Trang chủ

Tình Yêu, Tình Dục & Hôn Nhân

CHƯƠNG 2: TÔI ĐỒNG Ý

Bùng lên sự hối hả sau cùng. Rồi thì tiếng đàn organ trổi lên. Cô dâu rạng rỡ, đứng lại trước cửa nhà thờ, chờ cho đoàn người theo sau bước tới.
Ông thân của cô trang trọng trong bộ lễ phục truyền thống lặng lẽ lục tìm khăn mùi soa để lau cặp kính gọng thép. “Chói mắt quá”, vừa lau mắt ông vừa nói bâng quơ. Thật ra ông cảm thấy mắt mình hơi ướt. Bên trong nhà thờ, trên hàng ghế đầu, thân mẫu của cô dâu đang sụt sùi lớn tiếng. Bà không thể nín được, “Cô con gái bé bỏng” của bà đang xa rời bà. Vừa nghĩ đến đây bà càng xì mũi to hơn. Một trong số các con trai đã lập gia đình của bà, huých khuỷu tay bà và thầm thì: “Mẹ ơi, thôi đủ rồi!”


Rồi hợp âm quen thuộc vang lên. Mọi người đứng dậy. Cô dâu khoan thai bước vào, xinh xắn mĩm cười phía sau tấm voan che mặt.Chú rể khoác tay cô, nghiêm trang dìu cô đến trước bục lễ. Người cha lặng lẽ ngồi xuống và ông Mục sư bắt đầu giới thiệu hôn lễ.
Người ta mang nhiều tâm trạng lẫn lộn trong hôn lễ. Nước mắt hòa lẫn với những nụ cười sung sướng…thoang thoáng một nỗi lo và chút sợ hãi.
Có một cảm giác mất mát cũng như niềm vui được thêm cộng với niềm hưng phấn khi tưởng đến tương lai. Chính ra đây là giờ phút cao điểm nhất trong cuộc đời không chỉ riêng với cô dâu, là người được chúng ta chú ý triệt để, mà cũng của chú rể đang đứng đợi bên bục lễ.

Dầu vậy, xin chúng ta nhớ rằng hôn lễ chỉ mới là khởi đầu của hôn nhân. Đó là đỉnh điểm của giai đoạn tìm hiểu (dù sau hôn lễ vẫn tiếp tục tìm hiểu) nhưng chính là điểm khởi đầu của cuộc sống gia đình. Vì thếchúng ta không nên dồn tất cả tàn lực vào hôn lễ, vì phía trước vẫn còn một chặng đường dài đòi hỏi sự chuẩn bị của chúng ta nữa.
Một đám cưới lớn không bảo đảm cho hạnh phúc trong hôn nhân. Dù đây là dịp trọng đại, nhưng tín hữu không nên thổi phồng cách không cần thiết. Người Phi Luật Tân có khuynh hướng chạy đua với nhau để tỏ ra hào phóng, xa hoa trong các đám cưới. Về phần tín hữu Cơ Đốc cũng thấy khó đứng ngoài cuộc. Chúng ta bày tỏ điều đó qua chiếc áo cưới cầu kỳ của cô dâu, qua số lượng phù dâu phù rể và lắm khi qua những bộ lễ phục dường như không phù hợp lắm nhưng lại rất đắt tiền của chú rể.

Dĩ nhiên mỗi người có quyền tự do lựa chọn bộ cánh của riêng mình để mặc trong ngày cưới. Chúng tôi chỉ nêu lên lời kêu gọi xin các bạn chú ý đến sự thích hợp và ý thức thực tế mà thôi. Có lần,tác giả được mời đến dự một đám cưới ở vùng xa. Toàn bộ buổi lễ diễn ra đơn giản,dễ thương như những đám cưới trong Chúa, chỉ có điều tất cả những người nam tham dự đều mặc áo khoác. Trời thì nóng như thiêu trong ánh mặt trời ba giờ chiều.Họ chịu đựng cái nóng kinh người cho đến khi tan lễ. Và điều đáng nói là họ đã lạc lỏng trong trang phục ấy giữa vùng quê yên tĩnh.

Một cô dâu Cơ Đốc nên xinh xắn nhưng đừng trang điểm thái quá khiến chú rể hoang mang không biết người con gái đang bước kia có phải là người anh đã cầu hôn hay không. Khiếp đảm lắm khi nhìn một cô dâu phấn son lòe loẹt, với đôi mắt có nhiều tầng mascara như cầu vồng.
Đừng để cho những chuyên gia trang điểm làm cho mình thành diễn viên hát tuồng cốt để lấy tiền của bạn mặc kệ bạn trông ra sao. Hãy trang điểm đơn sơ và vừa phải thôi.

Điều khiến chúng ta muốn gây ấn tượng trên người khác không dừng lại ở áo quần. Chúng ta còn bày tỏ qua cách chuẩn bị thức ăn rất lãng phí.
Một lần nữa, chúng ta lại để cho tinh thần tiêu biểu rất Philippine điều khiển mình. Thay vì để cho khả năng tài chánh quyết định phải chọn thức ăn như thế nào, chúng ta để cho sĩ diện làm chủ tình hình. Dịp như thế này sẽ có nhiều người đến dự, nhất là bà con. Chúng ta e rằng sẽ vô cùng thất lễ nếu chỉ đãi họ bằng những thức ăn bình thường. Và thế là chú rểvốn đã quá tải phải cố tìm cách xoay sở cho dù phải mang nợ. Chúng ta không nên làm thế.

Một nguyên tắt tốt mà các đôi lứa Cơ Đốc nên đem theo vào hôn nhân là không bao giờ nên sống vượt quá khả năng tài chánh cho phép. Nên tránh đừng để mang nợ trước hoặc sau đám cưới. Mang nợ vì làm đám cưới không phải là một gương tốt của Cơ Đốc Nhân. Ngoài ra, nợ nần sẽ gây khó khăn cho các bạn trong những ngày đầu chung sống, khi chủ nợ đến tìm mà bạn không có gì để trả cho họ cả.
Hoang phí, lãng phí không phải là dấu hiệu của Cơ Đốc Nhân chân chính, mang công mắc nợ cũng thế.

Sau cùng, tín hữu Cơ Đốc cần nhận ra rằng đám cưới không phải chỉ là áo cưới nhập ngoại đắt tiền và những bữa tiệc sang trọng. Theo Tiến sĩ Ruth Smith thì “đám cưới của một đôi lứa Cơ Đốc là sự hứa nguyện trước Chúa và trước Hội Thánh một cách công khai rằng sẽ chung sống trọn đời theo ý Chúa. Nhưng cung cách sống hoang phí trước và trong hôn lễ chỉ phản ảnh cuộc sống sau ngày cưới mà thôi. Tình trạng suy sụp bất ổn ở một chừng mực nào đó sau tuần trăng mật có thể phát sinh do quá chú trọng vào chi tiết của hôn lễ.Kinh Thánh đề cập nhiều đến hôn nhân hơn là hôn lễ.” (Ruth Smith: “Hôn Lễ của chúng ta có mang tinh thần Cơ Đốc hay không?”)

Chúng ta cũng cẩn thận chú ý đến những phần âm nhạc trong chương trình hôn lễ có phù hợp với đức tin Cơ Đốc hay không.Vì là một sự hứa nguyện công khai trước Chúa, nên từng chi tiết phải góp thêm sự trang trọng và thánh khiết vào biến cố này. Chúng ta phải biết rõ rằng bài hát,hoặc hát đều nói lên được điều chúng ta muốn tỏ bày lên Chúa trong ngày trọng đại ấy. Có nhiều bài Thánh ca có ý nghĩa, chúng ta có thể chọn để hát với lòng ước mong đem chúng ta đến gần với ngôi ơn phước của Chúa, bạn bè và những người dự lễ cũng cùng tâm trạng như vậy.

Xin hãy tổ chức hôn lễ theo tinh thần của Thánh Kinh.

Bình luận