60 Năm Nhà Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Thể loại: Lịch Sử
Tác giả : Lê Hải Triều
  • Lượt đọc : 3
  • Kích thước : 51.92 MB
  • Số trang : 562
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 63
  • Số lượt xem : 547
  • Đọc trên điện thoại :
Từ đầu năm 1945, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu u, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Liên Xô tuyên chiến với quân phiệt Nhật và chỉ trong vài hôm đã tiêu diệt toàn bộ đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật, đẩy quân Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi.

Trước tình hình đó, tháng 2 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương họp và ra Nghị quyết nhận định: "Kẻ thù số 1 của các dân tộc Đông Dương lúc này không phải là tất cả chủ nghĩa đế quốc mà chỉ là đế quốc - phát xít, đặc biệt là phát xít Nhật - Pháp". Hội nghị chỉ rõ toàn bộ công tác của Đảng trong lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 3 năm 1945, Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) họp và ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta!". Tháng 4 năm 1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang cướp kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, đẩy mạnh xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, phát động chiến tranh du kích ở những nơi có đủ điều kiện, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng.

Từ tháng 4 năm 1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Trên cả nước đã hình thành 7 chiến khu khá rộng lớn (4 ở Bắc Bộ, 2 ở Trung Bộ, 1 ở Nam Bộ). Phong trào đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần đã diễn ra ở nhiều vùng thuộc thượng du và trung du. Các lực lượng vũ trang cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng được một loạt xã, châu, huyện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Các cuộc khởi nghĩa đã diễn ra ở một số vùng thuộc Quảng Ngãi, Bắc Giang. Các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Sơn La, Nghĩa Lộ, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột... cũng nắm vững thời cơ vượt ngục trở về hiệp sức cho phong trào.

Trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình cách mạng trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, sôi sục, rộng khắp và bối cảnh quốc tế thuận lợi, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại chiến khu Tân Trào (từ 13 đến 15 tháng 8) đã đi đến kết luận: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi", vì vậy phải "kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội", khẩn trương "đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những Ủy ban nhân dân ở những nơi làm chủ", tất cả vì mục tiêu "Việt Nam hoàn toàn độc lập".

23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa. Tiếp đó, ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã thông qua "10 chính sách lớn của Việt Minh", thông qua "Lệnh Tổng khởi nghĩa", quyết định quốc kỳ nền đỏ, sao vàng, chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức là Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta!".

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu nổ ra từ ngày 14 tháng 8 đến 18 tháng 8, Tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận các tỉnh miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam. Ngày 19 tháng 8 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các thị xã: Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu. Ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Lạng Sơn, Công Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân.

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời!

Cách mạng tháng Tám thành công mau lẹ và ngoạn mục là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng, có ý nghĩa quyết định, đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khéo léo của Đảng, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp và linh hoạt. Tổng khởi nghĩa tháng Tám là đỉnh cao của mười lăm năm đấu tranh của toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua ba cao trào cách mạng lớn - ba cuộc tổng diễn tập cách mạng: cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), cao trào dân chủ (1936- 1939), cao trào cứu nước trong chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Qua đấu tranh gian khổ, với nhiều hy sinh to lớn, Đảng ta đã từng bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng được lực lượng quần chúng hùng hậu xung quanh mình, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phân hóa lực lượng kẻ thù, xác định kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt.

Trong quá trình vận động cách mạng, Đảng ta đã coi trọng cả đấu tranh chính trị lẫn đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ, linh hoạt hai hình thức đấu tranh này. Không chỉ chú ý đưa quần chúng vào các tổ chức chính trị, Đảng còn từng bước vũ trang cho quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Lực lượng vũ trang đó được sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, có chỗ đứng vững chắc là các căn cứ địa cách mạng. Vì thế, cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám, tuy ta chưa có đội quân chủ lực mạnh nhưng đã có đủ loại lực lượng vũ trang phát triển khá rộng khắp nơi, và đặc biệt ta có ưu thế về lực lượng chính trị so với kẻ thù. Dựa trên các ưu thế cách mạng đó, chớp đúng thời cơ lịch sử ngàn năm có một, với nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức khởi nghĩa khéo léo, tài tình, Đảng đã đưa được cuộc Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi trọn vẹn trong cả nước.

Nguyên nhân thứ hai cũng rất quan trọng, đó là tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, không chịu sống mãi kiếp nô lệ của người dân mất nước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, quyết vùng lên đánh đổ bọn đế quốc, phát xít cướp nước, bọn vua quan phong kiến tay sai bán nước, giành độc lập cho đất nước, tự do, cơm áo cho toàn dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là thành tựu tuyệt vời của tinh thần, ý chí, trí tuệ con người Việt Nam. Tinh thần, trí tuệ ấy xuất hiện từ buổi đầu lịch sử dân tộc, đã được nâng lên một tầm cao mới sau 15 năm đấu tranh quật cường dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác-xít - lê-nin-nít chân chính.
Đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phương châm, phương pháp, sách lược cách mạng mềm dẻo, linh hoạt đã lôi cuốn, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành một khối thống nhất, hun nóng thêm bầu nhiệt huyết, làm bùng cháy ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ trong lòng mỗi người dân Việt Nam ta.

Thời cơ cách mạng chín muồi, lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị chu đáo cộng với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng biết nắm lấy thời cơ, biết sử dụng lực lượng cách mạng đúng lúc, kết hợp chính trị và vũ trang, lấy lực lượng chính trị quần chúng giữ vai trò quyết định, kết hợp nông thôn và thành thị, kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, từ thấp lên cao, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, đó chính là những nguyên nhân chủ yếu của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.

Trải qua 15 năm đấu tranh cực kỳ gian khổ và anh dũng để đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, đã có biết bao nhiêu đồng bào, đồng chí đã hy sinh oanh liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: họ "đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đã tin tưởng sâu sắc vào tương lai của Đảng, của dân tộc, đã hy sinh tất cả, đem xương máu vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay".

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi và việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng.

Thứ nhất, với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ. Đảng ta từ một đảng hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chính mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dân tộc có độc lập thì con người mới tự do, hạnh phúc. Không thể có quyền con người khi quyền độc lập dân tộc của cả một cộng đồng bị chà đạp. Khi đất nước được độc lập thì con người mới được giải phóng, mới có thể cùng nhau xây dựng nước nhà giàu mạnh, công bằng, văn minh. Độc lập, tự do, hạnh phúc những nội dung ấy được Hồ Chủ tịch nêu lên đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền của mỗi con người. Đó cũng là động lực thúc đẩy toàn dân tộc vượt qua muôn vàn thử thách hiểm nguy để giành và giữ chính quyền non trẻ, để tiến hành 30 năm trường kỳ kháng chiến và chiến thắng hai đế quốc hung bạo nhất, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Cách mạng tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với những tư tưởng của Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh, với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi này, nước ta không những trở thành một nước độc lập, tự do mà còn trở thành một trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hoài bão, ước mơ của biết bao thế hệ người Việt Nam xưa và nay.

Thứ ba, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước phong kiến và nửa thuộc địa lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Đây là sự phát triển rất sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Cách mạng tháng Tám như một quả bom có sức công phá mạnh làm sụp đổ một mảng quan trọng thành trì của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức bóc lột vùng dậy, báo hiệu một kỷ nguyên mới của loài người: kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đúng như Hồ Chủ tịch nói: Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".