Sông Côn mùa Lũ - Tập 4

Tác giả : Nguyễn Mộng Giác
  • Lượt đọc : 342
  • Kích thước : 1.04 MB
  • Số trang : 188
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 244
  • Số lượt xem : 1.486
  • Đọc trên điện thoại :
Sông Côn là con sông chảy qua vùng đất Tây Sơn quê hương của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Anh Nguyễn Mộng Giác là người cùng quê với người anh hùng - nhân vật tiểu thuyết đó của anh. Đấy cũng là một lợi thế để anh có những tình cảm và hiểu biết đặng viết về biến cố lịch sử quan trọng nhất của thế kỷ 18 đó. Nhưng không phải chỉ có thế. Để viết về lịch sử, dĩ nhiên là tác giả thông hiểu lịch sử. Nhưng đây không phải là sử học ở chỗ sử học tạm ngừng bút (vì thật ra nó chưa bao giờ thực sự ngừng bút) thì tiểu thuyết bắt đầu. Tiểu thuyết là lĩnh vực của cái có thể, của tưởng tượng, tất nhiên là sự tưởng tượng ở đây bị chế ước bởi tình cảm và sự nhận thức về lịch sử.
Sông Côn mùa lũ (1) lần đầu tiên trong văn chương Việt Nam, làm một trường thiên về lịch sử thế kỷ 18. Tác phẩm rất hấp dẫn, trước hết là vì phẩm chất văn học của nó. Các sử sự thì ta đã biết cả rồi nhưng những tình cảm, những thôi thúc nội tâm, những suy tưởng, những quan hệ giữa con người với con người trải dài qua một biến cố lớn lao thì đây là đầu ta tiếp xúc. Và sự phong phú của nó, vẻ đẹp của nó...lôi cuốn ta, lôi cuốn những người yêu lịch sử dân tộc, yêu con người Việt Nam nhân ái và quả cảm. Ở đây Nguyễn Huệ đã được mô tả thành công như đã có trong sử sách: anh hùng đến mức xuất sắc, thiên tài, nhưng không phải anh hùng một cách đơn giản, tự nhiên nhi nhiên, mà có những suy tưởng, trăn trở có hàm lượng trí tuệ, triết học - lịch sử cao làm động cơ bên trong của những hành động. Nguyễn Huệ bình dị trong đời thường, cũng có những cái bị ràng buộc bởi xã hội: anh yêu An sâu thẳm, thiết tha biết bao nhiêu, nhưng rồi anh phải lấy người khác, và An thì cũng vậy. Thành công nhất là tuyến nhân vật hư tưởng, tuyến nhân vật “đời thường”, “thế sự”, cái hồn, cái nền, cái thẳm sâu... của tiểu thuyết lịch sử. Xét cho cùng, tiểu thuyết lấy đề tài lịch sử phải giải quyết một nhiệm vụ kép; nói như Chế Lan Viên có lần nói về chuyện này: “nó phải nhảy qua hai vòng lửa”: vòng lửa “lịch sử” và vòng lửa “tiểu thuyết”. Trước mắt nhà văn bao giờ cũng là những con người với những ràng buộc qua những biến cố lịch sử và qua chính mình. Về tuyến nhân vật này, thành công lớn nhất của tác giả là An. Tôi ít đọc được trong tiểu thuyết mình một nhân vật nữ nào quyến rũ, thương mến, Việt Nam như An. An là người phụ nữ Việt Nam của mọi thời biến động, nhẫn nại, yêu thương, đi hết số phận mình và phong phú, đẹp đẽ biết bao trong nội tâm.Có thể nói, tác giả đã gởi vào An rất nhiều những thể nghiệm, những suy tưởng... về người phụ nữ Việt Nam - người gánh lịch sử, đất nước, chồng con... trên đôi vai bé nhỏ, yếu đuối của mình. Có thể nói An là cái “nguyên lý thi học”, cái thước đo thử nghiệm của tác phẩm. Điều thú vị là An đã làm say mê bao bạn gái của nàng thời nay: sau khi Sông Côn mùa lũ in lần thứ nhất, đã có nhiều bạn đặt tên con mình là An (Khánh An, Bình An,...) như một kỷ niệm. Tiểu thuyết đã đi được vào người đọc, vào cuộc đời. Bên cạnh đó, là những nhân vật như Lợi, Lãng, Kiên, Chinh... Họ cũng được tác giả xây dựng thành công với những nét tính cách khác biệt, những gởi gắm về triết lý cuộc đời, triết lý lịch sử: người thì trung thực, vô tư, “nghệ sĩ”, người thì chịu đựng nhẫn nại... Thông qua các nhân vật, hành động và suy tưởng của họ mà cuộc đời - lịch sử được hiển hiện với bao hấp dẫn, say mê, nghĩ ngợi... Toàn bộ tuyến nhân vật “hư tưởng” này (thực ra thì các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết này cũng là “hư tưởng” của tác giả), quả đã là một sáng tạo mới góp phần làm cho cuốn tiểu thuyết đáng mặt là tiểu thuyết theo cái nghĩa cổ điển của từ này.

Ngoài những thành công về nhân vật, về ngôn ngữ, về dựng cảnh, về phát triển tình tiết...tác phẩm bao quát một cái nhìn đúng và sâu về dòng chảy của lịch sử về sự phát triển của dân tộc - một cái nhìn đáng yêu và rất dễ chia sẻ.

Nguyễn Mộng Giác đã viết tác phẩm này lúc còn ở trong nước vào những năm 1978-1981 với những cố gắng rất cao (2). Chúng tôi thấy vui khi thấy có một nhà văn đã dám bỏ nhiều công phu, tâm huyết và tài năng để dựng một bộ tiểu thuyết trường thiên về một người anh hùng dân tộc, về một thời đại lịch sử mà chúng ta mãi yêu mến, tự hào và luôn luôn muốn hiểu biết sâu thêm. Và có thể nói rằng tác giả đã thành công. Với sự giúp đỡ của nhiều bạn bè và tổ chức, cuối cùng Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học đã làm được điều chúng tôi mong mỏi: đưa được tới tay bạn đọc một bộ sách hay, bổ ích, có nhiều ý nghĩa, một tác phẩm rất cần có trong hành trang văn hóa của mỗi người Việt Nam chúng ta trong lúc này. “Mỗi một cuốn sách có số phận riêng của mình”, câu châm ngôn Latinh đó thực đúng với tác phẩm này. Từ quê hương Việt Nam ra đi, nó lại trở về quê hương, nơi chắc chắn nó sẽ được yêu mến và trân trọng. Vì nó chính là những tình cảm cội nguồn với quê hương, đất nước, tổ tiên không dễ gì phai nhạt.

Hy vọng rằng trong bộ sách này dù dài trên 2000 trang sẽ được bạn đọc sẵn lòng dành thì giờ cho nó, và, chúng tôi tin chắc rằng các bạn sẽ không có điều gì ân hận khi phải “mất công” đọc nó...

Mai Quốc Liên, GS-TS Văn học

Thuộc bộ sách