Chúng ta, ai rồi cũng sẽ khác, khác để mà sống, như chiếc lá dưới vòm trời lồng lộng, như triền cỏ ngả màu theo mùa qua, như đường chạy của lũ kiến và dáng đi của chú ngựa trên đường mòn. Mọi thứ ắt sẽ phải khác. Vậy vì đâu mà phải khác, tự nhiên nó sẽ khác hay bắt buộc phải khác? Gió làm cho lá khác, hay tự cây làm cho lá đổi khác? Tận cùng của sự khác chính là thích nghi. Đó là sự lý giải giản đơn nhất cho sự sống, cho nhân loại.
Ngày hôm nay tôi vui không, buồn không mà viết những dòng này? Có phải trong tận cùng nỗi đau, ai cũng phải khóc, để nhận ra mình sẽ khác? Một người lính bị viên đạn găm vào ngực, anh ta khóc - một người đàn ông chứng kiến kẻ thủ ác giết hại vợ mình, ông ta khóc – một bà cụ chứng kiến cháu mình bị gọi ra chiến trường, bà ta khóc – một phụ nữ thấy chú chó của mình bị xe cán chết thảm thương, chị ta khóc – một chàng trai chia tay người yêu, cậu ta khóc – một cô gái mang thai ngoài giá thú, cô ta khóc – người LGBT thấy mình bị xúc phạm, họ khóc. Tôi đã khóc rất nhiều cho những điều không lý giải, khi còn nhỏ và cũng khóc vừa đủ cho những điều được lý giải – tương tự như ai cũng phải khóc. Nhưng sau tiếng khóc đến nấc lòng, mọi thứ trước mắt sẽ phải trở nên khác. Để thích nghi.
Ngày hôm nay chúng ta không khóc, chẳng có gì để phải khóc, vì chúng ta đâu còn trẻ, vì nỗi buồn khó để mà định hình, đáng hay không cho những dòng lệ? Nhưng sẽ có những ngày chúng ta nhận ra bao suy tưởng, bao hi vọng về sự đổi thay cuộc đời dường như hóa thành vở kịch câm, chứa chấp một nụ cười ngây ngô, phờ phỉnh. Ngày người mẹ tặng đứa con trai cây viết chì màu xanh khi cùng lên con dốc nhỏ, ngày của cơn mưa tầm tã không làm ướt chiếc áo nỉ vì hàng thông hiên ngang che chắn, ngày của cậu bé trong chiếc áo len dày nghỉ ốm chép bài qua vở bạn, ngày của những con chuồn chuồn rụng cánh trên hồ nước trong veo, ngày của những trái thông khô nằm lăn lóc trong ngăn tủ bu et – ngày ùa về trong lòng tôi. Tôi nằm trong căn phòng có tiếng ồn của chiếc quạt máy mà nghe tiếng gió rít qua đồi thông, tôi cầm lẵng hoa đất sét của cô bạn chợt thấy màu xanh của hoa móng rồng trên bờ tường của nhà hàng xóm, thấy lá thông cháy trong lửa, nghe tiếng láo nháo của bầy chim ăn đêm, nghe thấy tay mình lạnh cóng trong lớp túi mỏng, hít hà mùi dạ lan trong đêm, ngửi thấy mùi của lớp nhựa trạng nguyên. Tôi thấy mình đang ôm, đang hôn những ký ức Đà Lạt.
Dẫu muốn hay không, chúng ta vẫn phải bước đi trên con đường của mình, cùng với những bước ngoặt khác, nhưng một ngày ai rồi cũng sẽ nhận ra, mọi cố gắng hay sự thành bại của cuộc đời chẳng nghĩa lý gì với nỗi nhớ nhung nào đó chầu chực tuôn ra những tiếng thở dài, mà trước đó ta nghĩ rằng cái sự khác đã đè nén nó xuống, xóa tan nó rồi. Tôi đã nhiều lần dằn nén thứ cảm xúc tội nghiệp của một người bắt buộc phải xa miền đất của mình, để sống trọn vẹn hơn với vùng đất đang che chở. Mọi bản ngã hay nỗi niềm đều một mực đồng lòng, là phải sống hết mình với ước vọng, với sự đãi ngộ của tạo hóa. Nhưng đôi khi, tôi cảm thấy mình như bị mắc kẹt giữa hai thái cực
buông xuôi và cố gắng. Trong ý thức thích nghi và tận tụy, lòng tôi lại dâng lên thứ cảm xúc yếu mềm.
Và dù sao, hôm nay tôi muốn mình khác với những ngày đã khác, với nỗi buồn xáo trộn, ao ước trở về miền đất ấy, nằm nơi đồi cỏ hoa vàng. Vĩnh viễn không còn phải khác để thích nghi, vĩnh viễn không còn phải chặn tiếng nấc của niềm nhớ nhung, mà xao lãng một cuộc đời đầy gánh nặng, như cây thông già một đời nghiêng bóng bên hồ.
Bình luận