Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đề tài về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn như một dòng chảy không ngừng trong đời sống văn học nước nhà. Vì sao dân tộc Việt Nam đã dám đánh và đã đánh thắng một kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất phe đế quốc, quân đông, vũ khí, trang bị kỹ thuật hơn mình gấp nhiều lần? Rất nhiều công trình khoa học, tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh, trong đó có những tác phẩm của những người đã trực tiếp chứng kiến và tham gia cuộc chiến đã nghiên cứu, tái hiện, luận giải các chiều cạnh của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, kết thúc thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta. Và Thời tôi sống của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã góp thêm một lời giải cho câu hỏi đó.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 1966 - 1967, Trần Mai Hạnh trở thành phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Phòng, thành phố cảng bị máy bay Mỹ dội bom, đánh phá ác liệt nhất. Hai năm 1968 - 1969, ông là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng), một trong những chiến trường vô cùng ác liệt. Thời gian này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Hạnh. Ông đã được kết nạp Đảng tại mặt trận. Phần lớn thời gian ông sống với bộ đội, với bà con tại các xã thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Hòa Vang - nơi các lực lượng vũ trang của ta đứng chân mở các cuộc tấn công vào các căn cứ liên hiệp quân sự của Mỹ, ngụy và chư hầu tại Đà Nẵng. Đặc biệt ông đã hai lần phải cùng với các chiến sĩ và đồng đội chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Gần 60 ngày đêm cận kề với cái chết, tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" đã giúp ông thấu hiểu các cung bậc tàn khốc của chiến tranh và khát vọng chiến thắng, thống nhất đất nước. Trong bức thư gửi cho người yêu, Trần Mai Hạnh đã bộc bạch: “Mặt trận và những trận chiến đấu khốc liệt đã đón anh ngay từ những ngày đầu. Anh đi chiến dịch, lăn lộn với các chiến sĩ, lấy tài liệu, suy nghĩ, viết lách được rất nhiều và trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng những khát vọng về cuộc sống sự nghiệp và cả những con đường đi. Anh thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Một cuộc sống thật nghiêm khắc, rèn giũa con người chẳng khác gì một cuộc lột xác” (Dẫu giọt sương rơi...).
Cuối năm 1969, ông được điều ra Hà Nội chữa bệnh và nhận công tác mới.
Đầu năm 1975, Trần Mai Hạnh được cử làm phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bám sát các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập, Trần Mai Hạnh cảm nhận được đầy đủ khí thế tiến công và chiến thắng của dân tộc. Cũng chính trong thời gian này, ông có cơ may được tiếp cận với kho tư liệu quý của chính quyền Sài Gòn sau ngày sụp đổ, gặp gỡ tìm hiểu về những nhân chứng lịch sử. Đây là chất liệu vô giá làm nên những trang viết sống động về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mang đến cho người đọc cảm nhận về sức nóng và hơi thở phập phồng của những sự kiện lịch sử mà ông đã dày công tái hiện, phục dựng.
Cùng sự “lên ngôi” của dòng văn học tư liệu, mấy năm vừa qua, Trần Mai Hạnh đã cho ra mắt độc giả hai cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và Lời tựa một tình yêu, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Trong các tác phẩm viết về chiến tranh khi ở chiến trường của Trần Mai Hạnh, có những tác phẩm đã được công bố hoặc được công bố một phần và cũng có những tác phẩm vẫn nằm trong các tập bản thảo. Thời tôi sống ra mắt bạn đọc lần này gồm 16 tác phẩm là truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, nhật ký ghi chép về chiến tranh, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà những năm 1968 - 1969, 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970 - 1975.
Dưới ngòi bút của Trần Mai Hạnh, chiến tranh hiện lên ác liệt, tàn khốc đến tột cùng, thách thức mọi giới hạn của sức chịu đựng mà con người có được. Chiến trường Quảng Đà đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, chất độc hóa học hủy diệt sự sống rải xuống khắp nơi. Ở đây, đói rét, bệnh tật, thương vong cái chết... là chuyện thường ngày. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một hơi thở. Không khí chết chóc bao trùm. “Ban đêm cũng như ban ngày, không gian chật ních tiếng các loại tàu rà, trực thăng bay sát rạt ngọn cây, chật ních tiếng đạn pháo, tiếng bom bi” (Những mảnh trời xao xuyến). Cái nhịp điệu của chiến tranh như pháo dập, bom vùi, đạn réo, súng nổ, máu chảy, chết chóc,... cứ lặp đi, lặp lại qua các tác phẩm trong Thời tôi sống làm thời gian căng ra như một sợi dây đàn.
Bằng thủ pháp tương phản, tác giả đã khắc họa tính điển hình của cuộc đọ sức giữa cái chết và sự sống; giữa vũ khí hiện đại và tinh thần kiên cường, mưu trí; giữa tội ác hủy diệt và sức chịu đựng vô bờ bến;... Trên cái phông nền chiến tranh khốc liệt, tác giả đã làm nổi bật sức mạnh vô song của những con người chiến đấu vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Những con người chân chất, mộc mạc, bình dị như anh Đấu trong truyện ngắn Anh Đấu, chị Nắng trong Nắng Thu Bồn, mẹ Tư trong Như thể là tình yêu, chị Sao trong Sao Bắc Đẩu, chị Hoa trong Trời sáng trong mưa, chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong Côn Đảo một ngày tháng Bảy, anh Miêng trong Câu chuyện về một bản hợp xướng... sinh ra không phải để làm anh hùng nhưng khi đối mặt với quân thù họ lại có “sức mạnh Phù Đổng” phi thường khiến kẻ thù khiếp sợ. Cuộc chiến không chỉ diễn ra giữa ta với địch, mà còn âm thầm bên trong mỗi con người. Ông viết: “Cái chết rình rập, giăng bẫy khắp nơi nhưng con người vẫn tự tin đi tới. Hơn ở đâu hết, con người được giao phó đến cao độ vận mệnh của chính mình. Những giây phút trung tâm của cuộc sống mình anh phải tự quyết định lấy tất cả - tiến lên hay lùi lại, can đảm hay hèn nhát, sống hay chết, trung thành hay phản bội...” (Những mảnh trời xao xuyến).
Tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng là ánh sáng xuyên suốt các câu chuyện trong Thời tôi sống. Chiến tranh có tàn khốc bao nhiêu cũng không thể vùi dập được sức sống mãnh liệt. Tác giả viết: “Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngời một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...” (Dẫu giọt sương rơi...).
Cũng chính trong bom rơi đạn nổ đó, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào; tình yêu nam nữ ấm áp đã tiếp thêm nghị lực để vượt qua muôn vàn gian khó. Tình yêu giữa Đấu và Nhàn (Anh Đấu), Hà và Hải (Suối đầu mùa), Trung và Sao (Sao Bắc Đẩu), Lâm và Hoa (Trời sáng trong mưa), Châu và Tư (Côn Đảo một ngày tháng Bảy),... làm người đọc xúc động mạnh mẽ. Mỗi tình yêu là một câu chuyện, nhưng họ đều có điểm chung đó là tình yêu của những người cùng chiến tuyến, cùng chung lý tưởng, đều đặt tình yêu riêng vào trong tình yêu rộng lớn với quê hương, đất nước.
Cũng giống như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và Lời tựa một tình yêu, những tác phẩm trong Thời tôi sống không có sự phân biệt rạch ròi về thể loại. Ở đây, văn chương và báo chí đan quyện với nhau một cách hài hòa và nhuần nhuyễn. Hiện thực chiến tranh được tác giả dựng lại chân thực như một cuốn phim tài liệu. Không hư cấu, hoặc rất ít hư cấu, nhưng những tình tiết trong từng tác phẩm vẫn hiện lên đầy sức lôi cuốn người đọc. Hiện thực hấp dẫn như vốn nó đã có. Điều làm nên sự hấp dẫn của những câu chuyện trong Thời tôi sống có lẽ bắt nguồn từ chính hiện thực của cuộc sống, từ khả năng phát hiện vấn đề, lựa chọn góc nhìn, sự cảm nhận và cách kể chuyện tinh tế của Trần Mai Hạnh.
Trong Lời tác giả, Trần Mai Hạnh bày tỏ sự “hàm ơn sâu sắc khi bạn đọc dành chút thời gian cho Thời tôi sống”. Nhưng chắc chắn rằng, sau khi đọc xong tác phẩm này, bạn đọc cũng sẽ cảm ơn ông, bằng tâm huyết, tài năng, vốn sống và sức lao động không mệt mỏi đã viết nên những trang văn rung động sâu xa và đầy ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng, thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 6 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 1966 - 1967, Trần Mai Hạnh trở thành phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Phòng, thành phố cảng bị máy bay Mỹ dội bom, đánh phá ác liệt nhất. Hai năm 1968 - 1969, ông là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Đà (Bắc Quảng Nam - Đà Nẵng), một trong những chiến trường vô cùng ác liệt. Thời gian này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Hạnh. Ông đã được kết nạp Đảng tại mặt trận. Phần lớn thời gian ông sống với bộ đội, với bà con tại các xã thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên và Hòa Vang - nơi các lực lượng vũ trang của ta đứng chân mở các cuộc tấn công vào các căn cứ liên hiệp quân sự của Mỹ, ngụy và chư hầu tại Đà Nẵng. Đặc biệt ông đã hai lần phải cùng với các chiến sĩ và đồng đội chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Gần 60 ngày đêm cận kề với cái chết, tận mắt chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh quả cảm của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" đã giúp ông thấu hiểu các cung bậc tàn khốc của chiến tranh và khát vọng chiến thắng, thống nhất đất nước. Trong bức thư gửi cho người yêu, Trần Mai Hạnh đã bộc bạch: “Mặt trận và những trận chiến đấu khốc liệt đã đón anh ngay từ những ngày đầu. Anh đi chiến dịch, lăn lộn với các chiến sĩ, lấy tài liệu, suy nghĩ, viết lách được rất nhiều và trong lòng lúc nào cũng cháy bỏng những khát vọng về cuộc sống sự nghiệp và cả những con đường đi. Anh thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Một cuộc sống thật nghiêm khắc, rèn giũa con người chẳng khác gì một cuộc lột xác” (Dẫu giọt sương rơi...).
Cuối năm 1969, ông được điều ra Hà Nội chữa bệnh và nhận công tác mới.
Đầu năm 1975, Trần Mai Hạnh được cử làm phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bám sát các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập, Trần Mai Hạnh cảm nhận được đầy đủ khí thế tiến công và chiến thắng của dân tộc. Cũng chính trong thời gian này, ông có cơ may được tiếp cận với kho tư liệu quý của chính quyền Sài Gòn sau ngày sụp đổ, gặp gỡ tìm hiểu về những nhân chứng lịch sử. Đây là chất liệu vô giá làm nên những trang viết sống động về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mang đến cho người đọc cảm nhận về sức nóng và hơi thở phập phồng của những sự kiện lịch sử mà ông đã dày công tái hiện, phục dựng.
Cùng sự “lên ngôi” của dòng văn học tư liệu, mấy năm vừa qua, Trần Mai Hạnh đã cho ra mắt độc giả hai cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và Lời tựa một tình yêu, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. Trong các tác phẩm viết về chiến tranh khi ở chiến trường của Trần Mai Hạnh, có những tác phẩm đã được công bố hoặc được công bố một phần và cũng có những tác phẩm vẫn nằm trong các tập bản thảo. Thời tôi sống ra mắt bạn đọc lần này gồm 16 tác phẩm là truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, nhật ký ghi chép về chiến tranh, trong đó 12 tác phẩm viết ở chiến trường Quảng Đà những năm 1968 - 1969, 4 tác phẩm viết trong giai đoạn 1970 - 1975.
Dưới ngòi bút của Trần Mai Hạnh, chiến tranh hiện lên ác liệt, tàn khốc đến tột cùng, thách thức mọi giới hạn của sức chịu đựng mà con người có được. Chiến trường Quảng Đà đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, chất độc hóa học hủy diệt sự sống rải xuống khắp nơi. Ở đây, đói rét, bệnh tật, thương vong cái chết... là chuyện thường ngày. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một hơi thở. Không khí chết chóc bao trùm. “Ban đêm cũng như ban ngày, không gian chật ních tiếng các loại tàu rà, trực thăng bay sát rạt ngọn cây, chật ních tiếng đạn pháo, tiếng bom bi” (Những mảnh trời xao xuyến). Cái nhịp điệu của chiến tranh như pháo dập, bom vùi, đạn réo, súng nổ, máu chảy, chết chóc,... cứ lặp đi, lặp lại qua các tác phẩm trong Thời tôi sống làm thời gian căng ra như một sợi dây đàn.
Bằng thủ pháp tương phản, tác giả đã khắc họa tính điển hình của cuộc đọ sức giữa cái chết và sự sống; giữa vũ khí hiện đại và tinh thần kiên cường, mưu trí; giữa tội ác hủy diệt và sức chịu đựng vô bờ bến;... Trên cái phông nền chiến tranh khốc liệt, tác giả đã làm nổi bật sức mạnh vô song của những con người chiến đấu vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Những con người chân chất, mộc mạc, bình dị như anh Đấu trong truyện ngắn Anh Đấu, chị Nắng trong Nắng Thu Bồn, mẹ Tư trong Như thể là tình yêu, chị Sao trong Sao Bắc Đẩu, chị Hoa trong Trời sáng trong mưa, chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư trong Côn Đảo một ngày tháng Bảy, anh Miêng trong Câu chuyện về một bản hợp xướng... sinh ra không phải để làm anh hùng nhưng khi đối mặt với quân thù họ lại có “sức mạnh Phù Đổng” phi thường khiến kẻ thù khiếp sợ. Cuộc chiến không chỉ diễn ra giữa ta với địch, mà còn âm thầm bên trong mỗi con người. Ông viết: “Cái chết rình rập, giăng bẫy khắp nơi nhưng con người vẫn tự tin đi tới. Hơn ở đâu hết, con người được giao phó đến cao độ vận mệnh của chính mình. Những giây phút trung tâm của cuộc sống mình anh phải tự quyết định lấy tất cả - tiến lên hay lùi lại, can đảm hay hèn nhát, sống hay chết, trung thành hay phản bội...” (Những mảnh trời xao xuyến).
Tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng là ánh sáng xuyên suốt các câu chuyện trong Thời tôi sống. Chiến tranh có tàn khốc bao nhiêu cũng không thể vùi dập được sức sống mãnh liệt. Tác giả viết: “Nhiều vùng rộng lớn bị B52, chất độc hóa học và xe ủi biến thành vùng trắng. Không còn một cái nhà, một tấm tranh nào không bị đốt cháy. Tất cả mọi sinh hoạt ăn ở, nấu nướng, hội họp, yêu nhau đều ở dưới hầm. Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu... đâu đâu cũng ngời ngời một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta...” (Dẫu giọt sương rơi...).
Cũng chính trong bom rơi đạn nổ đó, tình đồng chí, đồng đội, đồng bào; tình yêu nam nữ ấm áp đã tiếp thêm nghị lực để vượt qua muôn vàn gian khó. Tình yêu giữa Đấu và Nhàn (Anh Đấu), Hà và Hải (Suối đầu mùa), Trung và Sao (Sao Bắc Đẩu), Lâm và Hoa (Trời sáng trong mưa), Châu và Tư (Côn Đảo một ngày tháng Bảy),... làm người đọc xúc động mạnh mẽ. Mỗi tình yêu là một câu chuyện, nhưng họ đều có điểm chung đó là tình yêu của những người cùng chiến tuyến, cùng chung lý tưởng, đều đặt tình yêu riêng vào trong tình yêu rộng lớn với quê hương, đất nước.
Cũng giống như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 và Lời tựa một tình yêu, những tác phẩm trong Thời tôi sống không có sự phân biệt rạch ròi về thể loại. Ở đây, văn chương và báo chí đan quyện với nhau một cách hài hòa và nhuần nhuyễn. Hiện thực chiến tranh được tác giả dựng lại chân thực như một cuốn phim tài liệu. Không hư cấu, hoặc rất ít hư cấu, nhưng những tình tiết trong từng tác phẩm vẫn hiện lên đầy sức lôi cuốn người đọc. Hiện thực hấp dẫn như vốn nó đã có. Điều làm nên sự hấp dẫn của những câu chuyện trong Thời tôi sống có lẽ bắt nguồn từ chính hiện thực của cuộc sống, từ khả năng phát hiện vấn đề, lựa chọn góc nhìn, sự cảm nhận và cách kể chuyện tinh tế của Trần Mai Hạnh.
Trong Lời tác giả, Trần Mai Hạnh bày tỏ sự “hàm ơn sâu sắc khi bạn đọc dành chút thời gian cho Thời tôi sống”. Nhưng chắc chắn rằng, sau khi đọc xong tác phẩm này, bạn đọc cũng sẽ cảm ơn ông, bằng tâm huyết, tài năng, vốn sống và sức lao động không mệt mỏi đã viết nên những trang văn rung động sâu xa và đầy ám ảnh về một thời đạn bom hào hùng, thấm đẫm nước mắt và sự hy sinh hằn sâu trong ký ức của dân tộc.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 6 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT