LỜI NÓI ĐẦU
Việt Nam là một nước nông nghiệp. Cho đến nay vẫn còn hơn 70% dân số sinh sống tại nông thôn. Trải qua các thời kỳ cách mạng, trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, Đảng ta luôn coi nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những vấn đề chiến lược quan trọng, là khâu then chốt và là cơ sở xuất phát của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Gia Lâm là một huyện thuộc loại lớn của ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, mặc dù là huyện có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hóa nhanh nhất ngoại thành, nhưng nhìn đại thể, khu vực nông thôn vẫn chiếm phần lớn đất đai của Gia Lâm (gần 90% diện tích đất tự nhiên), và dân cư chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông (khoảng 68% dân số).
Giống như tất cả các nơi khác trên miền Bắc, nông thôn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, cũng đã trải qua những biến đổi sâu sắc dưới tác động của đường lối hợp tác hóa nông nghiệp do Đảng và Nhà nước chủ trương và tiến hành trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, với những thành công và những thất bại trong quá trình từng bước đi vào con đường làm ăn tập thể. Cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp theo một sự chỉ đạo thống nhất đối với tất cả mọi vùng đã làm cho Gia Lâm khó thể hiện và phát huy được một cách rõ rệt đặc điểm và ưu thế của một vùng nông thôn ven đô, gần với những cơ sở công nghiệp lớn.
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, với chủ trương đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn nước ta có nhiều đổi thay rõ nét, đạt nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt.
Cũng như nông thôn cả nước, từ đầu những năm 80, nhất là từ những năm cuối thế kỷ XX, vùng nông thôn Gia Lâm đã có dấu hiệu của sắc thái mới. Yếu tố ven đô bắt đầu phát huy thế mạnh của nó. Tính năng động của người dân bắt nhịp được những đổi thay về chính sách kinh tế - xã hội, đã tạo nên những chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội trên vùng nông thôn Gia Lâm, vai trò tự chủ của kinh tế hộ được phát huy; và đặc biệt người ta nhận thấy yếu tố đô thị đang xâm nhập vào đời sống của từng làng xã, từng gia đình nông dân.
Đến nay, nông thôn Gia Lâm đã thực sự thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, để bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, với một xã hội ổn định, giàu đẹp, tiến bộ, văn minh, hiện đại.
Tiếp tục trên con đường đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung, Gia Lâm - Hà Nội nói riêng, ngoài những cơ hội mới, hiện đang đối mặt những thách thức mới trong quá trình tiến lên theo con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, việc nhìn lại giai đoạn đầu tiên trên tiến trình đổi mới nông thôn, để rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra cách đi thích hợp cho mỗi hộ gia đình, mỗi thôn xóm, cho toàn bộ vùng nông thôn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, là một yêu cầu bức thiết. Chúng tôi hy vọng cuốn sách Kinh tế - xã hội vùng nông thôn huyện Gia Lâm - Hà Nội trên tiến trình đổi mới phần nào giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi sẽ là vùng nông thôn (gồm 31 xã) của huyện ven đô Gia Lâm - Hà Nội trong thời gian từ năm 1981 - là năm Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100/BBT, đưa đến một số đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn; đến hết năm 2003, khi quận mới Long Biên chính thức thành lập, trên cơ sở cắt chuyển 3 thị trấn và 10 xã của Gia Lâm. Vùng nông thôn Gia Lâm còn lại 21 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Thời gian trước năm 1981 cũng được nghiên cứu, với mục đích đánh giá một cách khái quát những nét cơ bản nhất thực trạng nông thôn Gia Lâm ở thời điểm bắt đầu đổi mới, nhằm làm rõ hơn quá trình biến đổi dưới tác động của những chính sách mới.
Mục đích, nội dung nghiên cứu: Đây là công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống về các mặt kinh tế - xã hội của vùng nông thôn Gia Lâm thời kỳ đầu trong tiến trình đổi mới (từ năm 1981 đến năm 2003) dưới góc độ lịch sử. Trên cơ sở hệ thống, giám định, phân tích, tổng hợp một khối lượng tài liệu rất phong phú, đa dạng, kết hợp với những đợt khảo sát thực tế, chúng tôi mong muốn dựng lên bức tranh về những biến đổi, thăng trầm của kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn Gia Lâm - Hà Nội theo từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đề cập đến bối cảnh đổi mới kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung tìm hiểu và phân tích những nguyên nhân đưa đến sự biến đổi của từng vấn đề, từng mặt cũng như sự biến đổi chung của kinh tế - xã hội Gia Lâm - Hà Nội, nhằm phát huy những nhân tố tích cực, đồng thời hạn chế, khắc phục những mặt tiêu cực. Bước đầu khái quát những quy luật vận động kinh tế - xã hội của nông thôn, chỉ ra những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, rút ra một số bài học kinh nghiệm, tìm biện pháp đổi mới nhanh nông thôn Gia Lâm theo hướng CNH - HĐH. nhằm khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh nguồn lực nội sinh.
Cùng với các công trình khác, chúng tôi mong muốn cuốn sách sẽ là cơ sở thực tiễn để góp thêm căn cứ khoa học cho các cơ quan hoạch định các chủ trương chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung, Gia Lâm - Hà Nội nói riêng trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Trong quá trình hoàn thành công trình này, tác giả đã nhận được những chỉ dẫn khoa học tận tình của PGS.TS. Đinh Thị Thu Cúc, TS. Trần Hữu Đính, PGS. Cao Văn Lượng cũng như những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; sự giúp đỡ, động viên về chuyên môn, vật chất và tinh thần của Ban Lãnh đạo Viện Sử học: Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học - PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học - PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Viện trưởng - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo Viện Sử học - TS. Nguyễn Ngọc Mão, Thư viện Viện Sử học, Phòng Nghiên cứu Lịch sử hiện đại Việt Nam, Phòng Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Phòng Hành chính cùng các phòng, ban khác của Viện Sử học. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới tất cả những sự giúp đỡ quý báu đó.
Chúng tôi xin gửi lời cám ơn tới Phòng Lưu trữ Thành ủy Hà Nội, Uỷ ban nhân dân và Huyện uỷ huyện Gia Lâm, Uỷ ban nhân dân và nhân dân các xã Bát Tràng, Đa Tốn, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Cự Khối... đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp tư liệu trong những chuyến tôi đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại địa phương.
Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả những người thân yêu trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết đã hết lòng động viên tôi dành thời gian, tâm sức để hoàn thành công trình này.
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2007
Tác giả
Việt Nam là một nước nông nghiệp. Cho đến nay vẫn còn hơn 70% dân số sinh sống tại nông thôn. Trải qua các thời kỳ cách mạng, trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, Đảng ta luôn coi nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những vấn đề chiến lược quan trọng, là khâu then chốt và là cơ sở xuất phát của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Gia Lâm là một huyện thuộc loại lớn của ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, mặc dù là huyện có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hóa nhanh nhất ngoại thành, nhưng nhìn đại thể, khu vực nông thôn vẫn chiếm phần lớn đất đai của Gia Lâm (gần 90% diện tích đất tự nhiên), và dân cư chủ yếu vẫn sống bằng nghề nông (khoảng 68% dân số).
Giống như tất cả các nơi khác trên miền Bắc, nông thôn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, cũng đã trải qua những biến đổi sâu sắc dưới tác động của đường lối hợp tác hóa nông nghiệp do Đảng và Nhà nước chủ trương và tiến hành trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, với những thành công và những thất bại trong quá trình từng bước đi vào con đường làm ăn tập thể. Cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp theo một sự chỉ đạo thống nhất đối với tất cả mọi vùng đã làm cho Gia Lâm khó thể hiện và phát huy được một cách rõ rệt đặc điểm và ưu thế của một vùng nông thôn ven đô, gần với những cơ sở công nghiệp lớn.
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, với chủ trương đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, Chính phủ, nông nghiệp, nông thôn nước ta có nhiều đổi thay rõ nét, đạt nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt.
Cũng như nông thôn cả nước, từ đầu những năm 80, nhất là từ những năm cuối thế kỷ XX, vùng nông thôn Gia Lâm đã có dấu hiệu của sắc thái mới. Yếu tố ven đô bắt đầu phát huy thế mạnh của nó. Tính năng động của người dân bắt nhịp được những đổi thay về chính sách kinh tế - xã hội, đã tạo nên những chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội trên vùng nông thôn Gia Lâm, vai trò tự chủ của kinh tế hộ được phát huy; và đặc biệt người ta nhận thấy yếu tố đô thị đang xâm nhập vào đời sống của từng làng xã, từng gia đình nông dân.
Đến nay, nông thôn Gia Lâm đã thực sự thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, để bước vào một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, với một xã hội ổn định, giàu đẹp, tiến bộ, văn minh, hiện đại.
Tiếp tục trên con đường đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung, Gia Lâm - Hà Nội nói riêng, ngoài những cơ hội mới, hiện đang đối mặt những thách thức mới trong quá trình tiến lên theo con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, việc nhìn lại giai đoạn đầu tiên trên tiến trình đổi mới nông thôn, để rút ra những bài học kinh nghiệm, tìm ra cách đi thích hợp cho mỗi hộ gia đình, mỗi thôn xóm, cho toàn bộ vùng nông thôn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, là một yêu cầu bức thiết. Chúng tôi hy vọng cuốn sách Kinh tế - xã hội vùng nông thôn huyện Gia Lâm - Hà Nội trên tiến trình đổi mới phần nào giúp bạn đọc trả lời các câu hỏi đó.
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi sẽ là vùng nông thôn (gồm 31 xã) của huyện ven đô Gia Lâm - Hà Nội trong thời gian từ năm 1981 - là năm Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100/BBT, đưa đến một số đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn; đến hết năm 2003, khi quận mới Long Biên chính thức thành lập, trên cơ sở cắt chuyển 3 thị trấn và 10 xã của Gia Lâm. Vùng nông thôn Gia Lâm còn lại 21 đơn vị hành chính cấp cơ sở. Thời gian trước năm 1981 cũng được nghiên cứu, với mục đích đánh giá một cách khái quát những nét cơ bản nhất thực trạng nông thôn Gia Lâm ở thời điểm bắt đầu đổi mới, nhằm làm rõ hơn quá trình biến đổi dưới tác động của những chính sách mới.
Mục đích, nội dung nghiên cứu: Đây là công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống về các mặt kinh tế - xã hội của vùng nông thôn Gia Lâm thời kỳ đầu trong tiến trình đổi mới (từ năm 1981 đến năm 2003) dưới góc độ lịch sử. Trên cơ sở hệ thống, giám định, phân tích, tổng hợp một khối lượng tài liệu rất phong phú, đa dạng, kết hợp với những đợt khảo sát thực tế, chúng tôi mong muốn dựng lên bức tranh về những biến đổi, thăng trầm của kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn Gia Lâm - Hà Nội theo từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đề cập đến bối cảnh đổi mới kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung tìm hiểu và phân tích những nguyên nhân đưa đến sự biến đổi của từng vấn đề, từng mặt cũng như sự biến đổi chung của kinh tế - xã hội Gia Lâm - Hà Nội, nhằm phát huy những nhân tố tích cực, đồng thời hạn chế, khắc phục những mặt tiêu cực. Bước đầu khái quát những quy luật vận động kinh tế - xã hội của nông thôn, chỉ ra những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, rút ra một số bài học kinh nghiệm, tìm biện pháp đổi mới nhanh nông thôn Gia Lâm theo hướng CNH - HĐH. nhằm khai thác và phát huy tốt nhất sức mạnh nguồn lực nội sinh.
Cùng với các công trình khác, chúng tôi mong muốn cuốn sách sẽ là cơ sở thực tiễn để góp thêm căn cứ khoa học cho các cơ quan hoạch định các chủ trương chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn nước ta nói chung, Gia Lâm - Hà Nội nói riêng trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Trong quá trình hoàn thành công trình này, tác giả đã nhận được những chỉ dẫn khoa học tận tình của PGS.TS. Đinh Thị Thu Cúc, TS. Trần Hữu Đính, PGS. Cao Văn Lượng cũng như những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; sự giúp đỡ, động viên về chuyên môn, vật chất và tinh thần của Ban Lãnh đạo Viện Sử học: Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học - PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện trưởng Viện Sử học - PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Phó Viện trưởng - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo Viện Sử học - TS. Nguyễn Ngọc Mão, Thư viện Viện Sử học, Phòng Nghiên cứu Lịch sử hiện đại Việt Nam, Phòng Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Phòng Hành chính cùng các phòng, ban khác của Viện Sử học. Nhân đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới tất cả những sự giúp đỡ quý báu đó.
Chúng tôi xin gửi lời cám ơn tới Phòng Lưu trữ Thành ủy Hà Nội, Uỷ ban nhân dân và Huyện uỷ huyện Gia Lâm, Uỷ ban nhân dân và nhân dân các xã Bát Tràng, Đa Tốn, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Văn Đức, Cự Khối... đã nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp tư liệu trong những chuyến tôi đi khảo sát, nghiên cứu thực tế tại địa phương.
Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả những người thân yêu trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết đã hết lòng động viên tôi dành thời gian, tâm sức để hoàn thành công trình này.
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2007
Tác giả