ như hoa lá. Đó là ngọn núi cao nhất của Trung Quốc mà tôi lên được tới đỉnh, trên đó tôi thở dốc vì thiếu dưỡng khí. Tôi cũng hụt hơi vì đại trí của Văn-thù, đại hạnh của Phổ Hiền quá cao xa, quá khó tới. Thế nhưng bài học tôi ngẫm nghĩ được trên ngọn núi này là nhận thức và hành động phải đi đôi với nhau, nó không phải là bài học luân lý đạo nghĩa mà là phương cách nhận thức. Nó nói rằng nhận thức đích thực chỉ xuất hiện trong hành động. Nhận thức dẫn đường cho hành động nhưng chỉ hành động mới đem lại tri kiến đích thực.
NHỮNG KÍCH THƯỚC VĨ ĐẠI
Từ chân núi Nga Mi có con đường số 31 đi về phía đông, cách khoảng 30km là một thị trấn nhỏ tên gọi là Lạc sơn (Leshan). Lạc sơn là chỗ tụ hội của ba con sông Mân Giang, Thanh Y giang và Đại độ hà. Ba con sông này nhập lưu nơi đây nên chỗ này nước xoáy, sóng dữ, xưa nay ghe thuyền bị đắm rất nhiều.
Ngày nọ có một tăng sĩ tên là Hải Thông đi qua, thấy thuyền bè đi lại rất nguy hiểm, ông quyết xây nơi đây một tượng Phật thật lớn mà người Trung Quốc gọi là "Đại Phật". Ông lựa một ngọn núi đá nhìn ra hướng ba con sông, quyên tiền bạc của cải để bắt đầu công trình xây dựng. Viên quan địa phương thời đó thấy ông có tiền của, đòi chia chác. Ông khẳng khái từ chối, nói đó là tiền của bá tánh quyên góp, không phải là tiền của ông và nói thêm, nếu của ông thì ông không tiếc gì cả. Viên quan nọ hỏi xin thử mắt ông, nào ngờ Hải Thông móc mắt đưa ngay. Việc làm đó dĩ nhiên làm người thần đều sợ, Hải Thông bắt đầu công trình xây dựng, đó là năm 713, đời nhà Đường.
Hải Thông xây dựng đến cuối đời mình vẫn chưa xong, sau khi ông chết nhiều tăng sĩ tiếp tục công trình. Đến năm 803, chín mươi năm sau, Đại Phật Lạc sơn hoàn thành, ngày nay là tượng Phật đẽo từ đá lớn nhất thế giới. Đó là tượng Phật Di-lặc cao 71m, đẽo từ một vách đá, lưng dựa vào núi Long Vân, mặt nhìn ra sông, mắt ngang 3,3m, tai dài 7m, vai rộng 24m, trên bàn chân đứng được 100 người. Khí độ tượng Phật hùng vĩ, xứng đáng với câu "Sơn thị nhất tôn Phật, Phật thị nhất tòa sơn" (Núi là một vị Phật, Phật là một ngọn núi). Sau khi tượng hoàn thành tàu bè không còn bị đắm. Nhiều người cho rằng lúc xây dựng, đá núi được đổ xuống sông và biến đổi lòng sông một cách thuận lợi, chế ngự được các dòng nước xoáy. Nhiều người khác cho rằng Di-lặc mà nhìn ra sông thì dòng sông là nguồn ân phước vô tận.
Lạc sơn thực ra là một thị trấn nhỏ nhưng nhờ Đại Phật lớn nên ngày nay đã trở thành một đô thị phồn vinh với nhiều du khách. Đây là nơi của trung tâm bảo tồn vùng Nga Mi-Lạc sơn, theo công thức mà người Trung Quốc ưa nói "Lên Nga Mi đảnh lễ Phổ Hiền, xuống Lạc sơn tham bái Di-lặc". Đến Lạc sơn tôi được biết thêm ngày xưa tượng Đại Phật này có thêm một tòa lâu đài cao 13 tầng che chở bức tượng, gọi là Đại tượng các, nhưng đã bị hủy cuối đời nhà Minh. Thế nhưng mưa gió bao thế kỷ không hề hấn gì đến tượng Di-lặc bằng đá, có chăng là trên đầu, vai, tay áo của tượng rêu phong đã bám xanh rì.
Hai bên tả hữu bức tượng có đường đi từ dưới chân Đại Phật lên núi Long Vân, trên đó có chùa Linh Bảo với tháp gạch cao 38m xây trong đời nhà Tống. Cũng tại đó ta có thể thấy tượng Hải Thông mà khuôn mặt và điệu bộ cương quyết của ông hầu như còn truyền đạt ý chí sắt đá của người xưa.
Rời Lạc sơn vài km là không còn thấy du khách đâu nữa, chúng tôi đi hướng bắc để đến Bát long đảo. Trên dòng Thanh Y Giang tôi lạc vào một "quốc độ" chỉ toàn là tháp tượng, đó là "Thiên tháp Phật quốc" tại Tào Ngư Than. Nơi đây, tuy không đến ngàn ngôi tháp như tên gọi nhưng con số cũng lên đến 108 ngọn tháp, không tháp nào giống tháp nào, tất cả đều được tạc bằng "nhã thạch". Cảnh vật u tịch ở đây làm tôi nhớ đến chùa Linh Mụ và điện Hòn Chén ở Huế. Cả hai nơi đều là cảnh thanh sơn thủy tú, sông liền núi, núi ngăn sông. Điều khác biệt với xứ Huế bé nhỏ là người Trung Quốc không ưa những con số nhỏ, những kích thước bé. Lẫn trong 108 ngọn tháp đó là một tượng Phật nhập Niết bàn dài 45m, cao 12,5m. Giữa núi rừng cô tịch, nhìn xuống là nước, nhìn lên là núi, giữa vô số tượng tháp và trong mùi hương trầm quen thuộc, tôi bỗng nhớ thượng nguồn sông Hương tha thiết.
Những ngày xưa ấy hiện về rõ mồn một với màu nước trong xanh, với lòng kính sợ khi đi thuyền qua trước điện Hòn Chén. Đó là ngôi điện nằm đúng chỗ miệng con rồng vĩ đại, một nhánh của Trường sơn, cúi mình hút nước sông Hương. Đó phải là nơi mà ngày xưa còn rất nhỏ, tôi đã cảm thấy giữa trời đất này phải có cái gì thiêng liêng, nó không thể chỉ là cát đá trơ trụi được. Thế giới không thể chỉ là vài hạt điện tử quay vòng vòng xung quanh hạt nhân được, tôi tự nhủ khi lớn lên. Tuy thế nếu hỏi cái thiêng liêng đó là gì, không ai trả lời được rõ ràng. Ngày nọ nghe Goethe, nhà thơ lớn nói: "Giữa trời và đất hẳn phải có cái gì khác nữa", tôi thấy mình không đơn độc lắm, nhưng nhà thơ và cũng nhà bác học người Đức đó cũng chẳng nói gì thêm. Ông không biết hay biết mà không muốn nói?
Không phải chỉ Goethe, nhiều người phương tây dường như cũng khắc khoải về "cái gì đó nằm giữa trời và đất". Tôi nhớ đến câu chuyện của một phi hành gia. Ông ta tự hỏi, mình đi bao nhiêu tầng trời rồi mà chẳng thấy Chúa đâu cả. Một nhà giải phẫu đáp lại, ông đã mổ bao nhiêu cái đầu rồi mà cũng không thấy tư tưởng đâu cả. Xem ra, cái thiêng liêng đó không phải là thứ để ta thấy, để ta có thể sờ mó được. Nó nằm ngoài năm giác quan của ta nhưng nó thâm nhập và điều hành mọi sự. Đã bốn mươi năm trôi qua kể từ lòng kính sợ ngày xưa tại điện Hòn Chén đến ngày nay được hân hoan đứng trước tượng Đại Phật nhập niết bàn tại Hồng Nhã Tứ Xuyên, tôi cũng không biết rõ hơn bao nhiêu cái thiêng liêng đó thực chất là gì. Thế nhưng điều tôi hiểu rõ là câu hỏi nọ của mình ngày trước không hề là thắc mắc của trẻ con khờ dại mà là vấn đề trọng đại nhất của con người.
ĐẠI TÚC (Dazu), THẠCH ĐỘNG NGỦ QUÊN ^
Cách Trùng Khánh về hướng tây khoảng 100km có một vùng hoang dã ngủ yên trong rừng núi. Một ngày nọ trong năm 1939, một giáo sư ngành kiến trúc tình cờ đến thăm và khám phá những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp nằm trong nhiều hang động. Nhiều người bắt đầu đến tham quan thì chiến tranh thế giới nổ ra và Trung Quốc lâm vào cảnh nội chiến triền miên mà Trùng Khánh là một trong những căn cứ địa của Quốc Dân đảng. Sau ngày hòa bình lập lại nhiều người lại đến thăm nơi đây, thế nhưng lại có một loạt xáo trộn mới xảy ra, mang tên cách mạng văn hóa.
May thay có một người cứu những tác phẩm điêu khắc đó trong phút cuối cùng, trước khi chúng bị phá hủy. Người đó là Chu Ân Lai, Thủ tướng thời đó của Trung Quốc và các hang động đó là Đại Túc Thạch quật. Về sau tôi biết thêm ông đã cứu nhiều đền đài tượng tháp của đạo Phật, trong đó có chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu. Có người không ngại gọi ông là một vị hộ pháp. Có người phá hoại thì cũng có kẻ cứu hộ, điều đó xảy ra trong lịch sử Trung Quốc rất thường.
Đại Túc không hề là một nơi hoang dã như ta tưởng. Huyền sử chép rằng đức Phật đã đặt chân tại một hồ nước ở Bảo đỉnh sơn tại Đại Túc, vết chân dài đến 2m, vì thế thị trấn xa xôi này có tên Đại Túc (chân lớn). Sự thật lịch sử là cuối đời Đường, thời Đường Vũ Tông, Phật giáo bị bức hại, nhiều tăng sĩ bỏ Trường An chạy về Tứ Xuyên đến Đại Túc. Về sau khoảng cuối thế kỷ thứ 9, có một viên tướng tên là Vĩ Quân Tinh [40]chống lại triều đình ở Thành Đô, ông rút về Đại Túc, núi Bắc sơn, cho quân đẽo núi đá tạc hình tượng Phật để cầu nguyện.
[40] - Trích tư liệu do chùa Khánh Anh, Paris phát hành
Trong khoảng 250 năm sau, trong thời Ngũ Đại (907-960] và đời Tống (960-1279], ảnh hưởng Phật giáo trong vùng này rất mạnh. Từ đó mà phát sinh vùng Đại Túc với khoảng 70 khu vực gồm 50.000 tượng Phật nằm rải rác, mà hai thạch động tại Bắc sơn và Bảo đỉnh sơn - hai bên cách nhau khoảng 20km - là quan trọng nhất. Có xem Đại Túc rồi tôi mới thấy tầm vóc của nó ngang hàng với Vân Cương thạch quật đã trình bày trong các chương trước.
Tại Bắc sơn, cách Đại Túc khoảng 2km, ta thấy một động đá cao khoảng 7m, dài 500m, trong đó là vô số tượng đẹp. Ở phía nam của động là các tượng tạc trong thế kỷ thứ 9, 10, hình vóc đầy đặn áo quần giản dị, đó là nghệ thuật đời Đường và Ngũ Đại. Ở phía Bắc là các tượng đời nhà Tống, thế kỷ thứ 12, vóc gầy nhưng nhiều trang sức, quần áo cầu kỳ. Nơi đây, sau khi viếng Ngũ Đài và Nga Mi, tôi được gặp lại Văn-thù cưỡi sư tử và Phổ Hiền ngồi voi trắng. Trong các tượng tại Bắc sơn thì tượng Nhật Nguyệt Quan Âm có lẽ đẹp nhất. Về sau tôi mới biết mình sẽ còn đến đảnh lễ Quan Âm tại Phổ Đà sơn.
Đi về phía bắc của Đại Túc ta đến một nơi gọi là Đại phật loan nằm dưới chân núi Bảo đỉnh sơn. Nơi đây trong thế kỷ thứ 12 có một danh tăng trên là Triệu Chí Phụng. Ông là người khởi công xây dựng thạch quật này từ năm 1179. Suốt 70 năm nhiều thế hệ nghệ nhân đã lao động nơi đây để ngày nay ta có khoảng 10.000 tượng Phật để chiêm bái.
Triệu Chí Phụng là một tăng sĩ Mật giáo kỳ bí. Ông là người được truyền pháp Kim Cương đảnh của Du-già bộ Mật giáo [41] từ Kim Cương Trí[42]. Kim Cương Trí là người Ấn Độ, là một trong ba đại sư truyền bá Mật Tông tại Trung Quốc. Triệu Chí Phụng tự tay tạc nhiều tượng tại Bảo đỉnh sơn, trong đó nhiều tượng Tì-lô-giá-na và nhiều vị bồ-tát rất lạ, trình bày quan niệm về vũ trụ của Mật giáo [43]. Động quy mô nhất hẳn phải là động Viên giác, trình bày ba vị Phật của ba thân: Pháp thân, Báo thân, Ứng thân. Hai bên là 12 vị bồ-tát, mỗi vị có vẻ mặt và thế ngồi khác nhau.
[41] - Trích Phật Quang đại từ điển, 1994
[42] - 671-741
[43] - Xem "Kumbum", man-đa-la vĩ đại" trong phần thứ tư
Nhiều sách nước ngoài cho rằng bức tượng quan trọng nhất là Quan Âm với 1002 cánh tay (có nơi ghi 1007], tỏa ra chiếm một diện tích 88m2. Trong các động ở Bảo đỉnh sơn ta còn thấy rất nhiều "biến tướng" của kinh sách Mật tông như Đại Bảo, Quảng bá lâu các, Thiện trụ bí mật đà là kinh. Ngoài ra có các kinh hiển giáo như Kinh báo ân phụ mẫu, diễn tả công dưỡng dục của cha mẹ. Nhiều sách nước ngoài không biết tích kinh, cho rằng đó là thạch tượng mô tả "đời sống hàng ngày". Tranh Thập mục ngưu đồ của Thiền tông cũng được đẽo trên vách đá, trông rất hóm hỉnh, sau gần 1000 năm mà tương đối còn được bảo tồn.
Bảo đỉnh sơn là một công trình nói lên sự hòa nhập hiếm thấy của hai tông phái Mật tông và Thiền tông tại Trung Quốc. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc thường hay trình bày Mật tông như một tông phái cực đoan tả đạo. Tôi cho rằng, khi đã nhận là mật giáo, Mật tông cũng chẳng cần ai hiểu và muốn hiểu Kim Cương thừa, hành giả cần phải được quán đỉnh trong một môn phái nhất định. Giữa Mật và Thiền tông có những cái rất chung, mặt dù mặt ngoài hai bên khác nhau rất nhiều, tôi tự nhủ. Tôi nhớ lại cuộc đời của 84 vị thành tựu giả của Ấn Độ, các vị đó sống trong thế kỷ thứ 8 đến 11, tức cũng đúng là thời của nhà Đường nhà Tống, thời vàng son của Thiền tông Trung Quốc, mà cũng là thời xây dựng các thạch động này tại Đại Túc. Kỳ lạ thay thời gian đó, đó là thời kỳ của các thiền sư chủ trương "thấy tánh" là thành Phật, của các vị thành tựu giả chỉ cần quán ngộ Tính Không là đủ nhập vào "cõi của không hành nữ Dakini" [44]. Đó cũng là thời kỳ của Từ Đạo Hạnh, Không Lộ, Giác Hải tại Việt Nam, những vị hít thở không khí của Mật và Thiền tông. Các vị đó chính là những đại thành tựu giả của Việt Nam, những kẻ thong dong ra vào chốn sinh tử, đã đạt "thần thông kiêm biến hóa"[45]. Các vị cũng là thiền sư đạt đạo, đã siêu việt vượt trên chuyện có-không: "Tác hữu trần sa hữu, Vi không nhất thiết không" (Có thì muôn sự có, Không thì tất cả không) [46].
[44] - Theo quan điểm của Kim cương thừa, đó là nơi không còn sự tái sinh
[45] - Thơ của vua Lý Nhân Tông khen Giác Hải
[46] - Kệ của Từ Đạo Hạnh (mất năm 1115]
Bao giờ trở lại đồng Bương Trấn,
Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng[47].
[47] - Trích Đôi mắt người Sơn Tây, thơ Quang Dũng
Ngay giữa Trung Quốc mà tôi bỗng nhớ chùa Thầy tại núi Sài Sơn tha thiết, biết bao giờ mới sống lại thời gian tuyệt đẹp đó. Sài Sơn thuộc tỉnh Hà Tây chỉ cách Hà Nội có 25km. Cũng như Đại Túc ghi dấu chân Phật thì Sài Sơn ghi dấu chân Từ Đạo Hạnh. Các bậc đắc đạo, các vị tu Mật tông thường có dấu ấn của mình theo cách đó. Tôi yêu thích Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần vì đó là nơi dung hợp giữa Thiền và Mật tông, không chút phân biệt. Cũng như Thiền tông có đức Thích-ca là sơ tổ môn phái mình thì trong Mật tông cũng thế, Pháp thân, Báo thân của Phật đã truyền Mật giáo cho Kim cương tát-đỏa và từ đó được mật truyền về sau. Thiền cũng như Mật tông chỉ là hai môn phái trong vô số pháp môn của đạo Phật, ta không nên rơi vào cạm bẫy thường tình của tư tưởng để phê phán so đo đúng sai, chúng tùy thuộc vào căn cơ trình độ của hành giả, tôi tự nhủ.