Tư Tưởng Hồ Chí Minh Về Văn Hoá

  • Lượt đọc : 73
  • Kích thước : 6.66 MB
  • Số trang : 224
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 25
  • Số lượt xem : 433
  • Đọc trên điện thoại :
Năm 1923, trong cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó Người mang tên Nguyễn Ái Quốc), nhà thơ, nhà báo trẻ người Nga Ôxíp Manđenxtam đã nhận thấy “từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. “Nền văn hóa tương lai” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã và đang xây dựng, kiến tạo có ánh sáng soi đường từ những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng về xây dựng một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Ghi nhận những đóng góp của Người với dân tộc và nhân loại, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) đã ra Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Tư tưởng của Người qua các trước tác, qua chính cuộc đời hoạt động cách mạng tận hiến, tận trung với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

Nhằm thiết thực triển khai có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống cũng như cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), nhóm tác giả đã tiến hành tổ chức biên soạn cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.

Nội dung cuốn sách đề cập một cách cơ bản nhất, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu các quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, được triển khai theo các luận điểm, vấn đề: Ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước; Những điểm lớn trong xây dựng nền văn hóa dân tộc; Về xây dựng đời sống mới; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; Vai trò của văn học, nghệ thuật và sứ mệnh của người nghệ sĩ; Mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị; Tính chất, đặc trưng của báo chí cách mạng Việt Nam; Vai trò của đội ngũ cán bộ văn hóa; Vai trò, sứ mệnh của nhà giáo và tính chất của nền giáo dục mới.

Mặc dù các tác giả đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, khiếm khuyết. Rất mong nhận được những ý kiến góp ý của bạn đọc để lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn.

TẬP THỂ TÁC GIẢ