Khi bất động sản gần như "đóng băng", nhiều người từng mơ giàu có từ bất động sản cũng đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ, trong khi nhiều người lâm vào cảnh nợ ngập đầu.
Không dám mua xe, mất niềm tin làm giàu từ bất động sản
Sự khó khăn của lĩnh vực bất động ở Trung Quốc đã gây chấn động tới tầng lớp trung lưu khoảng 400 triệu người ở quốc gia này, làm nhiều người mất niềm tin về suy nghĩ đầu tư vào bất động sản là cách để giàu có.
Hiện nay, khi thị trường bất động sản bị đình trệ, nhiều người ở Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, trì hoãn kết hôn... họ không thanh toán các khoản vay thế chấp mua nhà do chúng vẫn chưa hoàn thành.
Những tòa nhà chung cư vẫn chưa hoàn thành của Evergrande ở Vũ Hán (Trung Quốc) (Ảnh: Bloomberg)
Peter (tên đã thay đổi, sống ở Trung Quốc) đã từ bỏ kế hoạch kinh doanh riêng và mua xe BMW sau khi căn nhà trị giá 2 triệu tệ (7 tỷ đồng) mà anh đã mua bị tập đoàn Aoyuan tạm dừng xây dựng. Bây giờ, anh chàng này phải gánh khoản nợ chiếm 90% thu nhập nhưng có thể căn nhà đã mua không bao giờ được bàn giao.
“Tôi biết mọi khoản đầu tư đều đi kèm với rủi ro và phải trả giá cho sự lựa chọn của chính mình. Nhưng chủ nhà không phải là người đáng trách và không nên phải là người gánh chịu hậu quả", Peter nói.
Peter là một trong số hàng trăm ngàn người mua nhà ở hơn 90 thành phố khắp Trung Quốc ngừng thanh toán khoản vay thế chấp trị giá 2.000 tỷ tệ, sau khi các công ty như Aoyuan và Evergrande tạm dừng các dự án đang xây dựng. Ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu của quốc gia này từ chối trả nợ gây ra đe dọa cho kinh tế và ổn định xã hội.
Ở Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng một phần nhỏ ở Mỹ, thường phải mất nhiều năm tiết kiệm mới đủ tiền mua một căn hộ có giá khoảng vài triệu tệ ở những đô thị lớn. Các cặp vợ chồng thường dựa vào cha mẹ và ông bà giúp đỡ để mua nhà.
Li - nhân viên công ty công nghệ ở Trung Quốc đã bị cắt giảm 25% lương trong năm nay, song vẫn phải sử dụng 1/3 số lương nhận được để trả khoản vay nợ mua nhà vào khoảng 4000 tệ/tháng (14 triệu đồng) cho dự án của Evergrande đang bị tạm dừng ở Vũ Hán.
Trong tháng này, anh đã cùng với 5000 người khác tham gia một cuộc biểu tình để chính quyền địa phương và công ty Evergrande tái khởi động dự án xây dựng 39 tòa chung cư cao tầng.
Anh chàng 26 tuổi này bày tỏ, anh lo ngại cho tương lai của bản thân và sợ bắt đầu mối quan hệ với cô gái nào đó, vì không chắc sẽ sở hữu căn nhà đã mua - yếu tố được coi là yêu cầu phải có khi bắt đầu một cuộc hôn nhân.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang phải gấp rút đưa ra giải pháp như đề xuất thời gian ân hạn cho các khoản vay mua nhà và để chính quyền địa phương, ngân hàng vào cuộc.
Thị trường nhà ở của Trung Quốc phổ biến kiểu bán trước rồi mới xây dựng với các khoản thanh toán thế chấp được trả ngay sau khi đặt cọc. Khoản tiền mặt thu được từ bán nhà giúp các nhà phát triển bất động xây dựng nhiều dự án mới dẫn đến sự bùng nổ trong thị trường nhà ở.
Trong khi các dự án bất động sản bị tạm dừng không phải là chưa từng xảy ra ở Trung Quốc nhưng tình trạng như hiện nay là chưa từng có. Điều này diễn ra khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sau 2 năm phòng chống dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên cao mức kỷ lục. Giá nhà ở Trung Quốc giảm trong 10 tháng liên tiếp, còn mức tăng thu nhập trên đầu người ở nước này giảm quý thứ 5 liên tiếp tính tới tháng 6.
Vỡ mộng "mua nhà trên giấy"
Bloomberg cho rằng, người mua nhà cũng nên xem xét các biện pháp pháp lý với ngân hàng. Một số phán quyết của tòa án trước đó đã đảm bảo quyền lợi cho người mua, hủy bỏ hợp đồng mua nhà, yêu cầu chủ đầu tư trả lại các khoản tiền đã thanh toán và thanh toán các khoản thế chấp còn lại cho ngân hàng.
Guo - người mua nhà tại dự án của Evergrande ở Hà Nam, Trung Quốc đã đệ đơn kiện ngân hàng cho anh vay tiền mua nhà sau khi dự án xây dựng bị dừng hồi năm ngoái, trong khi phía ngân hàng không chuyển số tiền dự định chi cho việc xây dựng vào tài khoản ký quỹ.
Tuy nhiên không phải ai cũng lên tiếng phản đối như Guo. Tom - người mua nhà tại dự án của Evergrande hồi năm 2021 cho hay, không có kế hoạch ngừng trả nợ vay hay tham gia các cuộc biểu tình vì sợ ảnh hưởng xếp hạng tín dụng. Anh tin rằng chính quyền địa phương sẽ đảm bảo hoàn thành dự án.
Nhưng, nhiều người mua, đặc biệt là khách hàng lớn tuổi không có thời gian để chờ đợi. Ông Liu - một người nghỉ hưu ở Trung Quốc không đủ điều kiện vay ngân hàng đã dùng tiền tiết kiệm cả đời là 800.000 tệ (2,8 tỷ đồng) để mua căn hộ có thang máy. Ông đã tới công trường xây dựng 2 lần nhưng không thấy thi công.
"Điều tốt nhất chúng tôi hy vọng là chính phủ có thể xử lý vấn đề. Nhưng thành thật mà nói, ngay cả hy vọng đó có vẻ như cũng đã tàn lụi", ông Liu chua chát nói.
Quỳnh Hương (Theo Bloomberg)
Bình luận