Khởi Sinh Của Cô Độc

Tác giả : Paul Auster
  • Lượt đọc : 720
  • Kích thước : 0.91 MB
  • Số trang : 107
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 249
  • Số lượt xem : 2.532
  • Đọc trên điện thoại :
Mọi điều đều bắt đầu và kết thúc bằng sự cô độc. Auster viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, khởi sinh từ sự cô độc ấy.
Cuốn sách được chia thành hai phần rõ rệt. Phần đầu tiên được kể ở ngôi thứ nhất, có tựa Chân dung một người vô hình. Đó là một cuộc hành trình. Hành trình bước vào một bí mật, khi Auster không cố tình tìm kiếm, không chờ đợi, không kỳ vọng.

Từ những vết dấu để lại của người cha trong suốt mười lăm năm sống đơn độc, từ những mảnh ghép lấp chồng trong quá khứ hiện về rời rạc, vô thức, Auster đã tạo nên hình ảnh của người cha mà trước đó ông không thể chạm vào. Những bước chân của ông trên cuộc hành trình ấy, không dẫn lối ông về lòng hoài nhớ quá khứ, mà đi đến sự thấu cảm đầy sầu não. Người cha mà ông đã từng biết, không phải là người mà ông luôn nhìn thấy. Người cha đã từng vô hình, bỗng trở nên hữu hình với ông. Từ những điều ấy, sự đồng cảm nảy nở. Đó là cái khoảng ấm áp, cái tình yêu mà Auster gần như không bao giờ cảm thấy khi cha còn sống.


Ở cuốn sách đầu tay này, Auster cũng đã bắt đầu bày tỏ những trăn trở về việc viết văn. Có lẽ cái khởi đầu của cô độc mà ông nhận ra ấy, đã đẩy ông đến gần hơn với ngôn ngữ. Lối viết của Auster ở đây đã tỏ ra vô cùng linh hoạt, và đa dạng khi cố tình phá bỏ cấu trúc thông thường của tiểu thuyết, để lồng ghép những tiểu thuyết nhỏ trong tiểu thuyết lớn, đặt những câu chuyện tưởng như tách bạch nhau bên cạnh nhau, tạo thành một đường dây liên văn bản đầy sáng tạo, hứng khởi và thách thức.

Thế giới văn chương của Paul là một thế giới văn chương biến hóa khôn lường. Bắt đầu từ Khởi sinh của cô độc, và sau này là Trần trụi với văn chương, Moon Palace, Người trong bóng tối, Nhạc đời may rủi... Paul Auster luôn có cách khiến độc giả bị hấp dẫn ban đầu bởi những đề tài độc đáo, những chi tiết “câu khách”, với lối viết đa dạng, kết hợp nhiều thể loại, như trinh thám, điều tra, đầy bí ẩn, đầy mâu thuẫn, đầy phi lý... Nhưng tất cả những chi tiết ấy, hòa trộn với nhau để tạo thành thế giới nghệ thuật Paul Auster, hoàn toàn đứng vững trên ranh giới giữa nghệ thuật đỉnh cao, và giải trí rẻ tiền.

Tác phẩm của Auster rất phổ biến tại Mỹ, nhưng không phải vì thế mà văn chương của ông tầm thường. Ngược lại, tận cùng hạt nhân của những tác phẩm ấy, chính là một sự suy nghiệm nhân sinh độc đáo, khúc tr

***
Tôi biết đến Khởi sinh của cô độccủa Paul Auster qua bài viết “Đau lòng sổ bụi, những bức thư không gửi” của Trần Trọng Vũ. Anh Vũ viết bài này trong khi biên soạn và chọn lọc từ di cảo khổng lồ của bố anh, nhà thơ Trần Dần để in thành sách. Trong bài, anh Vũ viết: “Năm 1997, bố tôi, nhà thơ Trần Dần mất tại Hà Nội. Phải đợi nhiều thời gian sau tôi mới cảm thấy sẵn sàng mở lại di cảo của ông. Nhưng không phải với hy vọng được xích lại gần với ông hơn, không phải để hiểu ông hơn. Cũng không phải vì sợ mất ông. Tôi đã không thể xử sự được như trong văn học.” Những lời này hình như để phân biệt để việc anh đi tìm “bản gốc” của Trần Dần với hành trình ngược thời gian của Paul Auster.

Ba năm sau khi đọc bài viết của anh Trần Trọng Vũ, tôi mới tìm đọc Khởi sinh của cô độc, vào lúc mà chính tôi cảm thấy nhu cầu lục lọi lại quá khứ, một quá khứ tưởng chừng như đang tuột khỏi tay mình. Đọc quyển sách này đối với tôi là một sự cứu rỗi.

Tôi hiểu ra rằng Paul Auster dọn dẹp lại đống đồ cũ trong ngôi nhà cũ cùng với chồng chất ký ức không phải vì ông hy vọng hiểu hơn về người bố đã mất, không phải để xích lại gần, không phải vì sợ mất cái mà đằng nào cái chết cũng đã lấy đi. “Đi tìm thời gian đã mất” chỉ có thể là tên của một quyển sách. Cái mà Paul Auster tìm thấy là cái mà ông chưa bao giờ có, hoặc là chưa bao giờ biết rằng mình có. Đó là tình yêu. Chỉ thời gian mới là cái lọc để cho ta chắt từ cuộc đời ra tình yêu đích thực.

GS. Ngô Bảo Châu

***
CÁNH CỬA MỞ RỘNG

Tủ sách hợp tác giữa
nhà toán học Ngô Bảo Châu,
nhà văn Phan Việt
với Nhà xuất bản Trẻ

Tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG được thực hiện nhằm mục đích giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và những giá trị sống. Các tựa sách trong tủ do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu.

Tủ sách được phân thành ba mảng: văn học, khoa học xã hội – kinh tế, và khoa học tự nhiên; trước mắt cấu tạo tủ sách gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% cho các sách chuyên ngành.
***
Trong hành trình tìm kiếm sự thật, hãy sẵn sàng với những điều không ngờ tới, vì sự thật rất khó tìm và khi đã tìm ra bạn cũng sẽ thấy thật khó hiểu.

HERACLITUS




Mới ngày nào còn sống đó. Một người, giả dụ đang ở đỉnh cao sức khỏe, thậm chí chưa già, chẳng có tiền sử bệnh tật gì. Mọi thứ vẫn như xưa, như lúc nào cũng vậy. Ông ta sống từ ngày này sang ngày khác, lo việc của mình, mơ về cuộc đời đang trải ra trước mắt. Thế rồi, đùng một cái, cái chết đến. Ông thở nhẹ một hơi, sụp xuống ghế của mình, và thế là chết. Sự đột ngột của cái chết chẳng để chỗ trống cho suy nghĩ, chẳng cho tâm trí cơ hội tìm kiếm từ ngữ nào để an ủi mình. Ta chẳng còn gì ngoài cái chết, một thực tế không thể thay đổi được trong sự vĩnh cửu của chính ta. Chúng ta cam chịu chấp nhận cái chết sau một quãng thời gian bệnh tật kéo dài. Thậm chí cái chết vì tai nạn cũng được cho là bởi số phận. Nhưng một người đàn ông chết mà chẳng rõ nguyên nhân, một người đàn ông chết chỉ vì ông ta là người, đưa ta đến thật gần với ranh giới vô hình giữa sống và chết mà ta chẳng còn biết mình đang ở bên nào. Sự sống trở thành cái chết, như thể cái chết đã luôn sở hữu sự sống ngay từ đầu. Chết không cảnh báo. Như thể có khẩu lệnh: Đời dừng. Và nó dừng bất cứ khi nào.

Tin về cái chết của cha đến với tôi ba tuần trước. Đó là một buổi sáng Chủ nhật, tôi đang trong bếp chuẩn bị bữa sáng cho cậu con trai nhỏ, Daniel. Trên lầu, vợ tôi vẫn ngủ, ấm áp dưới lớp chăn, tận hưởng thêm mấy tiếng ngủ nướng. Mùa đông ở vùng nông thôn: một thế giới im lặng, mùi khói gỗ, màu trắng. Tâm trí tôi đang ngổn ngang suy tư về đoạn mình vừa viết đêm qua, chỉ mong chờ đến chiều để quay lại với công việc. Rồi điện thoại đổ chuông. Tôi biết ngay là có sự không lành. Không ai gọi điện đến vào lúc tám giờ sáng Chủ nhật nếu không phải vì một tin tức không thể chờ đợi. Và tin mà không thể đợi thì lúc nào cũng là tin dữ.

Tôi không thể tập trung vào một ý nghĩ ra hồn nào.

Thậm chí trước khi đóng gói đồ đạc và khởi hành chuyến xe dài ba tiếng tới New Jersey, tôi biết mình phải viết về cha. Tôi chẳng có kế hoạch, chẳng có ý tưởng trước nào về chuyện này. Tôi thậm chí còn không thể nhớ mình đã quyết định thực hiện nó nữa. Nó cứ ở đó, là điều hiển nhiên, một nhiệm vụ choán lấy tôi từ khoảnh khắc tôi nhận được tin. Tôi nghĩ: Cha đi rồi. Nếu tôi không hành động nhanh lên, toàn bộ cuộc đời cha sẽ biến mất cùng ông.

Giờ nhìn lại chuyện ấy, thậm chí chỉ sau vỏn vẹn ba tuần lễ, tôi đã thấy đó là một cách phản ứng thật kỳ quặc. Tôi đã luôn tưởng tượng rằng cái chết sẽ khiến mình đờ ra, bất động trong nỗi đau đớn. Nhưng giờ chuyện đã xảy ra như vậy, tôi không rỏ giọt nước mắt nào, tôi không cảm thấy thế giới quanh mình đổ sụp. Theo một lối lạ lùng, tôi như đã chuẩn bị kỹ một cách đáng kinh ngạc cho cái chết này, bất chấp sự đột ngột. Điều khiến tôi phiền lòng là chuyện khác, không liên quan đến cái chết hay phản ứng của tôi trước chuyện ấy: đó chính là việc nhận ra cha mình chẳng để lại dấu vết nào.
...