Đi Để Mà Đi

Tác giả : Từ Dung
  • Lượt đọc : 358
  • Kích thước : 4.00 MB
  • Số trang : 120
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 171
  • Số lượt xem : 1.331
  • Đọc trên điện thoại :
Tôi sinh trưởng trong một gia đình gốc đạo Phật, tuy nhiên ngoài việc cùng mẹ đi chùa để đốt nhang và cầu xin bổng lộc thì tôi chẳng biết gì hơn nữa. Có lẽ vì cuộc đời tôi từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên đều khá bình yên và thuận lợi. Thường thì con người ta hay hướng về giá trị nội tâm, tìm về đạo Phật như một chỗ tá túc tinh thần chờ qua cơn giông bão khi gặp biến cố trong cuộc đời. Cho đến một ngày oi bức của mùa hè tháng 5 năm 2010, ba tôi mất. Cái chết của ông đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ của tôi về cuộc đời.

Cuốn sách Đi để mà đi này như một nhật ký nhỏ ghi lại quá trình bước đầu tôi tìm hiểu về đạo Phật và những chuyển biến tâm linh sâu sắc trong tôi thông qua hành trình du lịch tâm linh từ việc thực hành thiền Minh Sát ở Myanmar đến việc chiêm ngưỡng các Phật tích ở Ấn Độ, Nepal.

Vì là nhật ký được tôi ghi lại theo cảm xúc diễn biến của từng ngày, xen kẽ với những kinh nghiệm đạo Pháp theo quan điểm cá nhân, nên đôi khi độc giả sẽ cảm thấy vài chỗ khó hiểu và không thống nhất với nhau. Tôi vô vàn biết ơn những bậc thiện tri thức có nhân duyên đọc được chỉ dạy những điều thiếu sót và góp ý thêm để tôi có cơ hội học hỏi và hoàn thiện bản thân mình trên con đường đạo Pháp.

Nhân đây, tôi cũng xin được sám hối những tội lỗi vì vô tình hay cố ý đã gây đau khổ cho những người là bạn bè bằng hữu, cũng như thân bằng quyến thuộc trong thời gian qua, cầu xin tất cả cùng rộng lượng tha thứ cho tôi.

Tất cả các công đức nếu như tôi có được dù ít ỏi; trước tôi xin nguyện hồi hướng về cho Người Cha đã khuất và Người Mẹ hiện thời của Tôi, hai đấng sinh thành đã hết mực yêu thương và lo lắng cho tôi trong kiếp này; sau là nguyện cho hết thảy chúng sinh thoát ly khổ đau và chóng quay về bờ giác.

Nguyện cho thế giới luôn được thanh bình, an lạc.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

***
Một ngày oi bức của mùa hè tháng 5 năm 2010, ba tôi mất. Cái chết của ông đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ của tôi về cuộc đời.

ĐÁM TANG 1
Tính đến nay là ngày thứ 55, tôi vừa hoàn thành 49 ngày chay cho ba tôi, sắp đến sẽ là 100 ngày, trong khoảng thời gian này đã có rất nhiều sự thay đổi trong tôi. Gia đình tôi đã trải qua thời gian con mất cha, vợ mất chồng, cháu mất ông và riêng ba tôi, vốn đã không lường trước được cái chết đến với mình, chắc ông phải đau đớn và khổ sở lắm. Ba tôi mất vì bị tai biến mạch máu não.

49 ngày qua, tôi đã trải qua nhiều cảm giác như thước phim quay chậm và rõ mồn một. Khi là tiếng bước chân người vội vã chạy đến náo loạn cả một khu xóm, khi là tiếng xe lăn bánh đưa ba tôi đến bệnh viện, tiếng van xin chấp tay cầu cứu bác sĩ một cách vô định thức của tôi, tiếng bác sĩ chậm rãi thông báo tin xấu và khi là tiếng còi của xe cứu thương chầm chậm đưa ba tôi về nhà!



Và sau đó tôi cũng không biết bằng cách nào, những người hàng xóm tốt bụng vội vã dời bàn ghế, đồ đạc, để trống chỗ cho cái gọi là “đám ma”. Họ lấy những tấm khăn che lấp tất cả kiếng như một tập tục mà mỗi người có một cách giải thích khác nhau, sau đó là những đồ vật của nhà lễ táng mang đến như ly hương, nhang, đèn... Chỉ trong vòng vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ, họ nhanh chóng sắp xếp mọi thứ đâu vào đó một cách chuyên nghiệp như một lập trình đã định sẵn: dứt khoát và gọn gàng.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi dự một đám tang, nhưng sao tôi vẫn không nhớ được người ta đã dặn mình phải làm gì. Một điều lạ là tôi không thể khóc, giờ thì tôi hiểu tận cùng của nỗi đau là khi con người ta không thể khóc, chỉ có một xác thân mệt mỏi, rệu rã. Tôi thu mình vào một góc rồi ngồi ôm lấy thân mình trong khi mọi người đang ồn ào sắp xếp đồ đạc. Vừa ban nãy là cái ghế mà ba tôi hay ngồi, cái ti vi ba tôi hay xem, giờ là một căn phòng với những mảnh vải màu mè, đèn cầy, nến, tiếng đọc kinh, tiếng gõ mõ. Tôi chợt nhận ra rằng ranh giới của sự sống và cái chết là đây, chỉ là một hơi thở, hít vào không thở ra thì biết mình: Chết!

Những ngày sau đó là những đêm trắng không mong trời sáng, nhiều lần trong ngày tôi đã tự hỏi mình: Chết có phải là tận cùng của đời sống hay không? Chết rồi con người ta đi về đâu, ba tôi rồi sẽ đi về đâu? Ba tôi sẽ đi lên Thiên Đường hay xuống Địa Ngục? Địa Ngục có thật không? Thiên Đường có thật không? Phật có thật không? Sẽ phải có một lời giải thích nào ở đâu đó chứ!

Hình như có rất ít quyển sách, ngôi trường dạy con người ta về cái Chết, cách chuẩn bị cho cái Chết, hay chỉ đơn giản là dạy con người ta cách vượt qua nỗi đau khi có người thân qua đời. Nhưng lại có nhiều quyển sách như “Chuẩn bị hành trang vào đời”, “Chuẩn bị làm mẹ”, “Chuẩn bị cho một đám cưới hoàn hảo”... trưng bày ở khắp mọi nơi. Có lẽ con người ta dè dặt khi nói về cái Chết, rằng nó chẳng có gì hay ho ngoài sự mất mát, rằng cuộc sống nên hướng tới sự vui vẻ, lạc quan và rồi quan niệm Chết là Chết, là Hết. Nhưng có thật sự Chết là Hết không?



Người ta nói về cuộc đời của con người như một nhân duyên, một năng lực, một sự kết hợp của thời gian và không gian. Khi sự kết hợp này tan rã, cái chết diễn ra nhưng nguồn năng lượng hay còn gọi là tâm thức đó không chết mà nó chỉ luân chuyển đi đâu đó. Giống như câu chuyện của con sâu, con nhộng và con bướm. Cuộc đời của con người cũng thế, chúng ta sinh ra với hình thức của một con người trong một giai đoạn nào đó rồi lại ra đi với một hình thức khác trong một thời điểm khác, như những trạm dừng của chuyến xe lửa. Nhưng có cái gì thật sự đằng sau đó dẫn dắt chúng ta đi?

Triết lý của phương Đông cho rằng nghiệp lực của con người dẫn dắt con người từ nơi này đến nơi khác, tái sinh ở cõi này hay cõi khác, từ “Nghiệp” ở đây được hiểu đơn giản là những hành động, lời nói, cách cư xử của chúng ta trong quá trình sống. Riêng trong đạo Phật, Nghiệp là một khái niệm rất quan trọng bởi nó không chỉ đơn giản dừng lại ở hành động thiện, ác mà nó còn là vấn đề Nhân - Quả liên quan đến sự luân hồi của chúng sinh. Một nhân thiện lành sẽ gặt hái được quả thiện lành, một hành động xấu ác sẽ mang đến nhiều đau khổ, những nhân tố này sẽ quyết định con đường của chúng ta đi. Người xưa thường có câu nói rằng: “Gieo nhân nào, gặt quả đó” là vậy.