Kho tàng truyện Trạng Việt Nam - Tập 1

Tác giả : Thạch Phương
  • Lượt đọc : 20
  • Kích thước : 48.34 MB
  • Số trang : 295
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 164
  • Số lượt xem : 1.607
  • Đọc trên điện thoại :
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, bên cạnh “những hòn ngọc quý” thuộc các thể loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, câu đố... còn một mảng sáng tác dồi dào về số lượng, phong phú và đặc sắc về nội dung, nghệ thuật được lưu truyền khá rộng rãi, không chỉ có người Kinh mà cả ở các dân tộc anh em, đó là truyện trạng dân gian. Đã có một thời, truyện trạng được một số nhà nghiên cứu văn học dân gian xếp chung với truyện cười, cũng có ý kiến xếp vào giai thoại dân gian. Cho đến nay, truyện trạng nằm trong 10 thể loại văn học dân gian, hay là nằm ở thứ 11 - một thể loại độc lập, riêng biệt - vẫn còn đang là vấn đề tiếp tục bàn cãi.
Khái niệm truyện trạng theo nghĩa rộng, được hợp thành từ ba mảng truyện :
Thứ nhất là truyện về các trạng nguyên (còn gọi là trạng thật) nghĩa là những người đã đạt được học vị cao nhất qua các kỳ thi của nhà nước phong kiến.
Thứ hai là các ông trạng dân gian (còn gọi là trạng dân phong) gồm một hệ thống truyện xoay quanh một nhân vật trung tâm.
Thứ ba là các làng trạng, hay là làng cười. Ở nhiều làng quê Việt Nam từ lâu đời, trong dân gian đã hình thành một truyền thống thích dí dỏm, nghịch ngợm, ưa nói khoác, nói trạng, nói ngoa; tất nhiên không phải làng nào cũng như vậy. Những làng trạng, làng cười này là cái nôi sản sinh ra những ông trạng dân gian có tên và không tên.
Cả ba mảng truyện này gắn bó với nhau bằng đường dây liên hệ khá mật thiết. Chính những ông trạng nguyên, với tất cả phẩm chất và tài năng của mình, là gợi ý cho sự sáng tạo nên hình ảnh những ông trạng dân gian; và ngược lại, sự sáng tạo dân gian đã bổ sung, hoàn chỉnh và tôn vinh thêm hình tượng những ông trạng xuất thân từ khoa cử.