Trang chủ

Cái vô hạn trong lòng bàn tay từ Big Bang đến giác ngộ

Chương 8 : Hành động sinh ra ta

SỐ PHẬN CÁ NHÂN VÀ SỐ PHẬN TẬP THỂ?

Khái niệm “NGHIỆP” (karma) có ý nghĩa gì không? Quan hệ của nó với các quy luật nhân quả và với ý tưởng về định mệnh là gì? Nếu, theo Phật giáo, cái tôi và cá nhân chỉ là ảo ảnh, thì cái gì có thể luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác?

Trịnh Xuân Thuận: Tôi muốn hỏi ông số phận cá nhân của các sinh vật được đưa vào quan điểm của Phật giáo về quy luật nhân quả như thế nào? Số phận này có phải được người ta gọi là “nghiệp” quyết định hay không?,

Matthieu: Theo từ nguyên học, thì nghiệp có nghĩa là “hành động”. Những cái mà chúng ta làm, nói và suy nghĩ không chỉ có tầm quan trọng về mặt đạo đức, mà còn là cái nhào nặn nên chúng ta và điều chỉnh thế giới của chúng ta. Sự hình dung thế giới của chúng ta bắt nguồn từ tổng thể các trải nghiệm bởi ý thức từ rất xa xưa. Đảo lại ý thức này bị cấu tạo thể chất, cấu tạo của não bộ và hệ thần kinh của chúng ta quy định. Ở đây, một lần nữa ta lại quay về khái niệm nhân quả tương hỗ, như đã nói, cách cảm nhận của con người về thế giới chắc chắn là rất khác với cách của loài ong, hay loài dơi. Như vậy, cách thức hoạt động của ý thức chúng ta gắn bó chặt chẽ với cái mà chúng ta gọi là vũ trụ “của chúng ta”. Các trải nghiệm tương tự được tích lũy từ nhiều đời làm cho các sinh vật cùng nhóm có sự cảm nhận như nhau về thế giới. Người ta phân biệt một “nghiệp” tập thể với “nghiệp” của từng cá nhân. Nghiệp tập thể xác định cách cảm nhận chung về thế giới với tư cách là một con người, và nghiệp cá nhân xác định những trải nghiệm cá nhân của chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Các sinh vật sống ở các hành tinh khác của vũ trụ, cứ tạm giả định thế, sẽ không có cùng trải nghiệm như con người, và do vậy phải chăng sẽ có một cách cảm nhận thế giới các hiện tượng hơi khác với cách của chúng ta? Tôi nói “hơi khác” vì về đại thể chúng ta có cùng một lịch sử vũ trụ: Vụ nổ lớn, sự hình thành các thiên hà, các vì sao và các hành tinh, cũng như sự xuất hiện của sự sống, với giả thiết là sự sống cũng tồn tại Ở những nơi khác ngoài Trái đất. Tất cả chúng ta đều được cấu tạo bởi các nguyên tố hóa học được hình thành từ Big Bang và trong các lò luyện của các ngôi sao. Chúng ta là các hạt bụi của các vì sao. Những sinh vật mà chúng ta gọi là sinh vật ngoài Trái đất, cứ cho là chúng tồn tại đi, có một vì sao khác cung cấp năng lượng và sống ở một hành tinh khác. Sự tiến hóa sinh học ở đó có thể theo một cách khác, nhưng xét cho cùng thì đó chỉ là những khác biệt về chi tiết. Tương tự như vậy đối với hàng triệu loài khác sống trên Trái đất: chúng chia sẻ với chúng ta cùng một lịch sử vũ trụ, chỉ đơn giản là mức độ nhận thức của chúng thấp hơn mà thôi.

Matthieu: Chúng ta gắn bó với sự cảm nhận thế giới của chúng ta mạnh mẽ tới mức dường như coi mọi dạng trí tuệ phải tự động cảm nhận thế giới giống chúng ta là chuyện hiển nhiên. Tôi nghĩ rằng cách cảm nhận thế giới của con kiến và của con người phải khác nhau đáng kể. Big Bang có nghĩa lý gì đối với một con dơi? Các dạng trí tuệ khác con người có thể có những cách cảm nhận thế giới mà chúng ta hoàn toàn không thể hiểu được. Chúng ta đã rất vất vả mới hiểu được thời gian là chiều thứ 4, vậy mà các nhà vật lý siêu dây lại nói với chúng ta những 10, 11 chiều? Hãy thử hình dung xem một ý thức có thể cảm nhận các vật ở thang nguyên tử sẽ nhìn thế giới như thế nào…

Một Đức Phật, người không gắn cho các hiện tượng một sự bền vững nào, nhìn thế giới theo cách hoàn toàn khác với cách của chúng ta. Như tôi đã nói, người đã đạt đến cấp độ cuối cùng của thiền định nhìn các hiện tượng như sự trải rộng của “sự thuần khiết vô tận”, điều này muốn nói rằng người đó thoát khỏi mọi mê muội ảo tưởng về một hiện thực độc lập của chúng, và như một “sự bình đẳng hoàn hảo”. Ở đây, bình đẳng có nghĩa là tất cả các hiện tượng đều không có tồn tại độc lập. Sự cảm nhận này về cơ bản khác với sự cảm nhận thông thường về thế giới của chúng ta. So với sự khác biệt này, thì sự nhất trí về những khoảng cách giữa các ngôi sao và cấu tạo hóa học của chúng chỉ là thứ yếu. Nếu anh mơ thấy mình là vua thì vấn đề thực sự là tìm hiểu xem liệu giấc mơ của anh có là hiện thực hay không; còn kiểu dáng và màu sắc của bộ hoàng bào anh mặc, cũng như hình dạng các cúc áo chỉ là những vấn đề vặt vãnh. Các kinh sách Phật giáo nói tới một vô hạn các thế giới, trong đó các dạng sự sống khác nhau tiến hóa, và còn mô tả các dạng sự sống này một cách rất hình tượng. Dù hiện thực vật lý có là gì đi nữa thì ta cũng không nên bỏ qua những đối chiếu thú vị này: một vài trong các thế giới này có hình dạng một bánh xe quay quanh liên tục (các thiên hà xoắn?) hoặc giống như mõm sư tử (các lỗ đen?); có những thế giới phẳng (hai chiều?), những thế giới giống với những núi lửa khạc ra lửa (các sao mới?), rồi những thế giới có dạng như những cuộn xoáy, như những đám mây lửa, như tấm thảm ánh sáng, xoắn ốc, hình cây cối, hình elip, như một chùm ánh sáng, như tịnh quang, như con sông và chiếc đĩa tròn, mỗi một cái lại chứa đựng nhiều thế giới khác.

Trịnh Xuân Thuận: Sự cảm nhận thế giới thay đổi không chỉ tùy theo những loài khác nhau sống trên Trái đất hay trong vũ trụ, mà nó còn thay đổi theo thời gian, cùng nhịp với những sự kiện mới xuất hiện. Các mô hình vũ trụ (tôi sẽ nói “vũ trụ” cho gọn) nối tiếp nhau theo các nền văn hóa và các thời đại. Mỗi một vũ trụ cung cấp một ngôn ngữ chung cho các thành viên trong xã hội và đóng góp vào sự gắn kết của xã hội này bằng cách tạo ra niềm tin vào một nguồn gốc và một tiến hóa tập thể. Chúng ta chính là cái chúng ta biết. Một vũ trụ cũng giống như một con người: sinh ra, trưởng thành, suy tàn và biến mất, được thay thế bằng một vũ trụ khác. Sự suy tàn và biến mất thường xảy ra qua tiếp xúc với một nền văn hóa khác năng động hơn, có những tư tưởng và quan sát mới không phù hợp với vũ trụ cũ nữa. Thật vậy, nhân loại đã trải qua vũ trụ huyền thoại, vũ trụ địa tâm, vũ trụ nhật tâm, và bây giờ là vũ trụ Big Bang, và chắc chắn đây chưa phải là vũ trụ cuối cùng. Thật ngạc nhiên là chúng ta lại có từ kết thúc. Các hình ảnh của vũ trụ Phật giáo hẳn là rất đáng ngạc nhiên. Phải chăng Đức Phật đã nghĩ đến những dạng sự sống không phải là con người, không tiến hóa theo cách của con người trong một môi trường hoàn toàn khác?

Matthieu: Trong vũ trụ học cổ điển của Phật giáo, người ta liệt kê ra 6 loại sinh vật, trong đó, chúng ta chỉ biết có hai loại: loài người và loài vật. Bốn loại khác không hề giống với các dạng sự sống mà chúng ta biết. Cũng có các trạng thái “không hình dạng”. Đối với chúng ta, rất nhiều trong số các mô tả đó không tương ứng với bất kỳ hiện thực vật lý nào.

Trịnh Xuân Thuận: Các sinh vật này có cái nhìn thế giới các hiện tượng giống chúng ta không? Nói cách khác, chúng có chia sẻ cùng một “nghiệp” tập thể với các loài sống trên Trái đất không?

Matthieu: Tất cả là vấn đề mức độ. Thế giới “không hình dạng” chắn chắn không thể có những điểm chung lớn với thế giới của chúng ta, bởi vì nó tương ứng với các trạng thái của ý thức mà, tùy từng trường hợp, chỉ có một đối tượng là một không gian rộng lớn, là chính ý thức, hoặc chẳng có đối tượng nào. Làm sao có thể hình dung được những tri giác của các sinh vật trải qua các trạng thái tồn tại rất xa với chúng ta?

Trịnh Xuân Thuận: Bởi nghiệp tập thể và nghiệp cá thể cả hai đều được xác định bằng các sự kiện đã qua, như thế, không phải chúng ta lại quay trở về một dạng nào đó thuyết định mệnh?

Matthieu: Không. Nghiệp không phải là một định mệnh, mà là sự phản ảnh của quy luật nhân quả, quy luật bao hàm không chỉ các hành động của chúng ta, mà cả các ý định thúc đẩy những hành động đó. Khi một số nguyên nhân và điều kiện nhất định hội đủ, mặc dù kết quả của chúng không là phải ngẫu nhiên, nhưng tự do ý chí cho phép chúng ta can thiệp vào diễn biến của vạn vật. Như vậy, chúng ta không bao giờ là tù nhân của một thuyết định mệnh tuyệt đối, trong đó quá khứ và tương lai chỉ tạo thành một khối duy nhất. Tự do ý chí này cho phép tính sáng tạo luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Kinh Anguttara Nibaya ghi lại lời Đức Phật:

"Các hành động của ta là sở hữu của ta,

Các hành động của ta là di sản của ta,

Các hành động của ta là cái khuôn mẫu sinh ra ta,

Các hành động của ta là chốn nương thân của ta. ”

Nghiệp giống với một tiềm năng, một thứ tín dụng hay một món nợ hơn là một tất yếu. Người ta có thể coi nó như một quy luật tự nhiên có sự can thiệp của ý thức. Theo quy luật này, một ý tưởng hay một hành vi tích cực dẫn đến hạnh phúc, và một tư tưởng hay hành vi tiêu cực dẫn đến bất hạnh. Một viên đá sẽ rơi dưới tác dụng của trọng lực, trừ phi người ta tác dụng lên nó một lực mới, chẳng hạn như bắt lấy nó trong khi đang bay để rồi lại ném nó lên cao. Bằng cách tương tự, người ta có thể chuyển hóa quá trình nghiệp trước khi một hành động sinh ra các kết quả hạnh phúc hay bất hạnh của nó. Trước khi các tình cảm tiêu cực gây ra hậu quả, người ta sửa chữa một sai lầm đã phạm phải đối với những người khác, có thể ngăn chặn lòng hận thù bằng kiên nhẫn, chữa trị thói tham lam bằng sự dửng dưng, sự ghen ghét bằng niềm vui được nhìn thấy người khác hạnh phúc. Quy luật của nghiệp không có nghĩa là số phận của chúng ta đã được quyết định từ trước và vĩnh viễn như thế và rằng chúng ta hoạt động như những cỗ máy không biết mình là ai. Ở từng thời khắc, chúng ta lại tích lũy được kinh nghiệm về sự tương tác của quá khứ của chúng ta với hiện tại và chúng ta tự do xây dựng tương lai, tự do thể hiện tình yêu thương hay sự hận thù.

Chúng ta là kết quả của rất nhiều quyết định được đưa ra một cách tự do, ngay cả khi khó có thể tự giải phóng khỏi ảnh hưởng của các xu hướng nghiệp của chúng ta. Sự giải phóng này nằm ngay trong lòng của hoạt động nội tại. Như vậy, việc chúng ta sẽ trở thành như thế nào phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng tự do này. Không có hành động ngẫu nhiên; mỗi một hành động đều ẩn chứa một chủ ý. Như vậy, khái niệm trách nhiệm đạo đức rất dễ hiểu: như tôi đã nêu từ đầu, không có Thiện cũng chẳng có Ác, mà chỉ có cái thiện và cái ác do tư tưởng và hành động của chúng ta gây ra mà thôi. Chúng ta chịu trách nhiệm về cuộc sống của chúng ta như kiến trúc sư (chủ ý) và người thợ nề (hành động) chịu trách nhiệm về chất lượng của ngôi nhà.

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, không cần phải xét tới nguyên lý tổ chức khuyến thiện và răn ác bằng hạnh phúc và bất hạnh.

Matthieu: Không ai tính đếm các hành động của chúng ta, nhưng tất cả các hành động của chúng ta đều được tính đếm cả. Hạnh phúc và bất hạnh là kết quả của tổng thể các suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta, dù chúng được thực hiện trong vũ trụ này, trong cuộc sống này hay trong các vũ trụ và cuộc sống trước. Đó là một tổng thể vô cùng phức tạp các yếu tố phụ thuộc lẫn nhau mà chúng ta có thể thay đổi diễn biến của chúng vào mọi lúc nhờ tự do ý chí của chúng ta. Điều mà quy luật nghiệp khẳng định, đó là nếu chúng ta không can thiệp thì các hành động của chúng ta, một khi đã được hoàn thành, sẽ sản sinh ra vô số hậu quả. Nếu anh ném vào trong gió một nắm hạt gồm một nửa là cỏ độc và một nửa là giống hoa và các cây trồng có lợi, và nếu anh không tác động gì nữa sau khi các hạt giống đã rời khỏi tay anh thì trong tương lai anh sẽ gặt hái được một nửa là cây cỏ độc và một nửa là các loại hoa lưu ly, hoa hồng và các loại dược thảo. Có một câu thường được trích dẫn trong Phật giáo như thế này: “Nếu muốn biết anh đã làm gì, hãy nhìn xem anh đang như thế nào; nếu anh muốn biết anh sẽ như thế nào, hãy nhìn xem anh đang làm gì”.

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, điều xảy đến với chúng ta trong cuộc đời này là kết quả trực tiếp của các hành động và suy nghĩ của chúng ta trong quá khứ. Phải chăng do vậy mà khái niệm nghiệp nhất thiết phải gắn liền với quan niệm về sự đầu thai ở các kiếp sau? Theo tôi, niềm tin vào nhiều kiếp sống này xoa dịu được nỗi sợ hãi đối với cái chết. Khái niệm nghiệp cung cấp một lời giải thích chấp nhận được đối với sự tồn tại của những đứa trẻ thần đồng. Mozart ngay từ 5 tuổi đã là một nghệ sĩ piano tài hoa và nhà soạn nhạc thiên tài, phải chăng đã tích lũy được những kỹ thuật điêu luyện này từ các kiếp trước? Nó cũng cho phép ta hiểu được tại sao một số đứa trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời đã phải chịu những cơn đau dữ dội hay mắc những chứng bệnh nặng: có phải chăng vì chúng phải gặt những cái mà chúng đã gieo trong các kiếp trước?

Matthieu: Loại quan điểm này đã gây ra những phản đối đầy phẫn nộ ở phương Tây. Làm sao người ta lại có thể quy kết cho những đứa trẻ ngây thơ những tội ác mà các em hoàn toàn xa lạ và không hề hay biết? Sự phẫn nộ này là hoàn toàn chính đáng nếu người ta không tin có những kiếp trước. Nhưng ngay cả đối với Phật tử đó không phải là sự kết tội những người vô tội, mà là thể hiện nhiều tình thương hơn nữa đối với những người bất hạnh. Người ta đâu có trách một người bị chứng hay quên không nhớ được là anh ta sẽ bị bỏng nếu cho tay vào lửa: người ta chăm sóc người đó, cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra và bảo cho người đó hiểu làm thế nào để lần sau không bị bỏng nữa. Các khái niệm như kết tội và mạnh hơn nữa là trừng phạt hoàn toàn xa lạ đối với Phật giáo. Kẻ hành động dưới sự điều khiển của lòng hận thù, đố kị ghen ghét hay dục vọng cũng không khác gì một người mắc bệnh tinh thần. Nếu anh ta nguy hiểm thì phải ngăn anh ta gây hại. Sau đó, cần chăm sóc anh ta. Mục đích của chúng ta đơn giản chỉ là tránh đau khổ. Sẽ không có ích gì nếu bị trầm cảm hay liệt quy vì mặc cảm tội lỗi, nhưng sẽ là có ích nếu biết hối hận về những việc làm sai trái để tránh lại rơi vào những bất hạnh cũ.

Trịnh Xuân Thuận: Ông thường nói rằng, theo Phật giáo, cái tôi là một “sự lừa dối”. Vậy nếu như cái tôi này không tồn tại, thì cái gì có được trải nghiệm về hạnh phúc và đau khổ đây?

Matthieu: Có một sự liên tục cho phép nói rằng “tôi” đã trải nghiệm những hậu quả của các hành động của tôi, nhưng đó hoàn toàn không phải là sự liên tục của một thực thể có thật và bất biến. Sự liên tục này được bảo đảm bằng chính các dòng hành động của tôi diễn ra một cách tự nhiên, hành động này nối tiếp hành động kia, cũng như continuum ý thức của tôi. Nói đến dòng các hành động cũng có nghĩa là nói đến sự thay đổi liên tục, điều này loại trừ mọi ý tưởng về một cái bất biến nằm ngay trong lòng chuyển động này. Tưởng tượng ra một cái bất biến như thế giống với ảo giác của một người nhìn dòng suối từ xa và không thấy nó đang chảy.

Người ta cũng tìm thấy sự giải thích tương tự trong các câu hỏi mà Milinda, vua xứ Bactriame, hỏi nhà sư Nagaséna vào khoảng thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên. Sau đây là một đoạn trích của cuộc đối thoại đó:

“Nagaséna, người được đầu thai có phải chính là người đó hay là một người khác?

-    Không phải chính người ấy cũng không phải người khác.

-    Hãy cho ta một so sánh.

-    Nếu người ta đốt một ngọn đuốc, liệu nó có thể cháy suốt đêm không?

-    Chắc chắn được.

-    Ngọn đuốc canh ba có giống ngọn đuốc canh hai và ngọn đuốc canh hai có giống ngọn đuốc canh một không?

-    Không.

-    Như vậy, mỗi canh có một ngọn đuốc khác nhau đang cháy.

-    Không. Vẫn là một ngọn đuốc cháy suốt đêm.

-    Cũng vậy thôi, thưa Đại Vương, sự nối tiếp của các hiện tượng là liên tục: cái này xuất hiện cùng lúc với cái kia biến mất.  Do đó không phải chính bản thân cái đó cũng chẳng phải là cái khác tiếp nhận hành động cuối cùng của ý thức”.

Như vậy khái niệm về một “cái tôi”, một hữu thể hay một ý thức đã trải nghiệm những hậu quả của các hành động trong quá khứ và sự tái sinh liên tục chẳng qua chỉ là một ảo giác.

Trịnh Xuân Thuận: Vậy khi đó làm thế nào mà hậu quả của nghiệp lại không bị “mất” trong quá trình này?

Matthieu: Cái tôi, người sống nghiệp của mình, mặc dù không có tồn tại tuyệt đối, nhưng vẫn có một tồn tại tương đối mà người ta không thể phủ nhận. Nghiệp tương ứng với một dòng các hiện tượng duy trì sự nối kết cụ thể trong một thời gian nhất định và có khả năng thực hiện một chức năng nào đó. Tuy nhiên, mỗi một hiện tượng của cái dòng động này lại hoàn toàn vô thường, và không thể gắn khái niệm về một cái tôi với một sự kiện phù du (như một hạt có thời gian sống cực ngắn, chẳng hạn). Cũng tựa như sự tồn tại của cái tôi, sự tồn tại của Nghiệp là hoàn toàn mang tính quy ước, chứ không bao giờ có như khách quan. Một trong những cha đẻ của ngành điều khiển học là Norbert Wiener đã diễn đạt một cách rất thi vị khái niệm hoàn toàn tương tự. “Chúng ta chỉ là những vòng xoáy của một con sông chảy mãi không ngừng. Chúng ta không là một thực thể hiện hữu lâu bền, mà là những dấu vết tồn tại mãi mãi”.

Bình luận