Người hành khách bí ẩn

Tác giả : Georges Simenon
  • Lượt đọc : 700
  • Kích thước : 0.81 MB
  • Số trang : 157
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 100
  • Số lượt xem : 1.245
  • Đọc trên điện thoại :
Đây là một căn bệnh tấn công những tàu thuyền trong tất cả các vùng biển trên thế giới mà nguyên nhân thuộc một lĩnh vực chưa ai biết, được gọi là ngẫu nhiên.

Nếu những triệu chứng bước đầu của căn bệnh ấy rõ ràng thì chúng sẽ không thể thoát khỏi cặp mắt của những thuỷ thủ. Tuy nhiên, nó thường bắt đầu bằng những điều hết sức vô cớ, chẳng hạn như: một dây néo đứt văng ra như dây vĩ cầm làm bứt đi cánh tay một thuỷ thủ. Hoặc giả một chàng thủy thủ trẻ xoè ngón tay cái trong lúc gọt vỏ khoai tây và ngày hôm sau “tai hoạ bất ngờ” làm anh ta thét lên. Nếu không do vận hành sai thì làm sao một chiếc canot lại dại dột lao vào sống mũi tàu?

Nhưng đó vẫn chưa phải là “cái nhìn xúi quẩy”. Cái nhìn xúi quẩy đòi hỏi hàng loạt những tai nạn. Khi cái loạt xúi quẩy ấy đeo đuổi, người ta dễ dàng nhận thấy những tổn hại mới vào ban đêm hoặc ngày hôm sau.

Từ khi nó xuất hiện, mọi việc sẽ ngày càng xấu đi và những người đàn ông, chỉ còn biết nghiến răng mà đếm những trận đòn. Đó là lúc mà cỗ máy đã vận hành ba mươi năm không một lần hỏng hóc, bỗng dở chứng kẹt máy như chiếc cối xay cà phê cũ kỹ.

Bất kể những dự báo được xác định là tốt nhất trên những bảng khí tượng và theo kinh nghiệm, nếu đúng, thì trong hai mươi ngày tới vào mùa này, gió không bao giờ xảy ra.

Và con sóng đầu tiên ập đến sẽ không cuốn một người vào biển cả! Sẽ có bệnh lỵ nếu không phải dịch hạch!

Còn may mắn nếu người ta sẽ không giạt vào mắc cạn ở một bãi cát hoặc khi đi vào cảng, người ta không va phải đê chắn sóng.

○○○
Con tàu Polarlys, neo đậu ở cảng số mười bảy trong một vũng tàu xa xôi nhất và bẩn thỉu nhất ở Hambourg phải nhổ neo dời bến vào ba giờ chiều theo thông báo ở tấm biển móc vào thùng thư tại cầu tàu.

Chưa đến hai giờ, thuyền trưởng Petersen đã mơ hồ cảm thấy “cái nhìn xúi quẩy” rình rập. Tuy nhiên đây là một người đàn ông cương nghị, béo lùn, mập mạp. Từ chín giờ sáng, ông bước từng bước dài trên boong giám sát việc bốc hàng lên tàu.

Sương mù đặc biệt vàng và xám, chứa đầy bồ hóng, phả ra độ ẩm lạnh giá, đè nặng lên bến cảng và thành phố, người ta chỉ nhìn thấy những chiếc đèn của xe điện, những cửa sổ sáng đèn như giữa đêm.

Lúc này là cuối tháng hai. Do lạnh và vì vật lộn trong những đám mây ấy, đã để lại trên mặt và những bàn tay một loại váng băng.

Mọi hồi còi đồng loạt rít lên thành một tiếp âm chói tai lấn át tiếng kèn kẹt của những cần trục.

Boong tàu Polarlys hầu như vắng vẻ: bốn người đàn ông ở trên khoang trước đang tháo dỡ những chiếc hòm và thùng. Con tàu không có gì nổi tiếng cả. Đây là con tàu chạy hơi nước trọng tải một nghìn tấn, có vẻ tàu đánh bắt cá thu, boong tàu luôn đầy ắp hàng hoá, tàu làm dịch vụ từ Hambourg đến Kirkenes bằng cách đi dọc bờ biển Na Uy để phục vụ giao thông cho những cảng nhỏ. Đây là con tàu hỗn hợp có chỗ cho năm mươi hành khách ghế hạng nhất và cũng ngần ấy hành khách hạng ba. Từ Na Uy, người ta đưa đến nơi nhận những máy móc, hoa quả và thịt muối. Người ta đưa về từ cực Bắc những thùng cá thu cũng như da gấu và dầu hải cẩu.

Cho đến Lofoten, khí hậu bình thường. Rồi đột nhiên, người ta rơi vào những miền băng giá và trong đêm dài tới ba tháng.

Những sĩ quan là người Na Uy. Những chàng trai tốt biết trước sẽ lấy bao nhiêu thùng ở Công ty Olsen tại Tromsoe và chuyên chở cho ai ở Hambourg những máy công cụ.

Ngay buổi sáng ấy, Petersen dứt bỏ chiếc lon cuối cùng của mình chỉ được giữ bằng một sợi chỉ. Công ty bỗng cử ông đi với hàng tràng những lời dặn dò như với sĩ quan thứ ba, một chàng trai Hà Lan mười chín tuổi gầy mảnh như mới mười sáu tuổi! Phải chăng sự xuất hiện của Vriens lúc mười giờ làm cho Petersen đánh hơi thấy cái nhìn xúi quẩy?

Anh ta tốt nghiệp trường hàng hải Delfzijl ngay tuần ấy. Hôm qua, anh ta trình diện vẻ xanh xao, xúc động, trong bộ đồng phục đứng đắn, ngơ ngác, đứng nghiêm.

— Tuân lệnh, thưa thuyền trưởng!

— Này, anh Vriens - Petersen nói với anh ta - tôi không có lệnh cho anh trong lúc này. Anh có thể nghỉ ngơi cho tới ngày mai. Với tư cách là sĩ quan thứ ba, anh lo việc đưa hành khách lên tàu.

Vriens đi, buổi tối không trở lại. Vào mười giờ sáng, thuyền trưởng trông thấy anh ta xuống xe taxi, lảo đảo, với nước da xanh xao, mi mắt sưng phồng, cái nhìn sợ sệt.

Khi anh ta qua cầu tàu, đúng là anh ta loạng choạng. Petersen xoay lưng lại với anh ta, nghe thấy anh ta chạm gót chào trước khi đi về phía buồng mình.

— Anh ta ốm yếu như một con chó! - Một lúc sau người phục vụ nói. - Anh ta yêu cầu tôi cà phê rất đặc. Anh ta nằm duỗi dài, thẳng đơ trên giường hầu như không sao nói được. Người ta để que diêm cháy trước hơi thở của anh ta...

Tất nhiên đó không phải là thảm hại! Nhưng khi ta có thói quen sống chung với những sĩ quan của mình, ta không thích nảy sinh một gã trai thuộc loại này, nhất là có một lá thư của quan chức hành chính đến trước, gửi gắm tạo điều kiện dễ dàng cho những bước đầu của anh ta.

Ở tuổi mười chín, Petersen chưa tốt nghiệp nhưng ông đã ba lần đi vòng quanh thế giới!

○○○
Ông có thể dự báo trước việc đó. Một loạt “tai họa” sẽ bắt đầu. Trong lúc đi vòng trên con tàu của mình, hai tay đút túi, chiếc tẩu thuốc ở miệng, ông nhìn thấy một gã cao lớn tóc hung đứng tựa lưng vào thành tàu, cuốn một điếu thuốc lá. Người đàn ông đành mập mờ cúi đầu chào ông, tìm diêm trong túi.

Rõ ràng là một con chuột ở cảng! Một trong số tên lang thang này ở miền Bắc không giống một tên lang thang nào trên trái đất. Một gã trai dưới bốn mươi tuổi cao lớn, khoẻ mạnh, vẻ đứng đắn mặc dầu bộ râu tám ngày không cạo và đôi má hơi lõm. Gã ở đây như ở nhà gã. Gã rít thuốc từng hơi ngắn, ưỡn ngực dưới chiếc áo hiệu Landwehr cũ mà gã đã thay cúc.

— Anh làm gì ở đây?

Gã hất cằm chỉ cơ trưởng rõ ràng đang qua cầu. Và người sau giải thích cho thuyền trưởng.

— Thủy thủ tiếp than vừa bị sốt rét. Tôi phải để lại hắn trên bờ. Thế là tôi nghĩ đến gã này trên bến cảng, và tôi tuyển dụng gã làm thủy thủ tiếp than vào lò. Gã khỏe mạnh...

— Anh ta có giấy tờ không?

— Đúng thể thức! Gã ra tù ở Cologne... - Và cơ trưởng cười trong lúc rời đi.

“Vậy là hai!" - Petersen làu bàu.

Có một kẻ tiếp than vào lò, dù là kẻ mới ra tù đối với ông thế nào cũng mặc vì ông đang cần. Nhưng ông cảm thấy chán ghét gã từ đầu đến chân. Trong lúc đi bách bộ, ông tiếp tục lén quan sát gã.

Phần lớn những kẻ lang thang người Đức đều có cái vẻ tự tin này, việc không biết xấu hổ và ngay cả sự hèn mọn này. Thêm nữa, gã này còn có vẻ gì mỉa mai trong cái nhìn. Gã cảm thấy mình bị dò xét. Gã tiếp tục hút thuốc, thỉnh thoảng đá lưỡi thấm ướt giấy thuốc, rồi nhìn khói thuốc phả ra từ miệng gã hoà trộn với sương mù.

— Anh tên là gì?

— Peter Krull.

— Anh đã làm gì để phải vào tù?

— Lần cuối cùng tôi không làm gì hết! Đó là sự sai lầm của tư pháp... - Gã nói từ tốn, giọng kéo dài và chính thuyền trưởng bỏ cuộc nói chuyện.

Vả lại một dây cáp đứt đúng lúc đó làm cho một chiếc thùng cực lớn bọc kín chiếc máy kéo nông nghiệp lao vụt xuống từ độ cao sáu mét vào đáy khoang.

Hành khách đầu tiên lên tàu, Petersen chỉ trông thấy chiếc hòm xanh và chiếc áo khoác màu xám.

— Vriens đâu? - Thuyền trưởng hỏi người phục vụ - Tôi mong rằng tôi sẽ không phải lo tới cả việc lên tàu!

— Anh ta ở phòng khách trước những cuốn sổ.

Đúng thế. Chắc chắn anh ta đau quặn bụng, đầu óc đau đớn nhưng anh ta đang ở vị trí của mình. Anh ta tiếp khách, ghi lại những điều chỉ dẫn trong hộ chiếu của người ấy và chỉ cho người đó một phòng.

Hai giờ cuối cùng luôn lộn xộn. Những chiếc xe tải đưa hàng hoá đến chậm. Những chiếc cần trục không thể vận hành nhanh hơn.

“Mặc kệ! Ta sẽ bỏ lại ai không lên tàu đúng giờ!"

Một sự đe dọa theo truyền thống không làm ai sợ cả. Một nữ hành khách lên tàu, theo sau là một người khuân vác. Cảnh sát thảo luận với Vriens, anh này quên điền một phần vào những bản khai in sẵn.

Khi tiếng chuông cảnh báo đầu tiên vang lên, con đường trước mặt con tàu Polarlys thông thoáng. Nhưng khi người ta thả dây chão năm phút sau thì chiếc tàu lớn chở dầu của Anh đang chắn ngang và nó phải thực hiện những thao tác phức tạp.

Một chiếc xà lan chạy máy dần dần vững bước tiến lên sát mặt nước chỉ với một thủy thủ tựa vào cần lái và hút tẩu thuốc. Tàu va vào sườn nó. Nửa boong của nó ngập trong nước và thật kỳ diệu là nó có thể tiếp tục chạy giữa những chiếc vỏ đen của các tàu chở hàng dựng lên quanh nó như những bức tường.

Trên con sông Elbe là một đám rước. Ba hàng tàu thuỷ đi nối đuôi nhau thành chuỗi trong sương mù ngăn việc phân biệt cái bẫy của tàu trước và những hồi còi dữ dội thi nhau vang lên.

Những con tàu chạy nhanh hơn mài miệt vượt lên những chiếc khác. Những thuyền buồm chen lấn nhau và đột nhiên người ta trông thấy cánh buồm mũi của chúng mọc lên cách sống mũi thuyền ít nhất là một sải cáp, khoảng hai trăm mét.

— Từ từ... Dừng lại... Lùi lại... Dừng... Từ từ...Một nửa... Dừng...

Máy điện báo kêu lách cách và con tàu tiến sang phải sang trái từng đợt trong sương giá.

○○○
Vào bảy giờ, con tàu vẫn ở trên sông và người ta chưa thấy ngọn đèn hiệu ở Cuxhaven báo cho biết đã đến biển.

Thuyền trưởng bước xuống từ cầu tàu, để lại thuyền phó cùng với người hoa tiêu ở đó và chuẩn bị cho một việc khổ sai khác: chuẩn bị bữa ăn cho hành khách.

Người phục vụ đem theo chiếc cồng đi trong những hành lang, với vẻ năn nỉ, theo kinh nghiệm biết rằng ngày đầu, những hành khách không bao giờ vội vã cả.

— Năm suất hả? - Petersen nhận xét.

— Một bà và ba ông... Bà đây...

Cô ta tiến lên vẻ dễ dãi. Chiếc bót thuốc lá bằng ngọc ở trên môi. Cô ta trang điểm như để ăn tối trên con tàu sang trọng vượt Đại Tây Dương và hầu như khoả thân dưới chiếc áo dài lụa đen. Một con người nhỏ bé lạ lùng, mảnh mai, dễ bị kích động với những cử chỉ lả lơi, bằng những sự khéo léo của thời thượng, tự cho mình là con người nổi bật. Cô ta có mái tóc hoe vàng và cũng óng mượt như tóc một đứa trẻ. Mái tóc được tách ra bằng một đường ngôi giữa, rủ xuống đôi má chỉ với một làn sóng làm nổi bật khuôn mặt bầu dục. Hai đồng tử mắt sẫm màu và để tạo ra sự tương phản mạnh mẽ hơn, lông mi được tô thuốc đen. Miệng mỏng; đôi bầu vú nhô rất cao, rất nhỏ.

— Thuyền trưởng? - Cô ta lẩm bẩm với giọng dò hỏi. - Thuyền trưởng Petersen...

Ông hầu như không rửa mặt. Mái tóc dày rậm cần phải chải.

— Mời bà vui lòng ngồi xuống!

Cô ta ngồi với vẻ thong dong, chọn chỗ dễ chịu bên phải thuyền trưởng.

Một hành khách khác bước vào, bắt tay Petersen, máy móc thốt lên:

— Thời tiết thật tồi tệ!.

Đây là Bell Evjen, giám đốc mỏ Kirkenes, hằng năm có chuyến đi Luân Đôn và Berlin và con tàu Polarlys đưa ông đi sớm hơn một tháng. Ông ta thích thú quan sát người phụ nữ trẻ. Một lát sau, một hành khách khác nghiêng mình trước mỗi người, không nói một lời; đây là một gã trai cao lớn đầu cạo trọc, không có lông mi cũng không có lông mày, đeo kính có mắt kính dây đến nỗi đôi mắt anh ta to quá mức.

— Hãy dọn ăn đi, anh phục vụ! Sau đó anh gõ cửa hành khách thứ năm...

Bởi vì còn một suất ăn chưa có người. Bữa ăn bắt đầu theo mốt Bắc Âu: canh súp nóng mở đầu, tiếp theo là những món nguội, thịt lợn ướp, thức ăn muối, cá hộp, mứt quả và pho mát.

— Người ở phòng số mười tám không trả lời.

— Hãy nói với sĩ quan thứ ba lo việc đó.

Hai lần Petersen trèo lên boong, lo lắng thấy máy đột ngột chạy chậm, vẫn trong tình cảnh sương mù, những tàu chở hàng chạy theo hàng một, những hồi còi inh ỏi, kèn và còi hú.

Tại bàn ăn, mọi người yên lặng. Giữa hai món ăn, người phụ nữ trẻ châm một điếu thuốc lá với chiếc bật lửa là một tác phẩm kim hoàn. Petersen cho rằng cô ta là người Đức, cũng như người hành khách đầu cạo trọc.

— Chúng tôi sẽ phục vụ các vị cà phê tại phòng hút thuốc! - Cuối cùng ông nói trong lúc đứng lên, theo một công thức mà ông thường nhắc lại từ mười hai năm nay trong mỗi chuyến đi.

Ông đang nhồi tẩu thuốc trong hành lang trước buồng mình thì người nữ hành khách qua gần ông và đi vào trong cầu thang thẳng đứng dẫn tới phòng hút thuốc. Trong suốt thời gian cô ta trèo lên, ông nhìn đôi chân cô ta dưới làn lụa đen tạo cảm giác rất thú vị với đôi đầu gối nhỏ nhắn và cả chút ánh da thịt.

— Này, ông Vriens hử?

Chàng trai liền máy móc đứng theo tư thế của mình. Đôi môi anh ta run lên. Anh đờ người như thể đột nhiên anh rơi vào giữa một thảm kịch.

— Không thấy người hành khách ấy. Tuy nhiên hành lý của ông ta còn ở trong buồng ông ta.

— Ông ta là ai?

— Ernst Ericksen ở Copenhagen. Tôi còn trông thấy ông ta lúc một giờ trước lúc tàu khởi hành!

— Người đàn ông mặc áo khoác màu xám với chiếc hòm màu xanh phải không?

— Đúng thế! Tôi đã tìm khắp nơi.

— Có lẽ ông ta quay lên bờ để mua báo nên lỡ tàu...

Vriens và chàng trai đeo kính đã vào buồng họ. Còn lại một mình nữ hành khách ở phòng hút thuốc. Chiếc áo lụa đen xuất hiện trên đầu cầu thang.

— Thuyền trưởng...

Cô ta tỏ vẻ xúc động, nhưng gắng mỉm cười, hai bàn tay nén giữ nhịp đập của lồng ngực.

— Có chuyện gì xảy ra thế?

— Tôi không biết... có lẽ tôi sợ. Tôi vừa vào phòng hút thuốc. Tôi thấy bình cà phê ở trên bàn cũng như những chiếc tách và tôi bắt đầu rót cho mình. Đúng lúc ấy, hình như tôi nghe thấy tiếng động đằng sau tôi. Tôi quay lại, trông thấy một người đàn ông mà tôi chưa nhận ra là ai... Tôi tin chắc người đó khiếp sợ bởi vì người đó đứng lên và chạy trốn.

— Qua đâu?

— Qua cửa này, cửa trông ra boong đi dạo, phải không?

— Ông ta mặc áo khoác màu xám phải không?

— Xám, vâng. Tôi kêu lên... Tại sao ông ta chạy trốn như vậy?

Trong khi cô ta nói, Petersen có cảm giác cô ta nói với Vriens hơn là nói với ông.

— Hãy đi xem! - Ông ta ra lệnh cho viên sĩ quan.

Người này ngập ngừng rõ rệt, nhất là vào lúc bước qua trước bà khách mà anh ta phải lướt qua để đi ra.

— Xin bà hãy bình tâm, thưa bà. Tất cả chuyện này chắc chắn sẽ được lý giải.

Cô ta hé cười, bĩu môi làm điệu và nói:

— Tôi sẽ ở lại một mình ở phòng hút thuốc ư?

— Các bạn bà sẽ sớm lên đây.

— Ông không uống cà phê ư, thưa thuyền trưởng?

Ông cảm thấy mùi nước hoa của cô ta rất nồng và ông còn cam đoan thấy cả mùi hương của da thịt cô ta toả ra. Một lúc sau trong khi cô ta rót cà phê, ông xoi mói những đường nét của cô ta và khi cô ta quay lại, cô ta thấy mặt ông đỏ lựng, giả vờ bận tâm lôi kéo chiếc cravate của mình.

Evjen bước vào.

○○○
Khi Petersen rời phòng hút thuốc rộng lớn chứa được khoảng năm mươi người, thoải mái nhưng tạo cảm giác hơi lạnh vì những đồ gỗ bằng gỗ sồi có màu rất sáng, thì Evjen ngồi ở một góc đang ghi chép những tài liệu buôn bán lấy từ cặp ra. Trong góc đối diện, gã trai đeo kính đọc cuốn Berliner Tagdblau.

Ở giữa hai người ấy, người nữ hành khách đã trải lên mặt bàn những quân bài nhỏ và bắt đầu chơi trò phá trận.

— Ông vui lòng cho tôi xin tí lửa, được chứ, thưa thuyền trưởng?

Ông phải bước lại. Cô ta đưa về phía ông chiếc bót thuốc lá dài, trong lúc cúi xuống không biết làm thế nào mà mắt Petersen nhìn sâu vào chiếc áo ngắn tới chỗ bắt đầu bầu vú.

— Cảm ơn... chúng ta tới biển chưa?

— Chúng ta đang đến gần Cuxhaven, vâng! Tôi phải lên cầu tàu đây.

Nhìn gần, ông nhận thấy như Vriens, cô ta có đôi mi sụp xuống, những nét mệt mỏi của người qua một hay nhiều đêm mất ngủ. Cũng như Vriens, đôi môi cô ta đôi khi bất chợt run lên.

Trên cầu tàu, ông gặp viên sĩ quan thứ ba đang tìm ông, nét mặt tiều tuỵ hầu như anh ta đã khóc.

— Anh đã tìm thấy ông ta chưa?

— Không. Chắc chắn ông ta đang náu mình. Tuy nhiên tôi đã lấy ba người cùng tôi. Nhưng không phải thế...

Petersen nhìn anh ta với vẻ hơi tò mò:

— Thì sao?

— Tôi muốn nói với ông, thưa thuyền trưởng... rằng... rằng tôi hết sức tiếc về...

Giọng nói anh ta vỡ ra. Nước mắt dâng lên trong đôi mắt anh ta.

— Tôi cam đoan với ông rằng đây là sự ngẫu nhiên.. Tôi chưa bao giờ uống... Đêm nay... tôi không thể giải thích cho ông... Nhưng điều đó làm tôi không thể chịu nổi khi nghĩ rằng ông...

— Hết chưa?

Mặt anh ta tái nhợt đến nỗi người nói chuyện với anh ta tỏ chút thương hại.

— Anh đi ngủ đi! Ngày mai sẽ sao! - Ông nói thêm kém nhẹ nhàng.

— Ông nghĩ tôi còn say ư? Tôi xin thề với ông...

— Đi đi!

Và Petersen, khoác chiếc áo da dê cái, lại gần viên hoa tiêu, trong khi chiếc tàu chở hàng bật đèn xanh lướt theo chiều ngược lại cách có vài mét.

— Chưa đến ư?

Người đàn ông chỉ bàn tay trái vào màn đêm.

— Cuxhaven! - Ông ta làu bàu.

Đây là người hoa tiêu ở Elbe, mà dưới đèn tín hiệu của bến này, ông ta phải xuống một chiếc tàu máy nhỏ đang đợi ông ta.

Thuyền trưởng mời ông ta rượu trắng truyền thống trong buồng gác trong lúc trao đổi vài câu chuyện bình thường. Ông rót đầy cốc thứ hai thì máy chạy chậm lại, rồi hoàn toàn ngừng hẳn.

Người ta sớm nhận ra ánh đèn đom đóm trong sương mù sát mặt nước. Nó hầu như ở xa nhưng chỉ một giây sau, nó chuyển thành chiếc đèn acetylene phân biệt được mọi chi tiết. Lập tức người ta nghe thấy tiếng va chạm vào vỏ tàu, dưới chiếc thang ở cửa tàu. Một cái bắt tay. “Chúc ngủ ngon!"

Người phục vụ đã thu dọn gọn gàng phòng ăn. Tại phòng hút thuốc, ba người ngồi cách nhau không quá tám mét, vẫn chưa quen biết nhau mặc dầu Evjen luôn nhìn người đàn bà trẻ.

Người hoa tiêu vừa đặt chân xuống tàu đã gọi:

— Này! Thuyền trưởng. Có chuyện gì đó cho ông...

Ngả người lên tay vịn, Petersen nhìn rõ trong chiếc canot bóng dáng một người đàn ông bất ngờ: một người đàn ông mặc áo choàng, tay cầm một chiếc vali rất to.

— Ông muốn nói gì?

— Tôi sẽ giải thích cho ông.

Người ta phải giúp người đàn ông trèo lên thang. Sau khi lên boong, người này lo lắng nhìn quanh mình.

— Cố vấn cảnh sát Von Sternberg! - Ông ta nói - Tôi không thể đi tàu thuỷ tới Hambourg nên tôi phải đi ôtô.

Đây là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi có bộ râu nhọn và đôi lông mày rậm càng có vẻ lạ lùng với chiếc áo choàng màu mù mờ làm biến dạng bóng dáng ông ta.

— Tôi sẽ ăn trong buồng tôi! - Ông ta nói thêm vì con tàu Polarlys lại bắt đầu chạy - Nếu những hành khách hỏi ông...

— Tôi có ba hành khách tất cả!

— Nếu những hành khách hỏi ông, ông hãy trả lời rằng tôi bị ốm phải nằm tại giường. Ông hãy nói với họ một cái tên khác... Wolt chẳng hạn, Herbert Wolf, thương gia về áo da lông. Tôi sẽ trả tiền chuyến đi.

— Ông có công vụ ư? - Petersen hỏi với tâm trạng bực bội tăng lên. - Có người nào trên tàu cần...?

— Tôi nói mình là cố vấn cảnh sát khi không phải là thanh tra.

— Tuy nhiên...

Thuyền trưởng hoàn toàn không phải không biết chức cố vấn cảnh sát ở Đức là một danh vị nổi tiếng mà chức năng không phải là truy đuổi những kẻ bất lương. Nhưng có vấn đề với cảnh sát đủ làm cho ông tỏ vẻ cà khịa. Ông là thuyền trưởng nên ông khẳng định mình là chủ con tàu của mình.

— Dẫu sao, ông sẽ làm theo ý ông! - Ông làu bàu - Nếu đó là Ernst Ericksen làm ông quan tâm thì tôi phải nói ngay với ông rằng không bắt được hắn đâu. Mất tích rồi! Hắn ẩn náu có trời mới biết ở đâu, mặc dầu hắn đã mua vé cho chuyến đi và hành lý của hắn còn ở trong buồng hắn.

Ông gọi:

— Phục vụ viên đâu! Anh hãy đưa ông đây tới một buồng còn trống. Anh sẽ phục vụ ông ấy tại chỗ. Ông Wolf.

Rồi quay về phía người đàn ông mặc áo choàng:

— Đúng thế, phải không?

Ông trực ban vào sáu giờ sáng và lẽ ra ông phải ngủ từ lâu. Ông trở về buồng mình, nằm vào giường, nhưng ông còn chú ý đến những người đi đi lại lại ở hành lang một cách vô ý thức. Vì vậy ông nghe thấy tiếng Evjen và người hành khách trọc đầu vào phòng họ. Qua nửa đêm mà cửa buồng người đàn bà trẻ chưa mở ra. Ông bấm chuông gọi người phục vụ.

— Mọi người đã ngủ rồi ư?

— Không phải tất cả. Còn người đàn bà...

— Cô ta vẫn chơi trò phá trận à?

— Xin lỗi! Cô ta dạo chơi trên boong với...

— Với ai?

— Với ông Vriens.

— Anh ta dám cả gan bám riết cô ta ở phòng hút thuốc ư?

— Không! Anh ta ở trong buồng mình. Chính cô ta yêu cầu tôi gọi anh ta...

Thuyền trưởng nặng nề trở mình trên giường và càu nhàu điều gì đó khó hiểu đối với người phục vụ làm anh này đợi một lúc mới rút lui.