Hai Năm Trên Hoang Đảo

Tác giả : Jules Verne
  • Lượt đọc : 516
  • Kích thước : 1.85 MB
  • Số trang : 353
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 295
  • Số lượt xem : 2.256
  • Đọc trên điện thoại :
Một sự cố xảy ra trong đêm tối – du thuyền Sloughi mất tích và trôi dạt vào Thái Bình Dương, mang theo mười lăm cậu bé từ tám đến mười bốn tuổi, không một cơ may được cứu giúp cũng chẳng có người lớn nào để cậy trông. Vừa thoát khỏi bão tố và những con sóng dữ của đại dương, du thuyền lại dạt vào một miền đất hoang sơ, bí ẩn. Kì nghỉ hè mơ ước bỗng chốc hóa thành một "trường học" sinh tồn gian khổ: các cậu bé phải tự xoay xở để kiếm cái ăn, chốn ở và sống sót qua bao thử thách, hiểm nguy với hi vọng mong manh được thấy lại quê nhà.

Hai năm trên hoang đảo của Jules Verne trước hết là một cuộc phiêu lưu kì thú mở ra bao điều mới lạ về thế giới tự nhiên, đồng thời khơi gợi khao khát trưởng thành và ý chí tự lập ở các em nhỏ. Nhưng nhìn rộng ra, đây cũng là bức tranh thu nhỏ về công cuộc thám hiểm và chinh phục những vùng đất mới từng là một chương quan trọng trong lịch sử loài người. Qua đó, độc giả có dịp hiểu thêm về mối quan hệ giữa con người nhỏ bé nhưng giàu trí khôn và nghị lực với thiên nhiên kì vĩ, đôi khi khắc nghiệt nhưng hào phóng vô cùng.

***

Đã có nhiều Robinson khơi dậy lòng hiếu kì của các bạn đọc trẻ. Đó là một người đàn ông trong tác phẩm bất hủ Robinson Crusoe của Daniel Defoe, là một gia đình trong Robinson Thụy Sĩ* của Wyss, là một nhóm người trong Miệng núi lửa của Cooper, là một nhóm bác học trong Hòn đảo huyền bí của tôi. Người ta còn tưởng tượng ra Robinson mười hai tuổi, Robinson miền băng giá, Robinson thiếu nữ v.v. Mặc dầu đã có vô số truyện Robinson như vậy, tôi vẫn thấy cần thêm vào cho đầy đủ một nhóm trẻ em từ tám đến mười ba tuổi, bơ vơ trên một hòn đảo, phải vật lộn để sống còn giữa những thiên kiến do sự khác biệt về dân tộc, tóm lại, một kí túc xá những Robinson.

Tác phẩm này đã có bản dịch tiếng Việt với nhan đề Lớn lên trên đảo vắng. (Sau đây các chú thích không có ghi chú gì thêm đều của người dịch).

Mặt khác, trong truyện Thuyền trưởng mười lăm tuổi, tôi đã cố gắng chứng tỏ những gì một cậu bé, bằng lòng dũng cảm, trí thông minh, với ý thức trách nhiệm cao hơn lứa tuổi, có thể làm được để vượt qua bao gian khó, hiểm nguy. Nên tôi nghĩ rằng nếu đó là bài học bổ ích thì cũng cần được bổ sung cho hoàn mĩ hơn.

Tác phẩm này ra đời nhằm mục đích kép ấy.

Jules Verne
***

Jules Gabriel Verne sinh ngày 8 tháng 2 năm 1828 tại Pháp và được coi là cha đẻ của thể loại Khoa học viễn tưởng.

Để theo đuổi việc viết văn, Jules Verne đã bỏ học luật, nghề cha ông định hướng. Cuốn tiểu thuyết đầu tay thành công Năm tuần trên khinh khí cầu (1863) đã mở đầu cho hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng về sau của Jules Verne như Cuộc Thám Hiểm Vào Lòng Đất (1864), Hai vạn dặm dưới biển (1870), 80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới (1873)… Các tác phẩm của ông được dịch khắp nơi trên thế giới.

Jules Verne mất ngày 24 tháng 3 năm 1905. Sau khi ông qua đời, nhiều tiểu thuyết chưa in của ông vẫn được tiếp tục xuất bản.

- Ông là nhà văn Pháp nổi tiếng, được coi là người khai sinh ra thể loại văn học Khoa học viễn tưởng.

- Tác phẩm của ông được dịch nhiều thứ ba trên thế giới và được chuyển thể thành phim nhiều lần.

- Danh tiếng ấy chắc hẳn đã là đẹp đẽ lắm rồi. Tuy nhiên ông còn xứng đáng được nhiều hơn thế. Và thật không công bằng khi chúng ta kể lại lịch sử văn học của thời đại này mà không đặt tiểu thuyết gia có lẽ là có tính sáng tạo bậc nhất vào một vị thế đúng đắn.

- Ông đã dùng phòng thí nghiệm và kính viễn vọng để viết tiểu thuyết phiêu lưu. Ông không chỉ ghi lại quá trình các nhà bác học tạo nên những phát minh lớn, mà còn tiên đoán chúng. Đọc những tác phẩm cùa ông, ta có thể nhận thấy những mâu thuẫn vì trong số những ý tưởng khoa học còn có những kiến phát chưa thể xác minh. Và bỗng dưng năm sau, hoặc vài năm sau, những giả thuyết mà ông đặt ra mà đôi khi thậm chí ông còn không tin, đã trở thành sự thật, một cách hoàn toàn chính xác. Những nhà bác học đã hoàn toàn đồng tình với ý tưởng của ông, hay nói cách khác, ông đã đi trước họ!..

- Trước đây, người ta vẫn đặt câu hỏi liệu khoa học thực sự có đi ngược hướng với trí tưởng tượng văn chương hay không. Các nhà triết học thì đồng tình, lules Verne chứng minh điều ngược lại qua hành động. Ông dùng chất liệu khoa học để xây dựng nên những câu chuyện hấp dẫn, những cuộc phiêu lưu lôi cuốn.

***

I
Trận bão - Con tàu bị hư hỏng - Bốn chú bé trên boong tàu Sloughi - Buồm trước rách tả tơi - Trong khoang tàu - Chú học việc thủy thủ bị chẹt cổ gần chết - Sóng đánh đuôi tàu - Thấy đất qua sương mù - Bãi đá ngầm
Đêm mùng 9 tháng 3 năm 1860, mây rà sát mặt nước, tầm nhìn xa chỉ vài sải tay. Biển động, sóng dậy dồn dập chiếu ra một thứ ánh sáng nhợt nhạt, một con tàu nhỏ gần như không giương buồm lao nhanh.

Đó là một du thuyền trọng tải một trăm tấn mà người Anh, người Mỹ gọi là “schooner”.

Tên chiếc schooner này là Sloughi. Nhưng giờ thì đừng hoài công tìm tên ấy vì tấm biển đề đã bị một sự cố - sóng đánh hay một cú va đập mạnh - làm vỡ ra từng mảnh rồi.

Đã 11 giờ đêm. Ở vĩ độ này vào đầu tháng 3, đêm hãy còn ngắn. Đến 5 giờ sáng thì trời hửng. Nhưng liệu ánh mặt trời có làm giảm bớt hiểm nguy đang đe dọa con tàu không? Nếu sóng dịu xuống, gió lặng đi thì chắc nó sẽ không bị đắm, một tai nạn khủng khiếp nhất ở giữa đại dương, xa mọi mảnh đất, nơi những người sống sót có hi vọng được cứu giúp.

Ở cuối tàu, bên bánh lái có ba chú bé, một chú mười bốn tuổi, hai chú kia cùng mười ba với một chú da đen học việc thủy thủ mười hai tuổi. Các chú hợp sức cố giữ cho tàu khỏi chệch hướng quay ngang. Công việc thật khó nhọc vì bánh lái cứ cưỡng lại, muốn quay ngược, có thể hất bay các chú qua thành tàu. Đã thế, gần nửa đêm, một con sóng trùm qua boong, đập mạnh vào sườn tàu đến nỗi các chú không bị văng mất đã là một sự thần kì. Cú đập làm các chú ngã nhưng đứng dậy được ngay.

- Còn lái được không, Briant? - Một cậu hỏi.

- Còn, Gordon ạ. - Briant đã trở về vị trí và bình tĩnh trả lời, rồi nói với cậu thứ ba. - Chúng mình phải vững vàng, Doniphan ạ! Phải dũng cảm vì bọn mình phải cứu mấy đứa kia.

Briant nói bằng tiếng Anh, nhưng cách phát âm cho thấy cậu là người Pháp.

Quay sang chú tập sự thủy thủ, cậu hỏi:

- Mày có bị thương không, Moko?

- Thưa cậu* không sao, - Moko trả lời. - Cần nhất bây giờ là giữ cho tàu gối lên sóng, không chệch hướng quay ngang, không thì chúng ta sẽ chìm nghỉm ngay!

Vào thời ấy, tệ phân biệt chủng tộc da trắng, da màu rất nặng nề. Nguyên văn tiếng Pháp là “monsieur Briant”, đúng ra phải dịch là “thưa ông Briant”. Người dịch tạm dùng chữ “cậu” cho nhẹ bớt.

Vừa lúc ấy, ca pô cầu thang xuống phòng khách du thuyền bật mở, hai cái đầu bé bỏng nhô lên mặt boong cùng một con chó dễ thương sủa mấy tiếng.

- Anh Briant!… Anh Briant!… Chuyện gì thế? - Một chú bé chín tuổi gào lên.

- Không, Iverson, chẳng có chuyện gì cả, - Briant đáp - em với Dole xuống ngay đi… nhanh lên!

- Là vì chúng em sợ quá! - Chú nhóc thứ hai còn non tuổi hơn nói thêm.

- Còn những đứa kia? - Doniphan hỏi.

- Những đứa kia cũng sợ! - Dole trả lời.

- Thôi, các em xuống cả đi! - Briant nói - Đóng chặt cửa lại, trùm kín chăn, nhắm mắt vào là hết sợ thôi! Chẳng có gì nguy hiểm đâu.

- Chú ý! Lại sóng lớn! - Moko thét.

Đuôi tàu bị đập mạnh. May sao sóng không trùm lên boong, nếu không nước sẽ qua ca pô cầu thang ùa vào, tàu nặng lên sẽ không đè trên sóng được.

- Xuống ngay! Nếu không thì… liệu hồn! - Doniphan quát.

- Thôi nào! Về buồng đi các em! - Briant nói, giọng ôn tồn hơn.

Hai cái đầu vừa thụt xuống thì một cậu bé khác xuất hiện:

- Briant! Có cần chúng mình không?

- Không! Baxter, bốn chúng tớ là đủ, Cross, Webb, Service, Wilcox và cậu, các cậu ở lại với các em bé.

Baxter sập ca pô xuống.

“Những đứa kia cũng sợ!” Dole đã nói thế.

Chẳng lẽ chỉ có toàn trẻ em trong con tàu đang bị cuốn theo gió bão này sao? Đúng, toàn là trẻ em! Bao nhiêu? Mười lăm đứa, kể cả Gordon, Briant, Doniphan và chú thủy thủ tập sự. Vậy các em xuống tàu trong hoàn cảnh nào? Ta sẽ sớm biết thôi.

Và trên tàu không có một người lớn, không có thuyền trưởng để chỉ huy, không có một thủy thủ nào để sử dụng các thiết bị, không có một người lái nào để lái tàu hay sao? Không! Không có một ai!

Vì thế, không ai trên tàu biết vị trí chính xác của tàu trên đại dương này! Mà là đại dương nào? Đại dương lớn nhất, Thái Bình Dương trải rộng hai nghìn dặm từ bờ biển Australia và New Zealand tới tận bờ biển Nam Mỹ.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Tai họa nào đã làm thủy thủ đoàn biến mất? Phải chăng cướp biển Mã Lai đã bắt tất cả, để mặc đám hành khách trẻ con này, mà đứa lớn nhất mới suýt soát mười bốn tuổi, tự xoay xở lấy? Chiếc du thuyền một trăm tấn ít ra phải có một thuyền trưởng, một thủy thủ trưởng và năm, sáu người nữa. Thế mà cả cái bộ sậu tối thiểu để vận hành con tàu chỉ còn lại chú thủy thủ tập sự!… Cuối cùng, du thuyền từ đâu tới, từ vùng biển nào của Australia hay quần đảo nào của châu Đại Dương, đã đi từ bao lâu và định tới đâu? Bất cứ thuyền trưởng nào gặp tàu Sloughi ở vùng biển khơi này cũng sẽ hỏi như vậy và chắc chắn là bọn trẻ sẽ trả lời được. Nhưng có tàu thuyền nào đâu. Tàu viễn dương thường qua lại các vùng biển châu Đại Dương cũng chẳng thấy, mà tàu buôn chạy bằng máy hơi nước hoặc chạy bằng buồm, thường có hàng trăm chiếc từ châu Âu hoặc châu Mỹ sang các hải cảng Thái Bình Dương cũng không gặp chiếc nào. Mà dẫu có một con tàu khỏe có động cơ hoặc hệ thống buồm đi chăng nữa thì thủy thủ cũng phải tập trung chống bão, cứu sao được chiếc du thuyền đang nhấp nhô trên mặt biển như mảnh vỡ của một con tàu!