Trông Giòng Sông Vị - Văn Chương Và Thân Thế Trần Tế Xương

Tác giả : Trần Thanh Mại
  • Lượt đọc : 168
  • Kích thước : 0.72 MB
  • Số trang : 116
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 130
  • Số lượt xem : 1.499
  • Đọc trên điện thoại :
VÀO khoảng năm 1895 1900, Nam định là một thành phố phồn thịnh, nhờ cái địa thế ở chỗ trung tâm điểm của miền hạ du Bắc Việt Nam định là chỗ phân phát sản vật của một xứ đất đai phì nhiêu, cái thị trường giao dịch với các nước ngoài. Nam định, thành phố thương mại, cũng như Hà nội, thành phố quan lại. Duy chỉ sau khi lập ra hải cảng Hải phòng, Nam định mới thấy uy linh của mình mất dần đi, cho đến lúc cùng đứng ngang hàng với các thành phố lân cận.

Mà nếu như Thăng Long là « đất nghìn năm văn vật », Nam thành lại chính là đất gầy dựng nền văn vật ấy. Nam thành chính là chỗ lựa lọc anh tài, kén chọn hiền sĩ, để ra trị nước, trị dân : đó là chỗ, ba năm một lần, người ta mở khoa thi cử.

Năm đinh dậu, niên hiệu Thành thái thứ 9 (1879), khoa thi Hương có phần náo nhiệt hơn cả. Quan Toàn quyền Armand Rousseau tạ thế năm trước (1896). Quan Toàn quyền Paul Doumer mới qua nhận chức. Ở Bắc Việt, vừa nổi lên một phong trào đảo chính mà động lực lại ở trong tay bọn văn thân. Thủ lĩnh cuộc bài ngoại ấy là một tên thiếu niên sĩ tử, tự xưng là Kỳ Đồng.

Tuy cuộc cách mệnh bị đàn áp ngay lập tức, người ta vẫn ngờ rằng luồng không khí quá khích kia còn phảng phất nơi đám sĩ phu, bấy giờ đang tụ họp ở Nam thành chờ ngày ứng thí.

Số thi sinh khoa ấy đông ngót vạn rưỡi người, trù cho mỗi người đem theo một tên gia đinh coi việc nấu nướng, và một người bà con (có nhiều học trò đem cả cha, mẹ, vợ, con, bầu bạn theo nữa, nhưng ta chỉ lấy số ít nhất ; cả thảy tính đến bốn mươi lăm nghìn người, cộng với số dân sẵn có trong thành phố, tất cả có thể làm một đạo binh mà chẳng ai dám khinh thường.

Vì thế, ngay khi những sĩ phu đầu tiên lục tục mang yên trại đến Nam thành, thì các đội binh bộ Pháp ở các tỉnh, cũng kéo về đóng phòng ngữ và luôn tiện tiếp rước quan Toàn quyền mới, ngài đã định đến chứng kiến cuộc thi.

Dưới sông hai chiếc pháo thuyền để hiệu « L'Avalanche » và « Le Jacquin » kéo cờ tam tài, chở súng đại bác. Chung quanh là ghe đò của những kẻ đã dùng đường thủy mà đến trường văn. Hai bên bờ, quán xá tấp nập. Trên dưới trông rợp trời, khuất nước : một quang cảnh hùng tráng náo nhiệt lạ thường.

Trong khi đợi ngày khai mạc, thí sinh và bà con bầu bạn ăn chơi vui vẻ : nơi ngâm vịnh, xướng họa ; nơi cờ kiệu, rượu chè ; nhất là ở mấy hàng thịt, lại càng ồn ào, đông đúc. Họ sắp hàng những con cầy quay vàng ngời, béo phệ ; mùi thơm bay lên ngát mũi. Lại trong những quán sang trọng, người ta bày nhiều chiếc thống sành xưa, to rộng, ở trong lội đầy những con cá giếc vừa chài dưới nước lên. Những cá ấy, không phải để chưng diện như cá thia tàu, mà chính để ăn tươi với nước lèo rau sống. Khách ăn dùng vải tây điều, nắm cá mà cắn, cho huyết khỏi dính tay, hoặc để khỏi thấy sắc hồng ghê tởm.

Các sĩ tử đã lần lượt dựng – hay nói cho đúng, đã cậy người nhà dựng cho, vì văn thân, không bao giờ được làm việc gì khó nhọc bằng tay – những lều trại khum tròn, thấp, hẹp, vào phải co ro như con tò vò chui vào tổ đất. Dẫu sao, đứng trên cao trông xuống, giữa trường thi rộng mấy trăm mẫu, lúp xúp kề nhau, chỉ vừa lọt lưng người, những lều tránh tí hon, vàng xám, như một đàn bò vô số con ấy, đủ bày ra một cảnh tượng hùng vĩ uy nghiêm ; càng hùng vĩ, càng uy nghiêm, vì nó yên tĩnh, lẳng lặng, mơ màng, như cả cái tinh thần Đông phương vậy.

Khoa thi ấy, như trên đã nói, chính phủ nghiêm phòng dữ lắm. Ban đêm, sĩ tử ai phải ở nhà trọ nấy, không được ra phố tụ họp ; hoặc giả người nào có việc cần, còn phải lang thang ngoài đường, khi đã quá tám giờ tối, tất phải bị bắt, hỏi thẻ và khuấy rầy nhiều lắm.

Chính trong những ngày ấy mà người ta khẩu truyền bài thơ « DẶN HỌC TRÒ ĐI THI », các thí sinh, nơi cụm năm, nơi lũ bảy, thì thầm đọc cho nhau nghe bằng một vẻ bí mật, lạ lùng, xong rồi đồng cười rộ lên, vì bài thơ chẳng qua là một bài trào phúng của một tên học trò quán ở làng Vị xuyên, nhân cái tình hình lúc ấy mà đặt ra. Chúng ta hãy xem đây :

« Đi thi, đi cử, các thầy nho,

Ta dặn điều này phải nhớ cho.

Ra phố, khăn ngang quàng lấy mặt,

Vào trường, quần rộng xắn lên khu.

Câu văn đắc ý đừng ngui ngủi,

Chén rượu mềm môi chớ gật gù.

Nghe nói khoa này nghiêm cấm lắm,

Đêm hôm phải sợ phép quan Cò ! »

Cái « quan cò » ấy, thật không bao giờ được lòng yêu chuộng của các sĩ phu, và có khi lại bị khinh thường nữa. Bằng cách gì, chúng ta sẽ thấy ở một mục sau.

Ngày khai hội, trời chưa sáng, người ta đã đổ xô cả lại bờ sông, để xem quan Toàn quyền đến. Các quan cai trị Tây Nam, các bậc thân hào phú hộ ở Nam thành đều đi xe kéo, bánh sắt lộp cộp, lạt cạt, cao khấp khênh như cặp cà khêu, tấp nập ra chực sẵn ở bến đò để tiếp ngài. Không bao lâu thì những pháo thuyền của ông Paul Dourner, phu nhân và các bộ văn phòng võ giá, thủng thẳng rẽ làn nước vào bờ. Các đội lính bộ, bồng súng, giắt lưỡi lê chói lọi dưới những ngọn đuốc chưa tàn, và ánh sáng lờ mờ của mặt trời sắp mọc, đứng làm hai hàng rào chắc chắn, ngăn những người tò mò muốn thấy mặt quan Toàn quyền. Súng thần công 90 li, ở hai chiếc chiến hạm L'Abalanche và Le Jacquin, nổ lệnh liên thanh, thì các súng đại bác nhỏ ở mấy chiếc pháo thuyền hộ tùng cũng phát hiện trả lời, nghe vang trời dội đất, giữa đám đông mười mấy vạn người, ai nấy đều yên lặng, hiền lành, cung kính, không tỏ vẻ gì khả nghi. Phải chăng cái uy vệ của súng thần công nó sai khiến được nên thế ? Mà sự sợ súng, hay nói cho đúng hơn, là sợ sức mạnh, sợ cách tổ chức và cách dụng binh vẫn có thật. Chính Tú Xương cũng đã thú nhận điều đó trong bài « VỊNH LÊN ĐỒNG » :

« Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,

Hay là đồng sợ súng thần công ? »

Tuy vậy, luồng không khí bất bình vẫn còn chứa chất trong lòng sĩ tử. Bọn văn nhân rủ nhau vây kín… lấy tên học trò làng Vị xuyên, bảo phải cho nghe bài thơ vịnh khoa thi, mà anh ta mới kín đáo đọc cho vài bạn thân. Bài thơ như thế này :

« Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thì lẫn với trường Hà,

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ ;

Ậm ọe quan trường miệng thét loa ».