Anh Chồng Của Vợ Tôi

Thể loại: Truyện Ngắn ;Truyện
Tác giả : Luigi Pirandello
  • Lượt đọc : 60
  • Kích thước : 1.16 MB
  • Số trang : 201
  • Đăng lúc : 1 tháng trước
  • Số lượt tải : 14
  • Số lượt xem : 218
  • Đọc trên điện thoại :
Luigi Pirandello (1867 - 1936) là một trong những nhà văn đặc sắc nhất của phương Tây nửa đầu thế kỷ này. 15 cuốn sách tập hợp những truyện ngắn và truyện vừa đã nhấc ông lên vị trí cây bút số một của đất nước Italia hiện đại. Tiếp đó những vở kịch độc đáo đã đem vinh quang cho ông trên khắp châu Âu. Đến năm 1934 giải thưởng Nôben về văn học lại đưa tên tuổi ông ra toàn thế giới.


Mỗi khi bàn đến văn học Italia hiện đại, người ta không thể bỏ qua Pirandello. Ảnh hưởng của ông vô cùng to lớn. Có thể nói toàn bộ nền văn học Italia thế kỷ 20 đã phát triển dưới bóng của cây đại thụ này.

Tuy nhiên văn chương Pirandello không dễ mà hiểu được ngay như ở nhiều cây bút cùng thời với ông. Sự đánh giá của giới phê bình văn học, của công chúng rộng rãi đối với ông cũng lại hết sức khác nhau.

Xưa nay người ta thường xếp ông vào dòng hiện thực phê phán. Nhà sáng lập Đảng Cộng sản và lãnh tụ của giai cấp công nhân Italia Antôniô Gramsi (1891 - 1937) đã viết vào năm 1917 những dòng nhận xét như sau: “Những vở kịch của ông (củaPirandello - N.D) chính là những trái lựu đạn tạo nên tiếng nổ trong trí óc người xem, phá hủy những ý nghĩ và tình cảm đê hèn”.

Muốn hiểu đúng nhà văn độc đáo này, chúng ta nên biết qua về tình hình văn học và các trào lưu của Tổ quốc ông thời cuối thế kỷ 19 đầu 20. Italia bước vào giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa sớm hơn các nước, nhưng đến thời kỳ này lại bị một loạt nước châu Âu khác vượt lên trên, đẩy Italia xuống hàng những quốc gia lạc hậu và trì trệ, do những giáo lý của Tín ngưỡng cơ đốc còn quá mạnh ở bán đảo này. Nền văn hóa Italia nổi lên rực rỡ vào những thế kỷ 15 - 18 thì nay mờ nhạt. Cuối thế kỷ 19 văn học Italia bắt đầu khởi sắc. Xuất hiện trào lưu “duy thực”. Các nhà văn thuộc dòng văn học này hướng ngòi bút vào việc miêu tả cuộc sống tăm tối, đơn điệu, bất hạnh của dân nghèo nông thôn và thành thị theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa. Họ khai thác những sự kiện tủn mủn trong cuộc đời, thậm chí những tin vặt vãnh trên báo chí. Khi mới cầm bút, Pirandello chịu ảnh hưởng của dòng văn học này. Nhưng chỉ ít lâu sau, không thỏa mãn với cương lĩnh của nó, ông tách khỏi và đề ra hướng đi khác mà ông mệnh danh là chủ nghĩa “duy hài” và viết cả một cuốn sách để trình bày quan điểm của mình.


Ông cho rằng dòng “duy thực” mới thể hiện vẻ ngoài của cuộc sống, chưa khám phá được bản chất. Nhà văn cần sử dụng thủ pháp phóng đại hài hước và miêu tả cuộc sống dưới hình dạng một tấn hài kịch đáng buồn. Những truyện của Pirandellochế giễu sâu cay cả nhưng sự vô lý, bất công trong xã hội, đặc biệt những định kiến tôn giáo hạn chế quyền được hưởng hạnh phúc của mỗi con người

Dưới ngòi bút hài hước của ông, các nhân vật hiện ra vừa đáng thương vừa đáng giận. Một cô gái hy sinh gần hết cuộc đời, tận tụy chăm lo cho đứa em trai, mãi đến khi em đã thành đạt, mới nhận một mối tình. Nhưng do những định kiến tôn giáo, cô đã tự dằn vặt mình và chịu một cái chết bi thảm. (Chiếc khăn choàng đen). Một ông chồng sắp chết rồi vẫn băn khoăn khi mình chết vợ sẽ lấy ai và đau khổ với ý nghĩ kẻ cướp quyền của mình sẽ là ông giáo dạy nhạc (Anh chồng của vợ tôi). Một giáo viên cần cù tận tụy suốt đời chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng mọi tai họa, không dám phản kháng bao giờ. (Thôi cũng được). Một thanh niên thông minh, tài giỏi, đẹp trai, trung thực chỉ vì sợ hãi dư luận độc miệng mà trở thành kẻ vô ơn đối với thầy giáo đồng thời là ân nhân của mình. (Hãy suy nghĩ đi, Giacôminô!” v.v…

Pirandello bao giờ cũng đặt nhân vật của ông vào những tình huống oái ăm, hết sức khác thường, nhằm làm nổi bật hiệu quả tương phản và hài hước. Ông ít khi miêu tả một vài sự việc mà thường nêu cả một số phận, một cuộc đời. Chính vì vậy mà ông hay nói đến cái chết, thích miêu tả quãng đời cuối cùng của nhân vật, như để người đọc thấy rõ hơn đâu là ý nghĩa cuộc sống, sự khờ dại của những kẻ đặt thứ gì đó cao hơn hạnh phúc trần tục.

Có những cái chết do dại dột, do bị cầm tù bởi những định kiến tôn giáo, nhưng không phải không có những người, sắp rời khỏi cõi đời đã nhận ra được sự thật và đã được hưởng hạnh phúc trong thời gian cuối cùng. Đó là Ađriana, một phụ nữ nhẫn nhục, cam chịu, theo đúng mọi quy tắc đạo đức nghiệt ngã nơi tỉnh nhỏ, đến lúc bị bệnh nặng, biết không thể qua khỏi, mới nhận ra được vẻ đẹp của thế giới, mới dám tự cho phép mình hưởng tình yêu, mà lại là một tình yêu tuyệt đẹp tràn đầy hạnh phúc và niềm cuồng nhiệt (Chuyến viễn du). Hoặc một cô gái xinh đẹp, mơ mộng, giàu có, sau khi chồng chưa cưới bị tai nạn chết, nhất quyết giữ “chung thủy” với người đã khuất, tự nguyện giam mình trong ngôi biệt thự tuyệt đẹp mà người yêu đã tậu dành cho cuộc sống của họ sau này. Cô thích thú “phóng đại” nỗi đau khổ của mình, cảm thấy trong hành động điên rồ ấy một vẻ “cao thượng”! May thay một họa sĩ khôn khéo và thực dụng đã thức tỉnh cô ra khỏi mơ tưởng hão huyền kia, trở về với cuộc đời vốn tươi đẹp (Nữ thần sống khỏa thân). Trong truyện vừa dẫn, tác giả chế giễu cả quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” của anh bạn nhân vật chính, cũng là một họa sĩ điêu khắc. Đây là một thí dụ rõ ràng, chứng tỏ những ai bảoPirandello bi quan là không đúng. Ông tin cuộc đời là đẹp, tin rằng ai tỉnh táo và sáng suốt sẽ được hưởng bao niềm vui của cuộc sống.

Cách nhìn đời của Pirandello tràn đầy nhân đạo, và rất gần với cách nhìn đời của Sêkhốp, Lỗ Tấn, Brét. Cả bốn văn hào này cũng như nhiều nhà văn nhân đạo khác luôn dùng ngòi bút kêu gọi con người nâng cao hiểu biết, tự giải phóng bản thân mình ra khỏi xích xiềng của những định kiến tôn giáo tai hại, hoặc nói như Sêkhốp, hãy “nặn hết chất nô lệ còn sót lại trong cơ thể mỗi chúng ta, nặn từng giọt, từng giọt”. Chất nô lệ này tích tụ trong đầu óc mỗi chúng ta, do quá lâu phải sống trong xiềng xích của những giáo điều hủ lậu, những huyền thoại bịp bợm và nguy hiểm về tình yêu mơ mộng, về nghệ thuật cao siêu vân vân và vân vân, những thứ cản trở con người phát huy hết năng lực của bản thân, đồng thời hưởng đầy đủ những niềm vui lành mạnh và hợp lý mà cuộc đời ban cho. Pirandello chế giễu cả thói sùng bái sự thật. Sự thật đáng quý nhưng phải được sử dụng hợp lý. Lời nói thật không đúng chỗ có thể dẫn đến những tai họa khôn lường. Ông già Phiorinanxi cả đời thờ phụng sự công bằng. Mỗi lần nhìn thấy hiện tượng gì không hợp lý, ông rất khổ tâm, nhưng với bản chất nhút nhát ông không dám nói ra. Một lần ông quyết định phải tố cáo một “sự thật” xấu xa. Ông chuẩn bị cực kỳ chu đáo, tỷ mỷ để có đủ sức thuyết phục với người sẽ nghe. Không ngờ, người nghe ông tố giác lại đã biết cái sự thật ấy rồi, thậm chí còn biết rõ ràng, và đầy đủ hơn ông nhiều! (Cái khuy áo khoác). Hoặc trong truyện ngắn khác, việc nói ra sự thật không phải do tôn thờ nó, mà là do ngây thơ. Bác Tarara chất phác kia đã phải trả giá cho điều bác nói toạc ra bằng 13 năm tù! (Điều nói trắng ra).

Văn hào Sếchxpia đã có lần viết, cuộc đời là một bi kịch với những ai sống bằng trái tim, là một hài kịch với những ai sống bằng khối óc! Pirandello là người có trí tuệ nên ông nhìn đời bằng cặp mắt hài hước. Nhưng ông cũng sống bằng cả trái tim, cho nên ông đau xót cho những con người do dại dột, u mê nên phải chịu đau khổ.

Pirandello là nghệ sĩ, không phải nhà lý luận. Do đấy đọc tác phẩm, chúng ta dễ hiểu ông hơn khi ta đọc lý luận của ông. Bởi một lẽ đơn giản là nhà văn, nghệ sĩ rất ít khi đánh giá được chính xác và thật khách quan những sáng tạo của bản thân họ.

Trong cuốn Chủ nghĩa duy hài ông có trình bày quan điểm và phương châm của mình. Ông tiếp nhận khái niệm về “mặt nạ” của dòng “duy thực” nhưng phát triển thêm khá nhiều. Sống trong xã hội, mỗi con người đều mang một mặt nạ. Công việc nhà văn là lật cái mặt nạ ấy ra để người đọc thấy được bản chất của nhân vật. Ngay cái gọi là bản chất ấy cũng không nhất quán, mỗi lúc mỗi khác, bởi vì con người là một hiện tượng phức tạp, chịu tác động cùng một lúc của nhiều nhân tố, trước hết là lý trí và tình cảm, mà hai thứ này ở mỗi con người lại khác nhau và liên tiếp xung đột với nhau.

Pirandello xứng đáng được xếp vào loại nhà văn triết gia. Tác phẩm của ông bao giờ cũng gợi lên những suy nghĩ về cuộc đời và con người.

Tính triết lý đậm đà nhất, sâu sắc và cũng xót xa nhất nằm trong truyện ngắn Hơi thổi, có thể coi là viên ngọc sáng chói trong toàn bộ sáng tác của ông. Truyện được viết bằng giọng điệu đùa cợt, nhưng nâng lên đến mức truyền thuyết. Đến truyện này, chúng ta thấy Pirandello không còn rơi rớt chút vết tích nào của phương pháp “duy thực” mà ông chịu ảnh hưởng trong thời non trẻ. Nhân vật chính trong truyện có được một phép lạ: chỉ cần thổi phù nhẹ một cái cũng đủ khiến một con người phải chết. Anh ta cứ thổi, và người xung quanh cứ chết. Chẳng luật pháp nào kết án anh ta được. Và bản thân anh ta cũng chẳng áy náy gì, bởi vì “mình có làm gì đâu? Chỉ thổi phù một cái thôi mà! Bao nhiêu người vẫn thường thổi phù một cái nhẹ nhàng như thế!”. Phải chăng tác giả muốn nói rằng, trên đời có những người chỉ làm vài động tác rất đơn giản, nói một câu, giơ tay một cái, luật pháp không thể căn cứ vào đó mà trừng trị, bản thân họ cũng chẳng băn khoăn, chẳng thấy lương tâm cắn rứt gì hết, nhưng câu nói ấy, cái giơ tay ấy lại gây ra chết chóc cho bao nhiêu kẻ khác! Truyện này ông viết vào những năm 30 khi nạn phát xít đã xuất hiện và bắt đầu đe dọa nhân loại, như một lời nhắn nhủ trách nhiệm của mỗi chúng ta…

Rất đáng tiếc trong tập sách này chúng tôi chưa giới thiệu được một kịch bản nào của Pirandello. Trong sáng tác của ông, những vở kịch chiếm phần quan trọng, và được chú ý nhiều hơn. Những kiệt tác như Hăngri IV, Sáu nhân vật đi tìm tác giả… đã trở thành kinh điển trong kho tàng kịch bản thế giới. Vở Sáu nhân vật… trong những thập kỷ 20 và 30 của thế kỷ này đã được hầu hết những Đoàn sân khấu nổi tiếng nhất của phương Tây dàn dựng và biểu diễn. Những năm đó tên tuổi củaPirandello đặc biệt lừng lẫy. Cũng chính thành công lớn lao này đã quyết định việc ông được tặng giải Nôben về văn học ở giữa thập kỷ 30.

Cuối cùng xin được phép nói đôi chút về bản dịch.Pirandello chuyên viết bằng thổ ngữ miền Nam nước Italia. Ngay bản in bằng tiếng Italia cũng chỉ là bản dịch. Bên cạnh đó, văn phong của ông rất dân dã và khó truyền đạt sang một thứ tiếng khác. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để bản dịch giữ được phong vị độc đáo của ngòi bút tác giả. Nhưng khả năng có hạn, chúng tôi vẫn còn thấy bản dịch này còn xa mới đạt tới mục tiêu chúng tôi tự đề ra. Rất mong bạn đọc lượng thứ.


***
Tập sách này gồm có:
Tấm khăn choàng màu đen
Điều không nói trắng ra
Chuyến viễn du
Chiếc khuy áo khoác
Nữ thần sống khỏa thân
Hãy suy nghĩ đi, giacômô!
Đêm tân hôn
Thôi cũng được!
Anh chồng của vợ tôi
Người đang sống và người đã chết
Con rùa
Hơi thổi