Sự Kiến Tạo Xã Hội Về Thực Tại - Khảo Luận Về Xã Hội Học Nhận Thức

Tác giả : Peter L. Berger
  • Lượt đọc : 798
  • Kích thước : 2.11 MB
  • Số trang : 334
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 676
  • Số lượt xem : 3.570
  • Đọc trên điện thoại :
Tác phẩm này là một trong những công trình xã hội học được đọc nhiều nhất trên thế giới.

Theo D. Martuccelli, chúng ta có thể coi cuốn sách này là “một bản tóm lược thực sự lịch sử của tư tưởng về xã hội”. Cũng theo Martuccelli, hai tác giả Berger và Luckmann đã nhiều lần đề cập tới những tư tưởng của truyền thống mác-xít, nhấn mạnh đến chiều kích lịch sử trong mối quan hệ qua lại giữa xã hội với cá nhân, và từ đó khai triển một tầm nhìn mang tính biện chứng về sự hình thành của trật tự xã hội. Hai tác giả này đã tìm cách nối kết và hội nhập giữa lý thuyết về chủ thể hành động của George H. Mead với lý thuyết về cấu trúc xã hội của Émile Durkheim nhằm đi đến chỗ nhận diện ra mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với xã hội.

Cuốn sách này là một tập khảo luận về xã hội học nhận thức. Nhưng Berger và Luckmann quan niệm rằng “nhận thức” không phải chỉ bao gồm những “tư tưởng lý thuyết” của các học giả hay các nhà tư tưởng, mà còn phải kể cả loại “kiến thức thông thường” của người bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Xuất phát điểm của tiến trình phân tích trong công trình này của Berger và Luckmann là thực tại cuộc sống thường nhật, nhưng đối tượng phân tích ở đây không phải là bản thân thực tại ấy, mà là thực tại dưới cái nhìn của lối suy nghĩ thông thường (common sense), bởi lẽ đây là một thực tại “được lý giải bởi con người và có ý nghĩa đối với họ về mặt chủ quan như một thế giới nhất quán”. Nói cách khác, đối tượng phân tích ở đây chính là cách nhận thức của người bình thường đối với thực tại mà họ đang sống và họ đang coi là thực tại. Theo lời hai tác giả, mục tiêu của cuốn sách là nhằm “truy tìm cách thức mà thực tại [xã hội] được kiến tạo nên”.

Berger và Luckmann là những nhà xã hội học đầu tiên phân biệt hai loại xã hội hóa: xã hội hóa cơ bản, và xã hội hóa thứ cấp, song song với quá trình hình thành “cái tôi”, tức cái “căn cước” của mỗi người chúng ta. Hai tác giả này đã khai triển một lý thuyết về định chế hóa, chính đáng hóa và xã hội hóa, và đã đi đến những kiến giải vượt ra khỏi ngành xã hội học, và lối tiếp cận “nhân văn” của hai tác giả có thể mang lại những suy tưởng mới cho nhiều ngành khác như nhân học, tâm lý học, sử học, và kể cả triết học.