Trang chủ

Làm giàu không đợi tuổi

Chương 4. Làm thế nào để dạy trẻ 10 kỹ năng quản lý tài chính cơ bản

Việc giáo dục kỹ năng làm giàu và quản lý tài chính cho trẻ không đơn thuần là giáo dục tiền bạc. Đó là quá trình giáo dục các kỹ năng sống và tố chất tổng hợp cho trẻ, thông qua quá trình này, chúng ta sẽ nâng cao nhiều kỹ năng cho trẻ, trong đó không chỉ bao gồm kỹ năng tạo ra thu nhập, mà còn cả kỹ năng sáng tạo, kỹ năng hành động, kỹ năng tín dụng, kỹ năng cống hiến, kỹ năng tiết kiệm, khả năng kiên trì, kỹ năng quản lý tiền mặt, khả năng tư duy và kỹ năng giao tiếp...

1. Kỹ năng tạo ra thu nhập - kiếm tiền từ tẩm quất.
2. Khả năng sáng tạo - dùng lò vi sóng làm bánh trứng.
3. Kỹ năng hành động - khéo tay làm diều
4. Kỹ năng tín dụng - vay tiền của mẹ nhất định phải trả
5. Khả năng cống hiến - một số khoản đóng góp và hoa tươi
6. Khả năng tiết kiệm - biến phế liệu thành của cải
7. Kỹ năng quản lý tiền mặt - một đồng tiền hai chế độ
8. Khả năng kiên nhẫn - con chim công không dễ gấp
9. Khả năng tư duy - Tôi đã được học một khóa “MBA”
10. Kỹ năng giao tiếp - Lấy đồ thông qua việc “trao đổi”
Tổng kết chương 4

 

1. Kỹ năng tạo ra thu nhập - kiếm tiền từ tẩm quất.

Việc nâng cao kỹ năng tạo ra thu nhập cho trẻ gồm hai loại, một là kỹ năng tạo ra thu nhập chủ động, còn lại là kỹ năng tạo ra thu nhập bị động, hay còn gọi là kỹ năng đầu tư.

Thu nhập chủ động tức là hướng dẫn con cái chủ động tham gia lao động để tạo ra thu nhập. Cách Cách bắt đầu tẩm quất cho tôi và mẹ nó khi mới được 6 tuổi, và vẫn còn duy trì cho đến tận bây giờ, sự kiên trì này đã bồi dưỡng cho con bé khả năng bền bỉ. Cách Cách hàng ngày giẫm lưng cho bố và đã thành thục nhiều kỹ thuật như: biết giẫm từ chân đến đầu, giẫm từ bả vai đến khuỷu tay, thậm chí con bé còn biết vừa giẫm lưng vừa hô theo nhịp như kiểu tập thể dục qua đài phát thanh, các bạn đừng sợ nó trượt ngã, thực ra việc này đơn giản hơn biểu diễn xiếc rất nhiều. Nhưng Cách Cách lớn lên từng ngày, ngày càng nặng hơn, may mà tôi còn cắn răng chịu được, chứ  mẹ nó thì không thể tiếp tục “mát xa thư giãn” kiểu này nữa. Hãy thử nghĩ xem, niềm vui gia đình như thế này có thể dùng bao nhiêu tiền mới mua được? Cùng với việc Cách Cách lớn dần lên, loại hình “thư giãn” này cũng sẽ rời xa chúng tôi.

Nhiều phụ huynh có thể đã để con cái làm một số việc nhà, trong đó có không ít bố mẹ khuyến khích con làm việc nhà thông qua hình thức trả thù lao. Ví dụ, một phụ huynh nói con gái chị ấy bắt đầu dọn dẹp nhà bà ngoại từ năm lớp một để kiếm tiền tiêu vặt, ngoài ra bố mẹ cô bé còn đặt ra nhiều phần thưởng để khuyến khích con tích cực lao động. Quét dọn một phòng được trả 1 tệ, thông thường cô bé chịu trách nhiệm dọn phòng ngủ. Một hôm, cô bé nói với mẹ rằng sẽ dọn cả nhà vệ sinh và nhà bếp với hy vọng nâng tiền thù lao lên 5 tệ. Nhà bà ngoại chỉ có hai phòng, mẹ cô bé nói cần giảm giá và chỉ trả 3 tệ thôi, cô bé không đồng ý và rút cuộc là từ bỏ ý định đó. Cô bé cũng biết bán những bức tranh tự vẽ cho người nhà và căn cứ vào kích thước lớn nhỏ để định giá, mọi người trong gia đình đều vui vẻ hưởng ứng. Mỗi khi kiếm đủ 5 tệ tiền xu, cô bé sẽ đổi thành tiền giấy, khi đủ 10 tệ sẽ đổi thành tiền chẵn, cô bé cũng biết tính toán số tiền tiêu vặt của bản thân. Đầu năm 2009, cô bé đã có 1. 500 tệ và bắt đầu cho mẹ vay để kinh doanh, đến cuối năm mẹ sẽ trả cho cô bé 2. 000 tệ cả vốn lẫn lãi.

Vậy đấy, trong vấn đề giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho con, các bậc phụ huynh có thể tự mình sáng tạo ra rất nhiều phương pháp hiệu quả.

Liên quan đến phương pháp hướng dẫn trẻ lao động một cách chủ động, thực ra rất đơn giản, như phần trên tôi đã nói, dùng trò chơi tương tác thu hút trẻ tham gia, khiến chúng cảm thấy thú vị, vui vẻ và thậm chí có thu nhập. Các phụ huynh nếu biết căn cứ vào đặc điểm tính cách của con mình để hướng dẫn sẽ rất dễ đạt được mục đích này. Có một số phụ huynh phản đối phương thức trả thù lao lao động cho con cái, đây là việc bình thường, vì mỗi phụ huynh đều có quan niệm và hình thức giáo dục của riêng mình. Theo tôi, trả thù lao cho con có lợi hơn là hại. Tất nhiên, có một số việc con cái nên tự giác làm, không nên trả thù lao. Ví dụ, gấp quần áo cá nhân, vệ sinh phòng ngủ của mình, sắp xếp lại cặp sách, gọt bút chì… Làm như vậy để trẻ hiểu rằng, những việc phù hợp với sức mình nhất định phải tự làm, trẻ có nhỏ tuổi đến mấy cũng là một thành viên trong gia đình, và mỗi thành viên cần phải đóng góp vào công việc chung của gia đình.

Trả thù lao lao động cho con cái vẫn có nhiều ưu điểm:

1.     Thực ra, những việc nhà có thể giao cho trẻ làm đều phù hợp với khả năng của chúng, như đổ rác, lau sàn, mát xa cho bố mẹ… Những công việc như thế chẳng khiến trẻ mệt mỏi, cứ coi như trò chơi gia đình giữa bố mẹ và con cái. Khi mới bắt đầu chơi, trẻ cảm thấy thích thú, nhưng lâu dần, cứ lặp đi lặp lại sẽ khiến chúng cảm thấy nhàm chán. Một khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, cụt hứng hoặc bận rộn vì công việc gì khác sẽ không thể tiếp tục làm
 
việc nhà nữa. Dù có trả thù lao, đôi khi chúng còn làm mình làm mẩy, huống hồ là không trả?

2.     Việc trả thù lao mang tính ràng buộc đối với con cái, tính ràng buộc này giống như quan hệ tín dụng và hợp đồng. Tính ràng buộc sẽ đốc thúc con cái ký kết hợp đồng lao động, trẻ cảm thấy việc đã thỏa thuận, hơn nữa đã nhận tiền, nhất định phải làm cho thật tốt. Bạn có thể coi cách làm đó như là một trò chơi với con cái.

3.     Dù con cái không tham gia lao động, nhưng một khi chúng xin tiền chẳng lẽ bố mẹ lại không cho? Mà việc đổi tiền bằng sức lao động sẽ giúp con cái sớm trải nghiệm được tiền là thành quả lao động, thù lao thu được nhiều hay ít, hoàn toàn phù thuộc vào kết quả lao động. Trong quá trình này, bạn có thể căn cứ vào chất lượng, số lượng và thời gian lao động để tham khảo và thực hiện chế độ thưởng phạt; để trẻ hiểu rằng công việc sau này rồi cũng như thế, từ đó sẽ làm tốt hơn.

4.     Con cái có quyền tự quyết đối với số tiền mà mình kiếm được, chúng cảm thấy tự hào khi tiêu tiền do tự tay mình kiếm được. Như vậy, cha mẹ không cần cho con cái tiền tiêu vặt, đồng thời trong quá trình tiêu dùng, trẻ sẽ rèn luyện được kỹ năng quản lý tiền bạc.

5.     Phụ huynh có thể hướng dẫn các con dùng số tiền kiếm được thông qua lao động để gửi tiết kiệm và đầu tư, như vậy là đã hoàn thành mô hình kiếm tiền “Gà đẻ trứng, trứng nở ra gà con. ” Đồng thời, phụ huynh có thể yên tâm vì con cái không tiêu tiền lung tung và sớm có được sự hiểu biết về kiến thức quản lý tài chính.

Đọc xong những điểm trên, có phải các bạn cũng nhận thấy việc trả thù lao cho con cái hoàn toàn là “hại bất cập lợi”? Chẳng qua đó là một phương thức khác để phụ huynh cho tiền con mà thôi, phương thức này sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp rèn luyện cho trẻ nhiều kỹ năng.

Tại nước ngoài, nhiều trẻ em biết kiếm tiền tiêu vặt thông qua các hình thức như: quét nhà, trông em, cắt cỏ, rửa xe… Những đứa lớn một chút thì tranh thủ thời gian ngoài giờ học đi đưa báo hoặc làm bán thời gian tại các nhà hàng nhằm bổ sung thêm khoản tiền tiêu vặt. Bằng sự nỗ lực của bản thân, trẻ không chỉ tạo được thu nhập mà còn nâng cao khả năng đầu tư. Khả năng đầu tư chỉ việc làm thế nào để hướng dẫn con cái đem số tiền tiêu vặt, thu nhập từ lao động và tiền mừng tuổi gửi cho bố mẹ, hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng cho trẻ, hoặc gửi vào tài khoản của bố mẹ. Ưu điểm của cách làm này là giúp trẻ từ từ tiếp thu những kiến thức đầu tư và quản lý tài chính phong phú, đa dạng. Ví dụ, Cách Cách gửi tiền cho mẹ để hưởng lãi suất, đầu tư mua máy tính xách tay cho bố thuê lại để kiếm tiền thuê máy hàng năm. Tiền trong nhà dù biến đổi thế nào cũng không chảy ra ngoài, còn điều mà trẻ thấy là sự đa dạng, biến hóa của hoạt động đầu tư tiền bạc, trong quá trình đó trẻ sẽ tự học được những kiến thức làm giàu.

 

2. Khả năng sáng tạo - dùng lò vi sóng làm bánh trứng.

Khả năng sáng tạo xuất phát từ tính hiếu kỳ và trí tưởng tượng của con người, người có trí tưởng tượng mới biết lao động sáng tạo. Einstein đã từng nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn kiến thức. ” Trên thực tế, trí tưởng tượng và kiến thức mâu thuẫn với nhau; trong quá trình tiếp thu kiến thức, trí tưởng tượng của con người sẽ mất đi. Vì kiến thức phù hợp với logic, còn trí tưởng tượng không theo khuôn phép nào cả. Nói cách khác, bản chất của kiến thức là khoa học, đặc điểm của trí tưởng tượng là hoang đường.

Trước khi đi học, trí tưởng tượng của trẻ em rất phong phú, cả bộ não của chúng bị trí tưởng tượng chiếm lĩnh. Sau khi đi học, trí tưởng tượng của nhiều người dần bị kiến thức thay thế, họ trở thành người uyên bác và lặp lại các tri thức của tiền nhân. Rất ít người có thể khiến cho kiến thức và trí tưởng tượng của mình tồn tại song song với nhau, một khi hai thứ cùng tồn tại, người đó sẽ có khả năng lao động sáng tạo.

Trong cuộc sống, trẻ em rất ít khi bị ràng buộc bởi khuôn mẫu, chúng thường làm những việc vượt xa trí tưởng tượng và gây cười cho người lớn, đừng bao giờ phê phán tính hiếu kỳ và trí tưởng tượng của trẻ em, mà cần dùng tâm trạng thưởng thức để động viên chúng tiếp tục tìm tòi, khám phá. Như vậy, cánh cửa sáng tạo của trẻ sẽ được rộng mở, cùng với đó là sự tự tin, khả năng tư duy sẽ được nâng cao. Khi không còn bị bó buộc, không gian tưởng tượng của trẻ sẽ được mở rộng tối đa, từ đó chuyển hóa thành khả năng sáng tạo. Khả năng sáng tạo của trẻ có thể vượt ra ngoài trí tưởng tượng của bạn. Giống như câu nói: “Nếu bạn muốn trở nên thần kỳ và giàu có, hãy biến thành trẻ em. ”
 
Trong cuộc sống, cha mẹ có thể phát hiện ra con cái mình hay làm một số chuyện hoang đường, có những phụ huynh ngăn cản, thậm chí mắng nhiếc chúng, phương pháp giáo dục này không ổn. Nghiêm túc mà nói, những câu đại loại như: “Thế này không được, thế kia cũng không được” khiến một số tài năng thiên bẩm bị bố mẹ bóp chết trong quá trình trưởng thành. Từ nhỏ, Cách Cách đã rất hiếu kỳ, nó làm gì tôi cũng không ngăn cản, dù biết rõ cách nghĩ đó là hoang đường, tôi vẫn động viên con bé làm và thử, chỉ khi nào thất bại và thấy rõ nguy cơ, Cách Cách mới bỏ cuộc. Tôi nhớ khi Cách Cách còn rất bé, thấy bật lửa có thể phát ra những tia lửa nên thích chơi lắm, hơn nữa bật lửa ở đâu cũng có. Tôi không mắng mỏ gì con bé, mà còn mở bật lửa cùng chơi với con. Tôi cố ý làm lửa bén vào người Cách Cách một tí, con bé cảm thấy đau, tôi vội nói “Bố xin lỗi!” “Bố không cố ý. ” Từ đó trở đi, không bao giờ Cách Cách nghịch bật lửa nữa, ý nghĩ bật lửa làm con người bị đau đã khắc sâu trong đầu con bé.

Đừng bóp nghẹt tư duy sáng tạo của trẻ con, mỗi “ý tưởng sáng tạo” đều lắng đọng trong trái tim thơ ngây của chúng. Sau đây, chúng ta hãy xem một số “sáng kiến” của Cách Cách:

(1)    Bánh trứng làm từ lò vi sóng

Một hôm, Cách Cách ở nhà một mình và cảm thấy đói bụng, liền quyết định làm bánh trứng, lúc đó con bé vừa học được cách sử dụng lò vi sóng. Cô bé đập trứng và cho nước vào bát, đánh tơi lên, dùng muôi xúc vào đĩa, sau đó rắc các gia vị như hành hoa, muối, nước sốt cà chua và đường lên trên, cuối cùng bỏ vào lò vi sóng, khoảng hai phút sau có thể lấy ra ăn. Bánh trứng của Cách Cách vừa mềm vừa ngon, hơn nữa một quả trứng có thể làm ra 10 chiếc bánh nhỏ. Thú vị hơn là, Cách Cách bắt đầu rao bán bánh trứng với mọi người, hơn nữa còn lên thực đơn bánh trứng với nhiều hương vị khác nhau. Trước bữa cơm, Cách Cách hỏi ông nội, bà nội, bố và mẹ thích ăn hương vị nào? Muốn ăn nhiều hay ít? Chúng tôi phải đặt món trước, cô bé sẽ dựa vào hương vị và số lượng được đặt trước để dự trù và chuẩn bị nguyên liệu, phần thừa ra thì tự mình ăn hết.

Mỗi chiếc bánh trứng bán với giá 3 hào, trừ 1 tệ tiền vốn cho mẹ, như vậy lợi nhuận của một quả trứng lên đến 200%. Đây là ý tưởng kiếm tiền do Cách Cách tự nghĩ ra, chúng tôi không hề dạy cho cháu. Ngay cả ông bà nội cũng ngạc nhiên về cách làm của cháu gái. Một lần, Cách Cách đang làm bánh trứng, tôi nói để bố giúp con, nhưng cháu không đồng ý, tôi hỏi vì sao, Cách Cách nói: “Nếu mọi người đều học cách làm thì không ai mua bánh của con nữa. ” Cô nhóc mới có tí tuổi mà đã biết “bảo vệ thương hiệu độc quyền. ”

Cách Cách dựa vào ý tưởng của bản thân để làm ra bánh trứng thơm ngon, như vậy không chỉ kiếm thêm tiền tiêu vặt mà còn rèn luyện kỹ năng lao động.

Cô giáo Lư Cần từng trao đổi với con trai về vấn đề nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo cho trẻ em, cậu bé không cần nghĩ ngợi gì nhiều bèn nói rằng: “Nhất định phải bồi dưỡng cảm hứng trước ạ! Trí sáng tạo của trẻ em chủ yếu xuất phát từ cảm hứng, mà cảm hứng bắt nguồn từ các trò chơi. Ví dụ như trò chơi lắp ráp, hôm nay trẻ thích xây nhà, ngày mai thích xây cầu, hôm sau thích xây pháo đài, để làm ra sản phẩm ưng ý nhất, trẻ sẽ mày mò, nghĩ các phương pháp, tìm ra bí quyết, đó cũng là sáng tạo. Tư duy thay đổi hiện trạng chính là tư duy sáng tạo. Vì sao sáng tạo không biết mệt mỏi? Vì đó là trò chơi, mà trò chơi thường có sức hấp dẫn rất lớn. ” Thông qua các trò chơi, chúng ta có thể phát hiện tài năng thiên bẩm đặc biệt của trẻ, nếu bố mẹ biết khai thác các lợi thế đó để bồi dưỡng cảm hứng cho trẻ, thì có thể giúp con cái có sở trưởng và khả năng trên một số lĩnh vực nào đó.

(2)    Tem bưu chính do Cách Cách làm

Bắt đầu từ năm 2003, hàng năm tôi đều mua một bộ sưu tập tem cho Cách Cách, tôi không nghĩ tới việc gia tăng giá trị của tem, chỉ muốn con gái học thêm nhiều thứ. Không ngờ cuối năm 2009, Cách Cách đã quyết định kinh doanh “tem bưu chính”, con bé dùng tranh vẽ và tranh dán để làm ra mười mấy loại tem, đồng thời còn thiết kế bì thư kỷ niệm và bộ ba tem.

Từ kết cấu và ý tưởng thiết kế con tem, chúng ta thấy Cách Cách đã dựa trên cơ sở mô phỏng lại, đồng thời thêm vào ý tưởng sáng tạo của bản thân. Nhìn những con tem này, tôi rất phấn khởi và muốn chụp mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Tôi nói với Cách Cách: “Cho bố chụp vài kiểu làm kỷ niệm nhé”, nhưng con bé nói: “Đây là bản quyền của con, muốn chụp phải trả tiền, chụp một con tem trả một tệ ạ!” Vậy là tôi mất bốn tệ để chụp bốn con tem. Tôi rất khâm phục “Ý thức bản quyền” của Cách Cách, nhiều khả năng do con bé chịu ảnh hưởng lâu dài của tôi. Tôi tự nguyện trả tiền cho con bé, để cháu có ý thức như vậy từ nhỏ. Dưới đây là series bốn con tem đắt nhất của Cách Cách.
 

Cách Cách dựa vào trí tưởng tượng của bản thân để làm ra những con tem, ý tưởng sáng tạo này không phải đứa trẻ đồng trang lứa nào cũng có thể làm được; những bậc phụ huynh như chúng ta cần có ý thức hướng dẫn con cái phát huy khả năng sáng tạo.

Sau đây, chúng ta cùng chia sẻ câu chuyện về hai thanh niên làm giàu từ những ý tưởng sáng tạo:

Sinh viên 22 tuổi giành được 2 triệu tệ từ ý tưởng thiết kế

Ngày 06/11/2008, sinh viên 22 tuổi Nhạc Hiền Đức trúng gói thầu tìm kiếm ý tưởng thiết kế logo mới cho xe hơi trên phạm vi toàn cầu của tập đoàn Cheely. Với sự cạnh tranh của hàng ngàn nhà thiết kế tài ba trên thế giới, mẫu thiết kế của Nhậm Hiền Đức với chủ đề “Chim sẻ ngẩng cao đầu ở trời đông, phóng tầm mắt nhìn ra thế giới” được đánh giá là xuất sắc hơn cả, chàng sinh viên này giành giải nhất cuộc thi thiết kế logo của Cheely kèm theo khoản tiền thưởng 2 triệu tệ.

Nhạc Hiền Đức có ba chị em, gia đình nghèo khó. Mặc dù phải vất vả xoay sở với những khoản sinh hoạt phí, nhưng cậu sinh viên nghèo hiếm khi ngửa tay xin tiền bố mẹ. Hiền Đức cùng một sinh viên nghèo khác thường đi nhặt ve chai tại ký túc xá sinh viên vào dịp cuối tuần, làm như vậy mỗi học kỳ cũng tiết kiệm được hơn trăm tệ. Vừa hết Tết năm 2007, bố Hiền Đức bị ung thư thực quản, vì không có tiền nên không thể đi viện, Hiền Đức vô cùng lo lắng. Vốn biết thiết kế, Hiền Đức bắt đầu dày công tìm kiếm những cuộc thi thiết kế trên báo và mạng Internet với hy vọng giành được tiền thưởng để chữa bệnh cho bố. Một ngày tháng 3 năm 2007, Hiền Đức đọc được thông tin trên mạng: Tập đoàn Cheely tổ chức họp báo tại Bắc Kinh, mời thầu thiết kế logo mới cho xe hơi trên phạm vi toàn cầu, người xuất sắc nhất sẽ giành được phần thưởng 2 triệu tệ. Nhạc Hiền Đức quyết tâm nắm lấy cơ hội này, bằng sự nỗ lực không ngừng và qua nhiều lần chỉnh sửa, mẫu thiết kế của Hiền Đức đã trúng thầu. Hiền Đức đã làm giàu thành công thông qua ý tưởng sáng tạo của chính mình.

Trở thành triệu phú nhờ website quảng cáo dạng ô vuông

Website dạng ô vuông là sáng kiến của sinh viên người Anh Alex. Từ nhỏ, Alex đã thích suy nghĩ vẩn vơ, cậu ta cũng giống như nhiều sinh viên Trung Quốc luôn lo lắng về vấn đề học phí. Một lần lên mạng, chỉ trong thời gian 10 phút Alex đã nảy ra ý tưởng lập một website có tên “Một triệu ô vuông”. Sau đó, Alex bắt tay vẽ từng ô vuông, khi vẽ xong 10. 000 ô vuông, cậu ta mạnh dạn tuyên bố sẽ bán từng ô vuông với giá 100 đô-la.

Những việc xảy ra sau đó đã khiến cho ai cũng phải ngỡ ngàng, chỉ trong hai tháng Alex đã bán được 4281 ô vuông, thu về 428. 000 đô-la. Nội dung của những ô vuông đó bao gồm quảng cáo công cộng, cơ sở đào tạo tiếng Trung, website cá nhân, những trang download tài liệu… Đơn đặt hàng ùn ùn kéo về, Alex không muốn trở thành triệu phú cũng không được. Chú ý tới sự việc mới, đồng thời có thái độ tò mò, nghiên cứu sự việc đó một cách bản năng, đó chính là lý do thúc đẩy Alex xây dựng trang web “Một triệu ô vuông” để kiếm tiền, đồng thời cũng là nhân tố tạo nên thành công của anh ấy.

Hai chàng thanh niên kể trên đã dựa vào tư duy sáng tạo của bản thân để đạt được những thành tựu to lớn, rất nhiều tỷ phú lúc nhỏ cũng có trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo hơn người. Họ dám nghĩ, dám thử và dám làm.

 

3.  Kỹ năng hành động - khéo tay làm diều
 
Giữa nghĩ được và đạt được, còn phải thêm làm được, bất luận việc gì cũng phải thông qua hành động thực tế mới có thể đạt đến mục đích mà mình đặt ra từ trước. Nghĩ tới nhưng không dám làm thì thà không nghĩ tới còn hơn, không nghĩ tới ít nhất không cảm thấy nuối tiếc và đau khổ. Trên thực tế có hiện tượng như sau, nhiều thanh niên có lý tưởng, khéo ăn nói, tư duy linh hoạt, nhưng sau mấy năm ta phát hiện ra họ vẫn như vậy, vì sao? Hóa ra họ đã hình thành thói quen chỉ biết nói mà không biết làm. Họ nghĩ nhiều, nói nhiều nhưng làm ít, thuộc diện tối nghĩ trăm đường, sáng vẫn đi đường cũ. Cần hiểu rằng: “Nói là đầy tớ của làm, làm là chủ nhân của nói. ” Giả sử một người may mắn trúng 5 triệu tệ, thì anh ta cũng phải bỏ ra 2 tệ để đi mua vé số chứ! Nếu từ nhỏ không có thói quen “làm”, lâu dần sẽ rất khó phát hiện khuyết điểm của bản thân.

Khi bồi dưỡng khả năng làm giàu cho con gái, dù con bé nghĩ thế nào, tôi vẫn động viên nó làm, ví dụ như làm việc nhà, cũng là cách bồi dưỡng khả năng thực hiện công việc cho con bé. Một số trẻ em cũng có cách suy nghĩ riêng, nhưng nghĩ xong là thôi, thời gian dài sẽ tạo thành thói quen chỉ nghĩ mà không làm. Trên tôi đã nói, mặc dù Cách Cách có những suy nghĩ hơi hoang đường, nhưng tôi vẫn động viên nó thực hiện. Sau đây là một số biểu hiện của Cách Cách:

Một ngày thứ bảy, vợ tôi xé ga trải giường không còn sử dụng thành nhiều mảnh để làm giẻ lau, Cách Cách nhìn thấy liền xin một mảnh làm diều. Nhưng không có que tre, tôi hỏi con bé: “Dùng que xiên thịt dê có được không?” Cách Cách trả lời: “Được bố ạ!” Vì ủng hộ con gái làm diều và giúp nó tìm vật liệu, chúng tôi quyết định đi ăn thịt dê, Cách Cách vui đến nỗi hết thơm mẹ lại thơm bố. Ăn xong bữa thịt dê, chúng tôi mang về một bó que xiên. Để động viên Cách Cách làm xong con diều, tôi bảo: “Nếu diều con làm có thể bay được, bố thưởng 200 tệ. ” Thực ra, tôi biết nó có thể làm diều, nhưng khả năng bay lên được là không cao. Sau khi nghe tôi nói, Cách Cách rất phấn khởi, lập tức lên mạng tìm hiểu cách làm diều, còn vợ tôi giúp con gái tìm dây diều. Một con diều đơn giản đã làm xong, nhưng không bay lên được. Cách Cách tỏ ra nhụt chí, không chắc về khả năng bay lên của con diều, bèn đem bỏ vào “thùng tác phẩm” của mình.

Chủ nhật ngày hôm sau, tôi đang làm việc bên ngoài, Cách Cách gọi điện đến: “Bố ơi, về mau lên, con diều của con đã bay lên rồi, bố về đến dưới nhà thì gọi điện cho con, chúng con đang thả diều. ” Về đến nhà, tôi gọi điện cho con bé, Cách Cách nói: “Bố cứ đứng im ở dưới nhà, ngẩng đầu nhìn  qua cửa sổ nhà mình nhé”, tôi ngẩng đầu lên thì thấy cánh diều vừa nhỏ vừa đáng thương bay ra từ cửa sổ tầng 15. Nhà tôi gần biển, hơn nữa hôm đó gió rất lớn, Cách Cách thò đầu ra, vẫy tay với tôi, tôi không nhịn được cười, hóa ra Cách Cách áp dụng cách này để giải quyết vấn đề “bay” của diều, thực ra trong lòng tôi cảm thấy rất vui, vì con gái biết nghĩ cách giải quyết vấn đề, thậm chí phải mượn “gió đông”.

Về đến nhà mới phát hiện vợ và con gái đang cùng nhau “thả diều”. Tôi vừa bước chân vào phòng, hai mẹ con cười đắc ý, yêu cầu tôi chi ngay tiền thưởng cho Cách Cách, vợ tôi cũng hùa theo, rõ ràng hai mẹ con đang muốn “vặt tiền” tôi đây mà. Tất nhiên, rõ ràng không thể công nhận kiểu “bay” như thế, ngay lập tức tôi và hai mẹ con tranh luận om sòm về tính hợp lý của kiểu “bay” vừa rồi. Cuộc tranh luận tràn đầy không khí vui vẻ, chiến thắng và hài hòa. Cuối cùng hai bên đạt được thỏa thuận, tôi lại mời hai mẹ con đi ăn thịt dê.

Một thời gian sau, trong tiết học thủ công, cô giáo hướng dẫn làm diều, trên cơ sở con diều thứ nhất, Cách Cách làm con diều thứ hai. Thứ Bảy ngày 3 tháng 4 năm 2010, gia đình tôi ra bờ biển thả diều, lần này diều bay lên thật, Cách Cách vui mừng khôn xiết và cảm thấy tự hào về tác phẩm của mình.

Ngoài làm diều, Cách Cách còn biết làm thiệp chúc mừng, sản phẩm này cũng có ý tưởng sáng tạo của con bé. Năm 2009, Cách Cách tặng tôi một thiệp mừng Giáng sinh, để làm ra sản phẩm này, Cách Cách đã sử dụng nhiều phương pháp thủ công như: vẽ, dán, bôi màu, khoét rỗng, còn đặt một con gấu thủy tinh lên trên, đồng thời kèm theo những mẩu quảng cáo thú vị:

•    Quảng cáo cà phê – đồ ăn ngon phải chia sẻ với bạn tốt.

•    Quảng cáo đồng hồ - thời gian tồn tại là vì tôi.

•    Quảng cáo báo chí – sự thật ảnh hưởng tới cuộc đời.

•    Quảng cáo đồ điện – đi con đường riêng của người Trung Quốc.
 
•    Quảng cáo tóc – thông minh không cần phải tuyệt đỉnh. Đây là mặt ngoài thiếp mừng
 

Có lúc, Cách Cách sẽ nói với tôi: “Bố ơi, con nghĩ thế này”, “Con nói thử bố nghe nhé”, đợi nó nói xong, tôi thường bảo: “Vậy con cứ làm đi, nếu cần giúp đỡ, bố sẵn sàng. ” Nhiều phụ huynh cảm thấy dạy con không dễ, nguyên nhân chính là do không biết làm bạn với con cái, muốn làm bạn với con, quan trọng nhất bạn có thể trao đổi với con, biết chúng nghĩ gì. Khi trao đổi với con cái, tình yêu vô tư chính là bí quyết xóa bỏ mọi rào cản, bất luận trẻ nghĩ gì, khi chúng nói chuyện với chúng ta, hãy nói với trẻ một cách chắc nịch: “Cứ làm đi, con có thể làm được! Nếu cần, bố mẹ sẵn sàng giúp đỡ. ”

Ai cũng mong muốn mình thành công, bố mẹ nào cũng muốn con cái thành đạt trong tương lai. Về vấn đề thành công, có một tiến sĩ chuyên ngành giáo dục học đưa ra kết luận rất hay: “Trong cuộc đời mỗi con người, nếu đem tất cả mọi cơ hội nhân với trí tuệ mỗi khi lựa chọn cơ hội, sau đó nhân tiếp với khả năng hành động mỗi khi lựa chọn cơ hội, sẽ tổng hòa ra kết quả thành công hữu hiệu của người đó. ” Nếu hôm nay bạn thấy mình không thành công, hãy thử nghĩ lại xem phải chăng mình hành động chưa đủ quyết liệt khi có thời cơ? Trong thư gửi con, Rockefeller từng viết: “Con cần hiểu rõ, tri thức vốn dĩ trống rỗng, trừ phi ta kết hợp nó với hành động, nếu không sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Bản thân học vấn cũng không có gì đặc biệt, học vấn phải vận dụng linh hoạt mới phát huy tác dụng, muốn trở thành người biết vận dụng linh hoạt kiến thức, nhất thiết phải làm một người có khả năng hành động mạnh mẽ. Thành công tức là đem một ý tưởng hay áp dụng vào thực tiễn, điều này còn giá trị hơn việc chỉ nằm ở nhà và nghĩ ra hàng ngàn ý tưởng. Nếu con không hành động, thì học vấn có đẹp đẽ và khả thi đến bao nhiêu cũng khó áp dụng vào thực tế. Thành công không có bí quyết, chỉ cần tích cực hành động, con sẽ dần tiếp cận với thành công. ”

 

4. Kỹ năng tín dụng - vay tiền của mẹ nhất định phải trả

Bồi dưỡng kỹ năng tín dụng cho con là một phần không thể thiếu trong giáo dục quản lý tài chính. Xã hội ngày nay là xã hội tín dụng, tín dụng là nền móng của tất cả các hoạt động kinh tế, nó giống như không khí nhìn không thấy, sờ không được, nhưng một khi mất đi tín dụng trong lúc lâm vào tình trạng khó khăn, con người sẽ cảm nhận sâu sắc rằng tín dụng là tài sản quý giá biết nhường nào. Đối với sự phát triển trong tương lai của con cái, tín dụng càng thể hiện một vai trò quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc đời trẻ. Vì vậy, không thể trì hoãn việc giáo dục kỹ năng tín dụng cho trẻ từ nhỏ.

Điều quan trọng nhất trong quan hệ mật thiết giữa con người với con người là tín nhiệm, tín nhiệm còn quý giá hơn tình yêu, đồng thời mang lại nhiều giá trị và sức mạnh hơn. Trẻ em học được nhiều điều từ lời nói và hành động thực tế của bố mẹ, cần dạy con làm người phải biết giữ lời hứa. Điều này góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cho trẻ, đồng thời bồi dưỡng cho trẻ một chí hướng lớn.

Trong vấn đề bồi dưỡng khả năng tín dụng cho Cách Cách, tôi từng tranh luận với con gái. Cách Cách không để tâm tới vấn đề này, cũng không thấy hứng thú, thậm chí có lúc còn tỏ ra lười nhác và áp dụng cách làm kiểu đục nước béo cò. Một khi chúng tôi không đáp ứng nguyện vọng, Cách Cách tỏ ra khó chịu, vì trước đây thích ăn gì thì ăn, hơn nữa chẳng phải bỏ tiền túi. Sau đó, tôi và vợ bàn bạc và đưa ra quyết định, nếu Cách Cách chủ động đề xuất ý kiến đi ăn gì thì phải tự bỏ tiền túi.

Trước khi Cách Cách biết cách tiết kiệm tiền từng xảy ra một chuyện như sau: Tôi và vợ ép con gái trả tiền. Nghe qua thì thấy hơi khó tin! Tôi nhớ hôm đó là thứ bảy, Cách Cách đòi đi nhà hàng ăn cá hấp, vợ tôi nói về nhà ăn, đi nhà hàng tốn tiền. Không ngờ Cách Cách hào phóng mời bố mẹ đi ăn, tôi tạm ứng tiền trước rồi về nhà con gái sẽ trả sau, bữa ăn hôm đó chỉ tốn khoảng 50 tệ. Về đến nhà, Cách Cách thản nhiên không muốn trả số tiền đó, vợ tôi tức giận, vậy là hai mẹ con to tiếng với nhau. Vợ tôi nói: “Con nhất định phải trả tiền cho bố, là con mời cơ mà, nói lời phải giữ lấy lời. ” Vợ tôi kiên quyết bắt Cách Cách đưa lại số tiền đó, cuối cùng con bé vừa khóc vừa đưa tiền cho chúng tôi.

Sau này, còn mấy vụ việc tương tự như thế, cuối cùng đều kết thúc bằng việc Cách Cách thực hiện cam kết. Có khi, hai mẹ con cũng phát sinh một số giao dịch tài chính, thậm chí vợ tôi còn vay tiền con gái, nhưng sau đó trả lại ngay. Cách Cách cũng vậy, vay tiền mẹ rồi trả lại ngay. Nhà đầu tư Rogers từng gửi cho con gái 23 bức thư, trong đó có một bức viết rằng: “Giả sử con vay tiền, luôn luôn phải trả đúng hẹn, cố gắng trả hết nợ một khi có khả năng, tín dụng tốt rất quan trọng, tín dụng xấu giống như ma quỷ, nó sẽ quấy rầy con cả năm. ” Rockefeller cũng khuyên con trai rằng:
 
“Bố muốn nói với con rằng, khi nhận được một khoản tiền lớn từ ngân hàng, vật thế chấp không chỉ bao gồm nhà máy mà còn có sự thành thực  của bố. Bố coi hợp đồng và khế ước như những vật thần thánh, bố tuân thủ nghiêm túc hợp đồng, không bao giờ trì hoãn việc trả nợ. ”

Trong giao dịch tài chính, tín dụng có tầm quan trọng số một. Trong tương lai, trẻ em nhất định sẽ phát sinh giao dịch tài chính với người khác hoặc một số tổ chức tài chính, khả năng tín dụng tốt qua ghi chép hoặc truyền miệng sẽ quyết định người đó có vay được tiền hay không? Tín dụng cá nhân tốt, đối tác cũng muốn cho anh vay; hồ sơ tín dụng ngân hàng tốt, ngân hàng mới dám cho anh vay. Tín dụng của một người quyết định giá trị mà người khác thừa nhận về anh ấy, tín dụng tốt, trong trường hợp không  có bảo lãnh cũng có thể vay được tiền, một khi mất tín dụng, coi như bạn đã bị liệt vào danh sách đen.

Tục ngữ có câu: “Thắng ít nhờ vào trí tuệ, thắng nhiều nhờ vào đạo đức. ” Trong cuộc sống, làm việc nhỏ dựa vào một người, làm việc lớn dựa vào  tập thể, mà linh hồn cốt lõi của tập thể là tín dụng và phẩm chất đạo đức. Nhiều người thất bại không hẳn trong lúc làm việc, mà do thất bại khi làm người, thất bại về mặt đạo đức. Tất cả thành tựu trong sự nghiệp con người xét cho cùng đều bắt nguồn từ thành công trong việc “làm người. ”

 

5. Khả năng cống hiến - một số khoản đóng góp và hoa tươi

Cống hiến thực ra là khả năng sẵn sàng hy sinh vì người khác, người xưa có câu: “Cho đi ít nhận về ít, cho đi nhiều nhận về nhiều, không cho đi thì không nhận được gì. ” Giáo dục tính cách này cho trẻ là một vấn đề vô cùng quan trọng, có thể nói nhiều người sau khi trưởng thành trở nên keo kiệt là do từ bé đã hình thành thói quen nhận về nhiều, cho đi ít.

Trẻ em thời nay đa phần đều là con một, là bảo bối của bố mẹ. Nhiều bậc phụ huynh luôn tìm cách đáp ứng mọi yêu cầu của con cái, khiến chúng cảm thấy người xung quanh phải yêu thương, quan tâm mình và coi đó là chuyện đương nhiên. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành tâm lý và thói quen chỉ biết nhận về mà không muốn cho đi. Nhiều đứa trẻ một khi đã cầm tiền và đồ vật trong tay thì đừng hòng có chuyện nhả ra. Ở phần trên tôi đã lấy một ví dụ về việc Cách Cách đồng ý mời bố mẹ đi ăn, nhưng cuối cùng không muốn chi tiền. Thực ra khi mới bắt đầu, những việc trẻ làm không nên coi là lỗi lầm, đây là bản tính, đồng thời là tính xấu của con người, sau này cần chúng ta uốn nắn và bồi dưỡng thêm. Trong cuộc sống, cần biết rằng sự nhận về và cho đi có mối quan hệ tương hỗ, không có chuyện chỉ cho đi và cũng không có chuyện chỉ nhận về. Phụ huynh phải dạy con học cách hy sinh vì người khác, cho dù sự hy sinh đó không mang lại báo đáp (ví dụ hy sinh vì cha mẹ, tiền bối hay xã hội). Việc giáo dục tính cách này cho trẻ cũng bắt đầu từ lời nói và hành động thực tế của bố mẹ, người xưa có câu: “Con cái bất hiếu là lỗi của bố mẹ. ” Vì vậy, những bậc phụ huynh như chúng ta cần làm tấm gương sáng cho con cái.

Có nhiều câu chuyện trong lĩnh vực này liên quan tới Cách Cách, xin được chia sẻ với các bạn như sau:

Trước đó tôi từng nói, tôi cũng lo sợ việc giáo dục kỹ năng làm giàu sẽ khiến con mình chỉ biết đến tiền, vì tiền mà xem nhẹ tình thân. Nhưng một số việc Cách Cách làm sau đó đã khiến tôi rất cảm động và tự hào, đồng thời xua tan đi sự lo lắng của tôi.

Việc thứ nhất: Bố một bạn học của Cách Cách ốm nặng, nhà trường kêu gọi các học sinh quyên góp tiền giúp đỡ. Cách Cách nói chuyện này với chúng tôi, con bé muốn đóng góp và đề nghị mẹ đưa tiền tiêu vặt tháng này cho nó. Xong chuyện, mẹ nó nói với tôi rằng con gái đã quyên góp tất cả số tiền tích cóp trong lợn đất. Ít ra, tôi nhận thấy Cách Cách không phải một đứa trẻ keo kiệt, nó có trái tim lương thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Việc thứ hai: Ngày của Mẹ, mùng 10 tháng 5 năm 2009. Buổi sáng hôm đó có mưa nhỏ, tôi và vợ đi tập thể dục, còn Cách Cách ở nhà học bài. Khi hai vợ chồng về đến nhà, thấy một mẩu giấy kẹp ở dưới cửa chính, trên đó viết: “Bố mẹ, con ra ngoài một lát rồi về ngay. ” Vợ tôi tưởng con đến nhà bạn thân chơi, bèn gọi điện thoại hỏi, nhưng Cách Cách không ở đó. Tôi nghĩ, chắc nó không thể đi xa, nói là về ngay cơ mà. Quả nhiên, một lát sau thấy Cách Cách tay trái cầm ô, tay phải cầm túi đồ bên trong có chứa gì đó, ngoài ra còn bị mưa ướt một chút. Bước vào nhà, Cách Cách mỉm cười với chúng tôi rồi vào phòng mình ngay, lúc đó chúng tôi ngây người không hiểu gì. Lát sau, Cách Cách bưng ra một chiếc bánh ga tô và một bó hoa hồng, trên bánh ga tô còn gài thêm một tấm thiệp mừng tự tay con bé làm. Cách Cách nói: “Nhân dịp Ngày của Mẹ, con chúc mẹ luôn vui vẻ!” Lúc này chúng tôi mới hiểu con gái ra ngoài làm gì, vợ tôi cảm động rơi nước mắt.
 
Hai vợ chồng tôi nhìn chiếc bánh ga tô và càng thấy xúc động hơn. Ngay dưới chung cư chúng tôi ở có một siêu thị cũng bán bánh ga tô, nhưng Cách Cách biết cả nhà thích ăn bánh hiệu Hảo Lợi Lai nên không xuống siêu thị dưới nhà mà đến tận cửa hàng Hảo Lợi Lai mua bánh, sau đấy còn đi mua hoa ở chỗ khác. Hai thứ đó tiêu tốn của con bé 30 tệ. Cách Cách chỉ nghĩ mua bó hoa tặng mẹ, nhưng chưa biết nên chọn hoa cẩm chướng. Chúng tôi vừa ăn bánh vừa dạy kiến thức đó cho con gái. Như vậy là quá đủ, dù sao Cách Cách chỉ là đứa bé 9 tuổi, việc nó đội mưa đi mua bánh ga tô và hoa tặng mẹ, khiến những người biết chuyện này đều cảm động.

Không lâu sau lại đến Ngày của Cha, hôm đó tôi nhận được thiệp chúc mừng và một chiếc khăn mùi xoa của Cách Cách. Con bé tặng khăn mùi xoa để bố dùng khi tập thể dục. Thời gian đó, mỗi khi lấy khăn ra lau mặt, tôi liền nghĩ tới con gái, cảm giác có một luồng hơi ấm tràn ngập trong lòng.

Cách Cách còn nhiều chuyện chi tiêu tương tự như vậy, ở đây không tiện kể thêm.

Trong trò chơi Bé giỏi kiếm tiền làm giàu có thiết lập nhiều thẻ chi trả, gồm các nội dung như thẻ yêu thương, thẻ xa hoa, thẻ giải trí… Thiết kế như vậy nhằm dạy trẻ học được cách cho đi, biết báo đáp, biết những thứ nhận được đến từ sự cho đi. Ví dụ, mua quà nhân ngày sinh nhật của ông nội mất 30 tệ; quyên góp ủng hộ trẻ em khu vực gặp thiên tai 20 tệ tiền mặt. Tuy là trò chơi mang tính giải trí, tôi phát hiện một số trẻ khi rút phải thẻ chi trả thì xị mặt ra, không thoải mái, thậm chí tức tối, nói mình không đáng rút phải thẻ này, có đứa còn khóc òa lên. Khi tham gia trò chơi đã như vậy, trong cuộc sống thực tế trẻ sẽ ra sao? Nếu con bạn không muốn cho đi, vậy bạn phải chú ý giáo dục vấn đề này cho con, đừng để trẻ trở thành người keo kiệt.

Để trẻ hiểu tại sao lại làm thế, tôi thiết kế thêm nhiều thẻ may mắn trong trò chơi, trong đó bao gồm thẻ mừng tuổi của người lớn. Ví dụ, năm mới ông nội mừng tuổi cho cháu, trong phong bao lì xì có 200 tệ. Nếu gặp phải đứa trẻ không muốn mua quà sinh nhật cho ông, bạn nên nói với chúng: “Lẽ nào con đã quên mất sự quan tâm và yêu thương của ông nội, quên mất ông nội thường mua quà cho con rồi sao?” Một số trẻ ngộ ra rất nhanh, phụ huynh cần chớp thời cơ và nói với con: “Cùng chơi trò này nhé, trong thẻ may  mắn có phong bao lì xì và quà tặng mà ông nội chuẩn bị cho chúng ta đấy!”
 
Như vậy, sẽ nâng cao tính tích cực của trẻ, sự dâng hiến tình yêu thương được thể hiện thông qua trò chơi. Trong cuộc sống, trẻ em sẽ dần nhớ ngày sinh nhật và tặng phụ huynh những “món quà yêu thương”, điều chúng ta quan tâm không phải trẻ tặng gì, mà là trẻ đã học được cách cảm ơn và báo đáp, tiền bạc không thể đánh đổi được những thứ như thế, nhưng đó là vấn đề yêu và được yêu quan trọng nhất trong cuộc đời con người.

 

6. Khả năng tiết kiệm - biến phế liệu thành của cải

Nhiều trẻ em thường hiểu nhầm tiết kiệm đồng nghĩa với keo kiệt, thực ra không phải như vậy, tiết kiệm nhằm rèn luyện cho chúng ta thói quen không lãng phí tiền của, đó là một phẩm chất đạo đức tốt.

Cách Cách làm khá tốt việc tiết kiệm. Ở nhà tôi không phải phế liệu gì cũng vứt hết vào thùng rác, Cách Cách thường phân loại và cho vào thùng giấy, tích được nhiều rồi sẽ gọi điện cho cửa hàng thu mua phế liệu, tiền bán phế liệu đương nhiên thuộc về con bé. Những đồ phế liệu này có thể tiện tay vứt bỏ, chẳng ai để ý đến khoản tiền cỏn con này, nhưng tôi muốn tận dụng những đồ tưởng như bỏ đi để dạy con đức tính tiết kiệm. Thú vị hơn là, trước khi bán phế liệu Cách Cách đều lấy lại ít báo và lịch cũ để tập gấp giấy. Tất cả những đồ bỏ đi trong nhà đều qua “khâu kiểm định” lần cuối của Cách Cách, con bé sẽ tái sử dụng sau đó bán phế liệu. Văn phòng của tôi vừa nhập một lô đạo cụ trò chơi, bên ngoài mỗi đạo cụ được bọc bằng túi nylon. Cách Cách gom tất cả túi nylon lại, nói để dành để đựng một số thứ đồ nhỏ, khi chơi cùng các bạn, Cách Cách đổi tám túi nylon lấy một miếng ghép hoạt hình, hành động của con gái khiến tôi và vợ phục sát đất. Cách Cách còn tận dụng giấy bao bì để cắt làm vở nháp, đám bạn của con bé rất ngưỡng mộ, vì những đồ như thế không cửa hàng nào bán, hơn nữa rất cá tính. Bọn trẻ định mua lại mấy quyển vở trên của Cách Cách, con gái tôi liền làm thêm vài quyển tặng bạn bè.

Cách Cách còn biết tận dụng thùng các-tông làm bàn học. Tết Dương lịch năm 2009, có người tặng gia đình tôi hai thùng táo, Cách Cách chẳng buồn để ý táo ngon hay không, nhưng không rời mắt khỏi vỏ thùng các-tông, thấy vậy, vợ tôi bỏ táo ra và cho con gái vỏ thùng. Con bé coi đó như thùng bảo quản để cất giữ đồ chơi và một số vật dụng khác.
 
Trưa hôm sau, tôi về đến nhà và thấy Cách Cách đang ngồi vẽ trên giường. Không ngờ con bé cải tiến thùng các-tông và bốn hộp giấy thành một chiếc bàn gấp, có thể đặt trên giường hoặc ghế sa lông. Nhưng chiếc bàn gấp này có vẻ không chắc chắn lắm, con bé nhờ tôi làm lại cho chắc chắn hơn.

Cái bàn gấp này xem ra cũng không đến nỗi tồi nhỉ! Thực ra, mấy hộp giấy này nếu không biết tận dụng cũng chẳng khác gì đồ phế liệu. Ngược lại, nếu trẻ biết tận dụng phế liệu để làm ra những món đồ có giá trị sử dụng, bản thân chúng cũng cảm thấy vui mừng và tự hào. Lâu dần, Cách Cách hình thành thói quen hễ cứ thấy phế liệu đều cố gắng tìm cách tái sử dụng. Một số phế liệu không ảnh hưởng tới sức khỏe và an toàn của trẻ em có thể coi như vật liệu làm đồ chơi. Bất luận trẻ sử dụng những vật liệu trên vào mục đích gì, cho dù xé giấy màu thành nhiều mảnh và tung lên trời, những mẩu giấy nhiều màu sắc tung bay trong gió cũng đem lại niềm vui cho trẻ. Hãy hỏi trẻ những mẩu giấy bay trong gió giống cái gì, giống khung cảnh tuyết rơi hay đàn bướm đang tung tăng bay lượn. Phương pháp giáo dục tư duy sáng tạo như vậy sẽ giúp trẻ dùng hành động để thay đổi bản thân. Trẻ em dựa vào tư duy sáng tạo và hành động thực tế để biến phế liệu thành đồ hữu ích, như vậy vừa vui vừa tự hào, đồng thời còn tăng cường ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường cho trẻ.

Tôi đã tổng kết bốn loại hình tiêu tiền thường gặp của trẻ em:

•    Một là tiêu tiền theo ý thích, cứ có tiền là tiêu, chi tiêu hoang phí, thích khoe mẽ, những đứa trẻ có tính cách như vậy, cha mẹ cần có sự chỉ dẫn đúng đắn.

•    Hai là tiêu tiền kiểu bị động, thấy người khác mua gì, mình mua cái đó, những đứa trẻ như vậy cha mẹ nên hướng dẫn chúng sống lý trí hơn, để chúng hiểu được những đồ thực sự cần dùng đến mới phải mua.

•    Ba là tiêu tiền kiểu bắt chước, thấy người khác có gì là muốn có cái đó, mang nặng tâm lý so bì. Đối với những đứa trẻ như vậy, cha mẹ cần hướng dẫn chúng nên có chính kiến khi mua đồ, xem những vật dụng muốn mua có thực sự phù hợp và cần thiết với bản thân hay không.

•    Bốn là biết tính toán chi ly, những đứa trẻ kiểu này khi mua đồ luôn căn cứ vào nhu cầu thực tế, đồng thời còn biết cân nhắc, so sánh giá cả. Sau khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ biết vun vén cuộc sống của bản thân.

Trên đây là bốn loại hình tiêu tiền thường gặp của trẻ, bạn có thể đối chiếu và xem con mình thuộc diện nào? Nếu trẻ thuộc ba loại hình trước, các bậc làm cha làm mẹ như chúng ta cần tích cực hướng dẫn trẻ nỗ lực phấn đấu thành loại hình thứ tư.

Tiết kiệm là một thói quen và đức tính tốt. Nhưng thói quen và đức tính này không thể hình thành trong một sớm một chiều, mà cần trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Phụ huynh hãy để trẻ xử lý đồ phế liệu hàng tháng, lâu dần, chúng sẽ hình thành thói quen tiết kiệm.

 

7. Kỹ năng quản lý tiền mặt - một đồng tiền hai chế độ
 
Từ năm lên bảy tuổi, Cách Cách bắt đầu ghi sổ tài khoản, thực ra, cái gọi là sổ ghi tài khoản lúc đầu cũng như sổ thu chi hàng ngày, có khoản thu thì điền lên, có khoản chi thì xóa đi, còn lại là tiền mặt hiện có của con bé. Cách Cách bỏ tiền mặt vào tủ cá nhân, vợ chồng tôi tôi gọi đó là “két sắt” của con gái. Tủ này giống như trung tâm quản lý tài chính của Cách Cách, tủ gồm ba ngăn: một ngăn đựng sổ tiết kiệm, hợp đồng cho thuê máy vi tính, 02 hợp đồng bảo hiểm và sổ ghi tài khoản của Cách Cách; ngăn thứ  hai đựng vé số, con bé sẽ dùng ngăn này để tổ chức một số hoạt động rút thăm trúng thưởng; ngăn cuối cùng để tiền mặt, mỗi khi tích cóp đủ 100 tệ tiền lẻ, con bé sẽ đổi cho mẹ lấy một tờ 100 tệ, nếu tổng lượng tiền mặt đạt khoảng 130 tệ, con bé sẽ gửi 100 tệ vào sổ tiết kiệm, như vậy lượng tiền mặt của Cách Cách lúc nào cũng giữ ở mức từ 30 – 130 tệ.

Trong quá trình quản lý tiền mặt, Cách Cách từng gặp nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí buộc phải dùng thu nhập ngoài sổ tài khoản để giải quyết vấn đề. Sau đây, xin kể chuyện tôi áp dụng chính sách “một đồng tiền hai chế độ” để giải quyết vấn đề hóc búa mà Cách Cách gặp phải khi mua đồ chơi.

Một hôm, tôi vừa về đến nhà đã cảm thấy không khí căng thẳng, hình như vợ tôi vừa mắng con gái, Cách Cách đang ấm ức trong phòng ngủ, vợ tôi cũng tức giận. Tôi hỏi vợ có chuyện gì, mới biết con gái muốn mua một máy may vải đồ chơi, nhưng không muốn bỏ tiền túi. Vợ tôi động viên con bé tích cực làm việc nhà để kiếm đủ số tiền trên. Cô ấy nói: “Ngoài những việc thông thường, con có thể làm nhiều việc khác để kiếm tiền mua máy, ví dụ như mát xa, đấm lưng cho bố mẹ. ” Nhưng Cách Cách nói: “Cho dù như vậy, tiền trong ngăn tủ thuộc sở hữu của con, con vẫn phải bỏ tiền túi để mua đồ chơi. ” Lúc đó, tôi mới vỡ nhẽ, Cách Cách đã lâm vào thế bế tắc. Sau đó hai ngày, Cách Cách vẫn vừa muốn mua đồ chơi mà mình thích, vừa không muốn bỏ tiền túi. Vợ tôi cũng hết cách, không biết nói gì hơn. Tôi chợt nghĩ ra một cách, liền vào nói với Cách Cách: “Bố có cách giúp con mua được đồ chơi. ” Cách Cách hỏi tôi là cách gì, tôi nói: “Con có thể làm thêm để kiếm tiền, nhưng tiền kiếm được không bỏ vào tủ mà cất riêng ra, như vậy, đợi đến khi kiếm đủ tiền có thể mua đồ chơi. ” Cách Cách nói: “Đúng rồi, như vậy không phải tiêu tiền túi của con nữa, bố nhỉ?” Vợ tôi ngồi bên cạnh cố nhịn cười. Tôi chớp thời cơ, nói với con gái: “Vai bố đau ê ẩm, cho bố gói đấm bóp 5 tệ đi!” Con bé vội vàng đồng ý, chạy ra đằng sau bóp vai cho tôi. Xong việc, tôi trả con gái 5 tệ, Cách Cách bỏ tiền vào hộp riêng, bắt đầu tích cóp để mua đồ chơi.

Qua việc này chúng ta thấy Cách Cách có chút buồn cười, nhưng cũng rất đáng yêu, một chốc một lát không thể thay đổi suy nghĩ. Điều này cũng chứng minh con bé biết trân trọng những đồng tiền mà mình kiếm được, đây là việc tốt. Hình thức “một đồng tiền, hai chế độ” kiểu này bất luận có thay đổi thế nào, mọi người cũng không phải thỏa hiệp, đảm bảo đôi bên cùng có lợi, không lâu sau đó, nhờ vào hình thức “một đồng tiền, hai chế độ”, Cách Cách đã mua được món đồ chơi mà bản thân mong ước từ lâu – máy may vải. Sau khi mua về còn may được “vải” thật. Tôi cũng phát hiện, việc Cách Cách mua đồ chơi không còn đơn thuần chạy theo sở thích, mà giàu tính sáng tạo, thậm chí con bé còn muốn tháo rời máy may ra, tự thiết kế một cái của riêng mình. Cách làm như vậy có ích cho khả năng sáng tạo và tư duy của trẻ.

 

8. Khả năng kiên nhẫn - con chim công không dễ gấp Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ một câu chuyện:
Có một ông nông dân dậy từ rất sớm, nói với vợ sẽ đi làm đồng, lúc ra đến ruộng mới phát hiện máy cày hết dầu. Vốn định đổ thêm dầu, thế nhưng tự nhiên ông ta nghĩ đến ba bốn con lợn ở nhà vẫn chưa cho ăn, thế là ông ta lập tức quay về nhà; đi qua nhà kho thấy vài củ khoai tây, ông ta liền nghĩ đến khoai tây có khả năng đang nảy mầm, thế là lại đi ra ruộng khoai tây, khi đi qua đống củi, lại nhớ ra trong nhà thiếu củi; đúng lúc đi lấy củi, thì nhìn thấy con gà ốm nằm trên đất… cứ như vậy chạy đi chạy lại, cuối cùng từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời lặn, ông nông dân này vẫn chưa đổ dầu vào máy, lợn cũng chưa cho ăn, ruộng cũng chưa cày, cuối cùng chẳng có việc nào làm ra hồn.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người cũng giống như ông nông dân trong câu chuyện trên không kiên trì quyết đoán, thường rất khó hoàn thành bất cứ việc gì. Giống như một số bạn trẻ hiện nay một năm thay đổi mấy nơi làm việc, lẽ nào tất cả công ty họ đã làm trước đó đều không tốt? Câu trả lời tất nhiên là không. Rất có thể họ đã gặp vấn đề gì đó về tâm lý. Kết quả là chẳng có việc nào thành, cốt lõi của vấn đề chính là thiếu tính kiên nhẫn.
 
Tính kiên nhẫn thực tế chính là khả năng kiên trì theo đuổi đến cùng khi làm một việc nào đó. Bồi dưỡng khả năng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát triển tâm lý, hành vi của trẻ. Xét từ góc độ tính cách, khả năng kiên trì bền bỉ phần nào mang tính bẩm sinh, tuy nhiên quan trọng hơn là cách dạy dỗ của người lớn trong quá trình trẻ trưởng thành. Cần dạy trẻ bất cứ việc gì cũng phải làm cho xong, trẻ con thường hiếu động và tò mò, vì vậy khó tránh khỏi tình trạng mất tập trung, hoặc làm theo ý thích. Nếu không đưa ra những quy tắc, trẻ sẽ hành động nông nổi, dần dần sẽ hình thành thói quen sáng nắng chiều mưa, làm việc không có tính kiên trì, nhẫn nại, không đến nơi đến chốn.

Mỗi khi Cách Cách làm đồ thủ công hay có ý tưởng sáng tạo, tôi đều động viên con bé cố gắng hoàn thành công việc, cho dù sản phẩm cuối cùng không như ý muốn. Tôi mua cho con gái quyển sách dạy gấp giấy, Cách Cách vô cùng thích thú, đồng thời cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu tại sao một tờ giấy bình thường có thể gấp ra nhiều vật xinh xắn đến thế, những lúc rảnh rỗi, con bé tập gấp giấy theo hướng dẫn trong sách. Cách Cách mất cả buổi sáng để gấp một con công, thao tác tạo ra sản phẩm này quả thật rất phức tạp. Con bé gấp được một nửa thì không biết làm thế nào nữa, liền hỏi bố mẹ, vợ chồng tôi xem một lúc lâu, cũng không biết tiếp tục thế nào. Cách Cách đã muốn bỏ cuộc, nhưng tôi thấy con bé hình như vẫn muốn gấp bằng được, vậy là vợ chồng tôi tiếp tục khích lệ con bé, sau một hồi nghiên cứu cuối cùng Cách Cách cũng gấp hoàn chỉnh một con công rất đẹp. Khi con cái muốn bỏ cuộc, chúng ta động viên con tiếp tục cố gắng, làm như vậy có lợi cho việc phát triển khả năng tư duy, sáng tạo và tính kiên nhẫn của trẻ, biến mỗi đứa trẻ thông minh thành một dũng sĩ tí hon quyết chiến đến cùng.

Bốn năm nay, Cách Cách vẫn kiên trì mát xa cho hai vợ chồng tôi, lâu dần đã hình thành thói quen cho cả gia đình, khi mọi người cảm thấy nhạt nhẽo, con bé lại bày ra trò bốc thăm phiếu mát xa. Những lúc con bé không muốn tiếp tục, tôi thay Cách Cách làm công tác khuyến mãi, mua phiếu mát xa của nó với giá cao. Có lúc tôi lại giả vờ mệt mỏi đáng thương để con bé đấm lưng cho. Cứ như vậy, công chúa nhà tôi đã kiên trì công việc mát xa cho bố mẹ bốn năm nay rồi đấy.
 
Tính kiên nhẫn là biện pháp hiệu quả giúp con hình thành nhiều thói quen tốt. Những thí nghiệm trên động vật của nhà tâm lý học người Mỹ Lashley cho thấy, một hành động lặp đi lặp lại 21 ngày sẽ trở thành một thói quen đơn thuần, lặp đi lặp lại 90 ngày sẽ hình thành một thói quen ổn định khó thay đổi. Nghiên cứu cho thấy, những thói quen khác nhau được hình thành trong khoảng thời gian khác nhau, tóm lại thời gian càng dài thì thói quen càng khó thay đổi. Qua thực nghiệm, các nhà tâm lý học người Anh đưa ra kết luận, trải qua khoảng 66 ngày kiên trì lặp đi lặp lại một việc gì đó, “thói quen sẽ trở nên tự nhiên”, tự chuyển hóa thành một phần trong cuộc sống mà không phải cố gượng ép. Vì vậy, muốn con học được thói quen tốt, phải để chúng học cách kiên trì, học cách làm việc đến nơi đến chốn.

Giáo dục tính kiên nhẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho tình cảm, cuộc sống và sự nghiệp của con cái chúng ta sau này, chúng sẽ biết yêu người khác một cách chân thành, biết chuyên tâm làm việc. Nhiều thành công của con người được tạo dựng từ khả năng kiên trì, tâm lý vững vàng và hành động bền bỉ. Có một điều không thể phủ nhận rằng trong cuộc sống, vì thiếu tính kiên nhẫn mà con người đã đánh mất đi nhiều thứ, kể cả những thứ có thể thay đổi cả cuộc đời. Có những người trên con đường tình tự đánh mất người mà mình yêu nhất, có những người nhụt chí chùn bước trên con đường công danh sự nghiệp, cuối cùng đánh mất cơ hội phát triển tốt nhất... Vốn quý nhất và cũng đánh mất nhanh nhất của cuộc đời con người chính là thời gian, tận dụng thời gian một cách hiệu quả chính là phương pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Kiên nhẫn không chỉ là phẩm chất bắt buộc phải có để chúng ta thành công trên đường đời và công danh sự nghiệp, mà nó còn là một kỹ năng. Bất luận là việc gì, trừ phi bản thân chúng ta tự từ bỏ, bằng không sẽ chẳng bao giờ thất bại.

Đại học Harvard Mỹ từng tiến hành khảo sát đối với 300 sinh viên đã tốt nghiệp, kết quả cho thấy chỉ có 15 sinh viên có định hướng mục tiêu rõ ràng. Hai mươi năm sau, tổng tài sản của 15 sinh viên này lớn hơn tổng tài sản của 285 sinh viên kia gộp lại. Cựu Thủ tướng Anh - Churchill đã từng nói: “Tôi có ba bí quyết thành công: thứ nhất là không từ bỏ; thứ hai là quyết không, quyết không từ bỏ; thứ ba là quyết không, quyết không, quyết không từ bỏ. ” Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Tân Đông Phương - Du Mẫn Hồng đã tâm sự bí quyết thành công của ông là kiên trì đến cùng, không đạt được mục đích quyết không từ bỏ, điều đó nhắc nhở chúng ta phải kiên nhẫn, bền bỉ theo đuổi lý tưởng mà mình đã chọn. Trong quá trình đó, chúng ta còn phải tuân thủ một quy tắc hết sức quan trọng: không được kiên trì một cách ngu ngốc, cái gọi là kiên trì ngu ngốc trên thực tế chỉ việc nói một đằng làm một nẻo. Muốn trẻ kiên trì theo đuổi một việc đúng đắn, phụ huynh phải dạy con cách tư duy, để trẻ đưa ra những phán đoán và quyết định chính xác thông qua quá trình suy nghĩ thấu đáo.

 

9. Khả năng tư duy - Tôi đã được học một khóa “MBA”

“Hành động là cách thức kiểm tra phương pháp, còn hiệu quả là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm phương pháp và hành động. ” Nếu tôi không nói câu “danh ngôn” này là của Cách Cách, chắc hẳn mọi người sẽ không tin một câu nói đầy tính triết lý như vậy lại xuất phát từ miệng một cô bé chưa đầy 10 tuổi. Tôi nghĩ, con bé có thể nói như thế một phần do chịu ảnh hưởng của những chương trình tài chính và sách vở, khi xem những chương trình này, Cách Cách còn rất hay thảo luận sôi nổi với bố.

Thông qua việc giáo dục tài chính từ nhiều góc độ khác nhau, chúng ta sẽ gợi mở cho trẻ có nhận thức và tư duy về một số vấn đề. Như trường hợp Cách Cách, vợ chồng tôi đã nhiều lần nhắc nhở con bé không được mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường, không phải sợ tốn tiền, mà do cảm thấy chất lượng của mấy đồ ăn đó không đảm bảo. Có lần, vợ tôi mua cho con một thanh sô cô la, con bé sau khi biết giá, liền đem ra so sánh với sô cô la bán ngoài cổng trường và đưa ra kết luận là sô cô la mẹ mua đắt hơn. Sau khi biết chuyện, tôi quyết định khuyên bảo con, tôi hỏi con bé tại sao không vào siêu thị mua sô cô la, nó nói: “Đắt quá, đắt gấp đôi bố ạ!” Tôi nói: “Cách Cách, con người không nên chi li tằn tiện chuyện ăn uống, đặc biệt đối với những thứ đồ ăn vặt của các con, không phải đồ đắt tiền nào cũng tốt, thế nhưng nếu như con vì tiết kiệm tiền mà ăn những đồ không đảm bảo chất lượng, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nghiêm trọng hơn còn có thể ảnh hưởng tới việc phát triển trí tuệ của con đấy. ” Từ đó trở đi, con bé rất ít khi mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường.

Tôi và con gái cùng phát triển trò chơi.

Tôi luôn nghĩ làm thế nào mới có thể phổ cập kiến thức làm giàu tới nhiều người hơn, để trẻ được trải nghiệm niềm vui và sự hứng thú khi tiếp thu những kiến thức về kỹ năng làm giàu. Trong quá trình thực hiện nguyện vọng trên, con gái đã giúp đỡ tôi rất nhiều, khiến tôi nhận thức được rằng trò chơi tương tác là phương pháp tốt nhất để giáo dục kỹ năng làm giàu cho trẻ, nói là làm, tôi và Cách Cách cùng phát triển trò chơi Bé giỏi kiếm tiền làm giàu.

Đối với Cách Cách, trò chơi không đơn thuần nhằm mục đích giải trí mà còn để rèn luyện khả năng suy nghĩ, con bé biết cải biến trò chơi ban đầu thành nhiều trò tương tự. Cách Cách chịu ảnh hưởng của các trò chơi Nông trại Mole, Đảo Baby, Giành chỗ đỗ xe và Trang trại QQ, đồng thời tự mình phát triển một số trò chơi, tuy đơn giản nhưng khá thú vị.

Cách Cách bày phiên bản thực của trò chơi Giành chỗ đỗ xe ngay trong nhà, đặt các xe ô tô đồ chơi lên một tấm bảng đỗ xe mà nó vẽ, bắt tôi và vợ tôi chọn một vị trí đỗ xe trên đó, căn cứ vào thời gian đỗ xe để ghi điểm, đồng thời cũng có thể nâng cấp xe, chúng tôi chơi trò này mấy ngày liền, ai cũng cảm thấy nhạt nhẽo, nên không tiếp tục chơi nữa. Nhưng con bé vẫn tiếp tục nghĩ thêm nhiều trò mới.
 
Con bé tận dụng thẻ điện thoại đã nạp tiền của mẹ để phát triển trò chơi, dán tranh hoạt hình vào mặt trong thẻ điện thoại, đồng thời thiết kế “điểm năng lượng”, “điểm thông minh”, “điểm công năng” cho mỗi chiếc thẻ, giống như lúc bốc bài tây, sau đó xuất bài ra, ai có điểm thấp nhất sẽ là người thua cuộc. Trò chơi này rất giàu tính sáng tạo, con bé cùng các bạn chơi đến mức vui không tả nổi. Cách Cách còn dùng thẻ điện thoại làm hộp đựng bút, thậm chí còn xếp nhiều thẻ điện thoại vào ruột hộp bánh Trung Thu đã qua sử dụng để làm đường chạy trong trò chơi mê cung (đến nay vẫn chưa hoàn thành). Mỗi lúc nhìn con bé suy nghĩ cách lắp đường chạy trong mê cung, tôi có cảm giác Cách Cách vừa muốn bạn tìm được đường thoát khỏi mê cung vừa không muốn bạn thoát ra một cách dễ dàng, dường như bản thân đang có sự mâu thuẫn dữ dội. Đây chẳng phải là tố chất căn bản cần có của một nhà phát minh hay sao?

Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ còn gặp nhiều vấn đề, ví dụ một số câu nói kinh điển xem chừng rất có đạo lý, nếu cha mẹ và thầy cô không chỉ dẫn tốt, trẻ sẽ cho rằng những câu nói đó hoàn toàn chính xác, không thể làm ngược lại, thực tế điều đó sẽ hạn chế khả năng tư duy của trẻ. Một buổi sáng cuối tuần, Cách Cách cố ý đọc to câu “Thất bại là mẹ thành công”, “Đi trên con đường của chính bạn, mặc kệ người khác nói!” Tôi nhận ra rằng, đây là những gì mà trẻ đã học được ở trường hoặc trên sách báo, hơn nữa còn mang tính định hướng, khích lệ rất lớn. Tôi bắt đầu dùng phương pháp biện chứng để trao đổi với con quan điểm về hai câu nói trên. Tôi nói với con: “Câu ‘Thất bại là mẹ thành công’ đúng trong một vài trường hợp, nhưng nhiều khi thất bại lại là tác nhân giết chết thành công. ” Con bé nhìn tôi với ánh mắt đầy nghi hoặc. Tôi lại nói tiếp: “Con còn nhớ câu chuyện con ếch nhảy trong bể cá chứ! Chính là để ếch trong bể cá, phía trên bể cá đậy nắp kính, kết quả ếch nhảy lên lần nào va phải kính lần đó, sau nhiều lần va đập như vậy, ếch đã dần mất đi lòng tin, sau này cho dù bỏ tấm kính ra ếch cũng không nhảy nữa. ” Con bé bắt đầu trở nên nghiêm túc và tỏ ý nghi ngờ về tính chính xác của câu “Thất bại là mẹ thành công. ”

Đối với câu thứ hai “Đi trên con đường của chính bạn, mặc kệ người khác nói!” Tôi nói với Cách Cách: “Phải xem con đường mình đi là đúng đắn hay sai lầm. Nếu một người vì lợi ích cá nhân mà làm hại đến lợi ích của người khác, khi người khác khuyên ngăn, hắn ta cũng chẳng nghe. Thế nhưng đến một ngày, hắn ta vì phạm nhiều lỗi lầm mà vi phạm pháp luật, bị pháp luật trừng trị. Như vậy, vì không nghe mọi người khuyên mà hắn ta đã bước vào đường cùng, hối hận cũng không kịp. ” Con bé liền nói: “Con hiểu rồi ạ, câu đó nên sửa lại là: Đi con đường đúng đắn, mặc kệ người ta nói!” Tôi nói: “Đúng, nói như vậy sẽ có sức thuyết phục hơn. ”

Trong cuộc đời, con người ta có thể học được rất nhiều câu răn dạy, những câu nói ấy xem ra có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng có nhiều câu phải giải thích cho trẻ từ hai góc độ, đặc biệt trong tình hình xã hội ngày nay có nhiều sự đổi thay khiến cho nhiều câu nói không còn phù hợp. Trên đường đời của trẻ, những câu nói ấy ít nhiều cũng có một chút ảnh hưởng. Sau này khi đã trưởng thành, trẻ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, bất luận vấn đề gì cũng đòi hỏi trẻ phải tư duy, dùng chính khả năng phán đoán của bản thân để phân biệt thực hư, đúng sai, tốt xấu của vấn đề, dù ai có nói gì đi chăng nữa, cuối cùng vẫn phải đưa ra phán đoán của riêng mình.

Khả năng tư duy cũng phản ánh năng lực phân tích đánh giá sự việc của một người, giúp cho chúng ta có khả năng nhìn thấu bản chất ẩn náu phía sau sự việc. Trong 12 bức thư mà chuyên gia đầu tư Rogers gửi cho hai con gái, có đoạn viết: “Mỗi người đều phải tư duy một cách độc lập, không thể dựa dẫm vào người khác. Đó là bài học mà cha rút ra từ kinh nghiệm của bản thân. Mặc dù là cha, nhưng ta không thể suy nghĩ hoặc đưa ra quyết định thay cho các con. Các con cần đặt ra mục tiêu cho riêng mình, tưởng tượng ra tương lai của bản thân, tìm được con đường mình cần bước theo. Tóm lại, thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các con. ”

Những bậc làm cha mẹ như chúng ta cần cho trẻ biết trên đường đời không chỉ có những thứ đẹp đẽ, mà còn nhiều thứ nhìn bên ngoài thì đẹp, nhưng thực tế là cạm bẫy chết người. Phải dạy cho con cách tư duy khi gặp vấn đề cần giải quyết và luôn luôn giữ chính kiến.

Đừng để khả năng tư duy của trẻ dừng lại trên một đường thẳng. Có những đứa trẻ không có khả năng phán đoán, đứng trước một sự việc chúng thậm chí còn lười suy nghĩ. Đây là câu chuyện có thật mà giáo viên chủ nhiệm lớp hai kể cho tôi nghe, cô ấy nhờ một học sinh đến phòng giáo viên tìm cô giáo A lấy phấn viết, một lúc sau học sinh này trở về tay không, cô chủ nhiệm hỏi em ấy: “Phòng giáo viên không có ai à?” Cậu bé trả lời: “Cô giáo A không có ở đó ạ. ” Giáo viên chủ nhiệm lại hỏi: “Trong phòng không còn thầy cô nào khác sao?” “Có một cô giáo đeo kính ngồi trong đó ạ. ” Cô chủ nhiệm nói với học sinh: “Vậy em đi tìm cô đeo kính, cô ấy sẽ đưa phấn cho em. ” Một lúc sau cậu học sinh này lại trở về tay không. Cô chủ nhiệm hỏi: “Sao vậy em, phòng giáo viên không có ai à?” Câu trả lời là: “Thưa cô, có ạ!” Cô chủ nhiệm hỏi tiếp: “Vậy tại sao em không mang phấn về?” “Thưa cô, vì cô giáo đeo kính không có ở đó nữa. ” Cô chủ nhiệm có vẻ tức giận, hỏi rằng: “Vậy ai ngồi trong văn phòng?” Câu trả lời sau đó của cậu học sinh khiến cô giáo chủ nhiệm suýt chút nữa tức chết: “Thưa cô, cô A ở đấy ạ, cô ấy đã quay lại. ” Từ đó trở đi, khi sai học sinh đi lấy phấn, cô chủ nhiệm không chỉ định rõ là đi tìm thầy cô nào, mà chỉ cần có giáo viên ở đó, thì gặp thầy cô nào cũng được. Câu chuyện này nghe có vẻ nực cười, nhưng trong cuộc sống luôn có những học sinh như thế, suy nghĩ đơn giản, không linh hoạt; đồng thời cũng cho thấy những đứa trẻ như vậy khiếm khuyết về khả năng giao tiếp. Ở đây lại đề cập đến một kỹ năng khác thuộc phạm trù của chỉ số FQ mà chúng ta cần bồi dưỡng cho trẻ - kỹ năng giao tiếp.

 

10.  Kỹ năng giao tiếp - Lấy đồ thông qua việc “trao đổi”

Cái gọi là kỹ năng giao tiếp chính là quá trình đón nhận và phản hồi tình cảm, suy nghĩ giữa người với người. Quá trình dạy trẻ cách làm giàu không thể tách rời kỹ năng giao tiếp, quan hệ giao tiếp được hình thành trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, qua đó mới có thể tìm được tiếng nói chung. Khi dạy con kỹ năng giao tiếp, phụ huynh cần trao đổi với con bằng những từ ngữ thông dụng, dễ hiểu. Ví dụ, chúng ta có thể để con kiếm chút tiền tiêu vặt bằng cách làm việc nhà, quá trình này đòi hỏi cha mẹ phải trao đổi với con, khi hai bên cùng chấp thuận việc này, đồng nghĩa với việc đã nhận thức được giá trị của sự việc. Trong cuộc sống, không phải đứa trẻ nào chỉ cần cho tiền là làm việc, có những đứa trẻ được nuông chiều từ nhỏ, đến lúc cha mẹ thương lượng với trẻ việc đổi lao động để lấy tiền, có thể trả bao nhiêu tiền chúng vẫn không muốn làm. Xem ra trong quá trình này, khả năng giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Mọi người đã biết quá trình ký hợp đồng thuê máy tính xách tay giữa tôi và con gái, đây là quá trình trao đổi đôi bên cùng có lợi. Con gái có nhu cầu mua máy tính, tôi cũng thế. Cách giải quyết của nhiều gia đình là mua máy tính cho con sử dụng, nhưng tôi lại thương lượng, trao đổi với con, để nó bỏ tiền đầu tư mua máy tính sau đó cho tôi thuê lại. Cuối cùng, hai bên vui vẻ đồng ý với phương án này, ngoài ra còn ký hợp đồng giao dịch. Trong hợp đồng, quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của hai bên, các bên không được phép vi phạm, làm như vậy đồng thời dạy con biết giữ chữ tín.

Hoạt động “đổi đồ” của Cách Cách.

Mấy hôm nay, tôi thấy Cách Cách bỏ vài món đồ vào cặp sách mang đến trường. Vợ chồng tôi hỏi con định làm gì, con bé nói với chúng tôi, những món đồ này không thích, không còn dùng đến nữa nên mang đến lớp đổi với bạn bè. Hóa ra Cách Cách đang chơi trò “đổi đồ”. Con bé nảy ra ý tưởng này sau khi xem một chương trình trên ti vi: Một người đã dùng kim băng đổi đi đổi lại, cuối cùng đổi được quyền sống một năm trong căn chung cư. Cách Cách nghĩ ra trò này, hơn nữa còn giúp các bạn đổi đồ cho nhau, trở thành nhân viên môi giới đổi đồ, một khi thương vụ đổi đồ diễn ra thành công, hai bên sẽ trả công con bé bằng thứ gì đó. Cừ thật, người hưởng lợi nhiều nhất trong việc này chính là con gái tôi. Người lớn như chúng ta còn khó nghĩ ra cách làm như vậy, hoặc có thể không muốn nghĩ. Con bé đã làm được điều này, dưới đây là thành tích đổi đồ trong một tuần của Cách Cách:

•    Đổi cục tẩy lấy quả cầu pha lê giả.

•    Đổi một bức tranh lớn lấy năm bức tranh nhỏ.

•    Đổi cục tẩy lấy hộp sắt nhỏ.

•    Đổi chuỗi hạt lấy vài thỏi nam châm.

Đối với trẻ con, trong quá trình trao đổi hàng hóa, chúng không quan tâm giá cả món đồ là bao nhiêu, đắt rẻ thế nào, vấn đề trẻ cân nhắc là bản thân có thích thứ đó hay không, đồ không dùng đến là đồ không có giá trị, nhưng có thể đổi nó lấy những thứ mà mình thích thì giá trị vô cùng. Trên thực tế, đây chính là hoạt động trao đổi thương mại cơ bản nhất của con người, tiêu chí hướng đến là đáp ứng nhu cầu tự thân của đôi bên. Thông qua hoạt động này, trẻ được rèn luyện khả năng nhận biết, giao tiếp và thưởng thức, đồng thời cũng hình thành thói quen không lãng phí. Nói rộng ra, chính là tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trẻ sớm muộn rồi cũng trưởng thành, cuộc sống đòi hỏi chúng tiếp xúc, làm quen với nhiều người, những mối quan hệ này đòi hỏi trẻ phải có khả năng giao tiếp tốt, khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp trẻ có thể giải quyết thuận lợi mọi vấn đề. Sau khi trưởng thành, trẻ phải tiếp xúc với mọi người xung quanh, khả năng giao tiếp tốt giúp trẻ không cảm thấy áp lực, đau khổ, thậm chí còn khiến trẻ cảm thấy tự tin hơn.

Có một ví dụ như sau, ông chủ công ty quảng cáo thuê một người họ hàng xa, người này vừa mới tốt nghiệp chưa được bao lâu, học chuyên ngành thiết kế quảng cáo. Ông chủ này không bao giờ nghĩ rằng, kỹ năng giao tiếp của người họ hàng xa này lại kém đến như vậy! Sai anh ta đến cửa hàng bán buôn quen thuộc lấy giấy mẫu, người họ hàng này lại cầm vài tờ giấy về, ông chủ hỏi anh ta: “Bảo cậu đi lấy sáu tờ giấy màu về đây, sao chỉ có bốn?” Trả lời: “Vì chỉ có bốn thôi. ” Ông chủ tiếp tục hỏi: “Không đi cửa hàng khác xem à?” Trả lời: “Không ạ!” Ông chủ hỏi: “Vậy mấy tờ giấy này hết bao nhiêu tiền?” Trả lời: “Không hỏi ạ. ” Ông chủ tức giận mắng anh ta một trận, sao có loại người đầu đất như thế? Nếu không nể tình chỗ họ hàng, ông chủ sẽ đuổi việc cậu ta ngay lúc đó. Một thanh niên học hành từng ấy năm, giao việc vẫn phải chỉ tận tay, có ông chủ nào muốn thuê nhân viên như vậy? Qua đây, có thể thấy kỹ năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng thế nào trong công việc.

Trên thực tế, kỹ năng giao tiếp cũng thể hiện khả năng đối nhân xử thế của một người, mối quan hệ giữa người với người là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại trong sự nghiệp, đồng thời là nguồn tài nguyên quan trọng của cuộc sống, quy luật vận hành thường thấy của nó là: quan hệ rộng – bạn bè nhiều – thông tin nhiều – cơ hội nhiều – của cải nhiều, từ đó hình thành “Hiệu ứng Matthew”, đôi khi quan hệ xã hội còn quan trọng hơn tri thức và tiền bạc. Nếu quan hệ xã hội tốt, bạn lúc nào cũng có thể nhận được sự che chở và ủng hộ của số đông, điều đó sẽ giúp ích nhiều cho thành công của bản thân.

 

Tổng kết chương 4

Cuộc đời là ngôi trường giáo dục kỹ năng làm giàu tốt nhất, hãy để cho trẻ trải nghiệm, cảm nhận và lĩnh hội từ cuộc sống thực tế. Trong cuộc sống, chúng ta không nên bắt ép con làm bất cứ việc gì, mà cần tích cực hướng dẫn và động viên con, giúp đỡ con những lúc cần thiết. Trong thế giới của trẻ, bạn nên gieo vào đó một hạt giống, chúng sẽ cho bạn thấy trăm hoa đua nở.

Giáo dục kỹ năng làm giàu là hình thức giáo dục không có thang điểm, không có giáo trình nhất định, mà cần hòa nhập vào thực tế, thông qua cuộc sống chúng ta cảm nhận, trải nghiệm và học tập những kiến thức đó một cách tự nhiên, đó chính là phương pháp giáo dục tình thân một cách vui vẻ và hiệu quả. Những trải nghiệm và kinh nghiệm trong quá trình trưởng thành của trẻ, bất luận lúc đó là đúng hay sai, đều là sự tích lũy và rèn luyện kỹ năng sống. Mười kỹ năng kể trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển, trưởng thành của trẻ. Phát triển toàn diện các kỹ năng này sẽ giúp trẻ xuất sắc hơn trong cuộc sống và sự nghiệp tương lai. Giá trị của 10 kỹ năng trên không thể đong đếm bằng tiền bạc, vì nó sẽ giúp con cái chúng ta sung túc cả đời.

Bình luận