Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân

Tác giả : Márai Sándor
  • Lượt đọc : 68
  • Kích thước : 1.35 MB
  • Số trang : 388
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 48
  • Số lượt xem : 531
  • Đọc trên điện thoại :
Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân, cũng như cuốn hồi ký nổi tiếng Thế giới những ngày qua của Stefan Zweig, mang đến bầu khí quyển của không gian văn hóa Áo-Hung vô cùng đặc thù vào thời điểm bước ngoặt đầu thế kỷ 20. Và nếu Zweig tự nhìn nhận như một “người châu Âu” thì Márai Sándor khẳng định mình là một đại diện cho tầng lớp thị dân đang hình thành; ông đã đi vào ngóc ngách đời sống tinh thần của một giai tầng, ca ngợi những phẩm chất nhưng không quên chế giễu những điều nực cười của môi trường sống xung quanh. Stefan Zweig cũng xuất hiện thoáng qua trong cuốn hồi ký sâu sắc và đặc biệt của Márai Sándor.

Không chỉ có thành phố nhỏ Kassa quê hương và thủ đô Budapest, Márai Sándor còn dẫn dắt chúng ta đi qua những đất nước ông từng có thời gian gắn bó: Đức, Pháp, Ý và Anh, với những nhận xét đằm thắm, sâu sắc nhưng cũng có lúc tinh quái đến gây sửng sốt. Chặng đời của ông cũng gắn liền với con đường trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Hungary. Đọc cuốn hồi ký này, ta càng hiểu rõ con đường ấy nhiều chông gai đến mức nào.

Lời Bộc Bạch Của Một Thị Dân đặc biệt hơn cả chính ở sự phô bày đầy chân thực và can đảm một tâm hồn phức tạp, không một chút toan tính giấu giếm hay “tô hồng” nào. Tính trung thực này khiến cuốn sách trở thành một hậu duệ xứng đáng của một dòng “bộc bạch” hay “tự thú” lừng danh trong lịch sử văn chương phương Tây, từ Thánh Augustin cho tới Jean-Jacques Rousseau, rồi Lev Tolstoy.

Về Tác Giả:

Márai Sándor họ Grosschmid, sinh ngày 11.4.1900, tại Kassa, Hungary, nay là Kocise thuộc nước Cộng hòa Slovakia. Năm 1923, Márai sang Paris, lưu lại năm năm. Năm 1926 ông bắt đầu hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông và viết cuốn Theo dấu chân các bậc thánh (Istenek nyomában), xuất bản năm 1927. Thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Márai là khoảng từ năm 1928 đến năm 1948, khi ông trở về sinh sống tại Hungary cùng vợ. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật, viết kịch bản và để lại gần một trăm đầu sách, trong đó có những tiểu thuyết nổi tiếng như Casanova ở Bolzano, Di sản của Eszte, Những ngọn nến cháy tàn, Nhật ký, Lời bộc bạch của một công dân… Márai cũng là bậc thầy của thể đoản văn, những suy niệm của ông bao giờ cũng mang âm hưởng triết lý, cô đọng. Márai được bầu là Viện sĩ Thông tấn năm 1942 và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 1945. Từ 1948, ông sống lưu vong tại Ý và Mỹ. Tác phẩm của Márai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông được xếp trong số những nhà văn lớn nhất của châu Âu thế kỷ XX.

“Và đến giây phút cuối cùng, cho tới khi còn được cầm bút viết nên con chữ, tôi muốn làm chứng rằng: đã có một thời và vài thế hệ mà ở đó trí tuệ đã ca khúc khải hoàn trước bản năng, và tin vào khả năng phản kháng của tinh thần… tôi đã thấy và đã nghe châu Âu, đã nghiệm sinh một nền văn hóa… liệu tôi có thể nhận được gì hơn từ cuộc đời?” - Márai Sándor

Lời khen tặng dành cho tác phẩm:

“Đây là cuốn tiểu thuyết về thế giới thị dân, nhưng cũng là tiểu thuyết gia đình. Nó là khúc tưởng niệm về một gia đình, gia đình nhà văn, và cũng là về giai tầng xã hội của gia đình ông. Nhưng đồng thời nó là tấm gương của sự trăn trở sâu sắc ở nhà văn […] để biến cải quá khứ và truyền thống gia đình theo “hình ảnh” của riêng mình. Vì thế nó cũng là một tiểu thuyết tâm lý, vì nó cho cảm nhận một cách trung thực quá trình đau đớn vật vã để đi tìm bản ngã, những cột mốc của sự khổ ải tâm hồn có vẻ như không thể giải thích nổi liên quan tới quá trình này. Nó cũng là sự thay đổi nội tâm liên quan tới sự tách rời khỏi gia đình, tới sự nổi loạn, sự phát triển cá tính…” - Dober Valéria

“Cuốn tiểu thuyết của Márai Sándor đơn giả là hoàn hảo. Nó đưa ra những lý thuyết, những quan điểm để có thể mô hình hóa đúng thế giới, hơn nữa chúng có thể hiểu được, chấp nhận được đối với những người bình thường, cả đến hôm nay, tám mươi năm sau khi nó ra đời.” - Oláh Tibor