Dưới bóng những cô gái tuổi hoa

Tác giả : Marcel Proust
  • Lượt đọc : 134
  • Kích thước : 1.47 MB
  • Số trang : 477
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 59
  • Số lượt xem : 576
  • Đọc trên điện thoại :
Dưới bóng những cô gái tuổi hoa là tập hai bộ tiểu thuyết đồ sộ bảy tập của Marcel Proust: Đi tìm thời gian đã mất. Tập một xuất bản năm 1913 hầu như trong sự thờ ơ của dư luận. Nhưng năm năm sau, năm 1918, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa làm rạng rỡ tên tuổi Marcel Proust ngay sau khi ra mắt độc giả, với số lượng in hàng mấy trăm nghìn bản (một con số phát hành hiếm thấy vào những năm đầu thế kỉ). Sách được tặng giải thưởng Goncourt năm 1919 và có tiếng vang rộng rãi ở Pháp và trên thế giới. Năm tập tiếp theo ngày một khẳng định vị trí vẻ vang của tác giả.

Cuộc đời Marcel Proust (1871-1922) tương đối ngắn ngủi và bị bệnh tật giày vò: bị suyễn nặng từ buổi ấu thơ, có thời kì không chịu nổi ánh sáng ban ngày, ông tự buộc mình cách ly với thế giới bên ngoài. Trong những năm tháng “ tự cấm cố” ấy, ông hoàn toàn sống với nội tâm, với ký ức, hiến mình cho việc “ Đi tìm thời gian đã mất”. Ký ức sống dậy dồn dập, mãnh liệt, với biết bao người, bao cảnh, bao mảnh đời, bao tình cảm, lôi cuốn ngồi bút tác giả tưởng chừng không sao chế ngự nổi. Hơi văn kéo dài hầu như vô tận, câu chữ chồng chất câu chữ, tầng tầng lớp lớp, phải chăng phản ánh những luồng cảm xúc cháy bỏng bị dồn nén trong lòng?

“Tiểu thuyết của tôi- M.Proust tâm sự với bạn- không phải là một công trình suy lý. Từng chi tiết nhỏ nhặt đều là sản phẩm của tâm tưởng tôi; tôi cảm nhận chúng tự đáy lòng mà chính bản thân mình không hiểu; và thể hiện chúng thành một cái gì khả dĩ lý giải được, tôi thấy khó khăn chẳng khác nào thể hiện những cái xa lạ đối với rĩnh vực trí óc, tựa một môtip âm nhạc vậy”.

Ngược dòng thời gian, tác giả đau nỗi đau hình hài vì bệnh tật và nỗi đau tuyệt vọng trong tình yêu, mối tình sâu nặng đối với Albertine Simonet, cô gái quyến rũ nhất trong các thiếu nữ mà ông mệnh danh là “Những cô gái tuổi hoa”. Và chính trong những giờ phút đau buồn đến mức hầu như tuyệt vọng ấy, bỗng bừng lên trong tác giả một luồng sáng bất ngờ: ông cảm thấy sứ mệnh của mình là cầm bút, bởi vì nếu từ giã cõi trần là quy luật nghiệt ngã muôn thuở của con người thì vẫn có một cái gì đó cái chết buộc phải miễn trừ: đó là tác phẩm nghệ thuật, nói cách khác, là kết tinh của cuộc sống nội tâm với những trăn trở về quá khứ. Tất cả thời gian để mất trong khi quan sát dòng xoáy ngoài đời, giờ đây, M.Proust đã tìm thấy lại, và thiết tha biến kết quả quan sát thành chất liệu của tác phẩm văn học. Phải chăng đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ tiểu thuyết đồ sộ của M.Proust?

Một nhà phê bình văn học Pháp, Pierre de Boisdeffre, nhận định trong tập Historia: “Proust muốn bước vào văn học như người ta đi vào tôn giáo, bằng cách gác lại mọi suy nghĩ, lo toan. Tất cả những gì ông làm, ngoài sáng tác văn học, ông đều cho là “thời gian đã mất”.

Bệnh suyễn ngày một trầm trọng làm ông ngạt thở và lên cơn sốt li bì, vẫn không ngăn M.Proust làm việc say sưa, có thể nói là cuồng nhiệt. Linh cảm cái chết kề bên, ông day dứt với nỗi lo không kịp hoàn thành tác phẩm. Ông khước từ việc viếng thăm của thầy thuốc, bạn bè và gia đình, nhưng vẫn liên tiếp hai lần gặp người bạn đảm nhận công việc in ấn, để nói những lời căn dặn cuối cùng về việc xuất bản tác phẩm. Ông đọc lại đoạn văn viết về cái chết của nhân vật – nhà văn Bergotte, và vào lúc ba giờ sáng còn bổ sung một đoạn dài. Bốn giờ chiều hôm ấy, 18 tháng 11 năm 1922, Marcel Proust trút hơi thở cuối cùng.

Marcel Proust không còn nữa, nhưng Đi tìm thời gian đã mất khiến tên tuổi ông trở thành bất tử theo đúng ý nghĩa đầy đủ của từ này. Trong hai năm 1990 và 1992, một số cơ quan văn hóa- văn học, báo chí và truyền thông Pháp tổ chức hai đợt lấy ý kiến các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học và đông đảo độc giả để tuyển chọn, đợt một, 10 cuốn tiểu thuyết được đánh giá là hay nhất trong lịch sử văn học Pháp. Cả hai lần, Đi tìm thời gian đã mất đều “ trúng tuyển” và trong đợt một, giành vị trí đầu bảng xếp theo thứ hạng ( đợt hai, kết quả xếp theo bảng chữ cái tên tác giả).

Sự suy tôn trên đây, một lần nữa, khẳng định kết luận của Từ điển bách khoa Larousse: “ Không nghi ngờ gì nữa. Đi tìm thời gian đã mất mãi mãi là một đỉnh cao trong nền văn học hiện đại”.