Cuốn Sách Nhỏ Giúp Bạn Làm Giàu

Tác giả : Louis Navellier
  • Lượt đọc : 308
  • Kích thước : 1.65 MB
  • Số trang : 139
  • Đăng lúc : 6 tháng trước
  • Số lượt tải : 345
  • Số lượt xem : 1.623
  • Đọc trên điện thoại :
ĐÂY LÀ LÝ DO TẠI SAO CUỐN SÁCH NÀY sẽ rất có ích cho bạn.

Hầu hết những người tham gia thị trường chứng khoán đều thề thốt rằng họ là những nhà đầu tư dài hạn và họ tuân thủ nguyên tắc trong các quyết định đầu tư của mình. Than ôi, hóa ra hầu hết đều hoàn toàn ngược lại. Chẳng hạn, khi thị trường có được một đợt tăng giá thì người ta thường rất hay tự nhủ, “Bây giờ mà bán và rút ra thì đã quá muộn chưa?” Còn về các chứng khoán riêng lẻ đang được mua bán, người ta thường bị lung lạc bởi một loạt các nhân tố - những gì họ thấy trên TV, nghe trong một tiệc rượu, đọc trên báo hoặc một bài phân tích trên tạp chí, hay nhặt được từ những mẩu tin thư báo cáo.

Kết quả: Bạn trở thành nạn nhân do mua quá cao hay bán quá thấp. Thị trường điều khiển bạn thay vì điều ngược lại.

Đó là lý do tại sao hai thành ngữ: “đi xuống trong hy vọng” (down the slope of hope) và “đi lên trong lo lắng” (climbing walls of worry) lại trở nên súc tích và quan trọng nhất đối với đầu tư. Trong một thị trường sụt giá dữ dội (bear market) - luôn theo sau một thời kỳ tăng giá dữ dội - người ta tin rằng sự suy sụp đó chỉ là một sự lệch lạc nhất thời. Rồi khi thị trường mua bán tấp nập trở lại, họ cho rằng những tin tức xấu đã lùi ra phía sau, và thị trường đã trở lại với xu hướng đi lên. Thế rồi các cổ phiếu lại tăng giá, và điều này kéo theo một sự tụ tập nhộn nhịp nữa của những người gọi là tay mơ. Cuối cùng, các nhà đầu tư kêu gào: “Chỉ cần lấy được vốn, tôi sẽ không bao giờ quay lại đây nữa.” Thông thường, đó là lúc thị trường cổ phiếu chạm đáy.

Ngược lại, trong một thị trường tăng giá dữ dội (bull market), các nhà đầu tư luôn canh chừng những tin tức xấu và những chuyện không ổn có thể sẽ diễn ra. Họ luôn dè chừng chuyện gì sẽ xảy ra nếu thị trường sắp lãnh một đòn trời giáng. Họ sẽ ngồi im canh mớ tiền mặt hoặc chuyển thành vốn đầu tư (equity) một cách cực kì thận trọng. Chỉ khi nào thị trường tiếp tục tăng giá thì trạng thái khoan khoái mới được trở lại.

Bạn đã quá mệt mỏi vì cứ là nạn nhân của thị trường, vì đã để cho cảm xúc chi phối các quyết định đầu tư của bạn, vì không có một cách tiếp cận thật sự nguyên tắc để tiếp thêm sức mạnh cho bạn trong lúc thị trường khó khăn, ngăn không cho bạn quá nhẹ dạ khi gặp lúc thị trường đi lên?

Nếu đúng vậy, bạn sẽ thích – và được lợi – từ cuốn sách mỏng này. Louis Navellier có một kỷ lục đầu tư dài hạn rất đáng ghen tỵ. Chắc chắn ông cũng có những thời kỳ thất bát, và một vài lựa chọn cổ phiếu của ông lại hóa dở tệ. Nhưng – và chữ “nhưng” này rất quan trọng – ông có một phương pháp đầu tư đã được tôi luyện, mà qua thời gian, nó đã đem lại cho ông (và có thể cho cả bạn nữa) những khoản lời lãi cực kì ấn tượng, vượt xa mức trung bình.

Navellier nêu ra tám nhân tố căn bản trong cách ông chọn cổ phiếu. Ngay từ đầu ông đã nhận ra rằng: nếu chỉ tập trung vào một nhân tố cơ bản, rất có thể nó sẽ làm cho bạn lạc lối. Wall Street là địa ngục của cảm xúc. Như Louis viết trong cuốn sách này, “Thị trường chứng khoán có tất cả những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt thể bình thường,” và “Nguy cơ lớn nhất của việc đầu tư cổ phiếu tăng trưởng thành công là những cảm xúc của con người, những thứ như sợ hãi hay tham lam rất hay khiến ta phạm sai lầm không đúng lúc, đúng chỗ.” Wall Street chạy theo mốt còn hơn cả Hollywood hay ngành thời trang nữa kìa. Bạn không cần phải chạy theo những cổ phiếu được ưa thích trong tháng. Một biến số riêng lẻ có thể giúp bạn một cách đắc lực trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng nó cũng có thể làm bạn thất vọng khi các nhà đầu tư khác đã nắm bắt được nó. Khoản đầu tư mà Louis dành cho mỗi một trong tám biến số của ông đều thay đổi theo thời gian, nhưng ông tránh nguy cơ chỉ tập trung vào một hay hai biến số có vẻ như đang nóng nhất vào thời điểm nào đó.

Cuốn sách của ông cũng bỏ ra nhiều công sức để bàn về việc giảm bớt rủi ro khi nhắm đến những kết quả vượt trội. Ông cũng luận bàn khá độc đáo về hai thuật ngữ được nói đến nhiều nhưng đôi khi bị hiểu sai là hệ số beta và thông số alpha.

Để chốt lại: Louis chỉ cho bạn thấy cái cách ông tìm kiếm các loại cổ phiếu có thể làm tốt, bất kể điều kiện thị trường nói chung ra sao. Và bởi vì luôn có những bất ngờ không tốt rình rập nên ông thúc giục các nhà đầu tư hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư (fortfolio) của mình – ví dụ như với 30 hay 40 loại cổ phiếu.

Vậy lời khuyên của tôi là hãy dành thời gian để đọc và suy ngẫm cuốn sách nhỏ này. Bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích, và quan trọng nhất, có thể bạn sẽ thực sự hiểu được rằng đầu tư là chẳng những phải làm việc chăm chỉ mà còn phải có cách tiếp cận đeo bám quyết liệt và kiên định. Louis Navellier chứng minh rằng sự tập trung và kỷ luật thực sự sẽ làm cho danh mục đầu tư của bạn luôn đầy ắp lợi nhuận.
-Steve Forbes