Cẩm Chướng Đỏ

  • Lượt đọc : 277
  • Kích thước : 0.70 MB
  • Số trang : 100
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 55
  • Số lượt xem : 1.895
  • Đọc trên điện thoại :
Trúc Anh là một phần rất quan trọng trong cuộc đời Thuyên. Vừa là bạn, Trúc Anh vừa là người anh lo lắng cho Thuyên đủ điều. Không bao giờ Trúc Anh để Thuyên buồn hay bị ai ăn hiếp. Có lẽ cũng bởi vậy mà Thuyên càng ngày càng thêm yêu lạ lùng những bông cẩm chướng đỏ. Gần như bữa nào tới Thuyên chơi, Trúc Anh cũng thấy nơi bàn học của Thuyên có sẵn một lọ cẩm chướng đỏ lung linh…
***
Con người thường hay trân trọng quá khứ, không phải vì nó đáng quý, mà bởi vì nó không còn tồn tại nữa. Bất kể bạn nỗ lực như thế nào, những giây phút đáng nhớ sẽ chẳng bao giờ cho phép bạn lội ngược dòng và tận hưởng nó một lần nữa, hoặc, có những sự kiện bạn sẽ không thể có cơ hội trải nghiệm vì bạn chưa từng tồn tại ở quãng thời gian đó. Ấy là lúc sách và văn học sẽ giúp ta kết nối giữa không gian, thời gian và những con người. Bạn thấy mình lang thang trong quá khứ không phải để so sánh sự hơn kém giữa các thời đại, mà có thể chỉ để tìm những giá trị đã vô tình bị mất đi theo dòng chảy cuộc sống. Đôi khi, thứ ta thấy trong văn học là sự lãng mạn vô cùng tận, nhưng rõ ràng, sự lãng mạn đó đã từng tồn tại, rất tự nhiên, cho tới khi trái tim con người đóng hẹp lại dần, nhường chỗ cho những điều thực dụng và hợp thời hơn.

Phải có lý do mà những bài hát thời thập niên 80, 90 về học trò toàn là những cô bé trong tà áo dài trắng thướt tha đạp xe, bên cạnh cậu bạn mặc áo đồng màu như thế, sân trường rợp thắm hoa phượng đỏ, những trang lưu bút quyến luyến, những trò nghịch ngợm láu lỉnh đáng yêu. Phải có lý do mà một con số không nhỏ những người trẻ bây giờ lần tìm về những giá trị cũ, những cuốn truyện học trò trong trẻo thơ ngây như những viên ngọc thô của thời trước. Phải có lý do mà thời cha mẹ ta, mối liên kết giữa người với người qua cấp ba mặn mà đến mức để rồi cuộc họp lớp nào ta cũng thấy đầy đủ những mái đầu thân quen đã điểm bạc. Chắc chắn, chúng ta, những người trẻ đọc đến đây không khỏi giật mình, hoảng sợ vì đã đánh mất cái gì đó.

Cẩm chướng đỏ là một lát cắt rất nhỏ trong cuộc đời của mỗi con người thời kỳ ấy. Và trong lát cắt ấy, mỗi nhân vật, mỗi con người mang một màu sắc rất riêng nhưng luôn bên nhau và đồng hành với nhau. Khi giáo viên đi vắng, cả lớp quậy tưng bừng treo giày nhau lên bảng và phạt nhau hát những lời bài hát củ chuối để thách thức, bị giám thị nhắc, mọi người càng quậy dữ hơn. Mỗi khi thấy bạn thân buồn là y rằng sẽ rủ người đó đi ăn kem, ngồi bờ sông ngắm hoàng hôn tâm sự, mua một vài món lưu niệm nho nhỏ. Thảng hoặc sẽ gặp nhau trong thư viện thành phố rợp bóng cây mát, trao đổi sách để khám phá những thứ bạn mình đọc hay ho đến mức nào… Những mối liên hệ vô hình cứ được mọi người đan kết theo thời gian để nó bện chặt lại trong tim, tồn tại mãi, không thể quên.

Lần lại những dòng của nhà văn, ta ngỡ ngàng vì nó bỗng dưng đẹp quá. Một câu chuyện hết sức bình thường của những người bạn thân ở trung học thời trước, cách họ học cùng nhau, giúp đỡ nhau, yêu thương nhau. Bình dị và mộc mạc. Sẽ có người cho rằng cuốn sách này không có thật. Vì cái cách con người đối xử với nhau thật khác. Những người trẻ ngày xưa được lớn lên trong một bầu không khí chân thực và hết sức đơn giản. Họ trân trọng cái tình ở trong từng mối quan hệ. Họ nỗ lực đến cùng để theo đuổi ước mơ. Họ rất vụng về trong việc che giấu những nỗi buồn và nhận diện những biến chuyển vô cùng tinh vi trong mỗi cung bậc cảm xúc. Thế nhưng, tất cả đều có thật, sống động và mạnh mẽ. Thứ mà thế hệ của chúng ta, sau này, chẳng thể nào có được.

Và cuối cùng, rời chiếc ghế nhà trường, ai cũng có những bước đường riêng. Những ước mơ đã trở thành sự thật. Những tình cảm mới đã nảy sinh. Những đổ vỡ sâu xa trong tâm hồn nay đã được lành lại. Vài trang truyện cuối không còn đẹp, mơ mộng, trong trẻo nữa. Tất cả những nhân vật Thuyên, Trúc Anh, Thiện, Trang – họ đều lớn lên với định hướng của riêng họ. Câu chuyện có những thăng trầm nhưng trong sáng, tươi vui, mộc mạc được kết thúc với những cánh cửa mở hờ. Cũng như bộ phim “Phía trước là bầu trời” được đóng lại với phân cảnh mỗi người bạn chia tay nhau, quay về phương trời của riêng họ sau những kỷ niệm tươi vui và những vấp váp trong đời. Không gì có thể tồn tại vĩnh viễn, cuộc sống sẽ luôn thay đổi theo cách nó vận hành.

“Con người chỉ sống có một lần, hãy sống một cuộc đời đáng nhớ” – một cố nhạc sỹ từng viết như vậy. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ La mã cổ đại Horace từng ngân nga chữ “carpe diem” trong những vần thơ của mình, nhắc nhở loài người, rằng hãy biết nắm bắt từng khoảnh khắc, sống trong nó và biến nó thành vĩnh cửu.

Tình cảm tuổi học trò thường mong manh như những lát nắng thanh thanh cuối hạ, vẫn còn vương vấn đâu đây trong không gian mà họ từng học tập, từng đi qua, trong chiếc hộc bàn của thư viện thành phố. Giây phút nhận ra những bí mật, những điều đã mất, tiếc nuối liệu có còn kịp nữa không?