Nữ Phi Công

Tác giả : Kristin Hannah
  • Lượt đọc : 189
  • Kích thước : 4.15 MB
  • Số trang : 496
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 99
  • Số lượt xem : 1.292
  • Đọc trên điện thoại :
Kristin Hannah là một gương mặt tiêu biểu ở đề tài viết về người phụ nữ và gia đình. Với văn phong giản dị, sâu lắng và cảm động, bà đã có những 20 tác phẩm thuộc top bán chạy theo bình chọn của tạp chí uy tín New York Times.

Cuốn tiểu thuyết tình cảm "Nữ Phi Công" được nữ tác giả đầu tư rất nhiều tâm huyết để khắc họa chân thực cuộc hơn nhân đang trên bờ vực của sự tan vỡ thời chiến tranh của Michael và Jolene Zarkades.

Họ đã bên nhau suốt 12 năm, những áp lực trong cuộc sống cứ thế đè nặng lên đôi vai của đôi vợ chồng khiến họ dần nảy sinh nhiều hơn những mâu thuẫn, mối đe dọa rạn nứt ngày càng hiện rõ. Câu chuyện tiến triển khi Jonene nhận được lệnh đi tập trung chiến đấu bởi cô vốn là một nữ quân nhân. Anh chồng luật sư Michael phải học cách xoay xở với cảnh gà trống nuôi con.

Liệu chiến tranh và sự xa cách có trở thành một tác động xấu hơn cho cuộc hôn nhân này? Jolene và Michael sẽ hành xử như thế nào, cứu vãn hay buông xuôi?
***
Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn Mỹ Kristin Hannah mà tôi đọc, và một lần nữa, cái nhìn thấu suốt của một tác giả viết về phụ nữ, gia đình cùng văn phong giản dị, sâu lắng và cảm động của bà đã chinh phục tôi hoàn toàn. “Nữ phi công” (tựa gốc là “Home Front”) không có cái kinh hoàng và ám ảnh của một thời kỳ chiến tranh loạn lạc như Sơn ca vẫn hót, thế nhưng nó vẫn đủ sức lay động tâm hồn bất kỳ ai bởi cái cách mà nó đi sâu vào bóc tách những diễn biến tình cảm và tâm lý của những con người bị tác động bởi chiến tranh ngay giữa thời hiện đại này, cùng những giá trị làm nên một gia đình toàn vẹn. Cuốn sách là bản hòa ca mang nhiều cung bậc cảm xúc, dành tặng cho những nam và nữ quân nhân Mỹ - những người anh hùng thực sự - đã dành trọn cuộc đời và tính mạng của mình để bảo vệ và giữ gìn cuộc sống cho người dân.

Nhân vật chính của “Nữ phi công” là Jolene, một người lính lái máy bay của quân đội Hoa Kỳ, vợ của luật sư Michael và là mẹ của hai cô con gái: Betsy 12 tuổi và Lulu 4 tuổi. Mở đầu câu chuyện, tác giả Kristin Hannah đã vẽ nên một bức tranh chân thực đến nhói lòng về thực tại của một cuộc hôn nhân đang trên bờ vực đổ vỡ, và những khủng hoảng mà Jolene phải đối mặt trong việc làm vợ, làm mẹ của một cô con gái đang ở lứa tuổi nổi loạn. Lớn lên giữa một gia đình lộn xộn, với một người cha nghiện rượu và một người mẹ yếu đuối, luôn đi theo van xin tình yêu của chồng, Jolene từ thuở bé đã rèn luyện cho mình một tính cách vững vàng, can đảm, không ngại khó khăn và vô cùng mạnh mẽ. Tính cách ấy chính là điều đã cuốn hút Michael về phía chị, nhưng giờ đây nó lại là một trong những nguyên nhân khiến chị và anh cách xa nhau.

Không biết làm gì với cuộc đời mình, và với niềm đam mê mong mỏi muốn được bay, Jolene đã gia nhập quân đội, trở thành nữ phi công, tự hào với chính những gì mình đã đạt được với cương vị là một người lính. Nhưng niềm đam mê ấy, những câu chuyện của đời quân nhân, chị đã không thể nào chia sẻ được với Michael. Anh là một luật sư, một con người ngồi phòng máy lạnh, mặc áo sơ mi là phẳng phiu đi làm, là người thuộc “giới tinh hoa” của xã hội. Anh ở trong cái thế giới được bảo bọc của mình và không có chút xíu hiểu biết thực sự nào về sự nghiệp của vợ mình cùng niềm tự hào của chị về cái thế giới của những chuẩn úy và đại đội. Cái chết của cha anh - người cha đã gắn bó với sự nghiệp làm luật sư của anh suốt bao năm - là giọt nước làm tràn ly khiến cuộc hôn nhân của Michael và Jolene càng ngày càng đến bờ vực đổ vỡ. Chị quá mạnh mẽ, quá can đảm, quá tự tin, với một sức sống và sự kiên cường rạng ngời, và chị lại ở bên cạnh anh, một người đàn ông đang đau khổ vì mất mát của mình, chán ngấy những lời khuyên nhủ “mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi” của vợ. Đơn giản, Michael cảm thấy quá yếu đuối và ngộp thở khi sống cùng với người phụ nữ không cần phải dựa dẫm vào anh, một người có thể tự đứng trên đôi chân của mình và khiến anh không còn được cần đến. Cho đến cái ngày Mỹ tuyên chiến với Iraq sau sự kiện 11/9 kinh hoàng, và Jolene nhận lệnh điều động ra chiến trường lái máy may Black Hawk.

Sự yên bình giả tạo của một cuộc hôn nhân đang gặp khủng hoảng bỗng chốc nứt toác, để lại một gia đình với những thành viên tức giận trước quyết định thực hiện lời hứa với quân đội của Jolene. Chị sẽ ra đi, đến Iraq, chiến đấu cho cuộc chiến mà nhiều người Mỹ cho là phi nghĩa và chẳng khác hành động giết người. Và trên tất cả, chị lại còn là một người lính nữ, người đã dũng cảm và mạnh mẽ đặt sứ mệnh mình được giao phó với tổ quốc, với nhân dân Mỹ lên hàng đầu, lên trên cả hạnh phúc gia đình mình, trách nhiệm làm mẹ và một cuộc hôn nhân đang rất cần được sửa chữa. Trường đoạn khi Jolene chuẩn bị ra trận, trải qua những ngày cuối cùng ở bên gia đình trước khi tham chiến là một trong những trường đoạn gây xúc động nhất của toàn bộ câu chuyện, khi độc giả có thể thấy được sự hy sinh cao cả và những gì Jolene chấp nhận bỏ lại ở quê nhà và bỏ lỡ trong cuộc đời hai con gái của mình để lên đường làm nhiệm vụ. Chị là một người phụ nữ phi thường, người đã tôn vinh và sống đúng với những giá trị làm nên một người lính Mỹ chân chính, dù điều đó có nghĩa là chị sẽ không được thấy nụ cười của bé Lulu trong suốt một năm ròng, sẽ không được cùng Betsy trải qua lần đầu tiên cô bé hành kinh, sẽ không được nấu đồ ăn sáng cho con, được đưa con đến trường.

Và còn đó Michael, người chồng mà chị yêu đến đau đớn, đến rúng động tâm hồn, yêu từ thuở ban đầu khi họ mới gặp nhau, khi chị còn là cô bé 17 tuổi, xơ xác sau cái chết bất ngờ của cha mẹ và không một xu dính túi, đến gặp anh ở văn phòng hỗ trợ trẻ vị thành niên khi anh còn là sinh viên năm nhất đang đi thực tập. Giờ đây, tình yêu đó hình như đã chết trong lòng Michael, hóa thành thứ trái đắng khiến những ngày cuối cùng trước khi chị đi chiến đấu trở thành địa ngục với cả anh và chị. Michael là một người chồng ích kỷ, anh chưa lần nào thể hiện lòng tự hào của mình dành cho vợ và công việc mà chị làm; giờ đây, anh lại còn chì chiết chị, buộc tội chị là một người mẹ không tốt khi đành đoạn bỏ lại con và chồng mình - người chồng suốt ngày ngập ngụa trong công việc và hiếm khi nào dành thời gian cho các con - để tham gia chiến tranh như thể đây là một hành động tự sát. Và trên hết, chắc hẳn anh đã rất sợ, sợ cái trách nhiệm vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ mà sắp tới anh phải lãnh nhận thay vợ mình.

Nhưng nỗi sợ lớn nhất, nỗi sợ mà phải tới cái buổi lễ chia tay gia đình để các quân nhân đi tòng quân, anh mới nhận ra, là nỗi sợ sẽ mất chị, được hình thành từ cái nhận thức muộn màng nhưng đáng sợ về chiến tranh, về cái thứ rồi đây Jolene sẽ phải đối mặt. Chiến tranh, dù ở thời đại nào, đều là một thứ chứa rủi ro và cái chết. Và đó là thứ Jolene sẽ phải dấn thân vào, sẽ phải chạm đến hằng ngày, hằng giờ ở Iraq: bom rơi, đạn lạc, thiết bị gây nổ bất ngờ, những mảnh thịt người không còn rõ hình dạng văng tứ tung sau một vụ nổ bom, đồng đội ngã xuống, máu, mùi thuốc súng, nỗi hoang mang không biết mình sẽ còn sống được bao ngày nữa, liệu mình có còn toàn mạng và toàn vẹn thân thể để trở về với gia đình, với những người thân yêu.

Chiến tranh là thế đấy, nó khắc nghiệt, xấu xí và đau đớn vô cùng, nhưng nó là viễn cảnh mà Jolene đã chọn, sự lựa chọn đã thay đổi không chỉ chị mà còn Michael. Kristin Hannah một lần nữa đã thể hiện cái nhìn sâu sắc và thấu suốt của mình về những vấn đề của gia đình, đặc biệt là những gì mà các gia đình quân nhân phải trải qua khi một thành viên của họ phải đi làm nhiệm vụ, thông qua cái cách bà miêu tả tình cảnh “gà trống nuôi con” của Michael, quá trình chật vật thích ứng với trách nhiệm chăm sóc con cái - điều mà anh luôn lãng quên trong suốt bao năm. Và nếu như Jolene đang đối mặt với cuộc chiến tranh khốc liệt ở ngoài phương xa, không biết liệu có thể trở về, thì Michael cũng có một trận chiến của riêng mình để chiến đấu: trận chiến để đảm bảo các con mình vẫn duy trì một cuộc sống bình thường với sự giúp đỡ hết sức mình của mẹ anh - bà Mila - một người phụ nữ vô cùng tâm lý, và là người duy nhất từng thấu hiểu, ủng hộ quyết định ra trận của Jolene.

Trận chiến ấy song hành cùng việc anh theo đuổi vụ xét xử một anh chàng cựu quân nhân bị khép tội giết vợ, giúp Michael nhận ra một sự thực mà anh đã quá ngu ngốc, quá ích kỷ để mà nhìn thấy trước đây: anh yêu Jolene, anh vẫn còn yêu chị, làm sao mà anh có thể hết yêu chị, người phụ nữ can đảm vô cùng, xinh đẹp vô cùng, người đã cùng anh xây dựng gia đình trong suốt 12 năm qua. Ấy vậy mà anh lại để chị ra trận với cái lời nói “Anh không còn yêu em nữa” in dấu trong đầu chị, đẩy chị đi xa khỏi anh, làm tổn thương chị, phí hoài những ngày quý giá trước khi chị đi chiến đấu cho nước Mỹ với muôn vàn khó khăn và nguy hiểm trong nỗ lực vô vọng để hàn gắn mối quan hệ vợ chồng của Jolene, trong nỗi khổ đau không nói thành lời của một người vợ luôn yêu anh nhưng anh thì lại luôn lạnh nhạt. Để rồi cái điều Michael sợ hãi cuối cùng cũng đến, khi anh hay tin vợ mình bị thương nặng sau khi máy bay của chị bị bắn rơi và phát nổ.

Cảm xúc của câu chuyện dâng cao với sự kiện ấy, khi trận chiến tiếp theo mà Michael phải đối mặt chính là trận chiến của ý chí và tình yêu, của một người chồng muốn sửa sai và hàn gắn lại mối quan hệ tưởng chừng đã nát tan của hai người, một trận chiến đi vào cốt lõi của gia đình mà họ đã xây dựng, cùng nền móng tình yêu đã giúp họ xây dựng nên gia đình mình. Và trận chiến ấy hoàn toàn không hề dễ dàng để chiến thắng, khi mà Jolene không còn là người phụ nữ trước khi chị ra trận: chị vụn vỡ thành trăm mảnh bởi những gì chị đã trải qua ngoài chiến trường, bởi cái chết của những đồng đội, bởi vụ rơi máy bay kinh hoàng, bởi khói, máu và mất mát. Chị mang theo về nhà một cơ thể không còn toàn vẹn và một tâm hồn còn nứt toác, vụn vỡ hơn. Đó là một trận chiến với đầy những nước mắt, đớn đau, sự sợ hãi đến từ hai cô con gái của Jolene, khi chúng không biết chuyện gì đã xảy ra với tính tình và tâm lý của mẹ chúng, khi chúng chỉ biết rằng mẹ không còn như trước kia, luôn nóng tính, la mắng chúng và dường như không còn yêu chúng nữa.

Và Michael, anh bền bỉ với tình yêu dành cho Jolene, cho người vợ luôn xinh đẹp và can đảm trong mắt anh, mặc dù giờ đây chị không còn là người phụ nữ như trước đây anh đã biết. Những nỗ lực để hàn gắn, để Jolene trở lại là mình, là cô chuẩn úy mạnh mẽ, tràn đầy tự tin đã khiến tôi khóc không biết bao nhiêu lần. Tôi khóc cho cái số phận và những gì Jolene đã trải qua, cho những mất mát mà chị đã phải gánh chịu, cho nỗi sợ cùng sự tức giận mà chị cảm thấy về những gì chị tưởng là lòng thương hại dành cho người vợ tật nguyền của Michael, cho những gì chị tưởng là ý thức trách nhiệm của một người chồng khi Michael không rời bỏ chị mà lại quyết định ở bên chị, luôn luôn, cầu xin chị tha thứ cho anh và muốn câu chuyện của họ bắt đầu lại từ đầu. Tôi khóc khi Jolene, với nỗi thương cảm dành cho chính bản thân mình cùng sự mạnh mẽ, không muốn dựa dẫm và ai luôn sẵn có trong con người chị - người phụ nữ làm bằng thép và được trui rèn trong lửa - đã gạt phăng những nỗ lực của Michael nhằm hàn gắn vết thương lòng anh đã gây ra cho chị và cuộc hôn nhân của họ. Để rồi sau đó, chị đã mất rất nhiều thời gian để lại có thể tin tưởng anh và mở lòng với anh.

Và tôi đã khóc khi chứng kiến Jolene chiến đấu trong cuộc chiến của riêng chị, cuộc chiến với PTSD (viết tắt của Post Traumatic Stress Disorder, là chứng trầm cảm sau sang chấn, rất phổ biến ở các cựu chiến binh), với mặc cảm tội lỗi về vụ rơi máy bay khi chị đã không thể bảo toàn tính mạng cho các đồng đội, với việc chấp nhận tình trạng cơ thể không toàn vẹn hiện tại của mình, với những khó khăn mà chị phải trải qua trong quá trình làm quen với cơ thể mới và hòa nhập với cuộc sống sau chiến tranh, với tương lai được bay trở lại vô cùng mờ mịt, với việc xác nhận lại định nghĩa về bản thân chị: chị còn là chuẩn úy Zarkades nữa hay không, hay chỉ là một khối thịt vô dụng và tật nguyền; chị có còn là mẹ của lũ trẻ hay không, hay là một mụ phù thủy luôn khiến chúng sợ hãi mỗi khi tiếp xúc với chị. Tương lai mờ mịt nhưng không phải là không có hy vọng, và hy vọng ấy được thắp lên bởi chính Michael, người chồng đã hoàn toàn lột xác khỏi cái mác ích kỷ để trở lại là người đàn ông Jolene luôn yêu và mãi yêu, người chồng giờ đây vô cùng tự hào về chị, về những gì chị đã trải qua vì tổ quốc và nhân dân Mỹ.

Jolene, cùng với cô bạn thân Tami, người cũng là phi công lái máy bay và cùng chị tham chiến ở Iraq, là đại diện cho những người nam nữ quân dân anh dũng và đáng được tôn vinh của Hoa Kỳ, những con người đã sống cuộc đời mình để hoàn thành trọn vẹn lời hứa với quân đội, với đất nước, cho dù điều đó có nghĩa là họ đang đặt bản thân mình, cơ thể mình, tính mạng của mình vào vòng hiểm nguy. Đã có những hy sinh quá lớn, những mất mát đớn đau phải cần thật nhiều thời gian mới có thể nguôi ngoai, những gia đình mất đi một thành viên, những đứa trẻ phải lớn lên mà không có cha hay mẹ. Nhưng cuối cùng thì, sứ mệnh giữ gìn bình yên cho tổ quốc, cho nhân dân vẫn là một sứ mệnh cao cả và phải luôn được đặt lên hàng đầu. Chính điều đó đã biến những người quân nhân trở thành những người anh hùng của đời thực, những người cũng như chúng ta, cũng dễ bị tổn thương, cũng có những phút giây yếu đuối, những lo lắng, hãi sợ và bất ổn trong tâm hồn. Cái họ cần là sự quan tâm, là gia đình ngập tràn tình yêu, là những sự giúp đỡ về vật chất và tâm lý, để họ có thể tiếp tục tỏa sáng và đóng góp cho xã hội, cho bình yên của đất nước và cuộc sống của người dân.
***
#Review #Nữ_phi_công

“Có những điều bạn học được tốt nhất trong bình yên. Có những điều chỉ học được trong dông bão ...”

Thật sự không hiểu sao một quyển sách hay, nhiều cảm xúc như thế lại ít được nhắc tới. Nếu không tình cờ biết Nữ Phi Công được viết bởi tác giả của Sơn Ca Vẫn Hót thì Boog đã bỏ qua nó. Thật mừng vì Boog đã đọc và không bỏ lỡ một tác phẩm hay.

Bằng những câu chữ đầy cảm xúc, tác giả đưa bạn tới cuộc sống hôn nhân đầy dông bão, những mất mát đau thương của chiến tranh mà Boog đọc thấy có một sự đồng cảm ghê gớm.

Jolene Larsen là một quân nhân, một phi công trong quân ngũ. Mà phụ nữ trong quân ngũ thường ít, ít nhiều có khó khăn hơn nam giới. Thật sự Boog có chút ngưỡng mộ đối với những phụ nữ trong quân đội mà lại là phi công ( rất ngầu đấy chứ).

Tuổi thơ của cô chịu tổn thương vì chứng kiến những cuộc cãi vã, đập phá khi say rượu của ba mẹ. Họ cũng sớm ra đi do tai nạn trong một lần say rượu.

Những tưởng cuộc hôn nhân của cô với Michael - một luật sư tài năng sẽ phần nào bù đắp cho tuổi thơ không trọn vẹn của cô. Nhưng, sau 12 năm chung sống, nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn, những bất đồng quan điểm, sự không hiểu nhau trong gia đình. Những vấn đề phát sinh trong việc chăm một cô bé 4 tuổi ngây thơ, có chút nhõng nhẽo, một cô bé 12 tuổi đang bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, gặp nhiều vấn đề rắc rối trong các mối quan hệ trong trường trung học đã dẫn tới hôn nhân của họ có nguy cơ bị đổ vỡ.

Trước thềm hôn nhân đổ vỡ, là một quân nhân, Jolene nhận được lệnh điều động tới vùng chiến sự Iraq. Đối mặt với nguy hiểm, chứng kiến sự ra đi của những người đồng đội, những người bạn, bản thân bị thương, bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường cô bị tổn thương ghê gớm.

Làm sao có thể có một cuộc sống bình thường khi đã trải qua những mất mát, tổn thương đau đớn ấy. Không chỉ mất mát về thân thể, sự ám ảnh của cuộc chiến trong mỗi giấc mơ, trong mỗi đau đớn hàng ngày còn khủng khiếp hơn.

Nữ Phi Công miêu tả khắc hoạ rất sâu sắc, rất hay về những đấu tranh nội tâm, những đau đớn, tâm lý các nhân vật.

Bên cạnh những mối quan hệ về hôn nhân, gia đình, con cái, cha mẹ, tình đồng chí, đồng đội Boog rất thích tình bạn giữ Jolene và Tami. Tình bạn có thể nói là tri âm tri kỷ, chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hiểu nhau tới từng chân tơ kẽ tóc.

Nữ Phi Công là một bài ca về nghị lực, về tình thương yêu xoa dịu nỗi đau.

Mất mát, đau thương và hàn gắn, đừng để khi mất đi mới hiểu được giá trị của tình yêu, tình cảm gia đình quý giá.

Hãy nói yêu thương, đừng nói yêu thương quá muộn.