Hơn Cả Tin Tức - Tương Lai Của Báo Chí

Thể loại: Địa lý
Tác giả : Mitchell Stephens
  • Lượt đọc : 665
  • Kích thước : 3.61 MB
  • Số trang : 385
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 230
  • Số lượt xem : 1.585
  • Đọc trên điện thoại :
Cuốn sách là một nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài mạng internet, và tìm thấy niềm hứng khởi cho một sự thấu hiểu hiệu quả và đầy khát vọng về nghề báo trong những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề báo thế kỷ 20 và các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin thế kỷ 18. Hầu hết nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng báo chí hiện nay nhấn mạnh vào công nghệ. Stephens nhấn mạnh vào tư duy và nhu cầu tư duy lại về báo chí đã từng là và có thể trở thành công việc gì.
***
Đánh giá lại về báo chí chất lượng.
Ngày nay hầu hết người Mỹ đều nghĩ về nhà báo theo đúng cách mà hầu hết nhà báo nghĩ về chính họ: người tường thuật lại thông tin. Thực vậy, nhiều người làm nghề và bảo trợ cho trường phái báo chí truyền thống tại Hoa Kỳ đều chấp nhận tiêu chuẩn chuyên môn mà Bill Keller đã đề ra vào năm 2009: “Theo tôi, báo chí chất lượng liên quan đến công việc của những phóng viên dạn dày kinh nghiệm đi đến nơi này nơi nọ, chứng kiến, đào xới các hồ sơ, phát triển nguồn tin, kiểm tra, rồi tái kiểm tra.” 1 Khi đó, Keller đang là tổng biên tập của tờ New York Times.
Trong quyển sách này, chúng tôi cho rằng quan điểm báo chí đó — vốn có từ thế kỷ 19 — đã bị lỗi thời trong thế kỷ 21. Thế kỷ 21 đòi hỏi phải có một cách hiểu khác về chất lượng trong nghề báo. Và, khi làm như thế, nó cũng đưa ra được một giải pháp khác cho cuộc khủng hoảng của báo chí hiện nay.
Đúng vậy, báo chí đang khủng hoảng: mọi thứ đang xấu đi cho ngành báo chí trong vài thập niên gần đây. Mặc dù dân số vẫn tiếp tục tăng, tổng số lượng báo giấy lưu hành tại Hoa Kỳ đã giảm hơn 25% từ năm 1990 — theo thống kê từ Trung tâm nghiên cứu Pew. Các bản tin buổi tối phát sóng trên ba đài truyền hình truyền thống của Hoa Kỳ — từng một thời thống trị nguồn tin tức ở quốc gia này — đã mất hơn nửa số khán giả kể từ năm 1980. Đồng thời, hai tạp chí hàng đầu của Mỹ không còn phát hành thường xuyên nữa. Tạp chí lớn thứ ba, Time, thì bị sụt giảm báo bán quầy đến 27% chỉ riêng trong năm 2012.2



Hệ quả là rất nhiều con người tài năng và chăm chỉ đã bị mất công ăn việc làm. Vào năm 2012, các tòa soạn báo ở Hoa Kỳ thuê lượng phóng viên ít hơn khoảng 30% so với hồi đầu thế kỷ 21 — cũng theo báo cáo từ Trung tâm Pew nói trên. 3 Các trang tin tức trên mạng và truyền hình cáp tuy thu hút được sự chú ý của khán giả, nhưng vẫn không tạo ra đủ số việc làm bù đắp lại — ít nhất cũng không đủ công việc với mức lương như bên báo chí. Một hệ quả đặc biệt đáng sợ của sự cắt giảm này là sụt giảm số lượng phóng viên chuyên nghiệp túc trực tại các sự kiện thuộc cơ quan công quyền, cùng những nơi đang có chiến sự. 4
Giữa bối cảnh u ám đó, giới nhà báo cùng những người còn coi trọng nhà báo chỉ biết tìm đến các hội thảo để than vãn và nguyền rủa vận mệnh đáng buồn của họ. Một số người quá thất vọng thì viết ra những dự đoán bi quan và thốt lên những lời tiên đoán đáng sợ về tương lai của báo chí.
Những người bảo vệ ngành nghề này — giữa cơn sợ hãi, thất vọng — đều tuyên bố theo thói quen rằng bản thân tin tức đang bị khủng hoảng. 5 Tuy nhiên, về khía cạnh này thì họ đã sai: đa phần tin tức vẫn đang rất ổn.
Tin tức có thể được định nghĩa là thông tin mới về một sự việc, một chủ đề mà công chúng quan tâm và được chia sẻ với một phần công chúng. 6 Không khó nhận ra rằng lượng thông tin mới mà công chúng quan tâm được chia sẻ cứ tăng dần — ngay cả khi số lượng công việc cho những con người thực hiện điều đó cứ biến mất đi. Thực vậy, sự xuất hiện gần đây của một trong những dạng công nghệ thông tin mang sức mạnh lớn nhất của loài người — như người ta đã kỳ vọng — là một mối lợi lớn đối với thông tin. Tuổi đời của World Wide Web vẫn còn rất trẻ, nhưng nó đã thu vén được một lượng dữ kiện cực kỳ đa dạng từ số nguồn tin cực kỳ đa dạng, truyền tải chúng dưới số định dạng cực kỳ phong phú, lại còn hết sức nhanh chóng và truyền được rất xa. Cực kỳ nhanh: những sự kiện đáng đưa tin ngày nay — thông cáo, sự cố, thảm họa — tất cả đều xuất hiện đầy trên web trước cả khi chúng kết thúc. 7 Và cũng cực kỳ xa: các thiết bị di-động-kết-nối-mạng của chúng ta, bất chấp những nỗ lực kiểm soát của một số chính phủ, vẫn nén được các tập văn bản cùng hình ảnh gửi đến gửi đi gần như mọi quốc gia trên thế giới.



Chưa bao giờ chúng ta được thấy một công cụ trung gian tin tức kiểu thế này cả.
Điều này không có nghĩa là tin tức đến với chúng ta thông qua laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng — hay sắp tới sẽ là thiết bị đeo trên người — luôn luôn mẫu mực, mang tính xây dựng hoặc đủ độ tin cậy. Xét cho cùng, tin tức trên báo in hoặc truyền hình cũng rất thường xuyên không đạt được những chuẩn mực đó. Sức mạnh gấp bội của web dưới vai trò trung gian truyền thông tin không đồng nghĩa với việc tất cả tin tức đều sẽ được nó phục vụ tốt như nhau. Khi những tay nghiệp dư và thuật toán thu thập / phân phối thông tin ngày càng nhiều, các vấn đề về độ chính xác, độ tin cậy, thiên kiến, chiều sâu, độ chuyên nghiệp ngày càng lộ rõ. Chúng ta cần phải cẩn thận như với bất kỳ dạng trung gian nào khác, cẩn trọng với các điểm mù.
Nên nhớ rằng từng có thời những người xét duyệt báo chí dành rất nhiều thời gian để lọc ra vô vàn sơ suất nghiêm trọng của báo chí và bản tin – với quan điểm đôi khi rất hẹp hòi và không kém gì những “kẻ gác cửa” bảo thủ.
Thoạt nhìn, điểm yếu của web dường như rơi vào hai dạng.
Một là không tường thuật được thường xuyên những tin tức cùng phát triển, và hẳn là cùng lỗi thời, với hệ thống săn tin theo khu vực của báo chí: đặc biệt là các tin tức địa phương đầy đa dạng. Thứ hai là sự e ngại khi triển khai các nhóm phóng viên nhiều kinh nghiệm — cái mà đến nay vẫn rất hiếm có trên web — và việc dành không gian (vốn có rất nhiều trên web) cho các bài phóng sự điều tra độc đáo.
Tuy nhiên, vô số người tiếp cận được Internet hiện giờ đã kết nối với rất nhiều nguồn cung cấp thông tin. Những cánh cổng đã mở toang. Luồng tin tức từ web cùng những người anh em họ hàng của nó dường như ngày càng mở rộng thêm, phát triển sâu thêm, càng lúc càng tăng tốc. Các doanh nhân, tổ chức phi lợi nhuận đã bắt đầu thử chạm tới một số điểm mù. Nói cách khác, tương lai của tin tức trước mắt có vẻ khá an toàn.
Chỉ tương lai của ngành báo chí là u ám.
Rất khó để đưa ra định nghĩa chính xác về báo chí. 8 Thực vậy, ở khía cạnh nào đó, nó là một ngành chuyên môn — thường được thực hiện vì tiền công – nhưng một định nghĩa quá hẹp như vậy có thể sẽ bỏ qua cả vinh quang và trách nhiệm của những người không phải chuyên gia, những tay nghiệp dư có mặt trong làng báo. 9 Rõ ràng đây là ngành liên quan đến tin tức, nhưng nếu chỉ tập trung vào việc tường thuật và phân phối thông tin —
như Bill Keller vào 2009, ta lại giới hạn đi những tiềm năng của chuyên ngành này. Đây là định nghĩa của tôi: báo chí là hoạt động thu thập, trình bày, diễn giải hoặc bình luận về tin tức cho một bộ phận công chúng.
Trong khoảng một thế kỷ rưỡi gần đây, các nhà báo đã nhấn mạnh vào việc thu thập, trình bày tin tức. Kể từ giữa thế kỷ 19, họ vẫn kiếm sống được — thực tế còn xây dựng được cả những doanh nghiệp đồ sộ — thông qua việc bán tin tức hoặc bán các quảng cáo cạnh bên tin tức. (Chương 2 của quyển sách sẽ bàn tới việc làm sao họ có được sự kết hợp này, còn chương 3 sẽ nói về lý do tại sao kỷ nguyên đó lại chấm dứt. ) Trong tương lai, có vẻ như số lượng nhà báo kiếm được đủ sống bằng phương pháp này sẽ chẳng còn như trước nữa.



Nỗ lực kiếm tiền từ lượng độc giả chỉ- đọc-online ngày càng tăng của mình, nhiều tổ chức thông tin đã bắt đầu xây dựng các paywall (bức tường phí: một hệ thống thu phí của báo điện tử, theo đó người đọc chỉ có thể đọc nội dung trang web nếu đăng ký và trả phí – ND). 10 Dù sao đi nữa, cơn lũ thông tin về các sự kiện hiện tại cũng đang ngập tràn khắp Internet và mọi người có thể nhấm nháp hay thậm chí ngụp lặn giữa vô vàn trang tin tức, blog, feeds, ứng dụng – hầu hết đều miễn phí. Dễ hiểu là điều này gây áp lực lên biên độ lợi nhuận, làm lúng túng các mô hình kinh doanh — bao gồm cả bức tường phí nói trên — tại nhiều trang web tin tức, blog, feeds hay ứng dụng nói trên. Chẳng thể kiếm sống được gì từ việc săn lùng những thứ được cho đi miễn phí. Nói một cách hình ảnh, điều này giống như làm nghề lái phà sau khi người ta đã xây được cây cầu, đi bán kem khi nhà ai cũng có tủ lạnh. Cứ hỏi người bán sách bách khoa toàn thư hiện nay thì rõ, nếu bạn kiếm ra một anh chàng như vậy!
Các bản tin trên radio và tivi đã vượt qua được vấn đề này bằng quảng cáo. Tuy nhiên, không như số lượng chương trình trên radio hay truyền hình thời hoàng kim ở vai trò truyền thông quảng cáo, số lượng các trang web đầy ắp thông tin trên Internet giờ đây lớn tới mức khó lòng mà đòi giá cao cho các quảng cáo đăng trên các trang đó. 11 Ngay cả các bản tin audio và video online — vốn có thể phát các quảng cáo ngắn ở đầu — dường như cũng đều đang tiến theo hướng “miễn phí” khi mà việc ghi âm, ghi hình, rồi biên tập, tải lên mạng và tiếp cận đều đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế, thành công của mảng tin tức số (digital news) tự nó đã bào mòn nền kinh tế của báo chí số (digital journalism) : do nguồn cung quá nhiều, giá trị của chúng trở nên ít đi đối với khán thính giả và nhà quảng cáo.
Khi thông tin nhiều như nước, việc cẩn thận thu thập dữ kiện về các sự việc đang diễn ra — chuyện gì đã xảy ra, ai đã nói cái gì, vào lúc nào — đã mất đi rất nhiều giá trị. (Giờ đây vấn đề mà các tổ chức thông tin truyền thống gặp phải là cố gắng bán đi các mục sự kiện công chúng, ngay cả khi họ đã tường thuật chúng ít nhiều chuyên nghiệp hơn, vấn đề này sẽ được thảo luận trong chương 3. )
Hẳn là AP, Reuters, Bloomberg, cùng vài tổ chức thông tin nữa sẽ trang trải được từ việc cung cấp các bài viết hoặc video về các sự kiện như vậy lên website nhanh chóng với số lượng lớn. Tuy nhiên, ta khó lòng thấy được nhiều tổ chức đặt nền tảng kinh doanh dựa trên việc tường thuật thông tin liên-tục-xoay-vòng như vậy — thuần túy nhờ vào thu thập và phân phối thông tin lặp đi lặp lại. Sau hơn một thế kỷ rưỡi bán tin tức mới, giờ đây giới phóng viên cần phải bán những thứ khác.
Bằng sự tuyệt vọng của những con người mà sự mưu sinh bị đe dọa, những năm gần đây giới phóng viên buộc lòng phải nghĩ lại cách phân phối “báo chí chất lượng” : báo giấy, tạp chí cân nhắc việc loại bỏ phiên bản in; các chương trình tin tức trên radio thì sản xuất podcast (phát thanh qua internet – ND) ; các kênh tin tức trên tivi bắt đầu xem mình là nhà cung cấp tường thuật dạng hình ảnh. Ngày nay ta khó lòng tìm được tổ chức làm tin tức nào mà không trang bị cho phóng viên một loạt thiết bị ghi âm, ghi hình không có khả năng tung tin tức lên Facebook, Twitter cùng các thứ ứng dụng mới xinh xắn để đăng tải lên thứ mới nhất và khiến mọi người ham mê đến phát cuồng lên của Apple: iDoohickey. Ngày nay giới phóng viên thậm chí còn phải nghĩ lại cách mà “báo chí chất lượng” đi gây quỹ: có thể thông qua các tổ chức phi lợi nhuận, nếu không phải là các bức tường phí (paywall).
Tuy nhiên, ngày nay chẳng mấy ai chịu nghĩ rằng trong thời buổi đổi thay này, “báo chí chất lượng” nghĩa là gì. Các định nghĩa về chất lượng, cũng giống như công nghệ, rất dễ bị lỗi thời. Hãy thử xem xét — trong một lĩnh vực khác, nhiều thế kỷ trước — tình huống của Ernest Meissonier.
Meissonier mất năm 1891, một thời từng là họa sĩ được kính nể nhất Paris, và do đó, nổi tiếng thế giới. 12 “Ông là bậc thầy bất khả chiến bại của kỷ nguyên chúng ta,” một họa sĩ bậc thầy khác, Eugène Declacroix, * đã thốt lên như vậy, và tuyên bố với Charles Baudelaire† rằng, “trong số tất cả chúng ta, chắc chắn tên tuổi ông ấy có khả năng trường tồn nhất.” 13
Meissonier rất xuất sắc về độ chính xác và tỉ mỉ: “Tôi vẽ hệt như mọi người khác,” ông từng giải thích. “Chỉ là tôi luôn luôn nhìn kỹ.” 14 Nói cách khác, các tác phẩm của Meissonier dựa trên sự quan sát cực kỳ kỹ lưỡng — vị trí chính xác của sự vật, chẳng hạn như một con ngựa đang chạy: “Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu phác thảo, những khoảng thời gian quý báu và cả những mệt mỏi mà ông ấy đã trải qua” một họa sĩ cùng thời từng nói, “để lột tả lại một cách chân thật con vật sống động đó!” 15 Các nhà phê bình ca ngợi tác phẩm của Meissonier là “tỉ mỉ đến vô cùng.” 16 Các tác phẩm vô cùng chính xác của ông về những sự kiện vĩ đại đã hoàn toàn thống trị những triển lãm quan trọng nhất thời đó, và luôn được niêm yết với giá cao nhất.
Tác phẩm trứ danh của Meissonier — khiến ông mất tới 12 năm mới hoàn thành — là một bức vẽ miêu tả Napoleon cùng đoàn quân của mình tại Friedland năm 1807. Nó được bán cho một người Mỹ với giá 380.000 franc vào năm 1876.17
Friedland hiện giờ đang được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, một bức tranh với những con ngựa được thể hiện rất thực và sinh động.
* Ferdinand Victor Eugène Delacroix (1798-1863) là họa sĩ người Pháp theo trường phái lãng mạn, một trong những gương mặt quan trọng của trường phái lãng mạn Pháp, là tác giả của những bức tranh nổi tiếng Liberty Leading the People (1830) , Death of Sardanapalus, (1827-1828) , The Women of Algiers (1834).
† Charles Pierre Baudelaire (1821-1867) là một trong những nhà thơ có ảnh hưởng lớn nhất ở Pháp thế kỷ 19, thuộc trường phái tượng trưng chủ nghĩa.
Ernest Meissonier tự xem mình là một phần của “truyền thống... trung thực, tận tâm và chân thật.” 18 Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, những nỗ lực hết mình để khắc họa lại mọi chi tiết cho thật đúng bắt đầu có vẻ là một sự lãng phí thời gian. Truyền thống mà Meissonier đại diện bắt đầu trở thành thứ gì đó đáng chán. Một công nghệ mới đã khiến người ta thay đổi mọi nhận định từng có về hội họa.
Đó chính là nhiếp ảnh. Trước hết, nhiếp ảnh cho thấy sự “chân thực” trong các bức vẽ của các họa sĩ như Meissonier là có giới hạn — ngay cả đối với những chi tiết nhỏ như dáng đi của ngựa. Nhiếp ảnh gia người Mỹ Eadweard Muybridge (1830-1904) đã sử dụng nhiều máy ảnh và một hệ thống dây để xoay xở chụp được ảnh những con ngựa đang chuyển động. Muybridge hiểu khá nhiều về các tác phẩm của Meissonier và thừa nhận sự mô tả của họa sĩ về bước đi của ngựa, nhưng các bức ảnh của Muybridge đã cho thấy được những vị trí khác nhau trong quá trình ngựa chạy nước kiệu, đặc biệt là khi phi nước đại, so với tranh Meissonier vẽ được chỉ bằng mắt nhìn — dù quan sát rất kỹ. 19 Đơn giản là vì chân ngựa di chuyển quá nhanh so với tốc độ theo dõi của mắt thường — thậm chí cả với cặp mắt “nhà nghề” như mắt của Meissonier! “Giá mà tôi có thể vẽ lại bức Friedland,” Muybridge từng nói thế — ông hiểu rất rõ tác phẩm của Meissonier. 20 Các tác phẩm về sau của Meissonier chỉ giới hạn trong việc vẽ những chú ngựa đang đi hoặc đang đứng yên. 21
Và công nghệ mới này không chỉ đánh bại những họa sĩ tả thực trong chính cuộc chơi của họ, mà còn làm điều đó không cần bất kỳ “nỗ lực” , “phác thảo” hay “mệt mỏi” gì, vì tốc độ chụp ảnh ngày càng không ngừng tăng lên. Thoạt tiên, những khả năng mới của nhiếp ảnh đã góp phần vào “cuộc đua tìm kiếm hình ảnh chân thực” , đem lại lợi ích cho những họa sĩ tả thực như Meissonier. Nhưng chẳng mấy chốc nghệ thuật nhiếp ảnh làm cho những gì mà Meissonier tập trung và làm giỏi nhất trở nên kém giá trị: nó khiến cho việc tạo ra những tác phẩm chính xác đến cực độ về gần như mọi thứ trở nên quá dễ dàng, với chi phí thấp.

***
Cuốn sách là nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài Internet.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, NXB Trẻ giới thiệu đến bạn đọc, nhất là những người làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, sinh viên học các ngành báo chí - truyền thông, tựa sách: Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí (Mitchell Stephens).

Cuốn sách của nhà báo Mitchell Stephens đề xuất một tiêu chuẩn mới cho ngành báo chí hiện nay. Đó là “báo chí trí tuệ” (wisdom journalism).

Một hỗn hợp của các hình thức đưa tin - độc quyền, táo bạo, điều tra - với việc nắm bắt sự kiện đương thời một cách am hiểu, thông minh, sâu sắc, có tính diễn giải, thậm chí phải có chủ kiến kiên định.

Bìa cuốn sách Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí (tác giả Mitchell Stephens, Dương Hiếu, Kim Phượng, Hiếu Trung dịch), NXB Trẻ phát hành.

Cuốn sách là nghiên cứu đôi khi có tính phê phán báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài Internet. "Hơn cả tin tức" xuất sắc trong việc quay lại quá khứ để tìm ra những mô hình cho tương lai của báo chí.
Nó giúp độc giả hiểu về nghề qua những ví dụ từ các bài báo và blog thế kỷ 21, đồng thời trong những hiểu biết chọn lọc về nghề ở thế kỷ 20 và cả các tác phẩm viết lách của Benjamin Franklin trong thế kỷ 18.

Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí nói cho chúng ta biết báo chí phải thay đổi như thế nào để phục vụ công chúng tốt hơn, khi thời đại làm ăn phát đạt nhờ bán tin tức mới nhất hoặc bán chỗ quảng cáo đã chấm dứt.

Mitchell Stephens là giáo sư báo chí tại Viện Arthur L.Carter của Đại học New York, Mỹ. Ông làm chủ nhiệm khoa Báo chí của trường này 3 nhiệm kỳ.

Năm 2006, giáo sư Stephens giành được tài trợ từ Carnegie-Knight Initiative về Tương lai của giáo dục báo chí (Future of Journalism Education), nghiên cứu những mô hình mới về đào tạo nghề báo.