Ngành PR Việt Nam

  • Lượt đọc : 703
  • Kích thước : 0.76 MB
  • Số trang : 82
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 386
  • Số lượt xem : 2.951
  • Đọc trên điện thoại :
Đất nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường năng động và có những nỗ lực không ngừng để hội nhập nền kinh tế thế giới. Nhu cầu về nghề Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, tên tiếng Anh là Public Relation (trong các phần tiếp theo của cuốn sách này sẽ gọi là Ngành PR Việt Nam), ngày càng lớn cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam.

Trên thực tế, nghề PR được xem là một trong những ngành nghề được ưa chuộng bởi sự mới mẻ, năng động và khả năng đem lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành PR ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, chủ yếu hoạt động tập trung ở một số mảng như tổ chức sự kiện, quan hệ báo chí, quan hệ cộng đồng hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mảng điều hành tư vấn chiến lược còn hạn chế, ít công ty PR Việt Nam có khả năng cung cấp dịch vụ quản trị khủng hoảng hay hoạch định chiến lược.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về PR còn thiếu. Những kinh nghiệm cùng sự hiểu biết về PR chủ yếu được tích lũy qua hoạt động thực tế nên thiếu tính toàn diện. Sự thiếu hụt hệ thống cơ sở lý luận khoa học, khung pháp lý và cơ sở đạo đức khiến cho ngành PR Việt Nam chưa xây dựng được một nền tảng vững chắc để khẳng định vị trí của mình như một ngành chuyên môn thực sự. Trên thực tế, hiện nay PR Việt Nam vẫn đang trên con đường tự mày mò. Mặc dù chưa hình thành được một nền PR chuyên nghiệp, nhưng những hiện tượng tiêu cực đã xuất hiện như tự tạo tai tiếng để được nổi tiếng, xây dựng quan hệ báo chí bằng cách mua chuộc các nhà báo (PR “đen”)…

Nghiên cứu thực tiễn cho thấy nét nổi bật của ngành PR Việt Nam là sự hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Mặc dù số lượng công ty truyền thông tăng mạnh, nhưng số công ty cung cấp dịch vụ PR chuyên nghiệp còn khiêm tốn. Số lượng nhân viên làm PR cũng chiếm phần nhỏ so với tổng số nhân viên truyền thông. Hoạt động PR tập trung chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn các thành phố và các khu vực khác, PR chưa thực sự phát triển. Mặc dù lực lượng làm PR ở Việt Nam có trình độ đại học, song họ tốt nghiệp các chuyên ngành khác như báo chí, kinh tế, ngoại thương, ngoại ngữ chứ chưa được đào tạo PR chính quy. Hiện nay, khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, là bộ phận sử dụng PR nhiều nhất; các cơ quan nhà nước cũng bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của PR. Ở cấp nhà nước, các hoạt động PR đã được ứng dụng và thu được nhiều thành công, đặc biệt là trong các lĩnh vực như vận động hành lang, quảng bá hình ảnh quốc gia… Nhưng nhìn chung, nhận thức về PR ở nước ta nói chung còn kém.

PR hiện là một trong những nghề được ưa chuộng ở Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam bị hấp dẫn bởi tính mới mẻ, năng động, mức lương tương đối cao và cả những thách thức của nghề PR. Tiềm năng phát triển của nghề này trong điều kiện đất nước đang hội nhập cũng là yếu tố khiến PR trở thành sự lựa chọn của giới trẻ. Dự đoán trong những năm tới, ngành công nghiệp PR ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, được bổ sung lực lượng nhân lực mới được đào tạo chuyên nghiệp tại các trường đại học trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẽ ứng dụng PR và thành lập các bộ phận PR nội bộ. Về mặt công nghệ-khoa học kỹ thuật, PR trên mạng sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của mạng Internet.

Bước vào thiên niên kỉ mới, tiến trình mở cửa được đẩy mạnh với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO. Những sự kiện này dẫn đến những thay đổi cơ bản trong xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Công cuộc hội nhập và đổi mới cũng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình dân chủ hóa xã hội. Nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, giao lưu quốc tế được mở rộng và tăng cường. Trong những năm qua, Việt Nam có hàng loạt những hoạt động PR cấp quốc tế như vận động hành lang quốc hội Hoa Kỳ để gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, tổ chức sự kiện diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương 2006, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu quốc gia…

Sự phát triển của nền kinh tế – xã hội cùng với những tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa và những ảnh hưởng trực tiếp của tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đặt ra yêu cầu thay đổi bộ máy quản lý nhà nước để có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả trong điều kiện mới, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. Để hoàn thành tốt vai trò điều hành nền kinh tế – xã hội, nhà nước cần người dân hiểu và ủng hộ các chính sách của nhà nước. Về phía người dân, nắm được thông tin về hoạt động của nhà nước là quyền và nhu cầu chính đáng. Với vai trò điều hành, điều tiết nền kinh tế – xã hội, có tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống, hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước hiện nay là tâm điểm thu hút sự quan tâm theo dõi của người dân.

Rõ ràng, thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả nhà nước và nhân dân. Thông tin vừa là phương tiện điều hành của nhà nước, vừa là phương tiện để người dân theo dõi, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện quyền dân chủ, vừa là công cụ thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác với bạn bè quốc tế.