Những ngôi nhà cũ chênh vênh trên ngọn đồi đa phần đều mang một vẻ xa lạ, lạnh lẽo và bí ẩn. Từ nơi đó, không ít câu chuyện bi thương kèm theo tình tiết ma quái, rùng rợn được người ta vô tư truyền tai nhau, mà trong đó chẳng ai biết có bao nhiêu là sự thật, hoặc có thể chỉ là một cách để người ta dễ dàng ngồi cùng nhau bên đống lửa, bên chum rượu của ngày đông lạnh giá. Chẳng hạn ngôi nhà ở đỉnh đèo Prenn, theo thời gian người đời thêu dệt thành câu chuyện về một cô gái mấy mươi năm trước bị bức hại đến chết, từ đó linh hồn cô thường hiện về hằng đêm và ám ảnh những nam nhi đương sống. Rồi người ta lại nhắc đến con đường Trần Hưng Đạo, hàng chục ngôi biệt thự ở đó gắn liền với những vụ tự tử đầy uẩn khúc và trở thành nơi “nương tựa” của các hồn ma còn vương vấn chốn trần gian. Những câu chuyện kiểu vậy dường như đã theo tôi lớn lên, tôi thuộc chúng như thuộc một bài thơ vỡ lòng.
Nhưng đâu đó ở Đà Lạt vẫn có những ngôi nhà trên đồi rất thơ mộng và bình yên, trang nghiêm và kỳ vĩ. Mùa xuân của hơn mười năm về trước, tôi cùng đứa bạn lang thang qua khu vực gần thung lũng, một nơi khá xa nhà. Khi đi ngang qua ngọn đồi thấp, tôi nhìn thấy một ngôi nhà gỗ rất đẹp nằm giữa đồi, xung quanh cũng có vài căn nhà bình thường khác. Ngôi nhà gỗ được sơn hai màu xanh và trắng, phía trước là một vườn hoa rực rỡ cùng những cây xum xuê lá, gần đó có những tảng đá to trông như toán binh sĩ đang mai phục chờ đợi quân thù. Vì chúng tôi không dừng lại, nên tôi chỉ có thể quan sát ngôi nhà
trong chốc lát, nhưng chính ngôi nhà đó phần nào đã ảnh hưởng trong một vài sáng tác của tôi trong thời gian gần đây. Bởi vì sự mơ hồ của nó, nét chấm phá của ngôi nhà trong một không gian hoang dại, tạo nên một bức tranh kỳ vĩ trong ký ức của tôi. Tôi còn nhớ, cũng chính từ ngôi nhà đó, tôi đã nhìn thấy một người con gái trong chiếc váy dài đang tưới luống hoa trước nhà, đó là một hình ảnh mộng mơ nhưng đứt quãng được lưu lại trong tâm trí tôi. Đến giờ tôi còn cảm thấy luyến tiếc vì đã không thể biết nhiều hơn về ngôi nhà đó, hay chủ nhân của nó cũng như cô gái đã tưới những luống hoa trong khu vườn nhỏ.
Đà Lạt là xứ sở dễ khiến người ta phải tiếc nuối vì một khoảnh khắc nào đó bị bỏ quên, vì không tìm hiểu hết ngọn ngành câu chuyện được nghe, vì bỏ qua tháng ngày thám hiểm những nơi xa xăm hùng vĩ. Song vẫn có cách để mỗi người trong chúng ta không phải tiếc nuối khi có quá ít thời gian dành cho Đà Lạt, ta chỉ cần kiên trì nhớ lại những thời khắc đẹp đẽ nhất đã tận hưởng, đừng bỏ quên bất cứ điều gì mà ta có thể chạm vào từ trong ký ức. Tiếp tục về những ngôi nhà trên đồi, tôi mong muốn được kể về một dinh thự đặc biệt, dinh thự đó luôn là nơi tôi bị cuốn hút, rất nhiều người Đà Lạt và cả với những du khách cũng bị cuốn hút; đó là Dinh Bảo Đại, mà người bản xứ chúng tôi gọi là Dinh III.
Từ nhà tôi đi đến Dinh III chưa tới cây số, chỉ cần đi hết con đường nhà quen thuộc, vòng qua Viện Pasteur, men theo khu vực huấn luyện đội Cảnh sát cơ động nằm đối diện, và leo thêm một con dốc ngay đó, nơi có những villa màu trắng. Dinh III nằm trên một ngọn đồi thông, với tôi là một nơi gần nhưng xa, vì tôi ít có dịp vào trong đó, lần vào mới đây nhất chắc cũng đã đến gần hai mươi năm. Nhưng đó là một nơi thân thuộc với tôi, từ khi tôi còn là một đứa nhóc học vỡ lòng cho đến những ngày
lớn lên tôi vẫn thường lên đồi thông và đứng ngoài cổng nhìn vào.
“Ê Nam, đi lên Dinh III chơi không?”
“Ừ thì đi.”
Rồi chúng tôi đi, lúc thì tôi với thằng bạn, có lúc với ông anh
hàng xóm, lúc thì cả lũ kéo nhau đi. Có những buổi chiều mùa hè chúng tôi ở đó, dựng xe dưới gốc cây thông, chạy vào khoảng sân trước cổng, chen vô giữa những đoàn khách du lịch, đứng ở hàng rào nhìn vào trong ngôi nhà nguy nga bề thế. Có lúc chúng tôi tranh thủ ngắm nhìn những cô gái đẹp, đám người Tây mang balô và cả những chiếc xe hơi đời mới từ Sài Gòn lên lấp hết mọi khoảng trống.
Ở đó, ngay khoảng sân phía ngoài cổng dinh thự là một thế giới khác, nó không hề giống như chỗ chúng tôi ở, lúc nào cũng bận rộn, tấp nập, đúng với một tụ điểm du lịch thương mại. Nhưng phía trong dinh lại khác, một thế giới trang nghiêm hiện ra, ai nấy đều cảm nhận được mình đang bước vào một không gian cổ kính và khuôn phép. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ba mẹ hay thỉnh thoảng là bà con họ hàng mỗi lần có dịp đều đưa anh em tôi vào đó. Mỗi lần bước qua khỏi cánh cổng sắt được giám sát bởi tổ trị an và phòng soát vé, tôi thấy mình như đắm chìm vào khung cảnh xa hoa, bề thế và trịnh trọng.
Như mọi đứa trẻ ưa khám phá, sau khi bị lạc ở khu vườn trước cửa dinh thự, tôi đã không thể rời mắt khỏi cây bảo kiếm của Quốc trưởng Bảo Đại nơi thư phòng, những vật phẩm của Nam Phương hoàng hậu, cảm giác như không muốn bước ra khỏi những căn phòng lộng lẫy trang nghiêm, và khi nhìn vào những chiếc ghế sofa sang trọng, tôi còn tự hỏi ai đã ngồi trên đó, cũng như ai đã treo những bức tranh kia, ai đã chơi cây đàn này, ai đã chăm chút cho vườn hoa ngoài kia trong suốt thời gian nơi đây còn là cơ ngơi của đức vua? Rồi tôi được nghe đôi chút về những đoàn khách nước ngoài mà Quốc trưởng tiếp với nghi lễ xã giao gì đấy, sau này thời Việt Nam Cộng hòa, đến lượt tổng thống Diệm và tổng thống Thiệu làm nơi nghỉ mát cao cấp cũng có rất nhiều sự kiện đã diễn ra. Tôi không nhớ hướng dẫn viên du lịch đã nói gì về những chi tiết đó, nhưng sau này tôi tìm hiểu mới biết có rất nhiều điều khiến tôi khao khát trở lại, tất cả các dinh tẩm của Bảo Đại, các ngôi nhà cổ kính trên đồi, các biệt điện thời xưa hay tất cả những tòa nhà cổ kính ở thành phố thân yêu này. Đối với tôi, những nơi đó không chỉ là điểm đến của một chuyến du ngoạn, đó là lịch sử, là niềm tự hào của người Đà Lạt.
Bình luận