Cách đây mười năm, mọi người xem tôi là một cậu bé vừa vùng khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Dẫu ngày ấy cuộc đời tôi trầm kha tẻ nhạt, nhưng phần nào đó tâm tưởng tôi vẫn tràn đầy niềm say mê với cuộc sống. Sức khỏe cùng tâm trạng cải thiện từng ngày, tôi có thể đi bộ khoảng nửa cây số hoặc leo một con dốc ngắn mà không cảm thấy nặng nơi lồng ngực, tôi giao du trở lại với đám thanh niên xóm giềng và khắng khít hơn với thằng bạn thân tên Phong. Về lại Cao nguyên, tôi có cảm tưởng người ta thích nhìn làn môi tím và đôi mắt đỏ tía của mình. Đó là triệu chứng của căn bệnh trầm kha mà tôi mang vào từ lúc chào đời, và cái tên của nó cũng không kém phần mỹ miều: bệnh tim. Ấy vậy, trái tim đập như vũ bão theo nghĩa đen của tôi và với một nghĩa bóng, nó cũng đập đầy mãnh liệt.
Trái tim tôi luôn rung động dữ dội trước những cảnh sắc lung linh, trước nụ cười mê ly, trước nghĩa cử chân thành, trước lòng người bác ái và nó cũng run rẩy trước những nỗi hụt hẫng đớn đau một cách vô cùng nhạy cảm. Và như vậy, mọi sự khác biệt đều có giá trị của nó. Tôi có sự khác biệt của chính tôi, và trong cái nhìn của tôi, Đà Lạt cũng có sự khác biệt của chính vùng đất này.
Trên những con đường tôi đi qua, trong đôi mắt ưa chiêm ngưỡng của mình, tôi cố gắng ghi nhớ loạt hình ảnh hoang dại của Đà Lạt. Từ hàng rào kẽm gai được bao bọc bởi lớp áo của loài hoa bìm bịp, hồng dại, đến các bức tường vôi trắng cũ kỹ phủ kín bằng dải thường xuân xanh ngắt và những lối nhỏ hoang
vắng dẫn lên các triền đồi ngập nắng, nơi những hoa pensée, foget me not, bồ công anh đua nhau nở. Cả trong khoảnh khắc dừng chân nơi lưng chừng con dốc để thở, tôi nhìn thấy chú chim bồ câu trắng đậu trên mái nhà rêu xanh, cạnh con vật nhỏ nhắn đáng yêu đó là nhành dương xỉ tồn tại ngang một đời người. Rồi tôi tự hỏi, có bao nhiêu người bắt gặp những cảnh nắng chiều rơi trên phố vắng, khi bóng mặt trời vĩ đại nhập vào đỉnh núi phía Tây? Một màu đỏ thắm rưới lên khoảng không, chú chim bồ câu trắng như trở thành loài hồng hạc và tung cánh bay lên không trung, để lại nhành dương xỉ đang chảy máu nơi mái nhà rêu hoang. Những khoảnh khắc như vậy, tôi may mắn bắt gặp bên ngày tháng lữ hành trên chính quê hương mình, và nó sẽ tồn tại mãi mãi trong ký ức không bao giờ phai của tôi.
Thế nhưng đã nhiều năm nay, với mục tiêu đô thị hóa, những tòa địa ốc diêm dúa, những cung đường thiếu nhất quán trong quy hoạch đã phá hủy đi bao mảng xanh nguyên sinh bạt ngàn, để rồi thành phố bị nuốt chửng trong một khung cảnh trống rỗng ngày một lan rộng. Người Đà Lạt mới dường như quên đi bản sắc của chính mình. Họ cho rằng Đà Lạt là Paris, là Seoul, là bất cứ thành phố nào mà họ nghĩ rằng nó đẹp là hiện đại. Mà người ta quên rằng, những nhà kiến thiết lỗi lạc thời xưa luôn luôn duy trì một tỉ lệ cân bằng mảng xanh với những tòa nhà bằng bê tông.
Và trong một lần ngồi cà phê với một người anh từng lăn lộn với núi rừng nơi đất lạnh xứ sương, anh nói với tôi: “Nếu em tự hào mình là người Đà Lạt, ít nhất em phải nhớ đến cảnh sương chiều rơi trên ngọn đồi hoang vu, là em đã từng sống trong những căn nhà gỗ, là em biết vo những cọng thông khô đốt lửa.” Từ câu nói đó của anh, tôi biết mình là ai. Thật vậy, nếu là người
Đà Lạt, bạn phải biết cảnh sương chiều rơi trên ngọn đồi hoang vu như một tuyệt tác của Michael Gorban, biết cảm giác sống trong căn nhà gỗ với cơn gió lạnh thổi qua những khe ván, biết vo những chiếc lá kim đốt lửa, và biết nói “Trái tim tôi đặt trên đỉnh núi” chứ không đơn giản để buột miệng câu: “Đà Lạt của tôi đẹp lắm, mời bạn ghé thăm”.
Bình luận