Trang chủ

Làm giàu không đợi tuổi

Chương 3. Dạy trẻ nhận biết tiền và biết cách tiêu tiền

1. Tiền là gì?
2. Tiền từ đâu mà có?
3. Tiền là để phục vụ cuộc sống của chúng ta
4. Làm thế nào để dạy con cách tiêu tiền
5. Tiêu tiền vì người thân là cách báo đáp lại tình yêu thương
Tổng kết chương 3

1. Tiền là gì?

Nhiều phụ huynh cho rằng để con cái tiếp xúc với tiền bạc quá sớm sẽ gây bất lợi cho quá trình trưởng thành của chúng, thậm chí khiến trẻ bị ám ảnh với ma lực của đồng tiền. Vậy chúng ta sẽ trao đổi với nhau về vấn đề làm thế nào hướng lái con cái có nhận thức đúng đắn về tiền bạc. Sau khi con cái có nhận thức đúng đắn, những người làm cha mẹ như chúng ta có thể mạnh dạn nói chuyện với con cái về vấn đề tiền nong, đồng thời có thể hướng dẫn chúng làm một số việc liên quan tới tiền bạc, vì dù sao khi lớn lên, con cái chúng ta cũng phải làm quen với tiền.

Thái độ đối với tiền bạc quyết định cảm giác hạnh phúc của con người.

Các chuyên gia tâm lý đã làm một thí nghiệm như sau: hình thức lựa chọn thứ nhất: bản thân được 5 tệ, người khác được 2,5 tệ; hình thức lựa chọn thứ hai: bản thân được 10 tệ, người khác được 20 tệ. Qua kết quả cho thấy, số đông lựa chọn phương án một.

Rõ ràng, phương án sau được tiền nhiều hơn phương án trước, vì sao không lựa chọn phương án sau? Đây là hệ quả tâm lý so bì của con người – tuy tiền được ít, nhưng so với mọi người xung quanh thì thế đã là nhiều rồi. Tiền nhiều chưa chắc đem lại niềm hạnh phúc cho bản thân, mà thông qua sự so sánh phát hiện ra tiền mình nhiều hơn người khác mới khiến cho ta cảm thấy hạnh phúc. Có thể nói, hạnh phúc là một cấp độ so sánh, phải có cái gì đó lót phía dưới thì ta mới cảm nhận được. Đây cũng là tâm lý phổ biến của con người.

Trong cuộc sống, con người hình thành hình thức tư duy cố định một cách tự nhiên như sau: rất dễ nhìn thấy hình thái vật chất mà sao nhãng nội hàm tinh thần của đồng tiền. Một số phụ huynh không muốn nói chuyện tiền bạc với con, sợ chúng bị tiêm nhiễm lợi ích vật chất từ quá sớm. Thực ra, để con cái nhận biết bản chất đồng tiền từ nhỏ là rất cần thiết. Tiền là một công cụ để thực hiện nguyện vọng, trừ những người “mê tiền” thực sự, tuyệt đại đa số con người đều yêu tiền, thực ra không phải yêu bản thân đồng tiền mà là yêu nguyện vọng của chính mình. Do đó, phụ huynh không cần né tránh những vấn đề liên quan tới tiền bạc mà cần kịp thời giúp con cái xây dựng quan niệm đúng đắn về đồng tiền, đây mới là vấn đề các bậc phụ huynh cần suy nghĩ.

Kết quả nghiên cứu đã chứng minh: Thời kỳ manh nha quan niệm tiền bạc của trẻ em là trước 6 tuổi, thời kỳ hình thành quan niệm là từ 6 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi là thời kỳ phát triển. Dựa vào kết quả trên, việc giáo dục quan niệm về tiền bạc theo hình thức tịnh tiến sẽ góp phần bồi dưỡng cho trẻ em có thái độ đúng đắn với cuộc sống, hiểu rõ mối quan hệ giữa tiền bạc với đời sống, làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Những điều kể trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng để trẻ thăng tiến trong nền xã hội kinh tế tương lai, hiện thực hóa mơ ước của bản thân, thậm chí giúp đỡ người khác thực hiện nguyện vọng, cuối cùng hình thành nên nhân cách đặc biệt của riêng mình.

Thực ra, trong suy nghĩ của trẻ em, tiền là gì?

Lưu Sỹ Gia – cậu con trai lên 10 tuổi của chuyên gia quản lý tài chính Lưu Ngạn Bân nói: “Tiền là nhu yếu phẩm của cuộc sống, bởi cái gì cũng phải mua bằng tiền. ”

Trương Lập Phong – cậu con trai bảy tuổi của tiến sỹ kinh tế Trương Ninh cho rằng: “Tiền là tờ giấy đặc biệt quý báu, cái gì cũng dùng đến nó. ”

Lữ Tang Nguyên – cậu con trai 10 tuổi của giáo sư Đại học Bắc Kinh Lữ Tùy Khởi nói rằng: “Cháu thấy tiền là công cụ để tiến hành mọi loại giao dịch. ”

Bạn cũng có thể thử hỏi con mình: “Con nghĩ tiền là gì nhỉ?”

Bất luận câu trả lời của trẻ là gì, các bậc phụ huynh đều có thể nhân cơ hội này tiếp tục trao đổi với con về vấn đề tiền bạc.

2. Tiền từ đâu mà có?
 
Tiền từ đâu mà có? Về câu hỏi này, hầu như lúc đầu đứa trẻ nào cũng nói rằng tiền từ túi của bố mẹ, nhưng tiền trong túi bố mẹ từ đâu mà có? Trẻ con lại chưa từng suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi này.

Khi Cách Cách chưa được phép tự tiêu tiền và chưa nhận thức được công dụng của đồng tiền, hầu như con bé không quan tâm tiền là gì, dù người khác cho tiền mừng tuổi và quà gặp mặt, Cách Cách cũng không để tâm. Dần dần Cách Cách phát hiện ra tiền có thể mua được đồ ăn ngon và những món đồ chơi hấp dẫn, khi đó con bé mới ý thức được tiền là một thứ tuyệt vời, có thể đổi lấy những thứ mình thích. Một lần, Cách Cách đem quà tặng của cô ruột giấu đi, khi ấy bé mới có 5 tuổi, bắt đầu từ đó, tôi đã ý thức được phải bắt đầu giáo dục về tiền bạc cho con mình.

Trong quá trình trưởng thành của con cái, chúng ta cần giúp chúng hiểu rõ về nguồn gốc của đồng tiền.

(1) Nguồn tiền thứ nhất - đổi bằng sức lao động.

Năm 2005, tôi làm trong ngành ăn uống, do đặc điểm của ngành dịch vụ, với tư cách cổ đông và nhà quản lý, hàng ngày tôi đều phải thức khuya dậy muộn. Khi vợ và con gái dậy rồi tôi lại đang ngon giấc, khi vợ con ngủ rồi tôi vẫn chưa về nhà. Một hôm, Cách Cách gọi điện cho tôi: “Bố ơi, con nhớ bố lắm, hơn một tuần nay con không nhìn thấy bố đâu cả?” Lúc này tôi mới ý thức được rằng, vì mình quá bận rộn mà sao nhãng, không quan tâm tới vợ con, điều đó khiến tôi suy nghĩ, tôi bắt đầu điều chỉnh và xác định lại công việc của mình, nhưng đó là chuyện kể sau. Nhận được điện thoại của Cách Cách, tôi lập tức nói với con rằng, tối nay, bố mời con gái đi ăn. Cách Cách mừng quýnh lên. Khi dùng bữa, Cách Cách vẫn giận dỗi và hỏi tôi: “Bố, ngày nào bố cũng phải đi làm về muộn hay sao? Bố không đi làm không được ạ?” Đột nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc phải nói với con gái về tầm quan trọng của công việc. Tôi nói: “Không được đâu con ạ, bố phải đi làm, mọi người đều phải đi làm, bố dùng sức lao động để kiếm tiền, có tiền rồi mới có thể đưa con đến nhà hàng thưởng thức những món ngon và mua đồ chơi. ” Về cơ bản Cách Cách cũng hiểu đạo lý này, vợ tôi ngồi bên cũng phụ họa rằng: “Ai cũng phải đi làm con ạ, như đi mẫu giáo hay đi học là việc của các con, đợi sau này lớn lên rồi các con cũng phải đi làm. ”
 
Trong quá trình trưởng thành của con cái, cha mẹ phải học cách dùng  những phương thức khác nhau để con cái hiểu rõ làm việc là một biện pháp kiếm tiền, đồng thời cũng nên cho con cái biết nghề nghiệp mà bố mẹ đang làm, để chúng dần hiểu rằng ai ai cũng đang cố gắng làm việc trên các cương vị khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu của cả xã hội. Như vậy, trong vấn đề giáo dục kỹ năng làm giàu ở cấp độ gia đình, chúng ta cần hướng dẫn con cái tham gia một số công việc trong nhà, đây cũng là một cách giáo dục tình thân. Bình thường, tôi có ý để Cách Cách làm một số việc nhà như lau sàn, giặt tất, đổ rác… để con gái hiểu được giá trị của công việc, đồng thời tôi cũng trả thù lao cho nó, qua đó giúp con hiểu rằng chỉ có bỏ sức lao động ra mới có thể nhận được thù lao xứng đáng.

Chúng ta có thể kể cho con nghe câu chuyện dưới đây:

Thời xa xưa, có một quốc vương già vô cùng anh minh. Một ngày nọ, quốc vương triệu các đại thần đến và nói: “Một cái đầu không có trí khôn, chẳng khác gì đèn lồng không có cây nến, trẫm yêu cầu các khanh biên tập một bộ sách với nhan đề ‘Trí tuệ của các thời đại’ để chiếu sáng tiền đồ cho con cháu. ”

Sau thời gian dài lao động miệt mài, các vị đại thần đã hoàn thành một bộ sách lớn gồm 12 cuốn. Quốc vương già xem xong liền nói: “Các khanh, trẫm tin rằng đây là kết tinh trí tuệ của các thời đại, nhưng cuốn sách quá dài, trẫm e rằng người đời sau không đọc hết được, cần cô đọng lại một chút. ”

Các đại thần thông thái lại cố gắng biên soạn lại, qua nhiều lần rút gọn, cuốn sách được hoàn thành. Nhưng quốc vương vẫn chê dài, lại hạ lệnh cô đọng hơn nữa. Các đại thần rút ngắn cuốn sách xuống thành một chương, rồi cuối cùng cô lại chỉ còn một câu.

Quốc vương xem xong vui mừng nói rằng: “Đây mới là kết tinh của các thời đại, một khi mọi người nắm được chân lý này, các vấn đề phần lớn sẽ được giải quyết. ”

Câu này chính là: “Trên thế gian không có bữa cơm nào miễn phí. ”

(2) Nguồn tiền thứ hai - có được từ đầu tư buôn bán
 
Tôi làm trong ngành viễn thông từ năm 2002 đến năm 2005, trải qua 3 năm cố gắng, tôi đã có những khách hàng cố định, vì không gian phát triển của ngành này có hạn, tôi giao cho vợ quản lý một phần nghiệp vụ. Vợ tôi có lúc cũng đưa Cách Cách đến nơi làm việc. Một hôm, Cách Cách hỏi: “Mẹ cũng làm việc tại đây ạ? Thế ai là giám đốc ở đây hả mẹ?” Một nhân viên khác trong văn phòng nghe vậy cười và nói với Cách Cách: “Mẹ cháu chính là giám đốc, là bà chủ của các chú, các chú là người làm thuê cho mẹ cháu. ” Cách Cách nghe xong rất nghiêm túc nói: “Cháu cũng muốn làm giám đốc. ”

Mấy ngày sau, tôi phát hiện trong lúc vui đùa tại nhà, Cách Cách và các bạn chơi trò lập công ty, mỗi người đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, bé làm giám đốc, bé làm phó giám đốc, rồi thì có cả chuyên viên kinh doanh, nhân viên văn phòng… Trên thực tế, tất cả điều đó đã cho chúng ta biết, nhất cử nhất động của người lớn đều ảnh hưởng trực tiếp tới tư duy và hành động của trẻ em, đặc biệt là lời nói và hành động thực tế của bố mẹ có ảnh hưởng vô cùng lớn.

Sau này, vợ tôi nói với con gái: “Tất cả đồ đạc trong văn phòng này đều do cha mẹ tự mua sắm đấy. ” Vợ tôi còn lấy ra một số thiết bị viễn thông chúng tôi lắp đặt cho các doanh nghiệp và nói với Cách Cách: “Nhiều công ty ở xung quanh đều là khách hàng của chúng ta, chúng ta cung cấp thiết bị và dịch vụ cho họ, giúp họ tiết kiệm được tiền, có như vậy mới kiếm được tiền từ khách hàng. "

Ngày 28 tháng 3 năm 2012, tôi nhận được điện thoại của một phụ huynh nói rằng, con chị ấy đang chơi trò Bé giỏi kiếm tiền làm giàu do tôi thiết kế, trong trò chơi có “Thẻ thu nhập” yêu cầu đầu tư 2. 000 tệ để thu về 60 tệ tiền lãi hàng tháng. Nhưng con chị ấy không có đủ tiền, bởi trước đó cháu bé đã tham gia trò gửi tiết kiệm 1. 000 tệ, hàng tháng thu lãi 10 tệ. Bà mẹ này hỏi tôi có thể rút 1. 000 tệ tiền tiết kiệm ra được không, đồng thời bỏ đi khoản thu nhập 10 tệ một tháng, như vậy sẽ có tiền đầu tư vào “Thẻ thu nhập” để thu về 60 tệ một tháng.

Thật ra, trong phần hướng dẫn trò chơi tôi không thiết kế mục này, vì sợ  quá phức tạp sẽ khiến trẻ khó hiểu. Tôi trả lời: “Tất nhiên là được, đây là ý kiến của ai vậy?” Chị ấy cho tôi biết đây là ý tưởng của cậu con trai lên tám tuổi. Tôi cảm thấy tự hào vì cậu bé, nhỏ tuổi như vậy đã phân biệt được sự hay dở và nhiều ít của lợi nhuận đầu tư, hơn nữa còn biết nghĩ cách xóa bỏ một phương thức đầu tư thu nhập thấp để dồn vốn cho một thương vụ đầu tư với lợi nhuận cao hơn.

(3) Nguồn tiền thứ ba - có được từ tiết kiệm

Việc này thật ra không khó, chúng ta có thể lấy sổ tiết kiệm cho con xem và nói với chúng rằng gửi tiền vào ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất, nói một cách sinh động là lãi mẹ đẻ lãi con.

Để con cái hiểu rõ vấn đề này, chúng ta có thể bày một trò chơi tại nhà. Tìm một cuốn sổ tiết kiệm cũ để con gửi tiền vào, phụ huynh là ngân hàng, trẻ sẽ chủ động quan tâm tới sự thay đổi của số tiền mà chúng gửi. Chúng ta có thể thiết lập biên độ tăng trưởng để trẻ trực tiếp cảm nhận được số tiền mình tiết kiệm sẽ ngày càng nhiều lên.

(4)  Biết được nguồn gốc của đồng tiền - tiền bạc là biểu hiện của tình cảm gia đình

Đứa trẻ nào cũng được người lớn cho tiền, tuy trên danh nghĩa khác nhau, ví dụ tiền mừng tuổi, quà gặp mặt, tiền thưởng… Do hoàn cảnh gia đình khác nhau, nên số tiền mà trẻ nhận được cũng khác nhau. Có những trẻ vì người nhà và bạn bè của bố mẹ nhiều, nên số tiền mừng tuổi hàng năm cũng rất nhiều. Trẻ nhận được tiền, nhưng người lớn cần cho chúng biết tiền đại diện cho cái gì. Số tiền trên là biểu hiện của tình yêu thương mà người lớn dành cho trẻ em. Tôi kiến nghị các phụ huynh nên hướng dẫn các con dùng số tiền đó để tự mình làm kinh doanh, cất giữ đi, cho bố mẹ vay có lãi suất, định mức đầu tư vào quỹ với số lượng nhỏ hoặc đầu tư cho bảo hiểm giáo dục. Thông qua số tiền này, phụ huynh không ngừng hướng dẫn các con, giúp chúng học được cách dùng tiền để phục vụ cuộc sống, tiền sinh ra tiền, thậm chí tiến hành đầu tư với số lượng nhỏ.

Ví dụ, chiếc máy tính mà Cách Cách mua rồi cho tôi thuê, trong đó tất  nhiên có cả số tiền mà người thân và bạn bè cho cô bé. Phụ huynh có thể sáng tạo ra một số phương pháp giúp con em mình vận dụng số tiền này có hiệu quả hơn, thông qua nhiều phương pháp giúp trẻ học được cách để tiền đẻ ra tiền. Vấn đề cần chú ý ở đây là, một số phụ huynh sợ con cái tiêu tiền vô tội vạ, liền thu lại tất cả tiền mừng tuổi của chúng, làm như vậy đã bỏ qua một cơ hội giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho con. Nên nói với trẻ rằng, quyền sở hữu số tiền này thuộc về chúng, bố mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giám sát mà thôi .

Khi trẻ em nhận được tiền mừng tuổi, phụ huynh cũng nên dạy chúng cảm ơn người cho tiền thông qua một số hình thức như một nụ hôn, một lời cảm ơn hay tặng lại một món quà nho nhỏ gì đó.

Dịp trước Tết năm 2008, Cách Cách cùng chú út đi trung tâm thương mại mua quà tặng cho người lớn, món quà tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Thông thường chúng tôi hay nhận được thiệp chúc mừng và quà tặng của Cách Cách mỗi dịp sinh nhật, Ngày của Mẹ hay Ngày của Bố. Có lần Cách Cách tặng mẹ dây treo điện thoại di động, đến bây giờ vợ tôi vẫn sử dụng.

Chúng ta giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho con, tuyệt đối không phải chỉ dạy chúng cách kiếm tiền, có vào mà không có ra, làm như vậy là sai.

(5) Tiền trong thẻ tín dụng không phải muốn rút bao nhiêu thì rút

Rất nhiều trẻ em theo bố mẹ đi mua đồ, khi thấy trả tiền bằng hình thức quẹt thẻ, liền nghĩ rằng tiền từ thẻ tín dụng muốn rút bao nhiêu cũng được, Cách Cách cũng từng nghĩ như vậy. Không nhớ hồi đó đang định mua gì, Cách Cách nói với tôi: “Quẹt thẻ đi bố!", hình như con bé nghĩ tiền trong thẻ tín dụng chỉ cần quẹt một cái là có ngay. Sau này vợ tôi cho con gái xem hóa đơn thẻ tín dụng và giải thích rằng, thẻ tín dụng chỉ tiện cho việc chi trả, tiêu bao nhiêu thì vẫn phải bù lại bấy nhiêu. Cách Cách đã biết thẻ tín dụng chỉ là một tấm thẻ “mượn tạm”, một phương thức thanh toán, chứ không phải thẻ “miễn phí”.

Bố mẹ cần nói với các con, hôm nay sử dụng thẻ tín dụng, nhất định phải trả lại tiền trong thời gian quy định, nếu không sẽ phải trả nhiều hơn để bù lại thời gian sử dụng tiền của ngân hàng. Cũng có thể hiểu thẻ tín dụng trên thực tế là thẻ ghi nợ. Thật ra, thẻ tín dụng là một mối đe dọa đối với một số người. Một trường đại học của Mỹ đã tiến hành một trắc nghiệm thú vị nhằm tìm hiểu xem thẻ tín dụng có mức độ kích thích tâm lý người tiêu dùng như thế nào: Lần thứ nhất, họ đưa ra một bản giới thiệu sản phẩm, sau đó để mọi người tham gia trắc nghiệm viết mức giá mà mình muốn chi trả; lần thứ hai, các điều kiện không thay đổi, trên bàn chỉ đặt thêm một tấm thẻ tín dụng, lại mời mọi người tham gia trắc nghiệm viết mức giá mà mình muốn chi trả. Kết quả hai lần trắc nghiệm hoàn toàn khác nhau, những người tham gia trắc nghiệm chỉ cần nhìn thấy thẻ tín dụng, liền bày tỏ ý định mua hàng với giá cao hơn. Trắc nghiệm này cho thấy, thẻ tín dụng sẽ làm phai nhạt ý thức về tiền bạc của con người, nếu không thực hiện tốt việc quản lý thẻ tín dụng, vô hình chung nó sẽ khiến người sử dụng nợ như chúa chổm, thậm chí rất nhiều người trở thành “nô lệ thẻ tín dụng".

Thuật ngữ “nô lệ thẻ tín dụng” ban đầu có xuất xứ từ Đài Loan, các cơ quan quản lý tiền tệ của Đài Loan gọi những người không có khả năng hoàn trả cho ngân hàng những khoản tiền vay tín dụng thấp nhất trong ba tháng liền là “nô lệ thẻ tín dụng". Theo thống kê, Đài Loan hiện có hơn 9 triệu người sử dụng thẻ tín dụng và thẻ tiền mặt, năm 2008 có khoảng 400. 000 người bị coi là “nô lệ thẻ tín dụng", năm 2009 con số này tăng lên 700. 000 người, hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi nợ nần chồng chất từ lãi suất sử dụng thẻ tín dụng.

Với sự phổ cập của thẻ tín dụng, thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ và thấu chi đã trở thành phương thức sinh hoạt của nhiều người. Tuy vậy, trong lúc nhiều người đang thích thú với ưu điểm của thẻ tín dụng, thì bên cạnh đó cũng xuất hiện ngày càng nhiều “nô lệ thẻ tín dụng". Việc chi tiêu không có sự điều tiết, khiến nhiều “nô lệ thẻ tín dụng” sa vào vũng lầy tài chính không lối thoát, dần hình thành một cái vòng luẩn quẩn. Việc sử dụng thẻ thấu chi phải có sự điều tiết, mỗi người cần phải sử dụng thẻ tín dụng một cách sáng suốt hơn.

Sớm muộn gì, con cái chúng ta cũng phải tiếp xúc với thẻ tín dụng, tuy nhiên do trẻ thiếu ý thức về tín dụng và chưa thể tự điều tiết việc chi tiêu, vì vậy đối với trẻ đã lớn một chút hoặc đang học tại nhà trường, có thể cho các con sử dụng một tấm “thẻ mượn tiền” có chức năng nạp tiền, trẻ chỉ được tiêu trong định mức hạn ngạch nạp tiền của thẻ, đồng thời phụ huynh có thể kiểm tra tiêu dùng của con cái thông qua hóa đơn điện tử, khoản nào chi tiêu không hợp lý thì uốn nắn ngay. Tấm thẻ này không chỉ có tác dụng thay thế tiền mặt mà còn có thể dạy trẻ cách sử dụng và quản lý thẻ tín dụng.

Một lần, tôi và Cách Cách trao đổi về sự khác biệt giữa thẻ tín dụng và thẻ mượn tiền, tôi nói với con bé: “Thẻ mượn tiền là gửi tiền trước tiêu tiền sau, còn thẻ tín dụng thì tiêu tiền trước trả tiền sau; thẻ mượn tiền gửi bao nhiêu có thể tiêu bấy nhiêu, còn thẻ tín dụng thì căn cứ vào hạn mức tín dụng, nếu đến kỳ hạn mà chưa trả tiền, sẽ phải chịu lãi suất cao hơn. ” Cách Cách trả lời: “Thẻ mượn tiền vẫn hay hơn bố nhỉ, tiêu tiền yên tâm hơn nhiều. "

Để trẻ nhận thức đúng và hiểu được cách sử dụng thẻ tín dụng, chúng ta cũng có thể dạy cho trẻ những kiến thức về tín dụng từ những khía cạnh khác nhau. Về vấn đề làm thế nào để hướng dẫn cho trẻ kỹ năng sử dụng thẻ tín dụng, tôi sẽ nói ở phần sau.

3. Tiền là để phục vụ cuộc sống của chúng ta

Hãy cho trẻ biết rằng con người không phải nô lệ của đồng tiền, mà là chủ nhân của đồng tiền, tiền dùng để phục vụ cuộc sống của con người.

Tất cả phụ huynh có thể đều được con cái hỏi những câu đại loại thế này: “Bố mẹ không đi làm không được ạ?” và rất nhiều phụ huynh cũng sẽ trả lời như thế này: “Bố mẹ đi làm mới kiếm được tiền, như vậy chúng ta mới có tiền tiêu. ” Trả lời như vậy xem ra không có vấn đề gì, nhưng trẻ em sẽ hiểu là con người chỉ có làm việc mới kiếm được tiền, con người làm việc là vì tiền. Thực ra, trả lời như vậy cũng không sai, nó giúp trẻ hiểu rằng tiền có được phải thông qua lao động. Nhưng khi giải thích với con phải chỉ ra rằng xã hội này cần cha mẹ đi làm để tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho người khác, như vậy trẻ mới hiểu rằng mọi người đi làm không chỉ vì tiền, mà tiền là thù lao của lao động, chỉ cần đi làm thì sẽ có tiền, con người làm chủ đồng tiền, sau đó chúng ta tiêu tiền, tiền là để phục vụ con người.

Nếu muốn con cái hiểu rõ về tiền bạc, bạn có thể nói với con tiền là vật biết nghe lời nhất, ta muốn gì thì nó mua cho ta thứ đó, thậm chí bạn có thể đưa con đi siêu thị để mua nhiều thứ khác nhau. Hãy nói với con, tiền sẽ giúp chúng ta đi taxi, làm ra bánh ga tô…vv… trẻ sẽ hiểu tiền phục vụ cuộc sống của con người, chúng ta muốn tiền làm gì thì nó có thể làm cái đó.

Chúng ta cũng có thể nói với trẻ rằng: “Tiền là nhân viên tốt nhất của con người”, tại sao phải dạy trẻ quan niệm này? Để trẻ từ bậc tiểu học đã hiểu tiền làm việc phục vụ con người. Nói như Buffet: “Cả một đời có thể tích lũy được bao nhiêu của cải, không quyết định bởi việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà phụ thuộc vào việc bạn đầu tư và quản lý tài chính như thế nào, tiền tìm ra tiền giỏi hơn người tìm ra tiền, phải biết cách khiến tiền làm việc vì mình, chứ không phải mình làm việc vì tiền. ”

Tiền không chỉ là nhân viên tốt nhất mà còn là người lính nghe lời nhất. Sự lớn mạnh hay yếu ớt của tiền bạc không phải do bản thân nó, mà do “sỹ quan chỉ huy” của nó mạnh hay yếu, trong khi sự lớn mạnh hay yếu ớt của sỹ quan chỉ huy lại được quyết định bởi kỹ năng quản lý tài chính của chính người đó.

4. Làm thế nào để dạy con cách tiêu tiền

Khi con cái ngày càng lớn lên và biết được tác dụng của đồng tiền, có một số trẻ sẽ trở nên keo kiệt, mua thứ gì cũng không muốn bỏ tiền túi, chỉ muốn tiêu tiền của bố mẹ. Lúc này, phụ huynh cần cho trẻ biết tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền và làm thế nào tiêu tiền một cách khôn ngoan; tiền phục vụ cuộc sống của con người, cần dùng tiền để đổi lấy những thứ chúng ta muốn, chứ không phải giữ khư khư. Các bậc làm cha làm mẹ bắt đầu do dự có nên cho con tiền tiêu vặt hay không? Cho vào thời điểm nào và bao nhiêu là phù hợp? Bố mẹ hãy chỉ cho con cái nên sử dụng tiền tiêu vặt như thế nào, đây là bài học đầu tiên về quản lý tài chính trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, dạy tốt bài học này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Cho con tiền tiêu vặt như thế nào? Hiện có ba luồng quan điểm phổ biến trong số các phụ huynh:

Một số phụ huynh cho rằng nhất định phải cho con tiền tiêu vặt, với lý do không muốn trẻ bị tự ti trước mặt bạn bè.

Một số phụ huynh tin rằng “biết tiêu mới biết kiếm tiền”, cho trẻ nhiều tiền tiêu vặt, để chúng học cách chi tiêu từ bậc tiểu học.

Không cho con cái một xu nào, nếu từ nhỏ tiêu tiền thành quen, lớn lên sẽ không biết quý trọng đồng tiền.

Tôi cho rằng, muốn nâng cao chỉ số FQ và khả năng quản lý tài chính của trẻ, nhất định phải cho chúng tiền tiêu vặt, nhưng chúng ta có thể khống chế số tiền. Một cuộc điều tra của Mỹ cho thấy, khả năng quản lý tài chính của những đứa trẻ có tiền tiêu vặt vượt trội so với những đứa trẻ không có tiền tiêu vặt. Cho trẻ tiền tiêu vặt nhằm giúp chúng có kinh nghiệm sử dụng tiền trong thực tiễn cuộc sống, từ đó học được cách tiêu tiền thật sự đúng đắn.

Tỷ phú người Mexico, Carlos Slim có tổng tài sản lên đến 53,5 tỷ đô-la, hồi nhỏ, mỗi tuần bố ông cho con trai 5 peso tiền tiêu vặt và yêu cầu ông phải ghi rõ số tiền đã tiêu, sau đó định kỳ tiến hành kiểm tra tài khoản, đồng thời giúp Carlos phân tích tính hợp lý của mỗi khoản chi tiêu, biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng tiền và tiêu tiền sao cho hợp lý hơn. Đến bây giờ, trên bàn làm việc của Carlos vẫn còn quyển sổ mà bố ông yêu cầu con trai ghi chép lại tình hình chi tiêu năm xưa. Từng trang giấy đã ố vàng của cuốn sổ tài chính cũ kỹ, những nét chữ nguệch ngoạc đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Carlos Slim.

(1) Bố mẹ nên dạy con cách sử dụng tiền tiêu vặt

Những bậc phụ huynh như chúng ta không nên hạn chế quá mức tiền tiêu vặt của con cái, đồng thời cũng không nên buông lỏng quản lý. Trước hết, tuyệt đối không được buông lỏng việc quản lý con cái về mặt kinh tế, cần giáo dục chúng ý thức tiết kiệm từ nhỏ; thứ hai, cần dạy con cách chi tiêu và sử dụng tiền tiêu vặt, để trẻ có thể nắm được những kiến thức cơ bản về tài chính. Tóm lại, nên hướng dẫn con cái sử dụng tiền tiêu vặt một cách hợp lý, biết “điều tiết thu chi. ” Chúng ta thấy có những đứa trẻ sau khi trưởng thành có khả năng xử lý vấn đề tiền bạc một cách ổn thỏa, biết cách kiếm tiền, tiêu tiền, vay tiền, đồng thời cũng biết cách khống chế tỷ lệ vay nợ một cách hợp lý. Nhưng một số đứa trẻ cùng lứa tuổi lại khác hẳn, chúng hoàn toàn mơ hồ về tiền bạc, sở dĩ có sự khác biệt như vậy là vì trong quá trình trưởng thành, cha mẹ không cho con cái cơ hội được tiếp xúc với tiền bạc và tự chủ trong chi tiêu.

Vua dầu mỏ John Rockefeller cho con trai John Junior tiền tiêu vặt với quy định như sau: Mỗi tuần cho 1,5 đô-la, cao nhất không vượt quá 2 đô-la. Hàng tuần hạch toán, đối chiếu sổ sách, yêu cầu con trai ghi rõ mục đích mỗi lần chi tiền, đến khi lĩnh tiền phải nộp sổ cho bố kiểm tra, nếu sổ sách rõ ràng và hợp lý, tháng sau sẽ cho thêm 10 xu, ngược lại sẽ cắt giảm. Phương pháp của Rockefeller giúp con trai ông hình thành thói quen không sử dụng tiền tiêu vặt một cách bừa bãi. Đây là một biện pháp tốt mà các bậc phụ huynh thường cho con tiền tiêu vặt hoàn toàn có thể học tập.
 
(2) Xây dựng quan điểm tiêu tiền đúng đắn cho trẻ

Một số trẻ biết tiền có thể đổi lấy những thứ hay ho, nhưng chúng không biết kiếm tiền rất vất vả, khi tiêu tiền hầu như chẳng nghĩ suy gì, thích mua gì thì cứ mua, không cần biết điều tiết chi tiêu. Không thể đổ hết tội lên đầu trẻ, vì tiền trong nhà là “sở hữu chung", khi con cái muốn mua gì thì ngửa tay xin tiền bố mẹ, chúng không thấm thía sự vất vả của bố mẹ khi kiếm được đồng tiền, nên khi tiêu xài cũng chẳng thấy xót xa.

Để con cái tiêu tiền một cách có hiệu quả, chúng ta bắt buộc phải tiến hành cải cách tiền bạc trong nhà theo chế độ “AAA”, việc này thực ra rất đơn giản, chỉ cần phân rõ thu nhập của bố, mẹ và con cái, chi tiêu ra sao tự mình cân đối. Phụ huynh ghi số tiền tiêu vặt và mừng tuổi của con vào sổ, sau đó hướng dẫn con cái tạo thêm thu nhập, ví dụ như thu nhập thông qua lao động và tích lũy của trẻ. Phần “thu nhập kiếm thêm” là tài sản riêng của trẻ. Vì số tiền đó có được thông qua lao động, trẻ sẽ thấm thía đấy là “tiền mồ hôi nước mắt” của bản thân, như vậy đã hoàn thành việc cải cách theo chế độ “AAA”.

Trong quá trình “cải cách”, thứ nhất con cái chúng ta sẽ hiểu tiền kiếm được không hề dễ dàng; thứ hai, trẻ sẽ cảm thấy tiền kiếm được đích thực là của mình, con người thường trân trọng tài sản cá nhân, do đó sẽ không có chuyện tiêu xài phung phí. Nhớ lại một ngày cuối tuần, tôi và vợ đi tập thể dục, Cách Cách gọi điện bảo ở nhà chẳng còn gì ăn nữa, vợ tôi nói: “Con có tiền đấy thôi, có thể xuống siêu thị dưới nhà mua những đồ con thích ăn. ” Không ngờ Cách Cách trả lời: “Con tiếc tiền lắm, hay bố mẹ cho con tiền đi. "

Nếu bạn đi dạo với con, trước khi xuất phát có thể nói với trẻ: “Con nhớ đem theo tiền nhé, mua đồ cần tiêu tiền của mình đấy nhé. ” Lúc đó, thử liếc nhìn thái độ của con, xem bộ dạng luyến tiếc của chúng, chúng sẽ cẩn thận mở ví tiền của mình, tính đi tính lại xem nên mang nhiều hay ít tiền đi? Cuối cùng nhất định bọn trẻ sẽ mang ít hoặc chẳng mang xu nào, không giống như lúc trước, tiêu xài vô tội vạ như kiểu “tiền chùa”. Bạn thấy đấy, việc hình thành thói quen tiết kiệm hoàn toàn có thể dựa vào chế độ “AAA”, làm vậy có thể giúp con cái chủ động điều tiết chi tiêu, khi thành thói quen, con chúng ta sẽ dần biết cách quản lý tiền bạc của bản thân.
 
Khi đi trên phố, vì trẻ có tiền cá nhân, thấy đồ ăn ngon, đồ chơi hấp dẫn, muốn mua hay không hoàn toàn do bản thân tự quyết định, không như trước đây thường đòi người lớn mua quà, không tiêu thì tiết kiệm được tiền, hết tiền rồi thì đành giương mắt ếch, đây là cách để con cái thấm nhuần quan niệm khi tiêu tiền phải có sự tính toán. Có một điều cần nhắc nhở các bậc phụ huynh, khi thấy con cái không nỡ bỏ tiền túi, cứ đòi bố mẹ chi tiền, chớ có mềm lòng cho chúng thêm tiền để tiêu tùy thích. Hậu quả là “cải cách” sẽ thất bại, còn trẻ em trở thành “ông cụ non” chỉ giỏi tiêu tiền. Cải cách kiểu này thời gian ban đầu thường gian nan vất vả, người lớn thường dao động trước sự đòi hỏi và nài nỉ của con cái, do đó phụ huynh cần cứng rắn hơn nữa, chỉ vài lần từ chối, trẻ em sẽ thay đổi theo ý của bạn.

Tôi và vợ cho Cách Cách quyền tự chủ cao trong chi tiêu, tức phỏng theo mô hình của doanh nghiệp, nếu mua thứ gì từ 10 tệ trở xuống thì tự mình có thể quyết định, từ 10 tệ trở lên (trừ phi mua sách) thì bắt buộc phải xin ý kiến của mẹ. Thực ra, trẻ em bây giờ không thiếu thốn về khoản ăn mặc, chẳng qua thích chút đồ ăn vặt và đồ chơi mà thôi, hơn nữa chúng đều dùng tiền cá nhân để tự mua cho mình. Về khoản ăn vặt, tôi và vợ nhiều lần khuyến cáo Cách Cách về vấn đề dinh dưỡng và vệ sinh, vì một số sạp hàng nhỏ chuyên bán đồ ăn vặt gần ngay trường không được sạch sẽ cho lắm. Về mặt này, Cách Cách làm rất tốt, sau khi được cha mẹ nhắc nhở, cô bé thường đến siêu thị mua đồ ăn vặt. Trong quá trình tự tiêu tiền, chắc chắn sẽ có lúc trẻ mua phải những thứ chưa hợp lý, chúng còn quá nhỏ nên chưa thể nhận biết được chất lượng của hàng hóa và thường mua theo ý thích. Bố mẹ không nên trách mắng hoặc phê bình con, đây là điều tất lẽ dĩ ngẫu, đồng thời là bài học đầu tiên bố mẹ cần dạy cho con cái. Phụ huynh cần uốn nắn vấn đề tiêu tiền không khoa học của trẻ, truyền đạt “kinh nghiệm về vấn đề này” còn hiệu quả hơn nhiều so với việc bố mẹ đưa con đi mua sắm. Giáo dục tiêu dùng không thể thay thế bằng giáo dục ngôn ngữ, chúng ta nên để con cái tham gia, trải nghiệm, nhận biết và lĩnh hội trong thực tiễn, từ đó mới dạy được cho trẻ kỹ năng tiêu dùng thông minh.

Sau vài năm được giáo dục kỹ năng quản lý tài chính, tôi cảm thấy giờ đây Cách Cách không chỉ giỏi “kiếm tiền”, mà còn biết cách để tiêu tiền. Hai điểm dưới đây cho thấy việc giáo dục chỉ số thông minh làm giàu cho Cách Cách đã phát huy hiệu quả:
 
Cách Cách không có tâm lý so bì khi mua sắm

Riêng điểm này tôi cảm thấy hài lòng về Cách Cách. Cách Cách có một bạn học thân thiết, bố mẹ là dân kinh doanh, con cần tiền là bố mẹ cho ngay, cô bé này dần hình thành thói quen tiêu tiền thoải mái, khi mua đồ không hề cân nhắc xem có cần thiết hay không, cùng một món đồ giống nhau, vừa mua xong cảm thấy màu sắc không ưng ý liền lập tức mua cái khác. Nhưng bố mẹ cô bé lại không quan tâm đến chuyện học tập của con, sợ con nghiện chơi điện tử, bố mẹ phải đặt mật khẩu cho máy tính, ngoài ra rất ít khi mua sách tham khảo cho con gái.

Ở phần trước, tôi đã nói đến việc Cách Cách mua máy tính xách tay cho tôi thuê. Tôi chưa bao giờ đặt mật khẩu cho máy tính, Cách Cách cũng hay chơi điện tử, nhưng cô bé có khả năng tự kiềm chế rất tốt. Tôi nhớ có lần Cách Cách chơi game phá án, cô bé đề nghị bố phá án giúp, tôi và con gái mất hơn một tiếng đồng hồ mới phá được vụ án trộm cắp tại phòng hiệu trưởng. Hai bố con cùng đập tay mừng chiến thắng. Thực ra, game phá án này có cài đặt nhiều chốt gợi mở tư duy, có lợi cho việc nâng cao khả năng phân tích sự việc của trẻ. Hiện nay, có nhiều trò chơi không những không có hại mà còn mang tri thức phong phú, đây là mặt tích cực của trò chơi điện tử. Có những trò vì thời gian chơi quá dài, khiến trẻ mất cảm giác mới mẻ, do đó không muốn tiếp tục chơi nữa.

Cách Cách thích đồ chơi nào sẽ tìm cách mua cho bằng được

Các bậc phụ huynh khi mua đồ chơi cho con thường có sự cân nhắc, về khoản này tôi cũng có quy định đối với Cách Cách, những đồ chơi có ích cho việc học tập và hình thành kỹ năng cho bé thì hoàn toàn có thể mua; nếu chỉ thuần túy mang tính giải trí thì cần cân nhắc kỹ, hơn nữa Cách Cách phải tự bỏ tiền túi. Lâu dần, những đồ chơi được Cách Cách lựa chọn đều có lợi cho việc học hành, đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ và tài trợ của bố mẹ.

Khi mua đồ chơi đắt tiền, bao giờ Cách Cách cũng xin ý kiến của bố mẹ. Tức là, Cách Cách muốn mua thứ đồ chơi nào đó, nếu giá cả vượt quá 100 tệ, cô bé có thể tạm thời kìm chế nhu cầu của bản thân, đợi đến dịp sinh nhật, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Nguyên đán hoặc khi đạt điểm cao mới dám đòi bố mẹ mua cho. Cách Cách còn hay nhanh trí tặng trước cho bố mẹ một món quà nhỏ, sau đó hỏi bố mẹ định tặng quà gì cho nó? Tôi và vợ hiểu ngay ý định của cô nhóc ranh mãnh này và đồng ý đáp ứng nguyện vọng của con. Tôi nói: “Con muốn mua đồ chơi gì thì cứ nói ra nào?” hoặc “Con muốn mua gì, bố mẹ sẽ tài trợ một nửa số tiền nhé. ” Như vậy, Cách Cách đã tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề tài chính khi mua các món đồ chơi có giá tiền cao.

Phụ huynh nên khuyến khích con cái hình thành quan niệm “chi ra được, mua mới được. ” Về vấn đề này, nền giáo dục kỹ năng quản lý tài chính của phương Tây có ưu thế nổi trội. Khi con cái cần tiền làm một việc gì đó, các phụ huynh phương Tây sẽ ủng hộ con tự nghĩ ra biện pháp để chuẩn bị đủ số tiền, phải “chi ra được, mua mới được. ” Trẻ em phương Tây có thể kiếm tiền thông qua lao động hoặc bán đồ chơi cũ, thậm chí sử dụng hình thức trả góp; làm như vậy sẽ kích thích kỹ năng tạo ra thu nhập và giúp trẻ trải nghiệm cảm giác thông qua sự nỗ lực cố gắng của bản thân để đạt được mục tiêu. Nhưng cũng có một số phụ huynh luôn tìm cớ phân tán sự chú ý của con hoặc nói thẳng thừng rằng: “Cái này đắt quá, không dùng đến, sao lại mua những thứ như thế này? Nên mua thứ khác thiết thực hơn, để mẹ mua đồ ăn ngon cho con nhé!” Như vậy, phụ huynh đã dập tắt niềm hy  vọng của con cái, lâu dần trẻ sẽ hình thành suy nghĩ “không trả nổi, không đáng mua,” đồng thời làm mai một niềm vui và tài năng của trẻ.

5. Tiêu tiền vì người thân là cách báo đáp lại tình yêu thương

Đa số trẻ em từ nhỏ đến lớn, đều được bố mẹ, người lớn mua cho đồ chơi và đồ ăn ngon. Trong suy nghĩ của trẻ, đó là việc nên làm, là lẽ đương nhiên, là đạo lý muôn thuở. Lâu dần, một số đứa trẻ sẽ có có thói keo kiệt với người nhà, chỉ biết nhận tiền người nhà cho, mà không biết mua quà tặng cho người nhà, đối với bạn bè lại càng bủn xỉn hơn; cũng có một số trẻ keo kiệt với người nhà, nhưng lại hào phóng với bạn bè, bởi giữa chúng có quan hệ qua lại và sự so bì. Thấy đứa con độc nhất của mình như thế, nhiều phụ huynh cảm thấy xót xa và lo sợ sau này con cái lớn lên không hiếu thảo với bố mẹ. Thực ra, vấn đề này liên quan tới tính cách của trẻ, điều quan trọng là phải khiến trẻ thấm thía, để trẻ từ trong thâm tâm hiểu được rằng cần phải quan tâm và yêu thương gia đình của mình. Bố mẹ, anh chị em là những người thân thiết nhất của trẻ, là những người hy sinh cho chúng nhiều nhất, vì vậy trẻ cần báo đáp lại tình yêu thương đó. Bố mẹ cần dùng lời nói và hành động để cảm hóa và tác động đến con cái.

Trong vấn đề tiêu tiền vì người nhà, việc giáo dục con cái bằng lời nói và hành động của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Cách Cách sẽ chủ động tặng quà cho người thân vào Ngày của mẹ, Ngày của cha và dịp Tết. Sau Tết năm 2009, gia đình anh trai đến nhà tôi chơi, Cách Cách muốn mời chị họ đi ăn KFC. Cách Cách biết mọi người không thích đi ăn KFC lắm, nên khi ông nội đi đón nó tại lớp học thêm, Cách Cách đòi ông nội đưa đến cửa hàng KFC và mua hai suất dành cho trẻ em. Ông nội thấy cháu muốn mua đồ vội lấy tiền ra thanh toán, Cách Cách nhất định không cho ông nội trả tiền và nói rằng: “Cháu mời chị ăn cơ mà, sao tiêu tiền của ông được ạ?” Về đến nhà, ông nội vội vàng giải thích về việc để cháu trả tiền và cảm thấy áy náy. Tôi liền nói với bố, việc Cách Cách làm như vậy là bình thường, vì trước đây con bé từng mời cả nhà đi ăn KFC. Sau việc này, mọi người nhìn Cách Cách với con mắt khác hẳn, đồng thời rất tán thành phương pháp dạy con kỹ năng quản lý tài chính của vợ chồng tôi.

Trong cuộc sống, tôi còn nghe một câu chuyện như thế này: Gần đến ngày sinh nhật mẹ, cô con gái nhỏ bỏ ra 10 tệ để mua cho mẹ một đôi bông tai và tự tay làm thiệp mừng sinh nhật. Trong bữa tối mừng sinh nhật, cô bé tặng mẹ món quà khiến bà cảm động rơi nước mắt. Từ trước đến giờ đều là bố mẹ mua quà sinh nhật cho con, đây là lần đầu tiên cô bé mua quà tặng mẹ, tuy giá trị không nhiều, nhưng là tấm lòng thơm thảo của con gái. Hơn nữa, đôi bông tai rất đẹp, là tiền cô bé dành dụm từ thù lao làm việc nhà. Cô bé còn nói với mẹ, khi đến cửa hàng lưu niệm và nói với nhân viên bán hàng rằng muốn mua quà sinh nhật cho mẹ, cô bán hàng thấy cô bé nhỏ tuổi như vậy đã biết mua quà tặng mẹ, cũng vô cùng cảm động, nên chỉ bán cho cô bé với giá gốc, chứ giá bán thực tế là 20 tệ.

Trong cuộc sống, không biết bao nhiêu lần những “kẻ ăn bám” đã làm tổn thương trái tim của cha mẹ. Một khi trẻ đã trở thành “kẻ ăn bám,” nhất định điều đó có liên quan tới cách dạy dỗ của bố mẹ. Tại sao con cái lại có tính ăn bám? Theo tôi có ba nguyên nhân chính: Một là khả năng kiếm tiền bị hạn chế; hai là coi ăn bám như chuyện đương nhiên; ba là xem trọng tiền bạc hơn tình thân. Loại người như vậy, không có tình cảm đối với người nhà, không có bạn bè, không có tình yêu. Một khi họ gặp khó khăn, sẽ chẳng có bạn bè nào muốn đứng ra giúp đỡ, hành vi của những người này sau đó cũng ảnh hưởng tới con cái họ. Những bậc phụ huynh, lúc còn trẻ thì làm “nô lệ của con cái”, đến khi về già lại bị con cái “ăn bám”, vậy khác gì bi kịch cuộc đời? Biện pháp tốt nhất là dạy cho con kỹ năng làm giàu từ thuở nhỏ, để khi trưởng thành chúng có thể tự lực cánh sinh và biết cảm kích ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ, có khả năng kiếm tiền và hiếu thảo với bố mẹ. Đây là vấn đề các bậc phụ huynh cần chú ý giáo dục trong quá trình con cái trưởng thành.

Ngày nay, đại đa số gia đình ở Trung Quốc chỉ có duy nhất một đứa con, trẻ không có anh chị em. “Cá tính riêng” của con một, đó là nếu không được dạy dỗ đến nơi đến chốn sẽ hình thành thói ích kỷ, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, các mối quan hệ xã hội và sự nghiệp của trẻ trong tương lai. Rất may thế hệ cha mẹ chúng vẫn có anh chị em ruột, anh chị em bên nội, bên ngoại. Phụ huynh nên cho con cái mình tăng cường giao lưu tình cảm với những đứa trẻ khác trong gia đình, dòng họ, quá trình này sẽ giúp trẻ biết yêu thương những người xung quanh. Điều này sẽ đặt cơ sở quan hệ xã hội rất tốt cho cuộc sống tương lai của trẻ.

Một số người cho rằng, dạy con xử lý các mối quan hệ giao tiếp từ quá sớm là việc làm phi thực tế? Vậy, với tư cách những người làm cha làm mẹ, chúng ta không cảm nhận được sức mạnh to lớn của các mối quan hệ giao tiếp trong đời sống hay sao? Chúng ta có cần thiết phải né tránh hay không? Các bạn không muốn thiết lập những mối quan hệ xã hội tốt đẹp hay sao? Chuyên gia xã hội học người Mỹ Breckenridge Carnegie sau một thời gian dài nghiên cứu đã đưa ra kết luận: “Kiến thức chuyên ngành chỉ quyết định 15% thành công của con người, 85% còn lại được quyết định bởi các mối quan hệ xã hội. ” Trung tâm nghiên cứu Stanford của Mỹ từng công bố kết quả điều tra: “Số tiền mà con người kiếm được, 12,5% đến từ kiến thức, 87,5% đến từ các mối quan hệ xã hội. ” Con số này có khiến bạn sửng sốt hay không? Tại Hollywood có một câu nói rất thịnh hành là: “Một người có thể thành công hay không, điều quan trọng không phải anh biết những gì (what do you know), mà là anh quen những ai (who do you know). ”

Quan hệ xã hội tốt là nguồn vốn và tài nguyên vô cùng quan trọng để phục vụ cho sự nghiệp của con cái chúng ta trong tương lai. Đường Tuấn – Giám đốc điều hành danh dự suốt đời của Microsoft khi được hỏi về lĩnh vực đầu tư cá nhân, ông có nói: “Các khoản đầu tư của tôi phần lớn không dựa vào đôi mắt, mà dựa vào các mối quan hệ xã hội. Sở dĩ có nhiều dự án thành công như vậy, chủ yếu do tôi kết thân với nhiều bạn bè bằng tình cảm chân thành. Những mối quan hệ tốt là tài sản lớn nhất của tôi. ” Con cái đã trưởng thành, sớm muộn gì cũng tách khỏi bố mẹ để bắt đầu cuộc sống tự lập, việc xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp sẽ đảm bảo cho cuộc sống tương lai của trẻ.

Tại Trung Quốc, thăm hỏi tâm tình là một trong những khâu quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa người với người, đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa. Mối quan hệ giữa người với người được hình thành trên cơ sở dòng họ, tổ tông và chủng tộc gọi là quan hệ huyết thống. Đây là hậu phương vững chắc, đại bản doanh cho cuộc sống và sự nghiệp của chúng ta. Bởi quan hệ huyết thống mang tính bền vững, không thể sao chép và thay thế. Trong quan hệ huyết thống, việc giúp đỡ nhau thậm chí mang tính bắt buộc, là nghĩa vụ, không thể thoái thác, là đạo nghĩa muôn thuở. Ngay từ lúc mới sinh ra, ông trời đã ban cho chúng ta mối quan hệ này, dù bạn muốn thay đổi cũng không thể được. Trên đường đời, khi muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì, điều thường nghĩ tới trước tiên là quan hệ huyết thống, người thân sẽ giúp đỡ chúng ta về mặt tinh thần, vật chất, sức người, sức của. Trên thực tế, không thể dùng tiền bạc để đong đếm giá trị của quan hệ huyết thống. Chúng ta nhất định phải nói điều này với con, để trẻ hiểu đúng về tầm quan trọng của quan hệ huyết thống.

Người Trung Quốc có câu: “Tình thân xuất phát từ mối quan hệ có đi có lại. ” Chúng ta nên dạy con tăng cường quan hệ với người thân và bạn bè. Câu tục ngữ: “Có đi có lại mới toại lòng nhau” để luôn nhắc nhở chúng ta rằng mối quan hệ và sự báo đáp luôn tồn tại một sợi dây gắn bó khăng khít. Một đứa trẻ biết báo đáp tình thân nhất định sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ huyết thống – đó là tình yêu thương và của cải.

Tổng kết chương 3

Trên thực tế, phụ huynh có thể tìm những phương pháp phù hợp để hướng dẫn con cái nhận biết, hiểu và sử dụng tiền. Trong quá trình đó, cha mẹ đừng quá kỳ vọng con cái ngay lập tức có thể đạt đến mức độ lý tưởng mà mình mong muốn, đây cũng là quá trình trưởng thành của trẻ. Những lúc như vậy, nếu tinh thần chúng ta cảm thấy không vui vẻ hoặc lúng túng cũng là chuyện bình thường, đó chỉ là những khó khăn nhất thời, chớ đừng chụp mũ, thậm chí bắt ép con cái sửa sai. Mọi việc phải làm từ từ, trẻ em chưa có khả năng nhận biết và xử lý vấn đề, trong mắt chúng, mọi việc chúng làm đều đúng, thử nhớ lại hồi nhỏ chúng ta chẳng phải đều như vậy hay sao? Đây là chuyện thường tình, một số phụ huynh hay dựa trên tiêu chuẩn và ý nghĩ chủ quan của mình để đánh giá việc con cái làm là tốt hay xấu, như vậy là sai. Chẳng lẽ những tiêu chuẩn do chính chúng ta đặt ra đều đúng hay sao? Hướng dẫn trẻ một cách từ tốn, từng bước một, đó mới là phương pháp tối ưu, đừng quên rằng quá trình này chính là một phần của giáo dục tình thân, điều quan trọng nhất là đem đến cho cả gia đình một không khí vui tươi.

Bình luận