Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam : lý luận và thực tiễn

Tác giả : Phùng Xuân Nhạ
  • Lượt đọc : 1
  • Kích thước : 103.43 MB
  • Số trang : 339
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 90
  • Số lượt xem : 630
  • Đọc trên điện thoại :
Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Để có được thành tựu đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (1987) với nhiều chính sách ưu đãi, mang tính hấp dẫn và thông thoáng hơn so với Luật Đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực tại thời điểm đó. Tuy nhiên, do kiến thức và kinh nghiệm về FDI còn hạn chế nên nhiều quy định của Luật chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Trong khi đó, do nhiều quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của FDI nên đã đưa ra nhiều chiến lược cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút FDI. Do đó, nhằm thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã phải liên tục điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách FDI. Luật Đầu tư nước ngoài đã qua năm lần sửa đổi và trở thành Luật Đầu tư chung năm 2005.
Việc liên tục sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng đầu tư quốc tế. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh sự thông thoáng trong các quy định của Luật qua mỗi lần sửa đổi, coi Việt Nam là điểm đến lý tưởng.

Song không ít nhà đầu tư nước ngoài còn băn khoăn, lo ngại, thậm chí phản ứng trước tính không ổn định và thiếu thực tiễn của các chính sách FDI. Năm 2005, trước những hạn chế, thiếu tính hấp dẫn của chính sách FDI, Việt Nam đã điều chỉnh Luật Đầu tư nước ngoài thành Luật Đầu tư chung. Các nội dung chính sách FDI của lần điều chỉnh này đã tiến gần với thông lệ quốc tế và đáp ứng được căn bản yêu cầu của WTO. Tuy nhiên, nhiều quy định cụ thể của Luật (2005) còn chưa được rõ ràng, chưa đồng bộ và nhất quán với các chính sách hiện hành có liên quan đến đầu tư nước ngoài, do đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại và các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong thực hiện. Mặt khác, mục tiêu của việc hoạch định và điều chỉnh chính sách FDI không chỉ nhằm thu hút nhiều đầu tư nước ngoài (tăng về “lượng”), mà còn phải giải quyết được các vấn đề về “chất” của FDI và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Thực tế, các chính sách FDI của Việt Nam còn thiên về lượng hơn là chất, hầu như chưa chú trọng nhiều đến sự phát triển bền vững. Điều này được thể hiện khá rõ ở việc giá trị gia tăng trong các sản phẩm của FDI ở Việt Nam còn thấp, ít sự liên kết (tác động lan tỏa) giữa khu vực có vốn FDI với các doanh nghiệp nội địa, phần lớn công nghệ được chuyển giao ở trình độ trung bình so với thế giới và còn ít công nghệ sạch - thân thiện với môi trường.

Điều chỉnh chính sách FDI là công việc thường xuyên của các cơ quan hoạch định chính sách. Mỗi lần điều chỉnh, Luật đã có nhiều quy định thay đổi, trong đó có những thay đổi đảm bảo nguyên tắc “không hồi tổ, nhưng cũng có những thay đổi hoặc bổ sung làm giảm tính nhất quán của các chính sách.

Mặt khác, qua thực tiễn cho thấy, quy trình điều chỉnh chính sách FDI của Việt Nam còn thiếu sự hợp tác chặt chẽ của các nhà đầu tư nước ngoài và sự phối hợp ít kịp thời giữa các bộ, ngành trong việc đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể. Vì vậy nhiều chính sách FDI chưa được các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ, nhiều thông tin, phân tích của các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra không chính xác và thiếu thực tiễn, các biện pháp thực hiện chính sách còn chung chung, thiếu sự chi tiết hóa.
Cuốn sách chuyên khảo “Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài tại Việt Nam: Lý luận và Thực tiễn” được tiếp tục bổ sung, phát triển các kết quả nghiên cứu đã có, phân tích một cách có hệ thống, cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn của FDI ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cuốn sách tập chung phân tích các luận cứ khoa học và làm rõ thực trạng các chính sách cũng như kết quả hoạt động FDI ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, từ đó đưa ra một số gợi ý điều chỉnh chính sách, biện pháp điều tiết các hoạt động thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI ở Việt Nam. Vì thế, cuốn sách có thể xem là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách và nghiên cứu, giảng dạy về FDI.
Mặc dù tác giả đã rất cố gắng nhưng do điều kiện nghiên cứu có hạn nên cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc.
Cuối cùng, tôi xin trân trọng cảm ơn Trường Đại học Kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện và giúp đỡ xuất bản cuốn sách này. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự tư vấn, chia sẻ và góp ý từ những đồng nghiệp Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phan Huy Thắng (nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư), TS. Phạm Xuân Hoan (Bộ Tài chính) TS. Vũ Anh Dũng, TS. Nguyễn Thị Kim Anh (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Ths. Phạm Thu Phương (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đặc biệt, cuốn sách này sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự cộng tác đắc lực từ Ths. Lê Thị Thanh Xuân, Ths. Nguyễn Thị Minh Phương, TS. Đinh Việt Hòa đã thực hiện biên tập, thiết kế, trợ giúp kỹ thuật và hành chính cho việc hoàn thành cuốn sách này.

Tác giả
PHÙNG XUÂN NHẠ