Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich

Thể loại: Truyện Ngắn ;Văn Học
  • Lượt đọc : 264
  • Kích thước : 0.94 MB
  • Số trang : 162
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 107
  • Số lượt xem : 1.627
  • Đọc trên điện thoại :
Cuốn Một ngày trong Đời Ivan Đênixôvitch của Alêkxanđr Xôlgiênitxyn quả nhiên là tác phẩm làm kinh hoàng nhất xưa nay từng được xuất bản tại Liên Xô. Ngoài sự kiện là một kiệt tác văn chương, nó còn là một tài liệu cách mạng sẽ ảnh hưởng đến khí hậu đời sống bên trong Liên Xô. Nó là một câu truyện không thương xót và được kể một cách tàn nhẫn về những trại lao công cưỡng bách dưới thời Xtalin. Xôlgiênitxyn đã vạch trần cả một thế giới mới. Trong một phần tư thế kỷ, cái hệ thống trại tập truung to lớn được Xtalin tạo nên đã, trực tiếp hay gián tiếp, là một phần của đời sống hàng ngày của mọi người dân Xô-viết. Chẳng có một gia đình nào mà đã không có một người con, một người chồng, một người anh, hay thân nhân nào khác ở trong một trại, và sự thật về những gì Xôlgiênitxyn nói ra đã được biết đdến từ lâu, nhưng chẳng phải lúc nào cũng được tin, bên ngoài Liên Xô. Nhưng cuốn sách của Xôlgiênitxyn, bởi cái phẩm chất nghệ thuật tột đỉnh của nó, tạo ra một ấn tượng hãi hùng và ghê tởm tại ngoại quốc bởi ngay đến cả những nạn nhân xót hận nhất của các trại tập trung Xô-viết. Đã nhiều năm nay rồi, người ta đã có thể nhắc đến sự hiện hữu của những trại tập trung dưới thời Xtalin trong văn chương Xô-viết, và, quả vậy, hình ảnh của người tù được trở về đã trở thành một điều nhàm chán, nhưng sự thật đời sống trong cái địa ngục nhân tạo này ra sao thì chưa hề bao giờ được tiết lộ trong sách vở cho người đọc Xô-viết. Tấm màn yên lặng phủ kín cái vũ trụ lao trại đã dày đặc như tấm màn tuyết che phủ khoảng đất lớn nhất thế giới, kéo dài từ bán đảo Kôla đến Magađan, từ Vorkuta đến Kôlyma. Trong cuộc đấu tranh để vùng dậy từ những vực sâu băng hoại do Xtalin xô họ xuống, các nhà văn Xô-viết sớm hay muộn đã phải thỏa hiệp với sự ông ta phản bội tính nhân bản sâu sắc đã có hồi làm cho văn chương Nga thật là to lớn trước mắt thế giới đó. Sự việc đã xảy đến cho Alêkxanđr Xôlgiênitxyn là phục hồi những giá trị văn chương và nhân bản của quá khứ. Quả là điều thích hợp khi ông đã chọn làm như thế bằng cách phơi bày một cách tàn nhẫn cái thể chế ô nhục đã có hồi vừa là công cụ vừa là hiện thân của một nền bạo quyền vô cùng đáng khinh miệt. Xôlgiênitxyn nhờ đó đã làm yên ổn lương tri bị hành hạ của vô số những người Nga đã phải sống quá lâu trong yên lặng với ý thức về niềm ô nhục này. Như Alekxanđr Tvarđôsky nói trong phần tựa của ông: “Tác dụng của cuốn tiểu thuyết này, cuốn tiểu thuyết vô cùng khác thường về sự thẳng thắn và sự thật đau thương của nó, là làm trí ta vơi nhẹ đi những gì từ trước đến nay chưa hề được nói tới, nhưng đã phải được nói tới. Do đó mà nó làm ta vững mạnh hơn và cao thượng hơn”. Sức mạnh của cuốn tiểu thuyết to lớn đến độ ta cũng có thể chia sẻ cái cảm tưởng này nữa. Lương tri của một dân tộc chẳng thể nào được thỏa mãn bởi một công thức tự kiêu tự đại, ghê tởm trong cái giả đạo đức của nó, theo đó, kể từ những năm của Đại hội thứ hai mươi của Đảng Cộng Sản Liên Xô, những “lỗi lầm” của Stalin đã được gán ghép cho “một số hiện tượng liên kết với sự tôn thờ cá nhân”. Cuốn tiểu thuyết của Xôlgiênitxyn vượt qua hẳn cái mặc ước này. Trong các cung cách khác nữa, Xôlgiênitxyn cũng vượt qua giới hạn của những gì từ trước đến nay đã được phép trong những cuộc thảo luận công khai về quá khứ. Ông chứng minh rằng những trại tập trung chẳng phải là một đặc điểm cô lập trong một xã hội chính ra đáng ngợi khen- kế quả không may của một sự “vi phạm luật pháp xã hội chủ nghĩa”- mà, thật ra, chúng đã là những tiểu vũ trụ của cả xã hội đó nói chung. Cuốn tiểu thuyết vạch một đường song song mặc thị giữa “bên trong” và “bên ngoài” trại: Một ngày trong đời của một công dân Xô-viết tầm thường đã có nhiều điểm chung với đời sống của những người đồng bào với ông đằng sau hàng rào kẽm gai. Bây giờ ta thấy rằng ở cả hai phía hàng rào, đó là cùng một câu truyện về nỗi thống khổ vật chất và tinh thần, về sự băng hoại, niềm uẩn ức và nỗi king hoàng. Khi chọn một công dân rất tầm thường làm nhân vật chính của câu truyện mình, Xôlgiênitxyn đã bẻ gẫy một mặc ước khác. Ivan Đênixôvitch chẳng phải là anh hùng lao động tiêu chuẩn nâng cao lá cờ xã hội chủ nghĩa thắng lợi và bước những bước dài tin tưởng đi vào tương lai Cộng sản chủ nghĩa huy hoàng. Hắn là một con người hèn mọn, chất phác, rất ư là bối rối, chẳng muốn gì hơn là sống hết một kiếp cần lao cách nào tốt nhất mà hắn có thể. Hắn tranh đấu một cách thảm thương để giữ lại được lòng thẳng thắn, tự trọng, và kiêu hãnh trong một cuộc chiến vô vọng với những lực huyền bí mà chúng dường như nhất quyết- vì những lý do vượt tầm hiểu biết của hắn- phá hủy phẩm cách con người của hắn, chối bỏ cái quyền yêu thương quê hương của hắn, và khiến cho công lao của đôi bàn tay hắn trở thành vô nghĩa. Cho đến giờ ta mới chỉ nghe nói đến những nạn nhân được tán tụng nhiều hơn của “thời kỳ tôn thờ cá nhân”. Trong chiến dịch phục hồi được phát động bởi những kẻ thừa kế Xtalin, người ta đã nhấn mạnh vào “những người Cộng sản chính trực bị kết án một cách bất công”. Bây giờ thì, lần đầu tiên, ta học biết được từ Xôlgiênitxyn cái cách lối theo đó hàng triệu người không tên đã trả bằng tự do của họ và bằng chính cuộc đời cho công cuộc “xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Xôlgiênitxyn đã phá hủy cho muôn đời cái màng lưới dối trá nó đã từng bao phủ những trại tập trung Xô-viết từ trên ba chục năm nay- ấy là không kể đến những huyễn tượng đã từng được lan truyền đi với niềm tin tưởng nhường ấy và với vẻ ngạo mạn nhường ấy, mà mọi bằng chứng đều trỏ đến tác dụng trái ngược, bởi những kẻ tự cho mình là “những người bạn của Liên Xô”, mà giờ đây đã bị phát lộ là những kẻ bội phản nước Nga đích thực và bội phản tất cả nhân loại. Mong được như thế trên lương tri của họ. Quả sẽ nhầm lẫn, tuy nhiên, nếu chỉ xét cuốn tiểu thuyết của Xôlgiênitxyn trong những quan hệ lịch sử và chính trị thô lỗ. Như mọi tác phẩm lớn của nghệ thuật, nó ở ngoài nơi chốn và thời gian. Khi trình bày một con người, trong một thời gian và nơi chốn đặc thù, trong cái cảnh trí nhớp nhúa nhất có thể tưởng tưởng nổi, Xôlgiênitxyn đã thành công trong việc làm vững mạnh đức tin của ta vào thắng lợi tối hậu của những giá trị văn minh đối với sự ác. Cuốn tiểu thuyết của ông là một vở kịch đạo đức trong đó chàng thợ mộc Ivan Đênixôvitch Sukhôv là Kẻ Bình Phàm vậy.