Trang chủ

Làm giàu không đợi tuổi

Chương 2. Làm thế nào để trẻ hiểu được những kiến thức quản lý tài chính cơ bản

Đối với những kiến thức quản lý tài chính, nếu diễn giải một cách cứng nhắc, không chỉ khiến trẻ nhỏ cảm thấy khô khan, mà ngay cả người lớn chúng ta cũng có chung nhận định. Nhưng khi chúng ta lý giải nó thông qua việc lồng ghép những sự việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Đương nhiên, cho dù là như vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng lý giải một số khái niệm cơ bản về quản lý tài chính. Vì con cái của mình, mong các bậc phụ huynh khi đọc cuốn sách này hãy nhẫn nại một chút. Có lẽ các bạn sẽ phát hiện ra, những kiến thức này cũng giúp ích cho việc quản lý tài chính của bản thân.

1.   Giải mã “dòng tiền mặt” bí ẩn của tài sản

Trên thực tế, dòng tiền mặt là mức chênh lệch giữa lượng tiền mặt thu vào và xuất ra. Dòng tiền mặt không giống với tổng thu nhập, mà dùng để chỉ thu nhập thuần trong một khoảng thời gian nhất định. Tổng thu nhập chỉ số tiền kiếm được trong khoảng thời gian nhất định, tổng thu nhập trừ đi tổng chi được gọi là dòng tiền mặt.

Dòng tiền mặt giống như mức chênh lệch giữa lượng nước chảy vào và chảy ra trong một cái hồ. Nếu như lượng nước chảy vào lớn hơn lượng nước chảy ra, hồ nước đó sẽ không khô cạn; nếu lượng nước chảy ra lớn hơn lượng nước chảy vào, hồ nước sẽ cạn khô. Tất cả các hoạt động kinh tế đều có dòng tiền mặt riêng, lớn thì là một doanh nghiệp, nhỏ thì là một cá nhân. Dòng tiền mặt sẽ làm sáng tỏ bản chất “khỏe mạnh” hay “ốm yếu” của khối tài sản mà doanh nghiệp hay cá nhân đang sở hữu, dòng tiền mặt còn thể hiện chức năng “tái tạo máu” của doanh nghiệp và cá nhân. Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng “đứt dòng vốn”, trên thực tế chính là bị đứt đoạn dòng tiền mặt, thu không đủ bù chi trong một thời gian dài, cuối cùng chỉ còn nước phá sản. Thực ra, tình hình tài chính của một gia đình cũng giống như một doanh nghiệp. Mức độ nhiều hay ít của dòng tiền mặt sẽ quyết định khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta dùng hình ảnh dưới đây để lý giải về dòng tiền mặt.
 

Bức hình đầu tiên gọi là tiền mặt, bức hình thứ hai mới là dòng tiền mặt. Nguyên lý rất đơn giản, nếu lượng tiền mặt của bạn không có phần chảy vào của dòng tiền mặt, chỉ có phần chảy ra (tiêu dùng, chi phí sinh hoạt... ), như vậy chẳng sớm thì muộn lượng tiền mặt của bạn cũng cạn kiệt. Cũng giống như một người được thừa kế tài sản hoặc trúng xổ số, chỉ biết hưởng thụ, miệng ăn núi lở mà không biết cách xử lý khối tài sản này, đến một ngày khi tiêu hết tiền, họ sẽ chỉ còn hai bàn tay trắng. Trong một bộ phim truyền hình có lời thoại như sau: “Con cần nhớ kỹ, phải sống tiết kiệm, tiền của chúng ta có nhiều đến mấy, nếu không có các khoản thu nhập, sớm muộn rồi cũng có ngày tay trắng. ”

Phức tạp như vậy, rốt cuộc làm thế nào để trẻ hiểu được về “dòng tiền mặt” đây?

Có một lần Cách Cách hỏi tôi: “Bố ơi, làm thế nào để tích cóp tiền?” Lúc đó, tôi không biết nói thế nào để con bé hiểu. Nhìn thấy vòi nước trong nhà bếp, tôi chợt nghĩ ra một cách: Tôi cắt bỏ phần dưới của chai nước khoáng, sau đó đục một lỗ trên nắp chai, bảo Cách Cách cùng làm thí nghiệm.

Trước tiên, tôi tháo nắp chai nước khoáng ra, đặt ngược chai nước đã được cắt bỏ phần đế vào dưới vòi nước sạch, sau đó vặn nước, kết quả: nước chảy hết.

Sau đó, tôi vặn nắp chai vào, sau đó mở vòi nước, đầu tiên cho nước chảy thật nhỏ, không lâu sau chai đã đầy nước, tôi lại khóa van nước lại, một lúc sau chai lại cạn khô.

Tôi lại mở vòi nước thêm lần nữa, lần này nước chảy mạnh hơn, nước đầy ngay sau đó.

Đến lúc đó, tôi mới hỏi Cách Cách: “Con đã biết tiết kiệm tiền như thế nào rồi chứ?"

Con bé trả lời: “Con biết rồi ạ, chỉ cần để tiền chảy vào lớn hơn tiền chảy ra là sẽ tiết kiệm được. "

Vui thật! Một thử nghiệm đơn giản như vậy đã giúp Cách Cách bước đầu hiểu rõ nguyên lý tiết kiệm tiền. Bạn cũng có thể thử, vừa thú vị lại có thể dạy trẻ học được những kiến thức cơ bản.

Một thương vụ đầu tư thành công là một thương vụ thu vào nhiều hơn chi ra, cuối cùng là để lại cho bạn nhiều tiền hơn, đây là yêu cầu cao nhất của chúng ta đối với dòng tiền mặt. Mà mấu chốt thành công trong quản lý tài chính chính là làm thế nào để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa dòng tiền mặt và tiêu dùng, giữa tích lũy và tiêu dùng.
 
2. Để trẻ tự ghi chép lại các khoản thu chi tiền mặt của cá nhân

“Thu nhập chủ động” là một trong những cách thức cơ bản để dòng tiền mặt chảy vào, chúng ta có thể hiểu là nguồn thu nhập đến từ việc làm, từ lao động. Thu nhập từ lao động có thể tính theo thời gian – ngày, tháng, năm; cũng có thể tính theo khối lượng công việc đã hoàn thành. Phần lớn tài sản của con người đều có xuất phát điểm từ nguồn thu nhập chủ động, như vậy đồng nghĩa với việc nếu một ngày chúng ta dừng làm việc, dòng tiền mặt chảy vào sẽ bị ảnh hưởng.

Trong cuộc sống hằng ngày, do loại hình công việc khác nhau mà thu nhập chủ động của mỗi người cũng có sự khác biệt, có công việc với mức thu nhập hàng triệu tệ/năm, cũng có công việc thu nhập chưa đầy 10. 000 tệ/năm.

Từ năm lên bảy tuổi, Cách Cách luôn ghi chép lại tình hình thu chi tiền mặt của cá nhân, sơ kết hàng tháng, rồi làm tổng kết hàng năm. Tất nhiên, những biểu mẫu trên đều do tôi thiết kế, cô bé chỉ cần điền vào.

Tôi nói với Cách Cách, thu nhập mỗi tháng là tổng thu, còn chi tiêu hàng tháng là tổng chi, tổng thu trừ đi tổng chi sẽ ra thu nhập thuần của cô bé hàng tháng, cũng chính là dòng tiền mặt hàng tháng.

Chúng ta hãy xem thu nhập chủ động và thu nhập thuần hàng tháng của Cách Cách:

1. Hàng tháng tẩm quất cho bố mẹ, thu nhập cố định sáu mươi tệ. Hàng ngày, Cách Cách đấm bóp cho tôi và vợ mỗi người hai trăm sáu mươi cái (yêu cầu thông thường là hai trăm cái, Cách Cách khuyến mại sáu mươi cái). Về khoản thu nhập này, đầu tiên mỗi ngày cố định cho Cách Cách một tệ tiền tiêu vặt, sau đó tôi đưa ra phương án, đó là nếu Cách Cách hàng ngày tẩm quất cho bố mẹ, thì sẽ cho thêm cô bé hai tệ, cho con gái lựa chọn một trong hai phương án. Cuối cùng Cách Cách chọn phương án thứ hai, tức thông qua lao động để kiếm thu nhập cao hơn.

2. Xử lý phế liệu, tiền bán những món đồ phế liệu như giấy loại trong phòng làm việc của tôi; sách báo cũ, vỏ lon... đều thuộc về Cách Cách. Khoản thu nhập vào khoảng hai mươi tệ một tháng.

3.   Thu nhập không cố định hàng tháng vào khoảng 80 tệ, gồm một số khoản sau:
 
Bán thẻ tẩm quất – mỗi chiếc 5 tệ, mỗi thẻ có thể dùng năm lần, mỗi lần đấm bóp 130 cái.

Thu nhập từ việc bán bánh trứng nướng – mỗi chiếc 3 tệ.

Thu nhập từ trò chơi xổ số - đôi khi Cách Cách sẽ bày trò chơi xổ số, giải thưởng gồm có thẻ tẩm quất, bức hình do cô bé làm, tranh do chính tay cô bé vẽ và các sản phẩm thủ công.

4.   Thu nhập may mắn: Tiền lì xì của người nhà hàng năm và các phần thưởng học tập.

Nếu tính kỹ, thu nhập chủ động hàng năm của Cách Cách vào khoảng 5. 000 tệ. Thông qua phương pháp trên, tôi muốn Cách Cách hiểu rõ rằng lao động, sáng tạo, thiết kế, đầu tư và tình yêu thương đều có thể mang lại nguồn thu nhập. Mà hình thức thưởng bằng vật chất này khơi dậy rất tốt óc sáng tạo và trí tưởng tượng của Cách Cách. Ngoài sản phẩm túi đựng bút và miếng dán y tế kể trên, ở phần sau, các bạn sẽ được biết nhiều hơn về các sản phẩm của Cách Cách. Đừng bao giờ lơ là và xem nhẹ việc giáo dục con cái theo phương pháp này, sự thay đổi của các bé trong thời gian ngắn sau đó sẽ vượt xa trí tưởng tượng của bạn. Còn trong tương lai, chúng ta không thể hình dung ra được trẻ sẽ trở thành một người giàu sức sáng tạo đến mức nào.

Các khoản chi của Cách Cách: Mỗi ngày, Cách Cách mua vài vật dụng và đồ ăn, việc tiêu bao nhiêu tiền do cô bé tự quyết định, nhưng mua những món đồ trị giá từ 10 tệ trở lên phải được sự đồng ý của mẹ. Nếu mua những món đồ với giá trị cao hơn nữa, gia đình chúng tôi sẽ thảo luận kỹ xem có nên mua hay không, và mọi người có nên góp tiền cùng mua?

Sau này, tôi phát hiện ra, nếu đã nhắm một món đồ giá cao mà bản thân đặc biệt thích thú, Cách Cách sẽ tạm thời kìm hãm cảm xúc, đợi đến những dịp như Tết Dương lịch, Tết Thiếu nhi hoặc Tết Nguyên đán và hỏi chúng tôi sẽ tặng cô bé món quà gì trong những dịp ấy, đồng thời nói rất ngắn gọn súc tích: “Món đồ đó rất tuyệt, rất thiết thực bố mẹ ạ!” Tôi và vợ đều ngầm hiểu ý con gái, và sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của con gái – xét cho cùng Cách Cách vẫn là trẻ con, không nên bắt cô bé tự bỏ tiền ra để mua mọi thứ.
 
3. Cho con cái một cơ hội “đầu tư”

“Thu nhập bị động” chỉ nguồn thu bạn nhận được mà không phải thông qua sự lao động của bản thân. Nguồn thu nhập này có thể là lợi nhuận từ các hoạt động tích lũy, mua trái phiếu, bất động sản, phát minh sáng chế, nhuận bút, cổ tức từ các công ty đầu tư mà bạn tham gia. Những lợi nhuận này mang đến dòng tiền mặt ngay cả khi bạn đang ngủ và nghỉ ngơi. Nó là nguồn thu nhập quan trọng nhất để chúng ta có thể thực hiện được kế hoạch tự do tài chính.

Trên thực tế, rất nhiều người không có khoản thu nhập bị động này. Nó đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chỉ số FQ và năng lực đầu tư, quản lý tài chính. Dưới đây là hình ảnh minh họa dòng tiền mặt thu nhập bị động trong cuộc sống của chúng ta.

Thu nhập bị động của Cách Cách:

(1)    Thu nhập từ hoạt động đầu tư

Cách Cách đầu tư mua một chiếc máy tính xách tay và cho tôi thuê lại, mỗi năm thu lời 1. 400 tệ, đầu đuôi câu chuyện như sau:

Hôm đó, Cách Cách đang chơi game trên máy tính. Tôi hỏi con gái có muốn sở hữu một chiếc máy tính xách tay của riêng mình hay không, Cách Cách nghĩ rằng tôi sẽ mua cho nó, vui mừng đến mức hôn má bố chùn chụt mấy cái, còn không ngớt lời ca ngợi tôi: “Bố thật tuyệt vời, bố giỏi quá!” Nhưng khi tôi bảo con gái máy tính phải tự mua lấy, Cách Cách liền tiu ngỉu. Tôi nói: “Bố đặt ra một phương án, con xem thế nào? Nếu con thấy phù hợp thì hãy đưa ra quyết định. ” Cách Cách gật đầu nhưng vẫn còn chút hoài nghi và nói một cách miễn cưỡng: “Vậy bố nói đi. "

Tôi bảo cô bé mua một chiếc máy tính xách tay mini với giá khoảng 2. 800 tệ. Từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần cho tôi thuê máy tính xách tay để sử dụng (tôi kinh doanh cổ phiếu nên cần dùng máy tính xách tay), thời gian khác thì Cách Cách sử dụng. Quyền sở hữu chiếc máy tính xách tay thuộc về Cách Cách, tôi và con gái ký hợp đồng có thời hạn hai năm, tiền thuê mỗi năm 1. 400 tệ, sau khi ký hợp đồng, tôi phải trả ngay 1. 400 tệ, đổi lại, Cách Cách phải đảm bảo để tôi có thể sử dụng máy tính một cách bình thường.

Cách Cách cảm thấy phương án đó rất tuyệt, không giấu nổi sự sung sướng và chạy đi hỏi ý kiến của mẹ. Sau khi nghe Cách Cách nói, vợ tôi nói với con gái: “Ý kiến này rất hay, trên thực tế con chỉ cần 1. 400 tệ đã mua được máy tính xách tay rồi, ngày này sang năm khi bố nộp tiền thuê năm thứ hai thì con sẽ hòa vốn. Chỉ cần một năm đã đủ tiền mua một chiếc máy tính xách tay, nhưng tiền thuê máy đắt quá, mẹ nghĩ 1. 000 tệ một năm thì hợp lý hơn. "

Đến lúc đó, Cách Cách đã hoàn toàn tin tưởng rằng đây là một cơ hội đầu tư rất tốt, liền nói với mẹ rằng sẽ đồng ý làm như thế. Như vậy, tôi và Cách Cách đã ký “Hợp đồng thương mại” đầu tiên trong cuộc đời cô bé. Sau khi ký kết, để thử quyết tâm của Cách Cách, tôi nói: “Bây giờ, bố thấy hơi hối hận. Bố thấy hợp đồng này không ổn lắm, bố đồng ý bồi thường cho con  hai trăm tệ tiền vi phạm hợp đồng, được không?” Nhưng Cách Cách không đồng ý, cô bé nói với tôi với vẻ mặt nghiêm nghị pha chút bực tức: “Bố à, quyết định rồi sao có thể hối hận chứ? Hơn nữa, chúng ta đã ký hợp đồng, cứ làm theo hợp đồng thôi ạ!” Cách Cách sợ tôi đòi lại hợp đồng, còn vội vàng đem hợp đồng và sổ ghi nợ giấu kỹ đi. Hôm sau, cô bé rút 1. 400 tệ từ tiền tiết kiệm, tôi cũng bỏ ra 1. 400 tệ để mua về chiếc máy tính “làm ra của cải” của cô bé.

Hợp đồng cho thuê máy tính
 
Bên A (bên cho thuê): Nhậm Cách Cách Bên B (bên thuê): Nhậm Hiến Pháp
Về việc cho thuê và sử dụng máy tính, hai bên đã thương lượng, nhất trí và lập ra bản hợp đồng này.

I.     Bên A cho thuê một chiếc máy tính xách tay, thời hạn hai năm, tiền thuê máy hàng năm là 1. 400 tệ.

1.     Thời gian cho thuê máy tổng cộng là hai năm, từ 14/4/2009 đến hết 14/4/2011.

2.     Sau khi hết hạn cho thuê, hợp đồng này hết hiệu lực. Bên B nếu muốn tiếp tục thuê phải thông báo cho bên A trước một tháng, sau khi được sự đồng ý của bên A, hai bên sẽ ký hợp đồng cho thuê mới.

3.     Nếu bên B kết thúc hợp đồng trước thời hạn vì lý do đặc biệt, nên thông báo trước cho bên A, đồng thời chịu trách nhiệm giúp bên A tìm người thuê tiếp sau, qua thương lượng, bên A sẽ trả cho bên B số tiền thuê còn lại, hoặc người thuê tiếp sau trả cho bên B.

4.     Tiền thuê máy (mỗi năm một nghìn bốn trăm tệ) tổng cộng là hai nghìn tám trăm tệ, trả bằng tiền mặt từng năm một.

II.     Quyền lợi của bên A

Bên A có quyền sở hữu đối với máy tính.

III.     Quyền lợi của bên B

1.     Có quyền sử dụng máy tính từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều các ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

2.     Ngoài thời gian kể trên, quyền sử dụng máy tính thuộc về bên A.

3.     Nếu bên A đi công tác và muốn sử dụng chiếc máy tính này, nên đảm bảo quyền sử dụng của bên B bằng một chiếc máy tính khác.
 
IV.     Trách nhiệm vi phạm hợp đồng

Hợp đồng không cho phép hai bên có hành vi vi phạm.
 

Ký tên (bên A) Ký tên (bên B)
Nhậm Cách Cách Nhậm Hiến
Ngày 14/4/2009  Ngày 14/4/2009

  

(2)    Thu nhập tích trữ

Cách Cách gửi tiền cho mẹ với lãi suất 1%/tháng. Mỗi khi kiếm đủ một trăm tệ, cô bé sẽ gửi vào sổ tiết kiệm do mẹ giữ, ngoài ra tiền cho thuê máy tính và tiền mừng tuổi cũng được gửi vào sổ tiết kiệm để hưởng lãi suất.

Phân biệt thu nhập chủ động và thu nhập bị động:

Nếu coi thu nhập là “nước”, thì thu nhập chủ động là gánh nước về uống, còn thu nhập bị động là đào giếng để lấy nước uống. Để giải thích một cách hình tượng hơn, chúng ta có thể kể cho trẻ nghe “Câu chuyện ống nước” rất nổi tiếng sau đây, sau đó để cho trẻ phán đoán:

Ngày xửa ngày xưa, tại một ngôi làng nhỏ của nước Ý, có hai chàng trai tên là Pablo và Bruno, họ là anh em họ, đồng thời là bạn tốt của nhau. Hai người có hoài bão lớn và đều khát khao đến một ngày có thể thông qua cách nào đó để trở thành người giàu có nhất làng.

Một ngày nọ, cơ hội đã đến.

Làng quyết định thuê hai người lấy nước ở sông để đổ vào tất cả các chum ở sân làng. Việc này được giao cho Pablo và Bruno, hai người cầm hai thùng nước chạy ra bờ sông. Hết ngày thứ nhất, họ đổ đầy nước vào tất cả chum ở trong làng. Già làng trả công cho họ với giá một xu/chum nước.
 
Vào thời điểm đó, đây quả thực là một công việc hấp dẫn, hơn nữa thu nhập lại cao. Một hôm, Pablo tìm gặp Bruno và nói: “Tôi thấy công việc này rất tốt, nhưng anh đã tính đến chưa, khi chúng ta già rồi thì biết làm thế nào? Khi chúng ta mệt thì làm sao? Khi chúng ta không làm nổi thì sao? Tôi nghĩ chúng ta nên đào một đường ống để dẫn nước vào làng. ” Nghe dứt lời, Bruno nói: “Anh điên à, thu nhập của chúng ta hiện nay rất cao, tôi tính rồi, mỗi ngày chúng ta có thể xách một trăm thùng nước, mỗi thùng một xu, mỗi ngày thu được một đồng. ” (Thời điểm đó, một đồng là số tiền rất lớn) Tiếp đó, Bruno lại nói: “Chúng ta đang có thu nhập tốt như vậy, sao phải mạo hiểm? Đường ống đó biết đào thế nào? Đào được rồi thì sao? Không đào được thì sao? Tôi sẽ không mạo hiểm. ” Pablo đáp: “Vậy thì tôi sẽ làm. ”

Ngoài việc xách nước hàng ngày, Pablo tận dụng thời gian rảnh rỗi, cặm cụi đào đường ống của riêng mình. Sau rất nhiều năm, cuối cùng đường ống đã hoàn thành. Khi đó, Bruno đã già, lưng đã còng, việc xách nước bắt đầu khó khăn, trong khi nước sông chảy liên tục vào làng qua đường ống của Pablo.

Có nguồn nước sạch và rẻ hơn, không ai trong làng mua nước của Bruno nữa. Anh ta lại thành người nghèo khó. ”

Điều đáng suy ngẫm rút ra từ câu chuyện kể trên là: Mặc dù hiện nay,  chúng ta đã có một công việc tốt, cũng giống như Bruno, nhưng một khi chúng ta già thì làm thế nào? Ốm đau thì làm sao? Không làm nổi thì tính thế nào? Bất luận, công việc hiện tại tốt đến mức nào, chúng ta đều phải dự tính cho tương lai. Đó chính là lý do vì sao bạn nhất định phải có một nguồn “thu nhập bị động” của riêng mình, chỉ như vậy, khi phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hay bệnh tật, bạn mới có được một sự đảm bảo an toàn hơn.

Câu chuyện trên còn chưa kể hết, kết thúc của nó như sau:

Một hôm, Pablo gặp Bruno và nói: “Ông bạn già! Chúng ta có thể hợp tác lần nữa không?” Bruno nói: “Tôi già rồi, lại nghèo kiết xác, ông tìm tôi bàn chuyện hợp tác làm gì?” Pablo nói: “Ngày trước lúc còn chưa hiểu gì, tôi đã có thể đào đường ống dẫn nước, tại sao chúng ta không thể kết hợp lại, truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người khác, để họ đào đường ống dẫn nước vào làng họ, đợi đến khi họ đào xong đường ống, chúng ta sẽ kiếm được số tiền mà chúng ta đáng được hưởng. ”
 
Nói là làm, hai người tiếp tục hợp tác, họ đã dạy cho nhiều người biết cách đào đường ống, sau này, hai người họ trở nên giàu có nhất nước Ý, có nguồn thu nhập bị động lâu dài, đấy cũng chính là “của cải từ đường ống dẫn nước” của họ.

Tôi thường chia sẻ câu chuyện này với các học viên, phụ huynh và độc giả. Mỗi khi đọc câu chuyện này, tôi liền nghĩ đến giếng nước ở làng thời nhỏ. Khi nước sạch chưa về đến nông thôn, hầu như hộ nào cũng phải đào một cái giếng trong nhà hoặc ngoài vườn để lấy nước sinh hoạt. Nhưng việc đào giếng ban đầu đòi hỏi sự đầu tư lớn, mời họ hàng, bạn bè đến, chuẩn bị cơm rượu, đào giếng bằng phương pháp thủ công, có khi phải đào xuống rất sâu, đào mất mấy ngày. Nhưng giếng nước này có thể dùng mãi, còn những nhà không có giếng thì ngày nào cũng phải vất vả đi gánh nước về uống. Cái giếng này chẳng phải cũng giống cái đường ống dẫn nước quyết định đến sinh mệnh của cả gia đình đó sao?

Thông qua câu chuyện đào giếng, chúng ta đã hiểu rõ sự khác nhau giữa thu nhập chủ động và thu nhập bị động. Vậy, đối chiếu với bản thân, ngoài thu nhập chủ động, bạn có nguồn thu nhập bị động nào hay không? Thu nhập chủ động của bạn có được đảm bảo không? Bạn có “giếng nước” của mình không? Có phải nhu cầu cuộc sống buộc bạn phải lao động, nhưng một khi ngừng lao động thì bạn sẽ mất luôn nguồn thu nhập hay không? Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.

Thu nhập bị động còn quyết định đến sự tự do tài chính của mỗi con người. Tự do tài chính là gì? Đó chính là dòng tiền mặt từ thu nhập bị động của bạn luôn lớn hơn các khoản chi, một khi không còn phải dựa vào lao động chủ động để kiếm tiền mà vẫn đạt được sự độc lập về kinh tế và thời gian, thì như vậy bạn đã có được sự tự do tài chính. Những người này đa phần dựa vào đồng vốn để kiếm thu nhập, bắt đồng vốn phải làm việc để phục vụ họ, đây là mức độ lý tưởng mà những người theo đuổi sự giàu có mong muốn đạt đến. Tại sao phải giáo dục chỉ số FQ cho trẻ từ nhỏ, chẳng phải là vì chúng ta mong muốn mang đến một cuộc sống tự do, giàu có hơn cho con cái trong tương lai hay sao?

4. Cho trẻ một cơ hội “vay nợ”
 
Nếu dùng dòng tiền mặt để giải thích về vốn, thì vật có thể đưa dòng tiền mặt chảy vào hoặc không để cho dòng tiền mặt chảy ra được gọi là vốn. Cần phân biệt vốn với tài sản, chúng ta thường gọi tất cả những vật mà mình có là tài sản, trên thực tế có một số đồ sẽ bị mất giá, thậm chí là nợ xấu. Còn vốn là phần có thể gia tăng giá trị hoặc tạo ra dòng tiền mặt trong tài sản, là tinh hoa của tài sản. Nó có thể là một vật, cũng có thể là quyền sở hữu trí tuệ, sự nổi tiếng, bản quyền hình ảnh...

Trong khái niệm về chỉ số FQ, “vay nợ” được hiểu là một từ mang sắc thái trung tính, đó không phải là điều xấu, trong nhiều trường hợp nó mang hàm nghĩa tốt.

Cần dựa vào dòng tiền mặt để phán đoán mức độ tốt xấu của việc vay nợ. Khi việc vay nợ sinh ra dòng tiền mặt chảy vào và là công cụ hữu hiệu để làm giàu, thì đó là nợ tốt; còn khi vay nợ khiến dòng tiền mặt chảy ra, thì đó là nợ xấu.

Đa số người bình thường đều coi việc vay nợ là xấu, thực ra những người có chỉ số FQ cao đều thích vay nợ, nợ tốt hay nợ xấu hoàn toàn quyết định bởi chỉ số FQ của bạn.

(1)    Vay nợ + chỉ số FQ = của cải

Rất nhiều người không muốn vay nợ, thậm chí vô cùng dị ứng với nó, nhưng trên thực tế những doanh nhân thành đạt đều thích đi vay, họ là những cao thủ vay nợ, dám vay nhiều hơn, dùng tiền của người khác để làm ra của cải cho bản thân; nguồn cho họ vay chính là tiền tích lũy của những người xung quanh. Họ trả hết cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng mà vẫn có thể kiếm được nhiều tiền cho mình.

Người ta phát hiện ra, cách nhìn nhận tiền bạc tiền bạc giữa người giàu và người nghèo là hoàn toàn khác nhau. Người nghèo là những người “giàu” nhất, họ gửi hết tiền vào sổ tiết kiệm trong ngân hàng, sau đó cho người giàu vay để sử dụng. Hệ thống ngân hàng cũng hy vọng cho vay nhiều nợ tốt để hưởng thu nhập từ lãi suất cho vay. Người giàu lại “nghèo” nhất, họ dùng tiền của người nghèo để kinh doanh; tiền của người giàu không bao giờ nằm chết gí trong ngân hàng. Tiền của người giàu xuất hiện dưới hình thức vốn, bất luận là vốn hữu hình (ví dụ như nhà xưởng, đất đai, thiết bị và các sản phẩm... ) hay vốn vô hình (như thương hiệu, tín dụng... ). Có số vốn này, họ như có trong tay con gà đẻ trứng vàng, như có một thỏi nam châm mạnh: tiền của người nghèo và bản thân người nghèo cũng ngả hết về phía người giàu, qua đó đẻ thêm nhiều “trứng vàng” và làm ra nhiều của cải vật chất hơn cho người giàu.

Cao thủ về chỉ số FQ là những người có khả năng vận dụng nợ tốt, dùng tiền của người khác để kiếm tiền, đó cũng là một cảnh giới cao trong lĩnh vực kiếm tiền. Có người vay nợ để kinh doanh, đầu tư thu về lợi nhuận, đó là nợ tốt; cũng có người vay nợ để kinh doanh mạo hiểm, đầu cơ nhưng bị thua lỗ, đó là nợ xấu.

(2)    Quan hệ giữa vốn và vay nợ

Trong nhiều trường hợp, vốn và nợ tốt sẽ mang lại thu nhập từ dòng tiền mặt dương, còn nợ xấu sẽ gây thất thoát và thu về dòng tiền mặt âm, giống như minh họa dưới đây:
 

Bằng cách dùng lượng tiền mặt chảy ra để đánh giá tính chất tốt xấu của vốn, chúng ta hoàn toàn có thể phân biệt rõ ràng đâu là vốn mang lại dòng tiền mặt, đâu là nợ tốt, đâu là nợ xấu. Nếu như cái mà bạn gọi là vốn đem đến dòng tiền mặt âm, như vậy, chính xác hơn phải gọi số vốn đó là nợ xấu. Còn cái mà bạn gọi là tiền vay nợ, thông qua vận dụng linh hoạt mang lại dòng tiền mặt dương, khi đó nó sẽ được gọi là nợ tốt.

Đến đây, chắc hẳn nhiều bạn đọc sẽ đặt câu hỏi, khái niệm vay nợ mà chúng ta bàn ở trên liên quan gì tới việc giáo dục chỉ số FQ cho trẻ? Trong khuôn khổ cuốn sách này, đương nhiên chúng ta không yêu cầu trẻ phải hiểu sâu về những lý thuyết trên, nhưng việc để trẻ nắm được một số kiến thức về lĩnh vực này có thể giúp chúng nâng cao nhận thức về giá trị nội tại của đồ vật, qua đó góp phần giáo dục chỉ số FQ cho trẻ.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong vòng chưa đầy một năm đã biến tài sản của 12 triệu gia đình nước Mỹ thành một món nợ khổng lồ. Một năm trước đó, các hộ gia đình trên vẫn thuộc tầng lớp trung lưu của nước Mỹ, một năm sau đã lâm vào tình cảnh vỡ nợ. Nếu nghiên cứu kỹ, ta thấy nguyên nhân là do “vốn” của các gia đình trên đại đa số là tài sản bong bóng, một khi bong bóng vỡ sẽ gây thảm họa tài chính cho các gia đình đó.
 
Điều này đủ để chứng minh tầm quan trọng của việc đánh giá chính xác bản chất tài sản của chúng ta.

Sau đây, chúng ta sẽ quay lại chủ đề chính của cuốn sách. Vốn của Cách Cách:
1.     Máy tính xách tay mà Cách Cách cho tôi thuê: đầu tư 2. 800 tệ, mỗi năm thu về 1. 400 tệ tiền thuê. Ngày 14/4/2010, tôi trả tiền thuê máy năm 2010 cho Cách Cách (Trước đó, Cách Cách đã thông báo với tôi rằng phải chuẩn bị tiền thuê máy tính, buồn cười thật, giống như kiểu đi thuê vợ vậy!).

2.     Tiền tiết kiệm của Cách Cách: Mỗi tháng hưởng 1% lãi suất tiền gửi, thu nhập như vậy là rất cao, thực ra chúng tôi cố tình làm như vậy, mục đích để cho Cách Cách cảm nhận được thu nhập từ việc đầu tư, biết cảm giác tiền sinh ra tiền. Để Cách Cách hiểu rõ hơn về việc gửi tiết kiệm, mỗi lần tôi và vợ đi ngân hàng, có cơ hội là sẽ đưa Cách Cách theo. Đứng trước những số liệu về thời gian gửi tiết kiệm khác nhau hiện trên màn hình lớn, vợ chồng tôi chỉ cho Cách Cách về niên hạn hưởng lãi suất tiết kiệm và sự khác nhau giữa các loại hình tiền gửi. Cách Cách đã biết thế nào là tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn; riêng tiền gửi có kỳ hạn do niên hạn khác khau mà lãi suất cũng có sự khác biệt.

3.     Thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ của Cách Cách: Tôi và Cách Cách cùng phát triển trò chơi Bé giỏi kiếm tiền làm giàu, tôi hứa sẽ chia cho cô bé (mặc dù người đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là tôi, nhưng việc này cũng có công của mẹ Cách Cách). Mỗi khi tiêu thụ được một sản phẩm, tôi sẽ trích ra một tệ cho Cách Cách coi như tiền tác quyền, số tiền này sẽ được chu cấp cho đến khi cô bé thi đỗ đại học, dùng để chi tiêu cho việc học đại học, tìm việc và kinh doanh của cô bé.

Vay nợ của Cách Cách:

Cách Cách cần mua một chiếc máy chấm đọc, nhưng không muốn bỏ tiền túi ra mua. Chiếc máy chấm đọc này có giá 800 tệ (giá thị trường là 1. 400 tệ, Cách Cách và mẹ săn được giá khuyến mại trên mạng, làm như vậy để Cách Cách học được cách mua hàng tốt nhất), tôi và vợ tài trợ 500 tệ, 300  tệ còn lại chúng tôi cho vay, mỗi tháng Cách Cách phải trả 30 tệ, trả hết trong vòng một năm, như vậy cả gốc lẫn lãi một năm là 360 tệ, trong đó 60 tệ là tiền lãi, mặc dù lãi suất hơi cao, nhưng chúng tôi cố ý làm vậy để cô bé có cảm giác vay nợ. Chúng tôi dùng tiền của Cách Cách thì phải trả tiền lãi cho cô bé; tương tự, Cách Cách dùng tiền của bố mẹ cũng phải trả tiền lãi.

5. Để trẻ học cách nâng cao tỷ lệ thu nhập đầu tư

Tỷ lệ thu nhập từ đầu tư còn gọi là tỷ lệ lợi nhuận đầu tư, chỉ tỷ lệ lợi nhuận trong năm (sau thuế) trong tổng số vốn mà bạn đã đầu tư.

Công thức tính tỷ lệ thu nhập đầu tư:

Tỷ lệ thu nhập đầu tư trong năm = thu nhập đầu tư trong năm: tổng vốn đầu tư x 100%.

Nếu tổng số tiền đầu tư trong năm vào một sản phẩm của chúng ta là 10. 000 tệ, thu nhập đầu tư là 5. 000 tệ, như vậy tỷ lệ thu nhập đầu tư là 50%; nếu thu nhập đầu tư là 2. 000 tệ, vậy tỷ lệ thu nhập đầu tư là 20%. Tỷ lệ thu nhập đầu tư càng cao chứng minh thương vụ đầu tư đó có giá trị. Nếu đánh giá thu nhập đầu tư theo thời gian, chúng ta còn có thể căn cứ vào tỷ lệ thu nhập đầu tư hàng tháng, hàng quý, nửa năm để tính tỷ lệ thu nhập đầu tư của một sản phẩm, cuối cùng sẽ tổng hợp và cấu thành tỷ lệ thu nhập đầu tư hàng năm.

Lãi suất cao mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể tính bằng tỷ lệ thu nhập đầu tư hàng ngày. Dù tính tỷ lệ thu nhập đầu tư theo loại hình thời gian nào, thì tỷ lệ thu nhập cao, chứng minh giá trị đầu tư cao; tỷ lệ thu nhập đầu tư cao, chứng minh khả năng thu về dòng tiền mặt cao và ngược lại.

Tỷ lệ thu nhập đầu tư của Cách Cách chính là tỷ lệ thu nhập đầu tư có được từ số vốn kể trên. Tỷ lệ thu nhập đầu tư hàng năm từ việc cho thuê máy tính xách tay = 1. 400 tệ (tiền thuê máy hàng năm): 2. 800 tệ (tổng số vốn đầu tư) x 100% = 50%; tỷ lệ thu nhập đầu tư hàng năm từ việc gửi tiết kiệm: Lãi suất 1%/tháng x 12 tháng = 12%.

Tôi không giảng giải cặn kẽ cho Cách Cách về tỷ lệ thu nhập đầu tư, nhưng đến nay cô bé đã biết đầu tư vào cái gì là hợp lý. Giống như lúc chơi trò Bé giỏi kiếm tiền làm giàu, cô bé luôn chọn những hạng mục đầu tư đem lại lợi nhuận cao, cô bé còn biết dùng những ngôn ngữ tài chính như “có hợp lý hay không”, “đầu tư vào cái gì kiếm được tiền”, “đầu tư vào đâu thì kiếm được nhiều tiền hơn” để phán đoán tỷ lệ thu nhập đầu tư khi gặp được “thẻ tạo thu nhập” trong trò chơi. Đây chẳng phải kết quả giáo dục chỉ số FQ mà chúng ta mong muốn hay sao?

Trong đầu tư thực tế, tỷ lệ thu nhập đầu tư thường tỷ lệ thuận với mức độ mạo hiểm. Thu nhập cao, mạo hiểm lớn; thu nhập thấp, mạo hiểm nhỏ. Dưới đây là hình ảnh so sánh mức độ thu nhập và mạo hiểm của sản phẩm đầu tư mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống.

Khi đứng trước thời điểm quyết định phải lựa chọn giữa mạo hiểm và cơ hội, chúng ta luôn có thói quen né tránh sự mạo hiểm và không dám dũng cảm tiến lên. “Học thuyết viễn cảnh” của Daniel Kahneman - chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 2002 đã giải thích yếu tố tâm lý này dẫn đến nhân tố kinh tế - mọi người đều sợ mạo hiểm, nhưng mọi người cũng đều là nhà đầu tư mạo hiểm.

Hai trắc nghiệm tâm lý dưới đây sẽ chứng minh cho vấn đề trên:

1.     Khả năng A chắc chắn thu về 1. 000 tệ, khả năng B có 50% thu về 2. 000 tệ, còn lại 50% là không thu được gì. Bạn sẽ lựa chọn khả năng nào? Đa số sẽ lựa chọn A, điều đó chứng minh nhiều người có tâm lý tránh né sự mạo hiểm.

2.     Khả năng A chắc chắn sẽ thất thu 1. 000 tệ, khả năng B có 50% thất thu, 50% không mất gì. Đa số sẽ lựa chọn B, chứng minh con người ai cũng có tâm lý thích mạo hiểm. Trên thực tế, nếu phân tích từ góc độ xác suất, bạn sẽ phát hiện hai đáp án này hoàn toàn giống nhau. Từ đó không khó để đưa ra kết luận, khi đứng trước cơ hội “kiếm tiền”, mọi người đều rất cẩn trọng và không dám mạo hiểm; còn khi đứng trước khả năng “mất mát”, mọi người đều tự nguyện trở thành những nhà đầu tư mạo hiểm và có xu hướng thích mạo hiểm.

Trong đầu tư, ai cũng hy vọng thu về lợi nhuận lớn nhất với xác suất mạo hiểm nhỏ nhất. Trên thực tế, không có thương vụ đầu tư nào là không mạo hiểm; bất cứ một hành vi đầu tư nào cũng đều có người kiếm được tiền, nếu không sẽ không có ai tham gia cả. Đầu tư mạo hiểm không phải không có khả năng chiến thắng, muốn chiến thắng mạo hiểm cần phải xem bạn có đủ các nguồn tài nguyên tổng hợp và các kỹ năng khi tiến hành đầu tư hay không; đầu tư mạo hiểm tỷ lệ nghịch với “tài nguyên và kỹ năng” của bạn và tỷ lệ thuận với lợi nhuận đầu tư. Tài nguyên và kỹ năng càng mạnh, mạo hiểm càng thấp, lợi nhuận càng cao; ngược lại, tài nguyên và kỹ năng càng thấp, mạo hiểm càng cao, lợi nhuận càng thấp. Do vậy, trước khi đầu tư một cách nghiêm túc, các công tác chuẩn bị của bạn có tốt hay không mới là nhân tố then chốt quyết định bạn có thể bắt đầu đầu tư hay không.

Trong cuộc sống, luôn có một số người chẳng những không có chỉ số thông minh làm giàu mà còn vô cùng đần độn, bọn họ coi thường mạo hiểm, dẫn đến kết cục vô cùng thê thảm, thậm chí trắng tay. Ví dụ, một độc giả của cuốn Nâng cao chỉ số FQ để kiếm được nhiều tiền đã viết thư cho tôi, kể về một vụ việc, em họ của anh ấy thua bạc hơn 500. 000 tệ, chủ nợ tìm đến nhà, cậu anh ấy năm lần dùng tổng cộng hơn 300. 000 tệ để trả nợ thay con trai, nhưng em họ anh ấy vẫn không biết hối cải, cũng không biết ơn. Cậu và mợ anh ấy rất buồn, họ hàng thân thích thì tránh né người em họ kia.

Thí dụ phản diện này có thể chứng minh tầm quan trọng của việc tiến hành giáo dục chỉ số thông minh làm giàu cho con cái.

6. Để trẻ hiểu một chút về phương pháp tiền sinh ra tiền cơ bản
 
Gửi tiết kiệm là hình thức quản lý tài chính được con người tham gia sớm nhất, nhiều nhất và được công nhận rộng rãi nhất, hình thức này cũng phù hợp với nhiều người nhất. Nhưng theo quan điểm của tôi, tỷ lệ thu nhập từ việc gửi tiết kiệm hiện nay chẳng qua chỉ như một hình thức gửi tiền, tỷ lệ lạm phát cao hơn tỷ lệ thu nhập từ gửi tiết kiệm, chúng ta không thấy được tỷ lệ thu nhập dương. Lấy ví dụ, giả sử lãi suất tiền gửi hàng năm của một trăm tệ là 2,5%, trong khi tỷ lệ lạm phát là 5%. Như vậy có nghĩa là, một vật giá 100 tệ năm ngoái thì năm nay có giá 105 tệ, nhưng 100 tệ bạn gửi trong ngân hàng, một năm sau chỉ trị giá 102,5 tệ, số vốn của bạn coi như bị mất giá.

Vào thời điểm thích hợp, để trẻ hiểu về những kiến thức liên quan tới tiền gửi tiết kiệm là việc vô cùng cần thiết. Nhiều thanh niên đã đi làm hiện nay trở thành “giai cấp vô sản”, không chỉ tiêu hết tiền lương hàng tháng, thậm chí còn tiêu tiền của bố mẹ, chứ không nói đến tỷ lệ thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Con cái chúng ta hiện còn nhỏ, nếu không tìm thời điểm thích hợp để giáo dục những kiến thức trên cho trẻ, nhà trường cũng không dạy chúng, lẽ nào sau này lại trách chúng là “vô dụng”, “ăn bám bố mẹ” hay sao? Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, tôi đã đưa Cách Cách đến ngân hàng, xem bảng số liệu điện tử để cô bé hiểu rõ về tỷ lệ lãi suất tiền gửi đối với từng thời hạn khác nhau; giải thích đơn giản cho Cách Cách về chênh lệch lợi nhuận và sự khác nhau giữa sản phẩm quản lý tài chính và sản phẩm tiền gửi tiết kiệm.

Về kỹ năng gửi tiết kiệm, các bạn có thể tham khảo ba phương pháp sau: phương pháp phiếu gửi tiền, phương pháp bậc thang và phương pháp phân tán. Vận dụng khéo léo các kỹ năng gửi tiền sẽ giúp bạn nâng cao năng lực và lợi nhuận từ việc gửi tiết kiệm, từ từ truyền đạt những kiến thức trên cho con cái. Nếu trong khoảng thời gian nhất định, bạn không có hướng sử dụng tiền nào khác, không nắm rõ các sản phẩm đầu tư khác, tôi kiến nghị mọi người hãy tham gia vào các sản phẩm quản lý tài chính cao cấp có thời hạn cố định tại ngân hàng, đặc điểm của nó là an toàn, tỷ lệ lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, nhưng sẽ bị hạn chế về thời gian và phải đáp ứng yêu cầu về lượng tiền gửi.

Ngược lại với gửi tiết kiệm chính là tín dụng mà chúng ta đã nói ở trên, người có chỉ số FQ cao và người có chỉ số FQ thấp có thái độ hoàn toàn trái ngược đối với việc gửi tiết kiệm và tín dụng. Người có chỉ số FQ thấp sẽ gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất tiền gửi thấp, vấn đề mà họ quan tâm là biên độ lãi suất của ngân hàng; trong khi người có chỉ số FQ cao lại tìm mọi cách để vay tiền từ ngân hàng, họ dùng số tiền đã vay để đầu tư vào những việc đem lại lợi nhuận cao, vấn đề mà họ quan tâm là sự chênh lệch giá thành giữa tỷ lệ thu nhập đầu tư và lãi suất cho vay của ngân hàng. Các ngân hàng thông qua dịch vụ trung gian, dùng tiền của người khác để thu về chênh lệch lãi suất.

Trong cách nhìn nhận về tiền gửi tiết kiệm, vấn đề mà người có chỉ số FQ cao quan tâm là tích lũy chi phí tiêu dùng cơ bản hàng ngày, họ thường lựa chọn những sản phẩm quản lý tài chính đem lại lợi nhuận cao hoặc tham gia vào các sản phẩm đầu tư mạo hiểm lớn, lợi nhuận cao; người có chỉ số FQ thấp khi gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí còn không nghĩ đến việc thay đổi hình thức và phương pháp gửi tiết kiệm để nâng cao tỷ lệ lợi nhuận.

Trong cách nhìn nhận về tín dụng, người có chỉ số FQ thấp hầu như chưa từng vay tiền để đầu tư, nhưng trong tiêu dùng, họ lại đồng ý bỏ tiền ra để mua nhà, mua xe, dưới con mắt của họ đây là hình thức mua và tạo vốn; người có chỉ số FQ cao dùng khoản tín dụng đã vay để đầu tư và kiếm ra nhiều tiền hơn, sau đó dùng số tiền kiếm được để mua nhà, mua xe. Người thứ nhất dùng sự nỗ lực lao động để trả nợ, còn người thứ hai vay nợ để đầu tư, kiếm tiền.

Người có chỉ số FQ cao và người có FQ thấp có cách nhìn khác nhau về việc gửi tiền tiết kiệm và tín dụng, do đó kết quả đạt được cũng hoàn toàn khác nhau.

7.  Nói cho trẻ biết 1 tệ thực ra có thể quay vòng thành 12 tệ

Có một vấn đề mà dường như mỗi doanh nhân luôn canh cánh trong lòng, đó là làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn người khác trong lĩnh vực mà mình đang kinh doanh?

Có lẽ đáp án chính xác của câu hỏi này là: “Những thương vụ quay vòng vốn nhanh thì sẽ đem lại lợi nhuận lớn. ”
 
Trước đây, biện pháp kiếm tiền hiệu quả nhất là bán giá cao - nâng cao tỷ lệ lợi nhuận. Ngày nay, biện pháp kiếm tiền thường gặp nhất là bán giá rẻ - nâng cao hiệu suất quay vòng vốn. Trước đây, lợi nhuận cao nhưng cuối cùng tiền kiếm được ít, vì bán được ít; ngày nay, lợi nhuận thấp nhưng cuối cùng tiền kiếm được nhiều, vì bán được nhiều.

“Quay vòng vốn = kiếm được tiền”, đây là đặc trưng kinh doanh quan trọng nhất trong thời đại chúng ta.

“Kiếm được tiền = quay vòng vốn”, đây là bí quyết để kiếm được tiền một cách nhanh nhất trong thời đại ngày nay.

Nói một cách đơn giản: 10. 000 tệ tiền vốn một năm quay vòng 50 lần, vậy trong một năm bạn đã có doanh thu 500. 000 tệ. Nếu như tỷ lệ lợi nhuận đầu tư vốn mỗi lần là 10% (phần lãi nói chung, mới trừ giá thành chưa trừ các phí tổn khác) thì sau một năm bạn sẽ kiếm được 50. 000 tệ, so với 10. 000 tệ tiền vốn ban đầu, tỷ lệ lợi nhuận đầu tư hàng năm lên đến 500%.

Trong vấn đề quay vòng vốn, có người biết sử dụng kỹ năng này một cách thuần thục, 10 tệ trong tay họ giống như 20. 000 hoặc 30. 000 tệ trong tay người khác. Có ông chủ đã cười khi kể về chuyện 100 triệu của mình bằng 200 triệu của người khác. Tại sao vậy? Vì chu kỳ quay vòng vốn của ông ấy ngắn, sản phẩm của người khác nửa năm mới bán được, trong khi sản phẩm của ông tiêu thụ hết trong một quý. Có nghĩa là, số vốn của ông ấy một quý quay vòng một lần, số vốn của người khác nửa năm mới quay vòng một lần, đó chính là lợi thế của ông ấy. Tiền quay vòng càng nhanh, sinh ra tiền càng nhanh, tiền kiếm được càng nhiều.

Một lần, Cách Cách hỏi tôi: “Bố ơi, tại sao tiền tiết kiệm con gửi cho mẹ có lãi suất cao hơn khi gửi ngân hàng?” Tôi nói với con gái: “Tiền tiết kiệm con gửi cho mẹ, mẹ con mỗi tháng quay vòng một lần, có nghĩa mẹ dùng số tiền của con để kiếm tiền một lần trong tháng, giống như con cho mẹ vay tiền 12 lần một năm, do đó mẹ trả cho con lãi suất cao. ” Cách Cách vui vẻ nói: “Nếu mỗi tuần mẹ quay vòng vốn của con một lần thì tốt biết mấy bố nhỉ?”

Có lẽ một số người sẽ phân vân, rằng dạy trẻ như vậy liệu có khiến chúng trở nên tham lam, thấy tiền là sáng mắt lên, cả ngày chỉ nghĩ tới việc làm thế nào kiếm được nhiều tiền? Không nên nhận thức cứng nhắc như vậy, trên thực tế, giáo dục là một công trình tổng hợp, không thể nói giản đơn rằng dạy trẻ kiến thức về quay vòng vốn sẽ biến chúng thành những kẻ hám tiền.

8.  Định mức đầu tư và bảo hiểm vốn cho trẻ, không thể thiếu một trong hai

“Tích lũy tài sản giống như lăn bóng tuyết”, đây là quan niệm đầu tư nổi tiếng của Buffet. Còn điều quan trọng nhất trong lăn bóng tuyết chính là phát hiện ra tuyết ẩm và sườn dốc dài. Đối với trẻ, định mức đầu tư vốn có lẽ là “tuyết ẩm và sườn dốc dài” phù hợp nhất.

(1)    Định mức đầu tư vốn

Định mức đầu tư vốn có thể bồi dưỡng cho trẻ quan niệm quản lý tài chính liên quan tới việc giữ và tăng giá tài sản. Đối với trẻ, ưu thế của định kỳ và định mức hạn ngạch nằm ở chỗ: bất luận xu thế đầu tư lên hoặc xuống, hoặc xuất hiện biến động với tần suất liên tục, chỉ cần giữ vốn lâu dài và lựa chọn chính xác những sản phẩm vốn, việc định mức đầu tư vốn sẽ thể hiện những ưu thế đầu tư độc đáo. Hơn nữa, ngưỡng định mức đầu tư vốn tương đối thấp, chỉ cần tối thiểu một trăm tệ.

Nếu lấy 100 tệ là số vốn gốc ban đầu, định mức đầu tư hàng tháng là 100 tệ, trẻ bắt đầu đầu tư từ khi lên 5 tuổi, thời hạn đầu tư là 20 năm, tính theo tỷ lệ lợi nhuận đầu tư 10%/năm; tổng số vốn đầu tư trong 20 năm là 24. 100 tệ. Sau 20 năm, tổng cộng thu về 76. 670 tệ cả gốc lẫn lãi. Năm 25 tuổi, cũng là khi tốt nghiệp đại học và bước chân vào xã hội, đây là khoản ngân sách tốt nhất phục vụ cuộc sống và công việc của con.

Các bậc phụ huynh có thể căn cứ vào điều kiện gia đình mình để lựa chọn cho con cái những sản phẩm định mức đầu tư ngân sách như trên, định mức đầu tư hàng tháng có thể nhiều ít khác nhau. Thậm chí có thể hướng dẫn trẻ biến tiền mừng tuổi thành sổ tiết kiệm, sau đó, mỗi tháng rút ra một phần trong đó để tiến hành định mức đầu tư vốn. Hoặc cho trẻ lao động tạo thu nhập trong phạm vi gia đình, hoặc cho trẻ đầu tư kiếm lợi nhuận, mỗi tháng rút ra một khoản coi như định mức đầu tư vốn. Kết quả cuối cùng là thu về lợi nhuận lâu dài như kiểu tích tiểu thành đại, gà đẻ trứng, trứng nở ra gà con. Trong quá trình bạn và trẻ tính toán lợi nhuận đầu tư, trẻ sẽ học được nhiều hơn những kiến thức về đầu tư và quản lý tài chính, tất cả những điều kể trên đều do sự chú ý và tham gia của trẻ, hơn nữa còn bồi dưỡng ý thức và cảm hứng đầu tư cho trẻ. Định mức đầu tư vốn là một việc đáng làm, mang lại nhiều hiệu quả và cần thiết phải tiến hành.

(2)    Không thể thiếu việc lập quỹ bảo hiểm cho trẻ

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy áp lực chính khi nuôi dạy con cái đến từ ngân sách dành cho giáo dục và y tế. Do vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta nên mua cho con một loại hình bảo hiểm nhằm chuẩn bị ngân sách giáo dục và một loại hình bảo hiểm mang tính đảm bảo trong tương lai.

Các công ty bảo hiểm lớn đều có hình thức bảo hiểm giáo dục chuyên biệt dành riêng cho đối tượng trẻ em nhi đồng, hơn nữa có không ít loại hình bảo hiểm đều kèm các điều khoản như đảm bảo, chia hoa hồng và đầu tư... “Những năm trở lại đây, do bao gồm công năng miễn trừ phí bảo hiểm nên bảo hiểm giáo dục thiếu nhi ngày càng được các bậc phụ huynh ưa chuộng. ” Miễn trừ phí bảo hiểm, tức là khi đến kỳ hạn vì lý do đột xuất nào đó mà phụ huynh không thể tiếp tục nộp phí bảo hiểm, công ty bảo hiểm có thể miễn trừ các khoản phí còn lại, đồng thời các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục có hiệu lực. Điều này đảm bảo việc học hành sau này của con cái bạn không bị ảnh hưởng do các nguyên nhân ngoài ý muốn.

Loại hình bảo hiểm mang tính đảm bảo chủ yếu giải quyết chi phí y tế cho trẻ và có điều khoản cung cấp dịch vụ đảm bảo trong tình huống đột xuất. Thông thường, đối với mỗi đứa trẻ, một năm chỉ cần nộp vài chục tệ phí bảo hiểm là có thể được hưởng các dịch vụ đảm bảo tổng hợp như bảo hiểm tai nạn, khám bệnh đột xuất, trợ cấp viện phí... tương đối hợp lý. Nếu điều kiện kinh tế gia đình cho phép, chúng ta còn có thể mua bổ sung bảo hiểm các loại bệnh tật nghiêm trọng.

Từ khi Cách Cách lên ba tuổi, tôi liên tục mua một số sản phẩm bảo hiểm cho con gái, trong đó không thiếu những loại hình bảo hiểm mang tính đầu tư. Theo tôi, một là loại hình bảo hiểm kèm theo các điều khoản rủi ro, hai là trên cơ sở thu nhập đầu tư thấp nhất có thể đem đến hiệu quả đầu tư tốt hơn. Sau khi xem xong các hợp đồng bảo hiểm, Cách Cách đã hỏi mẹ những giấy tờ trên có ích gì đối với cô bé, vợ tôi thậm chí đọc từng lợi ích mà khách hàng sẽ được hưởng trong hợp đồng cho con nghe. Việc làm này từng bước phổ cập cho trẻ nhận thức về quản lý tài chính bảo hiểm, tôi nghĩ nó cũng có lợi đối với việc giáo dục những kỹ năng quản lý tài chính ban đầu cho Cách Cách.

Một số phụ huynh lo lắng, để trẻ tham gia vào hoạt động quản lý tài chính liệu có khiến chúng trở thành những kẻ hám tiền? Đặc biệt là với bối cảnh hiện nay, khi các nhà trường về cơ bản không có nội dung giáo dục chỉ số FQ dành cho học sinh. Nhiều phụ huynh tỏ ra lúng túng, thậm chí tẩy chay và phản đối. Sự thật là trong một thời gian dài, nhà trường và gia đình đã bỏ sót việc giáo dục chỉ số FQ cho trẻ, khiến cho con em mình quen với kiểu “cơm bưng, nước rót”, chứ chưa nói đến việc bồi dưỡng năng lực quản lý tài chính. Còn với thực trạng không ít sinh viên “tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp” như bây giờ, khi nghiên cứu kỹ nguyên nhân, tuy có liên quan tới nhiều nhân tố như việc thiết kế ngành học, sự thay đổi của xã hội, nhưng không thể phủ nhận rằng, điều này có mối liên hệ rất lớn với việc không được giáo dục chỉ số FQ từ nhỏ.

Tổng kết chương 2

Phụ huynh chúng ta coi trọng thành tích học tập của con cái, mục đích là muốn trẻ sau này thi đỗ những trường đại học danh tiếng, tìm được công việc tốt. Nếu có thể chú trọng hơn vào khâu giáo dục chỉ số FQ trong phạm vi gia đình, điều đó sẽ mang lại tác dụng cơ bản, giúp trẻ thực hiện một cách thuận lợi mục tiêu độc lập về kinh tế trong tương lai.

Chương hai giới thiệu một số kiến thức quản lý tài chính như “dòng tiền mặt”, “thu nhập chủ động”, “thu nhập bị động”, “vốn”, “vay nợ”... Trẻ con khó có thể hiểu hết những kiến thức này nhưng người lớn thì dễ dàng hơn nhiều. Có lẽ một số phụ huynh vẫn cảm thấy mơ hồ, không biết bắt đầu từ đâu để vận dụng những kiến thức lý luận này vào cuộc sống thực tế, đặc biệt là làm thế nào để trẻ tiếp thu hiệu quả hơn. Thực ra, các bạn đọc làm cha làm mẹ chắc chắn đã ý thức được rằng, lý thuyết suông không có tác dụng đối với con cái, thậm chí nếu làm không tốt sẽ tạo ra sự phản kháng từ phía trẻ em, nên kết hợp với tình hình thực tế của gia đình mình, sắp xếp một số hoạt động hoặc trò chơi, nếu làm được như vậy coi như đã thành công một nửa. Tiếp đó, các bậc phụ huynh cần tiếp tục động não, kết hợp với những kinh nghiệm của tác giả cuốn sách, để trẻ học cách nâng cao chỉ số FQ một cách vui vẻ và hiệu quả.

Tất cả chúng ta, bao gồm người lớn và trẻ nhỏ, thực ra đều hướng về độc lập và tự do. Mà những bậc phụ huynh trải qua quá trình rèn luyện thực tế sẽ càng nhận thức rõ hơn rằng, độc lập và tự do không thể tách rời nền tảng kinh tế. Trong chương này, tác giả còn nghiên cứu và thảo luận về một quan điểm đối với việc thực hiện kế hoạch tự do tài chính, rất đáng để các độc  giả lưu tâm.

Tại sao chúng ta phải bồi đắp chỉ số FQ cho trẻ từ nhỏ, đó chẳng phải vì một cuộc sống tự do và sung túc của con cái trong tương lai hay sao?

Bình luận