Trang chủ

Cái vô hạn trong lòng bàn tay từ Big Bang đến giác ngộ

Chương 7 : Mỗi người có một thực tại riêng

KHI KHỐI TUYẾT TRI THỨC TAN RA

Việc chúng ta nhìn nhận cùng theo một sự vật theo những cách khác nhau là điều dễ hiểu. Nhưng đâu là bản chất của “VẬT” ẩn đằng sau những vẻ bề ngoài? Liệu chúng ta có thể tiếp cận được nó không? Hiện thực của nó là gì? Theo các nhà vật lý duy thực, thì chắc chắn có một hiện thực “thuần túy và bền vững”, có thể mô tả được bằng các khái niệm hạt cơ bản hay các siêu dây mà cuối cùng người ta cũng sẽ biết; theo một số người khác, đó là hiện thực bị che khuất vĩnh viễn; còn theo Phật Giáo, thì đó đơn thuần là những vẻ bề ngoài, không thực, không tồn tại được thể hiện và được quan sát theo những cách khác nhau bởi những cá thể khác nhau theo những khuynh hướng được tích lũy trong quá khứ.

Matthieu: Nếu các hạt cơ bản không phải là các “vật” thì làm sao tổng các hạt ấy có thể có hiện thực hơn được? Trên thực tế, “tính hiện thực” của nhà vật lý là kết quả của mối quan hệ khăng khít giữa cái mà anh ta tìm cách khám phá và những phương tiện khám phá của anh ta, nghĩa là các dụng cụ và trí tuệ của anh ta. Trong bất cứ trường hợp nào người ta cũng không thể khẳng định rằng các hiện tượng đơn giản chỉ là cái cửa sổ mở ra các hiện tượng độc lập, với các tính chất nội tại tồn tại từ trước. Một ghi nhận như vậy làm sao có thể làm thay đổi được cảm nhận của các nhà vật lý các ông về thế giới vĩ mô?

Trịnh Xuân Thuận: Rất ít nhà vật lý suy nghĩ nghiêm túc về các hậu quả triết học của cơ học lượng tử. Theo hầu hết các nhà nghiên cứu thì cơ học lượng tử đơn giản chỉ là một lý thuyết vật lý vận hành cực kỳ tốt. Nó đã giải thích được một cách chính xác chưa từng có hành trạng của vật chất ở cấp độ nội nguyên tử và sự tương tác của vật chất với ánh sáng. Do vậy, cơ học lượng tử được coi là một công cụ hữu hiệu giúp con người chế tạo ra transitor, tia lazer, các con chíp điện tử, máy vi tính và các dụng cụ khác ngày càng hiện đại làm thay đổi căn bản cuộc sống của con người. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều không đi xa hơn và không bận tâm đến các nền tảng triết học của ngành khoa học mà họ nghiên cứu.

Matthieu: Mới đây, tôi đã ghi lại được các lời bình luận của nhà vật lý Jean-marc Levy-Leblond cũng đi theo hướng này: “Sự nhất trí rộng rãi hiện tồn tại trong giới vật lý về hầu hết các lý thuyết của họ, dù đó là vũ trụ học, vật lý hạt, hay cơ học thống kê, không nên khiến người ta ảo tưởng. Nó liên quan trước hết đến toàn bộ hệ thống lý thuyết, nghĩa là tập hợp các hình thức luận toán học được sử dụng để làm sáng tỏ kinh nghiệm của chúng ta về thế giới, và các thủ tục tính toán cho phép từ đó suy ra các cách giải thích hoặc những tiên đoán về những quan sát của chúng ta.  nhưng sự đồng thuận này vẫn còn bỏ ngỏ rất nhiều vấn đề về cách giải thích các lý thuyết đó cũng như ý nghĩa các khái niệm của chúng...
Đằng sau sự thống nhất bề ngoài của cộng đồng khoa học, người ta vẫn nhận thấy có nhiều khác biệt nghiêm trọng. Những khác biệt này còn sâu sắc hơn khi chúng không được thể hiện một cách công khai. Sự đa dạng của các quan niệm vẫn thường bị che lấp bởi sự thờ ơ hoặc thận trọng của các nhà nghiên cứu bên ngoài lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn của họ. ”

Trịnh Xuân Thuận: Đúng là tình hình này tất nhiên là không lành mạnh. Trong khi cơ học lượng tử cực kỳ tiến bộ trên phương diện tính toán các hiện tượng, thì lại không mấy tiến bộ trên phương diện nền tảng triết học của nó. Chỉ có rất ít nhà vật lý đi sâu nghiên cứu vấn đề này, trong đó có hai nhà khoa học Pháp là Bernard d’Espagnat và Michel Bithol. Để giải thích một số điều dị thường của cơ học lượng tử như khái niệm “tính không tách được” mà chúng ta đã đề cập khi tranh luận về hiện trạng EPR, d’Espagnat đã nói về một “hiện thực bị che khuất”. Theo ông, khoa học đã mô tả tốt hiện thực kinh nghiệm, nhưng nó mới chỉ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn đại thể về một hiện thực độc lập không nằm trong khuôn khổ của không-thời gian thông thường. Cái hiện thực bị che khuất này không thể mô tả được bằng vật lý mà chúng ta đã biết và nó thoát ra khỏi mọi khuôn khổ khái niệm mà chúng ta có thể tạo ra. Tính không tách được ngăn cấm mọi cố gắng mô tả hiện thực độc lập thông qua các vật định vị và nghi ngờ một cách nghiêm túc ý tưởng về sự tồn tại “tự thân” của không-thời gian chúng ta.

Matthieu: Quan niệm về một thể nền có thực tồn tại tự thân đằng sau bức màn các tri giác của chúng ta là một chủ đề mà triết học Phật giáo đã từng tranh luận rất nhiều. Triết học Phật giáo kết luận rằng các khái niệm của chúng ta không thể tổng giác được hiện thực vì việc hiện thực vừa không phải là không tồn tại vừa không tồn tại độc lập chắc chắn là vượt ra ngoài trí tuệ thông thường. Chúng ta luôn giả định rằng chắc chắn có tồn tại một “cái gì đó” các tri giác khá hòa hợp của chúng ta về thế giới các hiện tượng chỉ là những tựa bằng chứng mà thôi - và rằng những thực nghiệm khác nhau mà các nhà khoa học dày công thực hiện là bấy nhiêu những giai đoạn cho phép chúng ta phát hiện ra những đặc tính riêng của “cái gì đó” này. Từ đó, chỉ một bước nữa là đi đến kết luận rằng có tồn tại một hiện thực vững chắc, vì thực tế một đặc tính này hay khác của chúng người ta đều có thể quan sát lặp đi lặp lại được.

Trịnh Xuân Thuận: Thực ra, ngành sinh học thần kinh đã chứng tỏ được rằng “hiện thực” chỉ xuất hiện đồng nhất đối với các sinh vật cùng loài có cùng một hệ thần kinh. Các loài khác nhau thì cảm nhận thế giới theo các cách khác nhau. Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu đối với loài cá, chim và côn trùng đã chứng tỏ rằng màu sắc và hình dạng của các vật được các loài vật này cảm nhận theo những cách hoàn toàn khác với con người. Hiện thực chắc chắn bị thay đổi tùy theo hệ thống thần kinh cảm nhận nó.

Matthieu: Nếu người ta phân tích một trong những cách tri giác nào đó, như cách tri giác của con người chẳng hạn, thì người ta sẽ nghiệm thấy đơn giản rằng, trong một số điều kiện, người ta quan sát và đo lường một số hiện tượng theo cách có thể tái tạo được. Nhưng làm như vậy, hiện thực của “vật” không vượt qua thân phận ban đầu của nó, tức chỉ là cái “nhãn mác tinh thần”. Quá trình thực nghiệm này chưa bao giờ chứng tỏ rằng cái mà người ta quan sát là tồn tại tự thân và có các đặc tính nội tại. Chúng ta có thể nhìn thấy một nghìn lần hai Mặt trăng bằng cách áp một nghìn lần các ngón tay vào nhãn cầu của chúng ta, và chắc chắn là việc nhìn thấy hai Mặt trăng này không hề có nghĩa là có hai Mặt trăng thật?

Trịnh Xuân Thuận: Bemard d’Espagnat có so sánh hiện thực này với một cầu vồng mà những người dân thuộc một hòn đảo nằm ở giữa một con sông nhìn thấy. Họ thấy cái vòng cung đa sắc này cũng thật như tất cả các vật mà nó bắc qua: ở một trong hai đầu mút của cái vòng cung ấy, có một cây bạch dương, ở đầu mút kia là mái nhà của một nông trại. Những người dân trên đảo không hề nghi ngờ về tính hiện thực của cái cầu vồng đó: họ tin rằng nó ở đó chính xác ở chỗ cái cây và mái nhà kia, ngay cả khi họ nhắm mắt lại hay chui vào chỗ khuất. Tuy nhiên, khi họ rời đảo và cho xe chạy vòng quanh nhưng mắt vẫn không rời cái cầu vồng đó, thì họ sẽ nhận thấy rằng vị trí của cầu vồng không phải là luôn luôn cố định và rằng hai đầu của nó không luôn ở đúng vị trí của cây bạch dương và mái nhà nông trại: nghĩa là vị trí của cầu vồng phụ thuộc vào vị trí của người quan sát. So sánh này chứng tỏ một thực tế rằng ngay cả những vật vĩ mô cũng không có tồn tại độc lập và rằng người quan sát đóng vai trò hàng đầu trong cách xuất hiện của những vật này. Chúng ta đã thấy rằng trong thế giới dưới nguyên tử, chính người quan sát có vai trò quyết định cùng một hiện tượng xuất hiện ở dạng sóng hay ở dạng hạt. Như vậy hiện thực mà chúng ta tác động vào có bản chất kinh nghiệm. Hiện thực độc lập với người quan sát bị che khuất, nó thoát khỏi sự quan sát của chúng ta.

Matthieu: Đúng là không có bất kỳ lý thuyết nào có thể làm sáng tỏ một hiện thực tồn tại một cách hoàn toàn độc lập với tư duy.

Dù vậy đi nữa, việc khẳng định sự tồn tại của một thực tại có thật là hoàn toàn siêu hình. Do tư duy không bao giờ tiếp cận được, sự tồn tại của hiện thực độc lập này cũng phi thực như một hình hình học vừa là hình tròn vừa là hình vuông vậy. Ví dụ về cầu vồng cũng thường được sử dụng trong Phật giáo. Người ta nói rằng những người phàm trần vốn gắn bó với sự tồn tại bền vững của hiện thực có thể so sánh với những đứa trẻ chạy theo cái cầu vồng với hy vọng bắt được nó để choàng lên người. Cầu vồng, có sắc nhưng không chạm vào được, là biểu tượng của sự kết hợp giữa cái trống rỗng và các hiện tượng cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau: nó là kết quả của sự trùng hợp giữa một màn mưa và các tia sáng mặt trời chứ không có gì thực sự hiện hữu cả. Nó biến mất ngay khi một trong hai yếu tố này không còn, mà thực chất, cũng không có gì thực sự chấm dứt tồn tại cả. Các điều kiện cho sự xuất hiện của một cầu vồng không đòi hỏi phải có một “hiện thực bị che khuất, để xuất hiện. Sư phụ tôi, Ngài Khyenté Rinpotché, đã gắn sự nhận thức về bản chất của các hiện tượng này với thực hành thiền định như thế này: “Tất cả các hiện tượng đều giống với một cái cầu vồng: chúng hoàn toàn không có một hiện thực có thể sờ mó được. Một khi đã nhận ra bản chất thực của thế giới là trống rỗng nhưng xuất hiện dưới dạng thế giới của các hiện tượng, tinh thần của chúng ta sẽ được giải phóng khỏi sự chi phối của ảo giác. Khi các ngươi biết cách thả cho những suy nghĩ của mình bị hòa tan bởi chính chúng, thì càng xuất hiện nhiều chúng sẽ càng lướt qua tinh thần chúng ta như con chim vút qua bầu trời: chẳng để lại một dấu vết gì”.

Vậy phải chăng “hiện thực” vĩnh viễn thoát khỏi nhận thức của chúng ta? Đúng, nếu chúng ta cứ khăng khăng muốn làm xuất hiện từ thế giới các hiện tượng những “vật” tồn tại tự thân. Và sai, nếu chúng ta miệt mài muốn biết bản chất tối hậu của chúng, sự không tồn tại độc lập của chúng.

Trịnh Xuân Thuận: Có một việc tôi thấy không ổn: nếu không có bất kỳ hiện thực nào đằng sau thế giới các hiện tượng thì có thể giải thích như thế nào việc tất cả chúng ta đều tri giác gần như giống nhau? Nếu các đặc tính của các vật vĩ mô - như vị trí của cầu vồng trong không gian - một phần là sản phẩm của trí óc chúng ta thì làm thế nào có thể hiểu được việc các thực nghiệm khác nhau mà chúng ta tiến hành lại trùng hợp với nhau và chúng ta đều nhất trí về bản chất của chúng? Nếu vị trí trong không gian một phần là sự phản ảnh tính chủ quan của chúng ta thì không gian và thời gian chúng phải như thế, bởi vì Einstein đã cho chúng ta biết rằng chúng gắn bó với nhau rất khăng khít. Làm sao giải thích được sự nhất trí chủ quan của nhiều người khác nhau về việc một vật trong thế giới hằng ngày có một vị trí cố định luôn như vậy trong con mắt của tất cả mọi người?

Matthieu: Câu hỏi của ông bao gồm hai khía cạnh: bản chất tối hậu của các hiện tượng và cách thức chúng ta tri giác các hiện tượng này. Bất chấp cách chúng ta tri giác thế nào, bản chất tối hậu này là không có sự tồn tại độc lập, hay cũng tức là có sự phụ thuộc lẫn nhau. Nó không bắt nguồn từ tính chủ quan. Thực nghiệm chứng tỏ rằng các vật không hoàn toàn là không tồn tại. Nhưng cách thức mà chúng tồn tại mới là điều chúng ta phải xem xét kỹ hơn. Tới giai đoạn này, trí tuệ đã đạt đến giới hạn của nó, vì nó không thể tổng giác được về mặt khái niệm bản chất tối hậu này, cả tồn tại cũng như không tồn tại. Như vậy, trên quan điểm trí tuệ, bản chất của hiện thực là “không thể quyết định được”. Vì nó vượt ra ngoài mọi khái niệm, nên kinh nghiệm Giác ngộ mới có thể tổng giác trực tiếp được hiện thực, theo cách không nhị nguyên cũng không theo khái niệm. Trong cuốn Tri thức siêu việt có đoạn: “Các hiện tượng không sinh cũng không diệt, không tồn tại nhưng cũng không phải là không tồn tại, không đến không đi, không một cũng không nhiều: chúng đã vượt ra ngoài mọi định nghĩa mang tính khái niệm”.

Thứ hai, cách chúng ta tri giác các hiện tượng đòi hỏi có sự tham gia của ý thức, vì ý thức là một bộ phận của sự phụ thuộc lẫn nhau. Vậy tại sao các sinh vật thuộc cùng một loài lại tri giác các hiện tượng gần như giống nhau? Khi người ta tự nhủ: “Mỗi khi mình nhìn một vật nào đó, mình lại thấy nó theo cùng một cách và tất cả mọi người đều thấy nó theo cách này”, điều này không hề chứng tỏ rằng các tính chất tri giác được của vật này là một bộ phận không thể tách rời bản chất của nó. Sự ổn định bề ngoài của một tri giác là kết quả của sự tương tác liên tục giữa ý thức và một nhóm các hiện tượng cụ thể. Theo Phật giáo, cách chúng ta tri giác thế giới là rất đặc thù. Việc tất cả mọi người đều tri giác thế giới theo cách gần như giống nhau là do ý thức và thể xác của chúng ta có một cấu trúc giống nhau. Thế giới của một con người khác đáng kể với thế giới của một con sâu, và thế giới của một con sâu khác với thế giới của một con chim.

Trịnh Xuân Thuận: Sự thực, các nhà sinh học thần kinh sẽ nói với ông rằng các loài vật khác nhau tri giác thế giới theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, mắt của chúng nhạy cảm với những ánh sáng có màu sắc khác nhau hoặc với các bức xạ mà mắt người không thấy. Thật vậy, một con chó có thể nhìn được trong bóng tối, vì mắt nó nhạy cảm với ánh sáng hồng ngoại hơn mắt người. Một con chim bồ câu có thể cảm nhận được các tia cực mà mà chúng ta không nhìn thấy. Loài dơi lại không định vị bằng thị giác mà bằng cách nghe tiếng dội của các sóng siêu âm do chúng phát ra. Như vậy cách hình dung thế giới của chúng rất khác với cách của chúng ta. Các nhà sinh vật học nghĩ rằng những khác biệt này là do chọn lọc tự nhiên: mỗi loài đã phát triển các kiểu tri giác phù hợp nhất với môi trường sống của mình, và hữu hiệu nhất cho sự tồn tại, sinh sôi và nẩy nở của mình.

Matthieu: Ông đã nói tới việc nhìn thấy cùng một vật ít nhiều ở cùng một vị trí. Nhưng bản thân các khái niệm “vật” và “vị trí” chắc chắn là rất khác nhau tùy theo loại sinh vật cảm nhận chúng. Sự tương đối giống nhau về chức năng của các giác quan và nhận thức của các sinh vật tạo ra các tri giác về thế giới đôi khi giống nhau, nhưng đôi khi cũng rất khác nhau, vì thế mà không cái nào trong số các tri giác đó có thể được coi là tối hậu. Trong kinh Samadhirajà Soutra, Đức Phật viết:

“Mắt, tai và mũi không phải là các phương tiện bền vững của nhận thức,

Lưỡi và cơ thể cũng vậy.

Nếu các giác quan có thể cung cấp cho chúng ta một tri thức đích thực,

Thử hỏi Đạo tối thượng sẽ có thể mang lại được gì?”

Trong các kinh sách Phật giáo, người ta thường đưa ra ví dụ về cốc nước. Chúng ta tri giác nó như một đồ uống hay một chất lỏng dùng để rửa, trong khi đó nó lại là một vật gây kinh hãi đối với người bị mắc bệnh dại, một tập hợp các phân tử đối với nhà vật lý sử dụng kính hiển vi điện tử, một môi trường sống đối với cá.

Trịnh Xuân Thuận: Một người theo chủ nghĩa duy vật có thể bác lại ông rằng có một thể nền chung đằng sau những cảm nhận khác nhau này, rằng cốc nước có một hiện thực độc lập.

Matthieu: Nghĩ rằng phải tồn tại một hiện thực được quy định bởi chính nó là điều cũng tự nhiên thôi. Nhưng, điều đó liệu có đúng không? Đây không phải là chuyện phủ định hiện thực quan sát được như chúng ta thấy hay khẳng định rằng nó chỉ là một sự phóng chiếu của trí óc. Điều mà chúng ta muốn nói ở đây chỉ là không có hiện thực “tự thân”. Các hiện tượng chỉ tồn tại trong mối quan hệ phụ thuộc với các hiện tượng khác vốn cũng phụ thuộc lẫn nhau. Điều này đúng với các hạt nguyên tử cũng như với ý thức. Nước là gì đối với một con dơi? Phải chăng đó là một “bề mặt” phản âm lúc bằng phẳng, lúc gợn sóng? như Thomas Nagel đã từng nhận xét: bất chấp một số cố gắng nhằm tái tạo thế giới như các con vật cảm nhận, con người đơn giản là nên từ bỏ việc tạo ra một ý niệm, chẳng hạn, về thế giới do con dơi cảm nhận, ngay cả khi con người có thể mô tả sự vận hành của hệ thống cảm nhận của nó một cách chi tiết nhất. Việc hiểu biết trên lý thuyết cách thức mà con dơi định hướng theo các sóng siêu âm không cung cấp cho chúng ta thêm thông tin về kinh nghiệm của nó, tựa như sự mô tả màu sắc bởi một nhà vật lý không chia sẽ được kinh nghiệm gì đối với một người mù. Đối với một người thợ lặn bất động trong bóng tối của biển sâu, phải chăng nước cũng chẳng khác gì một không gian trống rỗng tựa như khoảng không gian mà một nhà du hành vũ trụ bước ra khỏi con tàu của mình và rơi vào trạng thái không trọng lượng? Trong trường hợp này, nước không còn bất kỳ một đặc tính nào nữa. Đối với một người đã giác ngộ, một vị Phật, thì nước được cảm nhận là sự liên hợp của sự trống không và các vẻ bề ngoài. Chỉ có cách nhìn nhận này mới được coi là đúng đắn, vì không có cái gì khác đứng vững được trước sự phân tích. Thật vậy, mọi cảm nhận khác về nước đều bắt nguồn từ những khuynh hướng quen thuộc của chúng ta được tích tụ từ nhiều đời nay. Các khuynh hướng này bắt nguồn từ sự vô minh và lẫn lộn. Khi sự lẫn lộn này tiêu tan, người ta mới nhận ra rằng các khía cạnh vô cùng đa dạng của các hiện trạng đều không có tồn tại độc lập và rằng bản chất cuối cùng của chúng là trống rỗng. Điều này không hề ngăn cản thế giới xuất hiện, nhưng khi đó nó được cảm nhận như sự triển khai của “tính thuần khiết vô tận” của các hiện tượng. Người ta nói đến “tính thuần khiết vô tận”, vì những sự phân biệt quen thuộc mà tinh thần dựng nên giữa cái đẹp và cái xấu, cái tinh khiết và cái không tinh khiết đều biến mất trong sự hiểu biết không nhị nguyên về bản chất cuối cùng của các hiện tượng. Thế giới thông tục, gọi là “không tinh khiết chỉ là sản phẩm của một sự lầm tưởng và không có một chút nguyên tử hiện thực nào như nước lấp lánh của một ảo ảnh. Bản thân sự vô minh cũng chỉ là một tấm màn che nhất thời và phi thực Khi người ta ý thức được thực tế này, mọi cảm nhận “không tinh khiết” đều sẽ biến mất.

Trịnh Xuân Thuận: Theo Phật giáo, cả vật đơn lẻ có tồn tại tự thân lẫn sự trống không riêng rẽ đều không thể tạo thành nền tảng cho phép các hiện tượng xuất hiện. Chúng ta hãy xét trường hợp thứ nhất, trường hợp về một nền tảng có tồn tại thực. Trước hết, hãy loại trừ khả năng phi lý là hai cách tri giác khác nhau về nước tương ứng với hai vật độc lập tách rời. Nếu trường hợp đó xảy ra, các tri giác này sẽ không có bất kỳ cơ sở chung nào và không có một mối liên hệ nào với nhau – chẳng khác nào tri giác của chúng ta về một cái bình không có mối liên hệ nào với tri giác về cái cột. Một đặc tính của nước, như tính lỏng của nó chẳng hạn, liệu có thể cấu thành nên nền tảng này không? Nếu nước có thể tự quy định nó, thì các đặc tính của nó phải áp đặt cho tất cả mọi người theo cùng một cách, độc lập với các khả năng nhận thức và – nói theo Phật giáo - độc lập với những khuynh hướng nghiệp chướng của mỗi người. (Điều ngược lại là không đúng, vì ngay cả khi tất cả chúng ta đều tri giác một vật theo cùng một cách thì điều này cũng không có nghĩa là vật đó tồn tại tự thân). Theo Phật giáo, trong các trạng thái thiền sâu, ý thức có thể trải qua kinh nghiệm về một thế giới “không hình thái, nơi mà nó chỉ tri giác không gian hoặc chính bản thân nó. Trong một thế giới như thế, khái niệm lỏng chắc chắn là vô nghĩa. Nước cũng không thể là sự phóng chiếu đơn giản của một trí óc vốn có sự tồn tại độc lập, vì chủ thể được xác định trong mối quan hệ với khách thể, nên nếu chủ thể (trí óc) tồn tại thật sự, thì khách thể ảo tưởng mà nó phóng chiếu cũng phải tồn tại. Chúng phải hoặc cả hai đều là thực, hoặc cả hai đều phi thực. Trong trường hợp thứ hai, nếu cơ sở của các tri giác chúng ta là hoàn toàn trống không, thì các tri giác này sẽ không có nguyên nhân, là bất cứ cái gì, kể cả không gian trống rỗng, đều có thể xuất hiện theo bất cứ cách nào. Không có gì ngăn cản một bông hoa xuất hiện giữa bầu trời.

Như vậy, một vật tồn tại độc lập cũng như một sự trống không thuần túy đều không thể tạo thành cơ sở cho sự xuất hiện của các hiện tượng. Chỉ có một “vẻ bề ngoài đơn giản”, không bị giới hạn vào khách thể bên ngoài lẫn ý thức bên trong mới tiêu biểu cho một cơ sở mà sự phân tích không thể chối bỏ được. Như vậy là chúng ta lại quay trở về sự liên hợp không thể tách rời của các biểu hiện bên ngoài (sắc) và sự trống không (không) sự liên hợp này vượt lên trên các khái niệm cực đoan về sự tồn tại thực và hư không. Tính không tách được của hai chân lý - chân lý tương đối về các hiện tượng và chân lý tối hậu về sự trống rỗng của chúng - là hiện thực duy nhất có thể, một hiện thực mà mọi sinh vật có hiểu biết hoàn hảo như một vị Phật đều tri giác được.

Một điều không thể chối cãi là ngoại vật được tri giác tại một thời điểm hiện tại không phải là một sản phẩm thuần túy của trí óc. Tuy nhiên, tổng thể “cảnh tượng” của chúng ta, nghĩa là sự hình dung của chúng ta về thế giới, là kết quả của sự thực tại hóa các khuynh hướng đã được ý thức tích lũy từ thời rất xa xưa. Chính nhờ sự thực tại hóa này mà các sinh vật thuộc cùng một loài tri giác một tổng thể các hiện tượng ít nhiều giống nhau. Vì không gì có thể tồn tại tự thân, nên các hiện tượng đủ loại này không xung khắc và có thể cùng tồn tại mà không loại trừ lẫn nhau. Như vậy những loài khác nhau cùng sống với những cái “phi hiện thực” khác nhau tạo ra các kiểu tri giác khác nhau về cái mà chúng ta gọi là “cùng một cốc nước”. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng “cùng” không có nghĩa là có một cốc nước “thật” đặt đằng sau bức màn bán trong suốt của các giác quan chúng ta. “Cùng” ở đây có nghĩa là sự hoạt động của các tâm thức khác nhau qua bao đời kiếp trong quá khứ đã dẫn đến sự kết tinh giống nhau, nhưng không đồng nhất, của các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau. Mặc dù không có sự tồn tại độc lập, nhưng vốn phản ảnh quá trình cố định hóa các cách xây dựng khái niệm xuất phát từ tri giác, những kết tinh đó ít nhiều giống nhau theo cách mà những tâm thức này đã hoạt động từ một quá khứ rất xa xôi. Chắc chắn là điều này trái với suy nghĩ chung vốn gắn chặt với quan niệm về một thế giới có tồn tại hoàn toàn bên ngoài chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Ông không muốn nói rằng nếu chúng ta không hiện hữu ở đây, thế giới sẽ không tồn tại đấy chứ.

Matthieu: Không, đương nhiên! Ngay cả khi trường phái Phật giáo duy tâm được mệnh danh là “Duy Thức” (Cittamatra) khẳng định rằng chỉ duy nhất là tinh thần mới có một hiện thực tối hậu, còn các hiện tượng chẳng qua chỉ là sự phóng chiếu của tinh thần, thì địa vị của nó đã bị triết lý Trung Đạo (Madhyamaka) vốn được coi là sâu sắc nhất chối bỏ. Theo trường phải Madhyamaka, cách nhìn nhận đúng đắn về hiện thực là cách nhìn nhận về sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng, có ý thức cũng như vô thức, cả hai đều không có tồn tại tuyệt đối. Chắc chắn là thế giới nói chung không biến mất khi người ta ngủ hay khi người ta bất tỉnh. Tuy nhiên, sự tương tác của ý thức chúng ta với các hiện tượng “bên ngoài” xác định một mạng lưới các quan hệ đặc biệt tạo nên thế giới “của chúng ta”. Nhưng thế giới đặc biệt này sẽ tan biến khi thiếu vắng một yếu tố, mà chủ yếu là ý thức.

Tóm lại, cành cây bị gãy thì vẫn là bị gãy bất chấp chúng ta có ở đó để chứng kiến hay không. Nhưng thế giới các hiện tượng phải được nhận thức trên một quan điểm rộng lớn hơn. Nó là sản phẩm của một sự chín muồi dài lâu nhờ sự cùng tồn tại của ý thức các sinh vật và tiềm năng biểu hiện vô hạn của các hiện tượng vốn gắn liền với sự trống không của chúng. Như người thầy tôi, Ngài Khyentsé Rinpotché, đã nói: “Khi một ảnh phản xạ xuất hiện trong một cái gương thì người ta không thể nói rằng nó là một bộ phận của cái gương cũng như không thể nói là nó nằm ở nơi khác. Tương tự, những cảm nhận về các hiện tượng bên ngoài không nằm trong trí óc nhưng cũng không nằm ngoài nó. Trên thực tế, các hiện tượng vừa không tồn tại vừa không phải là không tồn tại. Như vậy, việc nhận ra bản chất tối hậu của các vật nằm ngoài các khái niệm tồn tại và không tồn tại”.

Chính vì thế, Nagarjuna đã thận trọng nói: “Vì tôi không đề ra một khái niệm nào, nên không ai có thể phản bác quan điểm của tôi”. Không khẳng định điều gì không phải là một sự tránh né của lý trí, mà là sự thừa nhận việc bản chất tối hậu của các hiện tượng không thể được quy định bởi các khái niệm, bị giới hạn bởi các định nghĩa, bị bó hẹp trong các phạm trù hiện thực bền vững hay hư vô.

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, Phật giáo nói rằng không có hiện thực độc lập dù là bị che khuất. Khẳng định này trùng hợp với các phát biểu của Bohr khẳng định rằng các đối tượng nguyên tử và dưới nguyên tử không có bất cứ một thuộc tính nào riêng rẽ. Khi chúng không được quan sát thì không thể gán cho nó, dù là bằng ý nghĩ, một vận tốc xác định và một quỹ đạo mà dọc theo đó tại mỗi một thời điểm chúng choán một vị trí xác định. Như vậy, chúng ta không được coi các đối trọng lượng tử là luôn có những đặc tính có thể đo lường được. Theo Heisenberg, “trong cơ học lượng tử, khái niệm quỹ đạo thậm chí không tồn tại”. Như vậy, cơ học lượng tử đã tương đối hóa một cách triệt để khái niệm vật thể bằng cách bắt nó phụ thuộc vào khái niệm sự kiện vốn là phép đo được thực hiện bằng các dụng cụ. Như vậy, các vật thể hay đối tượng nguyên tử và dưới nguyên tử cùng với các dụng cụ quan sát tạo thành một tổng thể không thể phân chia. Mục đích của vật lý không còn là mô tả hiện thực tự thân nữa mà là mô tả “kinh nghiệm có thể trao đổi của con người”, nghĩa là mô tả các quan sát và phép đo.

Matthieu: Ngay cả khi cơ học lượng tử khẳng định điều ngược lại thì các nhà khoa học duy hiện thực, chắc là do những ảnh hưởng văn hóa có thể đã quy định khuôn khổ trí tuệ của họ, luôn quay lại một cách không mệt mỏi quan điểm cho rằng chắc chắn có một hiện thực “đích thực” ở đâu đó, điều này đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn với Phật giáo. Rất nhiều nghịch lý, mà người ta thường gán cho cơ học lượng tử, đơn giản là do chúng ta cố gắng bằng mọi giá gắn vào cơ học lượng tử những khái niệm của triết học phương Tây chúng ta. W. H. Zurek viết: “Thất bại duy nhất của cơ học lượng tử là đã không cung cấp một cái khung cho việc thực hiện các định kiến của chúng ta”. Thế giới quan theo Phật giáo chấp nhận một trung đạo giữa hiện thực và hư vô. Quan niệm này về thế giới làm sáng tỏ những mối quan hệ giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối có khả năng giải quyết mâu thuẫn này và làm tan biến nhiều nghịch lý điển hình của vật lý đương đại, và như vậy, sẽ cung cấp một khuôn khổ sống, suy nghĩ và hành động phù hợp với thời đại của chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu của mình trong một bối cảnh xã hội và văn hóa nhất định. Cho dù ngay cả khi chống lại nó, anh ta cũng không thể tránh khỏi phải chia sẻ, dù là có ý thức hay không, những định kiến siêu hình của xã hội là anh ta sống. Vì khoa học sinh ra ở phương Tây nên không thể tránh được sự khống chế của tư tưởng siêu hình về một hiện thực bền vững được vật hóa bằng mọi giá. Tôi không nghĩ rằng việc những người sáng lập ra cơ học lượng tử như Bohr và Schrödinger đã ủng hộ cho sự thống nhất tư tưởng giữa khoa học phương Tây và tư tưởng triết học phương Đông là điều tình cờ. Họ đã cảm nhận được trong tư tưởng phương Đông một lối ra khả dĩ cho phép thoát khỏi nhiều nghịch lý gắn liền với cơ học lượng tử được lĩnh hội theo một sơ đồ phương Tây. Theo Heisenberg, “đóng góp to lớn của Nhật Bản vào lý thuyết vật lý từ sau chiến tranh thế giới II có lẽ đã chỉ ra một sự tương đồng nào đó giữa các quan điểm triết học truyền thống của Viễn Đông và nội dung triết học của lý thuyết lượng tử”, trong khi theo Bohr, “song song với các bài học về lý thuyết nguyên tử […] chúng ta cần phải quay lại những vấn đề nhận thức luận mà một số nhà tư tưởng như Đức Phật và Lão Tử đã từng đối mặt khi cố gắng làm hài hòa tình huống vừa là khán giả vừa là diễn viên trên sân khấu cuộc đời”.

Matthieu: Cảm nhận của con cá về nước là hiện thực về nước “của nó”. Bây giờ hãy hình dung hai cách cảm nhận: một là của một sinh vật có nhãn trường chỉ cỡ kích thước của hạt quark nổi tiếng của chúng ta, và một của một tinh thần mà vật nhỏ bé nhất nó có thể nhìn thấy là một thiên hà. Cách mô tả thế giới và hiện thực của chúng sẽ là hoàn toàn khác nhau. Đằng sau những cái nhìn khác nhau này, không có hư vô cũng không có một hiện thực quy chiếu tồn tại khách quan.

Trịnh Xuân Thuận: Tuy nhiên, khi tôi quan sát vũ trụ, các thiên hà và các vì sao bằng kính viễn vọng tôi nhìn thấy và đo lường được cùng một hiện thực, cùng những đặc tính của ánh sáng, cùng một giá trị vận tốc chạy ra xa nhau của các thiên hà, cùng một độ sáng và màu sắc của các ngôi sao giống như mọi người quan sát vũ trụ khác nhìn thấy. Các hằng số vật lý không thay đổi trong không gian và thời gian. Bởi vì các kính viễn vọng cũng là những cái máy lần ngược lại dòng thời gian, nên tôi có thể chắc chắn rằng khối lượng và điện tích của electron trong các thiên hà mà tôi quan sát ngày hôm nay có những giá trị giống hệt với những giá trị đo được ở đây, cái xó xỉnh nhỏ bé là Trái đất chúng ta, trong khi ánh sáng từ các electron đó đã bắt đầu hành trình xuyên các thiên hà cách đây hơn 10 tỷ năm.

Matthieu: Đó chính là điều mà Phật giáo gọi là “chân lý tương đối được chấp nhận bằng đa số”. Chắc chắn thế giới không thể được phó thác cho ngẫu nhiên hay độc đoán. Ngay cả khi các hiện tượng không có một hiện thực độc lập thì chúng vẫn tồn tại dưới dạng “các vẻ bề ngoài” có thể được gọi bằng những cái tên khác nhau, và, vì không phải là hư vô thuần túy, chúng có thể tạo ra một hành động tuân theo các quy luật nhân quả. Các quy luật này giải thích được rất nhiều con số, hằng số và các tính chất được phát hiện qua sự đo đạc và tính toán của chúng ta. Trong bối cảnh đó, chắc chắn là khối lượng của hiện tượng mà chúng ta định nghĩa như là một electron sẽ là bất biến. Do vậy, việc con người đo được nó theo cùng một cách là hoàn toàn bình thường. Ngược lại, cái chưa hẳn đã chắc chắn, đó là các đức tính mà người ta gán cho electron như là các tính chất nội tại của nó cũng có thể được các sinh vật rất khác chúng ta tri giác một cách giống hệt. Tất cả những gì người ta có thể nói về các hiện tượng, đó là chúng xuất hiện và thực hiện một số chức năng nào đó. Không có gì khác ngoài “vẻ bề ngoài đơn thuần” này là đứng vững được trước sự phân tích. Nếu 100 người xem cùng một bộ phim thì về mặt lý thuyết, họ có thể kể lại đến từng chi tiết nhỏ nhất và hoàn toàn ăn khớp với nhau. Người ta cũng có thể làm ra hàng ngàn bản sao bộ phim này. Không có lý do gì để tranh cãi về cái mà những người này đã xem, cũng như sự tồn tại của bộ phim. Nhưng không vì thế mà điều này có thể tạo ra một hiện thực lớn hơn cho các sự kiện mà bộ phim đã kể. Ở đây ta gặp lại các khái niệm về chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Chân lý tương đối tương ứng với cách mà các hiện tượng xuất hiện trước mắt chúng ta với các đặc tính có thể nhận dạng được. Chân lý tuyệt đối tương ứng với sự thiếu vắng tồn tại độc lập của các đặc tính này, và điều này có nghĩa là bản chất tối hậu của các hiện tượng - tức là sự trống rỗng - vượt lên trên mọi mô tả và mọi khái niệm. Kinh Prajnapammita viết: “Hiểu thấu đáo rỗng vạn vật không có tồn tại tư thân, Đó là tu trí tối thượng siêu việt”
Trịnh Xuân Thuận: Điều này tương tự với sự tri giác tính hiện thực của các hiện tượng, sự đồng thuận giữa những người khác nhau làm cho phương pháp thực nghiệm trong khoa học trở nên khả thi. Những quan sát và thực nghiệm phải có thể được lặp lại và khẳng định lại bởi các nhóm nghiên cứu khác nhau nhờ những dụng cụ và kỹ thuật khác nhau. Chỉ như thế thì kết quả mới được coi như là có giá trị.

Matthieu: Cách tiến hành này, bằng cách đồng thuận giữa những người khác nhau, cũng cho phép đặt khoa học vào đúng vị trí của nó, vị trí của một công trình đánh giá và tổ chức các mối quan hệ cấu thành nên các hiện tượng ở cấp độ ước lệ, và tạo mở ra những khả năng tác động ngày càng tăng đối với các hiện tượng này. Phật giáo coi các hiện tượng này như những “sự kiện”. Samskara, từ tiếng Phạn để chỉ các “vật” hay các “kết tập có nghĩa ban đầu là “sự kiện” hoặc “hành động”.

Trịnh Xuân Thuận: Từ nguyên này hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa của điều mà tôi đã nói trước đây về cách giải thích của cơ học lượng tử theo Bohr: khái niệm “vật thể” phụ thuộc vào khái niệm “đo đạc”, và như vậy nghĩa là phụ thuộc vào sự kiện.

Matthieu: Chính quan niệm Phật giáo khẳng định rằng hiện thực luôn bị quyết định bởi sự tương tác của người quan sát và cái được quan sát. Sự bổ sung lẫn nhau giữa cái toàn thể và cái bộ phận làm cho lúc thì chính “bộ phận” trở nên nổi trội, lúc thì cái toàn thể nổi trội. Người quan sát chỉ làm một việc là tách ra một phổ nào đó của các khía cạnh, những khía cạnh vốn không có hiện thực nào khác ngoài hiện thực của sự tương tác cụ thể giữa sự quan sát và tính tổng thể, nghĩa là giữa một ý thức và tổng thể mà nó là bộ phận. Điều mà chúng ta gọi là hiện thực do vậy chỉ là một “cái nhìn” nào đó của ý thức. Đối với một trí óc bình thường, có một sự khác biệt giữa cách mà các vật xuất hiện và bản chất đích thực của chúng, điều này được thể hiện thành quan điểm của kinh nghiệm cá nhân chúng ta bằng một sự hòa trộn giữa đau khổ và hạnh phúc. Vào lúc kết thúc con đường nhận thức, người ta có thể tri giác trực tiếp bản chất tối hậu của các hiện tượng, điều này dẫn đến huệ nhãn bất biến trong đó mọi khác biệt giữa vẻ bề ngoài và hiện thực đều biến mất. Từ huệ nhãn này tự phát xuất hiện một tình thương vô bờ bến đối với chúng sinh mà vô minh đã nhấn chìm họ trong những đau khổ khôn cùng.

Bình luận