Truyện cười - Trang 21

Bắt bẻ

Bữa nọ có người mời thầy đồ đi ăn cỗ. Thầy cho một cậu học trò nhỏ theo hầu. Ăn xong, thấy trên đĩa còn nhiều bánh, thầy muốn lấy vài chiếu đưa về, nhưng sợ chung quanh người ta trông thấy, thì mất cả thể diện. Thầy mới nghĩ ra một cách. Thầy cầm mấy chiếc bánh thản nhiên đưa cho học trò, nói:
- Này, con cầm lấy.
Và nháy mắt ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy này của thầy, tưởng thầy lấy cho mình, liền ăn ngay.
Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Ra về, thầy vẫn còn tiếc, kiếm cớ trả thù học trò. Khi hai thầy trò đi cùng hàng, thầy mắng:
- Mày là bạn bè với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao? Trò sợ, tụt lại sau mấy bước. Thầy lại mắng:
- Tao có phải thằng tù đâu mà mày đi sau như để áp giải?
Trò vội vàng chạy lên đi trước, thầy cũng mắng:
- Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?
Trò ngơ ngác quay lại thưa:
- Con đi thế nào thầy cũng mắng cả, thầy bảo cho con biết như thế nào là phải ạ?
Thầy vẫn hầm hầm, hỏi:
- Thế bánh tao đâu?

Ai cũng phải cả

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng:
"Ở ÐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI"
Biển vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo:
- Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề là "cá tươi"!
Nhà hàng nghe nói, xoá ngay chữ "tươi" đi. Hôm sau, có người đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:
- Người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là: "Ở đây"!
Nhà hàng nghe có lý, xóa hai chữ "Ở đây" đi.
Cách vài hôm, lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo:
- Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là "có bán"!
Nhà hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ "có bán" đi. Thành ra trên biển chỉ còn có mỗi chữ "cá"! Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không ai còn bắt bẻ gì nữa. Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển nói:
- Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thì đã thấy đầy những cá, ai mà chẳng biết là bán cá, còn đền biển làm gì nữa!
Thế là nhà hàng cất nối cái biển.

Cả tin

Có một người thợ mộc dốc hết vốn liếng trong nhà ra mua gỗ, làm nghề đẽo cầy. Cửa hàng ở ngay vệ đường, người qua kẻ lại thường ghé vào xem. Một hôm, một ông cụ nói:
- Bắp cày thì phải đẽo cho cao, cho to.
Anh ta cho là phải, đẽo cái nào cũng vừa to vừa cao. Mấy hôm sau, một bác nông dân rẽ vào, trông đống cầy, lắc đầu nói:
- Thế này thì cày làm sao được! Phải đẽo nhỏ hơn, thấp hơn.
Nghe cũng có lý, anh ta liền đẽo vừa nhỏ, vừa thấp.
Nhưng hàng bầy ra đầy ở cửa, chẳng có ai mua. Chợt có người đến bảo:
- Ở miền núi, người ta phá hoang, cày bằng voi. Anh đẽo to gấp đôi gấp ba thế này thì bao nhiêu cũng bán được, tha hồ mà lãi! Nghe nói được nhiều lãi, anh ta đem gỗ còn lại đẽo tất cả loại cầy để cho voi cày.
Ngày qua tháng lại, chẳng thấy ai đến mua, vốn liếng đi đời nhà ma. Khi anh biết bệnh cả tin người là dại thì đã muộn.

Lưỡi không xương

Một người vào của hàng bán giày, thử rồi nói: - Ðôi này, tôi đi khá chật.
Nhà hàng bảo:
- Không hề gì. Ông cứ đi, ít lâu nó giãn ra thì vừa.
Một lát, có người vào mua. thử rồi nói:
- Ðôi này, tôi đi hơi rộng.
Nhà hàng bảo:
- Không hề gì! Ông cứ đi, hễ giời hanh, nó co lại thì vừa.
Người thứ ba vào mua, thử giày rồi nói:
- Ðôi này, tôi đi vừa chân lắm.
Nhà hàng bảo:
- Thì giày tôi đóng, bao giờ đi cũng vừa chân cả, không bao giờ co, mà cũng không bao giờ giãn!

Khéo bào chữa

Một ông lang xưa nay vẫn khoe chữa bệnh giỏi, ngày nọ có một ông lão đột ngột đến hỏi:
- Lão nghe nói thầy chữa bệnh thần lắm, thầy đã chữa khỏi mấy đám rồi?
Thầy quả quyết đáp:
- Bao nhiêu đám mà nghe lời tôi khỏi hết!
Ông lão cau mày nói:
- Thầy quên rồi chăng? Thầy bảo cháu nhà tôi uống thuốc của thầy một năm thì khỏi. Nó uống được ba tháng đã chết.
Thầy lang xua tay, nói:
- Rõ ràng, tại cậu nhà không nghe lời. Tôi bảo uống một năm, sao mớii uống ba tháng đã vội chết? Cứ uống đủ năm, xem có khỏi không nào?

Máy móc

Thầy đồ dạy học trò đối thì phải đối cho chọn thì mới hay. Một hôm thầy ra vế:
Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc
Tất cả học trò đang ngồi nghĩ, thì một cậu đứng dậy, gãi đầu gãi tai:
- Thưa thầy, chữ thần con đối với chữ thánh, có được không ạ? Thầy gật đầu:
- Ðược lắm.
- Chữ nông con đối với chữ sâu.
- Cũng được.
Ðược thầy khuyến khích, cậu ta nói tiếp:
- Chữ giáo, con đối với chữ gươm, chữ dân con đối với chữ quan, chữ nghệ con đối với chữ gừng, chữ ngũ con dối với chữ tam, chữ cốc con đối với chữ cò.
Thầy cho đối như thế là chọi từng chữ một, bảo đọc cả câu cho mọi người nghe mà bắt chước. Cậu ta vâng lệnh đọc lên:
Thần Nông giáo dân nghệ ngũ cốc
đối với
Thánh sâu gươm quan gừng tam cò.

Thầy bói xem voi

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói mù chuyện gẫu với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó ra làm sao. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm người chung nhau tiền biểu người quản tượng xin cho con voi đứng lại để cùng xem .Thầy sờ vòi, thầy sờ ngà, thầy sờ tai, thầy sờ chân, thầy thì sờ đuôi.
Ðoạn năm thầy ngồi lại bàn tán với nhau.
Thầy sờ vòi bảo:
- Tưởng con voi nó thế nào, hóa ra nó dài như con đỉa!
Thầy sờ ngà bảo:
- Không phải, nó cứng như cái đòn càn chứ!
Thầy sờ tai bảo:
- Ðâu có! Nó to bè bè như cái quạt thôi!
Thầy sờ chân cãi lại:
- Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột nhà!
Thầy sờ đuôi lại nói:
- Các thầy nói không đúng cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùng.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xác, đánh nhau toạt máu đầu, chảy máu.

Chủ quan

Có anh đánh đàn bầu rất xoàng, lại cứ tưởng mình hay. Một hôm anh ta mang đàn ra gảy thì nghe bên hàng xóm có tiếng khóc tỉ tê. Ðúng tiếng đàn bà, con gái. Anh ta nhớ lại, thì quả bên hàng xóm có chị góa chồng. Chồng chết đã đoạn tang rồi, còn nhớ thương gì nữa mà khóc! Nhưng rồi anh ta lại nghĩ bụng: "Không biết có phải tiếng đàn của mình làm cho chị ta xúc động hay không." Anh ta thử không gảy nữa xem sao. Quả nhiên chị kia không khóc nữa. Anh ta nghiệm ra rằng: cứ mỗi lần anh ta đàn thì chị kia lại khóc. Càng đàn, chị kia càng khóc lớn hơn! Anh ta khấp khởi mừng thầm. "Thôi chị này mê tiếng đàn của mình rồi!"
Từ đấy, cứ đêm khuya thanh vắng, anh ta lại đem đàn ra gảy hòng quyến rũ chị kia. Cho đến một hôm, anh ta chắc thầm là cá đã cắn câu, bèn lân la sang gợi chuyện:
- Chẳng hay chị có điều gì buồn phiền mà cứ mỗi lần tôi gảy đàn, chị lại khóc như vậy? Nếu tiếng đàn của tôi làm chị buồn thì từ nay tôi không gảy nữa!
Chị kia liền trả lời:
- Vâng, quả có như vậy. Cứ mỗi lần anh gảy đàn thì em lại nhớ đến nhà em lúc còn sống.
Anh ta như mở cờ trong bụng, hỏi:
- Thế ngày xưa, chắc anh cũng là tay đàn bầu khá lắm đấy nhỉ? Chị kia lắc đầu:
- Không phải. Mỗi lần nghe anh đánh đàn em lại nhớ đến tiếng bật bông của nhà em nên em khóc.

Phiến diện

Có hai vợ chồng người nọ, chồng đui vợ điếc. Một hôm, họ dắt nhau đi đường, gặp một đám ma, vợ nói với chồng:
- Ôi chao! Cái đám ma to qúa! Bao nhiêu là cờ quạt!
Chồng liền mắng ngay:
- Cờ quạt đâu! Chỉ có kèn trống inh ỏi mà thôi!
Người vợ cãi lại:
- Trống kèn đâu nào? Cờ quạt nhan nhản ra kia, không trông thấy lại còn nói mớ.
Người chồng tức giận, quát:
- Mặc xác cờ với quạt! Người ta nghe trống kèn thì nói trống kèn thôi"!
Lời qua tiếng lại hai vợ chồng cãi nhau ầm ĩ. Có một người hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, cười bảo:
- Thôi, xin hai bác bình tĩnh. Bác trai không trông thấy cờ quạt, bác gái không nghe thấy trống kèn. Ðám ma có cả cờ quạt cả trông kèn. Người sáng mắt, sáng tai, ai cũng vừa trông thấy vừa nghe thấy cả. Thôi hai bác đi đâu thì đi, đứng đây cãi nhau về đám ma làm gì?

Tự cao tự đại

Có một người mù cả hai mắt nhưng lại tự xưng là sành thưởng thức văn chương, nói rằng chỉ ngửi hơi văn cũng biết văn hay hay dở, hà tất phải đọc. Ông tú nọ đưa cho bộ Tây Sương Ký, anh ta lật qua lật lại rồi bảo:
- Tây Sương Ký đây mà! Ông tú hỏi:
- Sao biết?
Anh ta trả lời:
- Ngửi có mùi son phấn!
Ông tú lại đưa bộ Tam Quốc ra hỏi. Anh ta ngửi, rồi bảo:
- Tam Quốc Chí đây mà! Ngửi có mùi binh đao
Thấy anh ta nói đúng, ông tú phục sát đất. Vốn là người tự phụ, cho rằng xưa nay chưa ai hiểu văn chương của mình, bấy giờ ông tú mới đem tập văn mình làm ra hỏi, chờ một lời khen. Anh ta ngửi, rồi bảo:
- Văn này là văn của ông chứ gì?
- Sao biết?
- Ngửi có mùi thum thủm!

Ði tìm chân lý

Một anh ngủ mê đến nỗi anh em bạn đùa, cạo trọc đầu, khiêng bỏ vào chùa, vẫn không hay bết gì cả. Khi tỉnh dậy, anh ta thấy mình nằm trong chùa. Sờ tay lên đầu, thấy đầu trọc lóc, liền nghi ngờ không biết có phải mình hay là sư! Ngồi thừ ra một hồi lâu, anh ta tự nhủ: "Cứ về nhà thì biết. Hễ là ta, thì chó không cắn, mà là sư, tất nó phải cắn!"
Về đến nhà, con chó thấy đầu anh ta trọc lóc, khác ngày thường, xô ra cắn. Anh ta nghĩ bụng: "Thế là không phải mình rồi." Liền bỏ nhà đi biệt.

Thế thì không mất

Cô chủ và con sen đi đò. Con sen ăn trầu thé nào, lỡ tay đánh rơi cái ống vôi bạc của cô chủ xuống sông. Sợ cô mắng, nó mới lập mưu, hỏi:
- Thưa cô, cái gì mà mình biết nó ở đâu rồi thì có cho là mất được không ạ?
Cô vô tình trả lời:
- Sao lại hỏi lẩn thẩn thế? Ðã biết nó ở đâu rồi, còn gọi là mất thế nào được!
Con sen nhanh nhẩu nói:
- Thế thì cái ống vôi bạc của cô không mất. Con biết nó nằm dưới đáy sông, con vừa đánh rơi xuống đấy!

Lý luận

Quan sai lính đi trát gấp, bảo anh lấy ngựa mà cưỡi, Anh lính dắt ngựa ra đường, nhưng không cưỡi, cứ xắn quần lên tận gối, cắm cổ chạy theo ngựa. Người đi đường lấy làm lạ, hỏi:
- Ðiên hay sao? Có ngựa mà không cưỡi chạy cho mau?
Anh ta trả lời:
- Khéo cho anh? Bốn cẳng mà nhanh hơn sáu cẳng à?

Lý sự với quan

Ðể giữ trật tự trong hạt, ông quan nọ ra yết thị nói: "Ai đi đêm phải cầm đèn." Ðêm hôm sau, quan đi tuần, vấp phải một người. Quan quở:
- Thằng kia đi đâu? Không xem yết thị à?
Người ấy đáp:
- Bẩm có xem ạ!
- Thế sao đi đêm không cầm đèn?
- Bẩm có, đèn tôi đây.
- Thế sao đèn không có nến?
- Bẩm yết thị chỉ nói cầm đèn, chứ không nói trong đèn phải có nến ạ!
Sáng hôm sau, quan bổ sung tờ yết thị trước: "Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến."
Ðêm hôm ấy, quan đi tuần, lại vấp phải một người, Quan giận lắm, quở:
- Ði đêm, sao không có đèn, có nến?
Người kia đáp:
- Bẩm, tôi có đủ đèn, đủ nến, đấy ạ!
- Sao không thắp lên?
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp nến ạ!
Quan thấp nói có lý, sáng hôm sau viết một tờ yết thị khác thật đầy đủ: "Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải có nến, nến phải thắp sáng." Tưởng không còn ai bắt bẻ vào đâu được nữa!
Thế mà một hôm, nửa đêm, quan đi tuần, lại vấp phải một người có đèn, có nến, nhưng nến thắp hết rồi. Quan lại quở. Người kia đáp:
- Bẩm, trong yết thị không nói thắp hết cây nến này, phải tiếp cây khác ạ!
Quan ngẫm nghĩ một lúc rồi nhủ thầm trong bụng: "Văn chương khó thật! Mình viết một cái yết thị, sửa đi sửa lại ba bốn lần mà vẫn không gẫy gọn. Người khác xem vẫn hiểu lầm!"

Lý sự của một thầy lang

Một đứa trẻ sốt dữ lắm. Thầy lang bốc thuốc cho uống. Nó lăn đùng ra chết. Bố nó đến tận nhà bắt đền. Thầy không tin, đến xem lại, sờ trán thằng bé, rồi bảo:
- Thế này còn trách tôi ư? Ông bảo chữa cho nó khỏi nóng, bây giờ nó lạnh như thế này, còn phải chữa gì nữa?

Ngụy biện

Một ông khách trách ông thợ may:
- Ông chủ! Ông may thế nào mà quần tôi cụt thế này?
Người thợ thản nhiên trả lời:
- Thưa ông, không phải lỗi chúng tôi đâu. Khi ông đưa vải đến may, chúng tôi đã đo cẩn thận. Chân ông mới dài ra đấy ạ!

Trí khôn

Ngày xưa, có một người đi cày quát tháo, đánh đập con trâu thế nào, trâu cũng phải chịu. Con hổ ngồi trên bờ, nom thấy mới hỏi rằng:
- Trâu kia! Mày to lớn dường ấy, sao mày để người ta đánh đập như vậy?
Trâu nói:
- Người bé nhưng trí không người lớn.
Hổ lấy làm lạ, không biết trí khôn là cái gì, mới hỏi người rằng:
- Người ơi! Trí khôn của người đâu, cho ta xem?
Người nói:
- Trí khôn ta để ở nhà.
- Nguời về lấy mang ra đây cho ta xem.
- Ta về rồi mày ăn mất trâu của ta thì sao? Mày có thuận để ta trói lại thì ta về lấy cho mà xem.
Hổ muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày vừa phang vào lưng hổ, vừa nói:
- Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây.

Kén rể hay chữ

Lão trọc phú nọ muốn kén một người rể hay chữ. Ðợi mãi chẳng có tú cử nào đến. Có thằng bịp biết chuyện, lập kế lấy cái gia tài của lão. Hắn mua hai hòm sách nát, thuê người gánh, giả làm học trò. Lão kia đang ngồi trong hàng nước, hắn đi vào. Thấy hắn ra dáng học trò, lão bắt chuyện, rồi mời về nhà. Ðêm đến, hắn đốt đèn giả vờ xem sách, khuya mới đi ngủ. Lão mừng thầm, định bụng sẽ gả con gái cho, nhưng còn muốn thử tài học của hắn ra sao. Nhân có người hàng xóm sang mượn cái mâm đồng về dọn cơm khách, lão nhờ hắn đánh dấu cho, kẻo lẫn. Hắn lấy vôi vẽ loằng ngoằng như xích chó. Lão chả hiểu gì, hỏi hắn, hắn trả lời liến thoắng:
- Ðó là lối chữ thảo đấy ạ!
Lão trầm ngâm suy nghĩ: "Thằng thông minh thật, họ có ý gian, muốn đánh tráo đồ vật nhà ta, cũng chẳng được. Biết nó viết thảo chữ gì?" Lại khi ngồi nói chuyện với hắn nghe hắn xổ ra một tràng Chi, hồ, giả, dã rất là thông thái. Lão chắc mẩm hắn hay chữ thật, bàn với con gái nên lấy hắn, về sau sẽ được nhờ. Thế là hắn được vợ.
Gặp lúc làng có đám nghe nói hắn hay chữ, làng cắt hắn đọc văn tế. Lão lấy làm hãnh diện cho con rể mình. Còn hắn thì chẳng tìm được lý do nào mà từ chối. Hôm đám, hắn quỳ xuống, cầm chúc bản đọc. Ðọ được chứ duy ở đầu câu, hắn liền đỏ mặt tía tai, rồi đạp hương án, trèo lên bàn thờ, giả vờ lên đồng, thé ầm ĩ:
- Làng nầy thiếu gì người đọc văn tế được mà lại sai thằng này ở đâu đến đọc! Có phải nó khoe nó hay chữ, thì ta lấy hết chữ cho mà xem!
Nói xong, ngã lăn đùng ra giữa chiếu. Thế là đồng thăng. Từ đấy, ai chê hắn dốt, hắn đổ cho Thành Hoàng lấy mất hết chữ của hắn rồi.

Dốt còn sĩ diện

Một lão trọc phú đang ngồi tiếp khách. Chợt có người vào đưa một tờ giấy và đứng đợi trả lời. Lão kia vốn dốt đặc, nhưng trước mắt khách, lão làm ra vẻ biết chữ, giả bộ mở tờ giấy ra xem rồi trả lời:
- Cứ về đi, chốc nữa tao sang ngay!
Tên người nhà gãi đầu gãi tai, thưa:
- Ông con sai con sang mượn ông con bò đem về ngay kẻo lỡ buổi cày, chứ không phải mời ông sang đâu ạ!

Chơi khăm

Một thầy lang và một thầy bói không biết làm sao mà thù hằn nhau. Một hôm có người đàn bà, chồng ốm, đi xem bói. Thầy gieo quẻ, bảo phải đến nhà thầy lang nọ mà xin thuốc, chồng sẽ khỏi.
Trước khi chị kia đi, thầy dặn thêm:
- Vào nhà thì phải hỏi: "Có thật ông là ông lang mà dao cầu dính đầy mạng nhện và ô thuốc mốc meo không?" Ðúng là thầy lang ấy mới hay.
Chị kia đến, hỏi như lời thầy bói dặn. Thầy lang biết thầy bói chơi khăm mình, nhưng vẫn cứ thản nhiên kê đơn bôi thuốc, rồi dặn:
- Chị về sắc lên cho anh ấy uống, nhưng phải bắt cho bằng được một con ruồi đậu ở mép ông thầy bói, bỏ vào thuốc, thì thuốc mới hiệu nghiệm.
Người đàn bà vâng lời, quay trở lại hàng thầy bói. Chầu chực mãi, chẳng thấy con ruồi nào đậu ở mép thầy để bắt, sốt ruột lắm! Ông thầy bói đang đợi khách, ngáp dài. Bỗng có hàng bánh rán đi qua, thầy gọi vào ăn. Thầy đang nhai bánh thì một con ruồi bắt hơi mật, bay đến đậu ngay vào mép thầy. Chị kia không bỏ lỡ dịp, giơ tay đánh bốp được con ruồi. Thầy bói đau quá, la lên:
- Ối giời ơi! Ông làm gì mà mày đánh ông!