Bí Mật Và Thực Tế Về Tự Kỉ Ám Thị

Tác giả : Émile Coué
  • Lượt đọc : 297
  • Kích thước : 3.02 MB
  • Số trang : 95
  • Đăng lúc : 5 tháng trước
  • Số lượt tải : 434
  • Số lượt xem : 1.796
  • Đọc trên điện thoại :
Tư duy y học không còn cho rằng bệnh tật chỉ xuất phát từ thân thể, mà nó nảy sinh từ tâm trí nữa. Thời đại thuốc men chiếm ưu thế đã qua. Con người dần nhận ra rằng phần lớn vui buồn sướng khổ của chúng ta là do suy nghĩ của chính chúng ta. Rất có thể, đến 90% các liệu pháp chữa trị dựa trên cơ sở tinh thần, chứ không phụ thuộc vào thuốc men hay công nghệ hỗ trợ. Tôi không có ý chống lại các bác sĩ hay những nhà trị liệu ở bất kì trường phái nào. Đây chỉ là một nhận định khoa học, nó cung cấp các liệu pháp tinh thần giúp con người trở nên tốt hơn.

Émile Coué luôn có niềm tin rằng tâm trí là căn nguyên của sự khỏe mạnh hay đau yếu. Và ngày càng có nhiều người tin vào điều đó. Ông nói rằng trong mọi trường hợp, yếu tố thể chất luôn có vai trò của riêng nó, nhưng nó không đủ quan trọng. Tâm trí là ông chủ và thân thể là đầy tớ. Nếu mục tiêu của chúng ta có thể trở thành hiện thực, tâm trí có thể điều khiển thân thể, thì tại sao có những thứ chúng ta mong muốn lại không khả thi? Đó chính là điều Coué muốn hướng tới: Những thứ chúng ta mong muốn nhưng không khả thi. Khi đọc về nhiều phép chữa trị phát triển từ liệu pháp của ông, người ta thấy rằng việc phát triển và ứng dụng liệu pháp đó sâu hơn sẽ giải quyết được những vấn đề mà trước đây không thể giải quyết.

Coué là người rất khoa học. Ông không bắt đầu bằng một giả thuyết và sau đó cố gắng chứng minh nó bằng logic. Ông luôn đi từ các thực nghiệm và xây dựng lí thuyết của mình theo cách quy nạp. Ông đưa chúng ta đến các phòng khám nơi diễn ra quá trình trị liệu, chứ ông không bắt chúng ta ngồi trên giảng đường và nghe bàn luận toàn lí thuyết suông.

Coué công nhận rằng, những người không quen với liệu pháp của ông có thể thấy nó trẻ con. Nhưng sự thực, nó luôn mang lại hiệu quả. Cảm giác ấy được diễn tả thế này: “Kẻ khập khiễng bỗng dưng chạy nhảy, người ốm yếu dường như hồi tỉnh. Họ đã không lưỡng lự mà chấp nhận phương pháp giản đơn của tôi. Và họ đã tìm thấy niềm hạnh phúc.”

Coué đồng tình với phần lớn các học giả nghiên cứu và sử dụng phép thôi miên ở những giai đoạn khác nhau của quá trình chẩn trị y học. Trong rất nhiều năm, phép thôi miên và các thuật tương tự bị cho là không bình thường. Nhưng giờ đây, chúng ta biết rằng những phương pháp này là hoàn toàn tự nhiên. Chúng là các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nhà tâm lí học đang nỗ lực sử dụng chúng một cách có chủ ý, vì lợi ích của con người. Hiểu đúng sức mạnh của các phép thôi miên sẽ giúp chúng ta điều hướng và cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân.

Đóng góp đáng chú ý của Coué nhằm giúp con người trở nên tốt hơn là ông nhận ra vai trò nguyên thủy của trí tưởng tượng trong chữa bệnh. Ông phát triển một phương pháp thông qua trí tưởng tượng, tiếp thêm năng lượng và điều hướng thực hiện các hoạt động có ích cho con người.

Tâm lí của chúng ta có hai loại, một loại được sử dụng có ý thức và một loại được sử dụng không có ý thức hay vô thức. Gọi là không ý thức ngụ ý rằng chúng ta không biết cách điều khiển chúng. Coué đồng quan điểm về trạng thái tâm lí kép này. Tôi tin là trước đó không có ai từng công nhận mối liên hệ ràng buộc giữa vô thức và trí tưởng tượng. Nhưng dường như, trong suy nghĩ của Coué, vô thức và trí tưởng tượng là một. Phải chăng ý của ông là trí tưởng tượng như cánh cửa mở ra các khả năng vô thức của chúng ta, nơi đó tiềm chứa những điều tuyệt vời trong cuộc sống của mỗi con người.

Có lẽ vậy, nhưng ông không nói quá nhiều lí thuyết trong cuốn sách nhỏ này. Mối quan tâm của ông là các phép chữa bệnh thực tiễn. Chúng tuyệt vời đến nỗi chúng ta sẽ thấy lòng tin của mình được mang ra kiểm nghiệm. Hãy đến và xem bài kiểm tra có tính khoa học này.
Lời ám thị “Mỗi ngày, về mọi mặt, tôi đang trở nên tốt hơn và tốt hơn” của Coué có thể áp dụng cho bất cứ trường hợp nào, bất kể là ca bệnh hay người bình thường, bất kể trong ngày thường hay giữa nghịch cảnh. Chỉ cần một suy nghĩ, một ý tưởng được lặp đi lặp lại hằng ngày, nó sẽ trở thành một phép ám thị có thể tác động đến ý thức, chi phối tâm trạng và thúc đẩy hành động của chúng ta. Chẳng hạn, người bị thấp khớp, thông qua lời ám thị, tưởng tượng rằng chính anh ta có thể đi bộ hoặc chạy, v.v. Điều kì diệu của phép chữa lành tưởng tượng này là khả năng hiện thực hóa ý chí chủ quan, tạo ra những điều phi thường trong thực tế.

Phương pháp ám thị của Coué có thể chi phối các tính chất vô thức trong chữa bệnh, và nó hoàn toàn có tác dụng với các khía cạnh khác trong cuộc sống. Thực tế phương pháp này là một quá trình kiên trì và kỉ luật, thực hiện theo nhiều cách khác nhau.

Bạn phải biết điều bạn muốn làm trước khi bạn có thể biến nó thành hiện thực. Ban đầu, bạn có một ý tưởng. Một ý tưởng dẫn lối tâm trí chủ quan của bạn và dần dần biến đổi bạn. Một ý tưởng liên tục xuất hiện, sau cùng chiếm ưu thế trong suy nghĩ của bạn.

Nhận định ngắn gọn của Coué về mối liên hệ giữa phương pháp ám thị của ông với giáo dục cũng là chủ đề quan trọng trong tác phẩm kinh điển này. Giáo dục nên bắt đầu từ khi sinh ra hay thậm chí là từ trước đó? Nhiệm vụ của bố mẹ và các nhà giáo dục là làm sao giúp cho phát triển tâm trí con trẻ hướng đến những thái độ đúng đắn. Giáo dục là dạy chúng cách làm chủ chính mình, chứ không phải dạy các môn học. Trong vấn đề này, Coué có cùng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu vĩ đại khác. Nhưng ông vượt lên trên khi cho thấy một phương pháp rõ ràng, khoa học và đơn giản có thể đạt được mục tiêu đó. Tôi nghĩ tất cả những người quan tâm đến vấn đề giáo dục con trẻ nên lưu tâm đến nội dung này nhiều hơn.

Những nhà tiên phong luôn để lại dấu ấn của mình trong lịch sử. Như tư tưởng của Khổng Tử với 2.500 năm của lịch sử Trung Quốc đã in dấu trong cuộc sống của bao thế hệ. Coué là người đầu tiên đặt nền móng cho phương pháp ám thị chữa lành này, và chúng ta vẫn ngày ngày thực hiện các phép tự kỉ ám thị mà chẳng biết.

Coué đã cho chúng ta thấy tâm lí của chúng ta được kiến tạo như thế nào. Chúng ta đều dần biến đổi theo hình ảnh chúng ta tưởng tượng trong đầu. Chúng ta lo âu và sợ hãi, chúng ta chìm vào bóng tối và đau thương chỉ vì chúng ta cứ để những dằn vặt, cáu giận, mong ngóng chiếm lấy tâm trí mình. Những người làm nên điều kì diệu, đơn giản là họ đang hướng trí tưởng tượng và suy nghĩ của mình đến sự lạc quan và hành động đúng đắn. Chúng ta có thể thay đổi chính mình như chúng ta muốn. Có lẽ bạn nghĩ là có những giới hạn, nhưng đừng nói về những giới hạn đó. Chúng ta hãy bắt đầu đến gần hơn với phép tự kỉ ám thị diệu kì này.

Chúng ta có thể xây nên thế giới chúng ta muốn sống, ngay khi chúng ta có những mục tiêu cụ thể. Đó là những mục tiêu đích đáng trong tâm trí, đã sẵn sàng cho sự biến đổi của vô thức. Hi vọng một ngày nào đó, những suy nghĩ và ước mơ của mình sẽ trở thành hiện thực và mình cũng biến thành một con người khác. Có thể lắm chứ, thậm chí khi tâm trí của chúng ta là một sợi dây với hai mươi nút thắt, Coué đã chứng minh chúng ta có thể tháo gỡ.

Archibald S. Van Orden