Sau nhiều ngày vật lộn với mớ bản thảo cùng những trận đau bao tử và đống thuốc trụ sinh ngán tận cổ, tôi lại mở cửa mà đi. Khi chuỗi tia sáng đã lên cao, ba chở tôi qua những con đường quen thuộc, giữa các tòa building phản chiếu ánh nắng mặt trời và hàng cây lung linh xanh ngắt, sau đó tôi có mặt ở quán cà phê có tên Người Sài Gòn. Cái quán khoác lên mình tính danh cục bộ này là địa chỉ mà một số anh chị bạn bè tôi rất hay hội tụ vào những đêm cuối tuần, rỉ rả cùng nhau những câu chuyện phiếm, vang tiếng cười vô tư dưới màu đèn vàng xanh chập choạng, và cùng hát nhau nghe những ca khúc nhạc vàng từ thời hoa và máu, những giai điệu trứ danh đã từng là khuôn mực của tuổi trẻ Sài Gòn xưa kia.
Ban đầu tôi nghĩ Người Sài Gòn chắc phải là “đứa con” tinh thần thứ thiệt của một người Sài Gòn chánh hiệu nào đó, với tuổi đời chất đầy hoài niệm về một đô thành xưa cũ, người mà có thể đã mang trong mình một dòng máu Sài Gòn – Gia Định không ai có thể tráo đổi được. Thế nhưng sự thật lại không phải như vậy, nguyên do vì sự hiểu biết có phần chậm trễ của tôi về Người Sài Gòn. Tôi phải tự trách mình vì đến bây giờ mới biết đến nơi này mà vẫn thao thao về tình yêu Sài Gòn. Và thú thực, phải cách đây vài tháng tôi mới biết người chủ của quán có cái tên trứ danh lại là đồng hương của mình, một người đàn chị giàu tính cách mà tôi được nghe qua một vài người bạn. Đến nay mà nói, tôi và chị chưa chính thức gặp nhau lần nào, nhưng hai năm nay chúng tôi cùng có mặt trong vài sự kiện về hội họa của giới họa sĩ trẻ Sài Gòn. Mặc nhiên là chỉ biết mặt thôi chứ chẳng biết thêm gì.
Vậy là, nay tôi đặt chân đến quán trong buổi sáng tương đối đẹp trời, chủ quán nói qua điện thoại với giọng nhẹ nhàng: “Chị còn đang ở xa, chưa về được nhưng sẽ gọi người đón em nhen”. Tôi trả lời là em đã ngồi trong quán của chị rồi, tôi nghe tiếng chị cười giòn, tôi cũng cười và lại một lần nữa bỏ ngỏ cuộc hẹn đồng hương. Nhưng tôi đến đây cũng không phải vì một cuộc hẹn với người chủ quán duyên dáng này, mà để tham gia phiên chợ từ thiện nho nhỏ do một nhóm hoạt động vì trẻ em vùng cao Tây Bắc tổ chức, ngay trong Người Sài Gòn, tại trung tâm Sài Gòn. Người Sài Gòn khiêm tốn ở một tầng lầu khu chung cư cũ ở góc đường Thái Văn Lung, vốn là một không gian bình lặng, hoài cổ nay bỗng dưng nhộn nhịp với người vào kẻ ra cùng chung một nét “quẳng gánh lo âu, vui sống giúp đời” trên khuôn mặt.
Tôi mang vào dăm cuốn sách, hai cuốn chính danh thành thử có ký tên để góp vào kệ sách gây quỹ, bên cạnh những cuốn sách giá trị mà nhiều người đã mang từ nhà. Sau khi trò chuyện với Nga, cô em gái chuyên chụp ảnh chân dung đời thường ở hành lang, người đón tôi là mẹ của một người bạn, một bác sĩ tim mạch mà tôi rất kính trọng, cô cũng là thành viên của nhóm thiện nguyện hoạt động rất kiên trì này. Tôi từng được cô điều trị trong đợt bị dập các động mạch nhỏ ở cổ chân, nguyên do chỉ vì chân tôi đập vào bậc cầu thang trên một bãi biển Nha Trang. Con trai cô, tức cậu bạn tôi, cũng đang học Y ở châu Âu, từ nhỏ bạn tôi đã ước mơ làm bác sĩ tim mạch nên có lẽ sẽ đi theo chuyên khoa này. Tôi mong có dịp sẽ kể về dăm ba chuyện như vậy, còn bây giờ tôi quay lại với phiên chợ nhỏ nhắn nhưng đong đầy tấm lòng này.
Những người gầy dựng nhóm thiện nguyện đa phần đều là các cô bác đã ngoài năm mươi, theo tôi biết hình như các cô đều thuộc thành phần trí thức Hà Nội sau năm 75, phần lớn đang sống ở Sài Gòn, còn người sáng lập nhóm lại đang định cư ở New York nhiều năm nay. Lập một nhóm từ thiện chẳng còn là việc xa lạ gì đối với người Việt ở thời buổi này, đặc biệt là ở Sài Gòn, và mở một phiên chợ bán sách, áo hay những vật phẩm hiếm quý để gây quỹ cũng chẳng phải là mới mẻ trên mảnh đất này, thế nhưng các cô đã chọn một không gian khiêm tốn có tên Người Sài Gòn để làm một việc ý nghĩa khiến tôi rất cảm kích. Khi tôi hỏi cô trưởng nhóm, người nhiều năm sống ở Mỹ, là cô thấy sao khi làm việc này ở Sài Gòn thì cô cho biết đây là lần đầu cô làm ở Sài Gòn nhưng chẳng thấy xa lạ gì vì rất nhiều bạn bè cô ở đây. Đặc biệt, bạn bè cô lại là những người mà tôi rất kính trọng, như cô bác sĩ và những người bạn của cô ấy. Và tôi thật sự rất xúc động khi thấy trên kệ sách gây quỹ có những cuốn sách của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Dù tôi chưa đọc trọn vẹn một tác phẩm nào của Bọ hay chưa một lần chuyện trò chính thức với ông, nhưng gần đây Bọ Lập đối với tôi mà nói giống như một ngọn đuốc trong số ít ngọn đuốc để tôi nhìn vào qua nhiều khía cạnh, đặc biệt là đời sống văn chương mãnh liệt của ông.
Người Sài Gòn với nét dĩ vãng từ bức đại cảnh trong tác phẩm tranh Mộng Thị Dân của họa sĩ Trung Nghĩa, là mảng tường gỗ gắn lên đó dăm bảy chiếc đĩa than bóng loáng, những chiếc ghế bành bên bàn gỗ xưa, quầy bar nhỏ nhắn khiến tôi hình dung về những quán rượu mang phong cách Miền Viễn Tây ở góc lối đi. Các cuốn thơ bỏ túi của Nguyễn Du, Hồ Dzếnh, Bùi Giáng... nằm trên kệ sách mini, bên cạnh bộ sưu tập nho nhỏ những đồ vật một thời. Không gian đó, nay chu đáo cho một cuộc bán mua, cuộc bán mua từ tấm lòng.
Trước giờ thành phố nghỉ trưa, tôi cầm lấy một cuốn sổ vintage thơm mùi giấy kraft, bìa sổ hiện lên hình ảnh Nhà thờ Đức Bà với dòng chữ Sai Gon in my heart, chợt mỉm cười khi nghĩ về người sẽ nhận nó, người đã làm trái tim tôi dâng đầy những nhịp yêu thương. Với tâm hồn xao động, tôi đứng giữa phiên chợ để cảm nhận cái không gian nhân ái lần nữa, rồi như một người khách quen, tôi lặng lẽ ra về. Xuống cầu thang, âm thanh nhỏ dần sau lưng, tôi thầm nghĩ Sài Gòn đâu chỉ là của người Sài Gòn, mà là vùng đất để người ta gửi trao nhau tấm lòng, cho niềm tin và tình yêu mãi mãi nương náu.
* Một số nhân vật trong sách được đổi tên.
Bình luận