Lược Sử nước Anh

Tác giả : Bùi Đức Mãn
  • Lượt đọc : 446
  • Kích thước : 7.17 MB
  • Số trang : 410
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 244
  • Số lượt xem : 2.390
  • Đọc trên điện thoại :
Về môn lịch sử, hẳn quý bạn độc giả cũng như người biên soạn quyển sách này đều nhận thấy, riêng về môn sử nước nhà, chúng ta đã có những tài liệu thật phong phú, hoặc là những vật chứng tích qua các thời đại. Nhờ vậy những sách vở (hầu hết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm) hoặc là chúng ta đã có những tác phẩm sử học thật giá trị, đáng kể nhất là bộ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, cuốn Việt Nam lịch sử giáo trình của Đào Duy Anh đều đã được xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám và cách đây không lâu, bộ Lịch sử Việt Nam do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành và xuất bản năm 1971 với nhiều sử liệu phong phú, lập luận chặt chẽ và minh bạch. Nhưng về môn lịch sử nước ngoài thì dường như chúng ta có hơi ít. Nếu tôi không nhầm, chúng ta mới chỉ có cuốn Trung Hoa sử cương của Đào Duy Anh xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, cuốn Trung Quốc sử lược của Phan Khoang (1958), cuốn Nhật Bản sử lược của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần (1960).
Ngày nay, nói theo một số nhà báo, nhà bình luận, thế giới dường như hẹp lại và các nước gần gũi với nhau hơn, trao đổi với nhau nhiều hơn về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... Cho nên biết sử nước ngoài không hẳn là một điều vô ích. Các nước tiên tiến đã thấy rõ vấn đề này. Ở nước Pháp, chỉ một nhà xuất bản Presses Universitaires de France (PUF) có riêng một tủ sách “Que Sais-Je?” cho in rất nhiều sách thuộc về sử nước ngoài có lẽ gần đủ các nước đã được rất nhiều người trên thế giới biết đến.
Ở nước ta hiện nay, phong trào học tiếng Anh khá sôi nổi, có thể nói từ thành thị đến thôn quê, từ miền biển lên miền núi. Dĩ nhiên từ khối học sinh đông đảo đó, sẽ có nhiều em lên đại học, sẽ học Văn học sử Anh quốc và theo thiển ý, cũng cần một cuốn Lược sử nước Anh.
Người biên soạn cuốn sách này đã có hoài bão từ năm 1985 về một cuốn sử Anh quốc, đã cố cộng tìm kiếm một số tài liệu và bắt đầu viết từ năm 1992, nhưng vì bận rộn nhiều cho nên mãi đến nay mới xong. Nhưng dĩ nhiên một cuốn “lược sử” chỉ nêu được những nét chính còn biết bao nhiêu điểu thiếu sót và e rằng tệ hơn nữa, có thể có vài sự sai lầm do tài liệu.

Cuốn sách này là một cuốn sử nước Anh, để tránh sự mất công tìm tòi của bạn đọc, tên các nhân vật người Anh đều được viết bằng Anh ngữ. Riêng các từ thuộc về địa danh thì xin theo tập tục bấy lâu nay, những danh từ nào đã quen thuộc quá rồi, thường gặp trên báo chí và sách vở, vẫn dùng như cũ như Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... hoặc Ai len, Xcôt-len...; còn những từ chưa được quen thuộc lắm thì giữ chính tả theo tiếng Anh như Manchester, Liverpool hoặc Normandy (đã có một thời gian lâu là đất thuộc chính quyền Anh).

Những từ của hẳn người Pháp, người Anh vẫn dùng trong sách của họ như Paris, Bordeaux, sông Seine, sông Loire... chứ không như người Pháp đổi một số từ Anh ra từ Pháp như London đổi thành Londres, Dover thành Douvres, sông Thames thành Tamise...
Khi đem xuất bản cuốn sách này, người viết còn băn khoăn nhiều nỗi. Nhưng nghĩ đến phải có một viên gạch nhỏ đóng góp vào để xây dựng tòa nhà “lịch sử nước ngoài” của chúng ta, người viết luôn luôn trông mong vào sự rộng rãi bao dung của bạn đọc và kính mong bạn đọc sẽ chỉ giáo những chỗ sai lầm để lần xuất bản sau sẽ được hoàn hảo hơn.