Lão Tử Đạo Đức Kinh - Bản Thể Hiện Tượng Siêu Việt Của Đạo

Thể loại: Triết Học
Tác giả : Lưu Hồng Khanh
  • Lượt đọc : 682
  • Kích thước : 0.81 MB
  • Số trang : 64
  • Đăng lúc : 2 năm trước
  • Số lượt tải : 848
  • Số lượt xem : 4.138
  • Đọc trên điện thoại :
Lão Tử là một hiện tượng khá lạ trong lịch sử triết học của nhân loại. Ông là một triết gia lớn, ảnh hưởng tới cả Á Đông ngang với Khổng Tử. Ngày nay, “Đạo đức kinh” của ông vẫn còn được nhiều nền văn minh nhân loại nghiên cứu. Có rất nhiều phương pháp nghiên cứu, rất nhiều cách hiểu, cũng như rất nhiều cách ứng dụng trong đời sống. Có những phương pháp bình luận từ ngữ, bình luận văn học, bình luận lịch sử xã hội, bình luận lịch sử tư tưởng. Có những phương pháp bình luận từ ngữ, bình luận văn học, bình luận lịch sử xã hội, bình luận lịch sử tư tưởng. Có những cách hiểu luân lý, cách hiểu siêu hình, cách hiểu văn chương, cách hiểu nghệ thuật, cách hiểu thần thông. Có những ứng dụng cho đạo đức, cho chính trị, cho xã hội, cho dưỡng sinh, cho cả nghệ thuật quản trị xí nghiệp...

Lão Tử – Đạo Đức Kinh của tiến sĩ Lưu Hồng Khanh là một bản bình luận mới về tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
***
Tiến sĩ Lưu Hồng Khanh sinh ngày 11 tháng 7 năm 1932 tại Hà Tĩnh. Trong thời gian 1967 − 1978, ông đi du học và nghiên cứu về Thần học, Triết học, Xã hội học tại các Ðại học München và Marburg thuộc Cộng hòa Liên bang Ðức. Ông nhận bằng Tiến sĩ Triết học tại Đại học Marburg năm 1978.

Trong những năm tiếp theo, Tiến sĩ Lưu Hồng Khanh tham gia giảng dạy ở phân khoa Triết học tại Đại học Hamburg và Đại học Frankfurt, Cộng hòa Liên bang Đức. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia giảng dạy và hướng dẫn nhiều buổi thuyết trình và thảo luận trong các lĩnh vực triết học, tâm lý, tâm linh, giáo dục, tương giao liên văn hóa thuộc các chương trình Giáo dục thường xuyên cho nhiều tầng lớp ở châu Âu.

Những tác phẩm của ông mang đến cho người đọc những kiến thức liên quan đến triết học mà không khô khan như thường thấy ở các trường đại học. Với Triết học nhập môn hay Lão Tử, ông không nhằm mục đích cung cấp những học thuyết mà đưa người đọc trở về với chính mình, khám phá khả năng có sẵn trong mỗi con người và sử dụng khả năng đó để phát triển bản thân.

***

Nhân dịp tái bản tập sách Lão Tử – Đạo Đức Kinh này, cùng với một số các tập sách mang tính triết học khác, vào giữa những thập niên đầu thế kỷ 21, chúng tôi nhận thấy như có một lời gửi gắm phát xuất từ bối cảnh lịch sử tư tưởng chúng ta đang sinh sống.

Trong những thập niên giữa thế kỷ 20 và 21, chúng ta đã được chứng kiến sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, cũng như những bức tường ý thức hệ giữa Đông Âu và Tây Âu được hạ xuống. Cũng trong thời gian này, chúng ta lại cũng đã được nhìn thấy cuộc “Cách mạng hoa Nhài” ở Tunisia cũng như những cuộc “Cách mạng màu” tại các nước Ả Rập ở miền Cận Đông bùng nổ. Và cũng chính trong những thời gian này, lại đã xuất hiện một tư trào triết học mới mang tên “Triết học liên văn hóa” , với rất nhiều tư liệu được xuất bản, nhiều cuộc hội nghị thảo luận được tổ chức, có hai trung tâm mang tên “Hội Triết học liên văn hóa”, một ở Köln (Đức) và một ở Wien (Áo), cùng với tạp chí “Triết học liên văn hóa” được xuất bản dưới dạng in giấy và dạng diễn đàn online. (Xem thêm chi tiết: Lưu Hồng Khanh, Triết Học Nhập Môn – Một Dẫn nhập cơ bản và thực nghiệm ; chương ba: Triết Học Liên Văn Hóa; tái bản 2017).

Những biến cố nói trên cho thấy, ý thức hệ Âu tâm (lấy châu Âu hay phương Tây làm trung tâm) không những trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, mà cả trong các lĩnh vực tư tưởng và triết học, nay đã được đặt thành vấn đề, và đã đưa tới nhận định về một “Thời trục” mở rộng về thời gian cũng như về các vùng miền văn hóa khai minh (Plott 1979), tiếp nối luận thuyết “Thời trục” (“Achsenzeit”) của Karl Jaspers (1988 [1949]) đã đưa ra để chỉ sự khai minh của văn hóa nhân loại trong các vùng miền Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp, Do Thái, Iran, vào thời gian tk. 8 – tk. 3 TCN. Nhận định “Thời trục” khai minh hiện đại này nay đặt ra cho mình nhiệm vụ Giải Âu (giải mở ý thức hệ Âu tâm), nhìn nhận và phát huy các truyền thống văn hóa của từng vùng miền, và tiếp đó là giao lưu, trao đổi, xây dựng một nền Triết học liên văn hóa . (Xem tập sách Triết Học Nhập Môn nói trên).

Cũng chính trong bối cảnh giao lưu liên văn hóa này mà tập sách Lão Tử − Đạo Đức Kinh nay được tái bản, và trong đó chúng tôi sẽ bổ sung một chương ngắn với tiêu đề: “Huyền triết phương Đông và Triết học phương Tây. Các thông diễn về Lão Tử − Đạo Đức Kinh, chương 47”; bài viết của giáo sư triết học Karl Albert (1921 − 2008), [“Östliche Mystik und westliche Philosophie. Interpretationen zu Lao-tse, Kap. 47”, in: Philosophie der Philosophie, Academia Verlag Richarz, Sankt Augustin, Germany, 1988, 605-614].