Nhập Môn Triết Học

Thể loại: Triết Học
Tác giả : Đỗ Minh Hợp
  • Lượt đọc : 8
  • Kích thước : 102.46 MB
  • Số trang : 340
  • Đăng lúc : 7 tháng trước
  • Số lượt tải : 168
  • Số lượt xem : 921
  • Đọc trên điện thoại :
Thời gian cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là thời kỳ diễn ra chuyển biến toàn diện của nền văn minh nhân loại, của toàn bộ trật tự thế giới đã hình thành trước kia. Một trong những xu hướng chuyển biến quan trọng nhất là sự gia tăng chưa từng thấy sức mạnh công nghệ của nhân loại. Một xu hướng khác — toàn cầu hóa đời sống xã hội về các mặt kinh tế, thông tin, chính trị và văn hóa. Cuối cùng, một xu hướng chuyển biến nữa cho thấy sự gia tăng võ tiền khoáng hậu các nhân tố mạo hiểm, các mối nguy hiểm và các thách thức toàn cầu đối với tương lai của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Nói cách khác, loài người càng trở nên hùng mạnh hơn, thì tương lai của họ càng trở nên bất định hơn và nguy hiểm hơn.

Loài người đã tin tưởng rằng, nền văn minh hiện đại ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Và nghịch lý gây thất vọng lớn nhất chính là ở chỗ, nhân tố chủ yếu tạo ra mối nguy hiểm lại là bản thân con người với tư cách cái ác tiềm ẩn, với tư cách thực thể có thiên tổ thù hằn, vô trách nhiệm, vô liêm sỉ, không ngần ngại sử dụng mọi phương tiện và khả năng để sát hại đồng loại của mình.

Đã đến lúc cần phải thừa nhận rằng, loài người dư thừa của cải vật chất song lại bất lực về phương diện tinh thần, đạo đức. Tồn tại yếu ớt của họ dễ dàng bị phá hủy vào bất kỳ thời điểm nào không những bởi các hậu quả toàn cầu này sinh do ác ý của một số kẻ đê tiện, mà còn do tác động của những sai lầm chết người từ phía một nhà chính khách, một doanh nhân, một nhà truyền giáo đánh mất cảm giác hiện thực, của bất kỳ một người nào đó vô ý hay chủ ý truyền bá những giá trị giả dối hoặc không nhận thấy những hạn chế về mặt đạo đức của mình.

Như vậy, vấn đề là ở chỗ, quyền lực của các cộng đồng người đối với tự nhiên, đối với các quá trình kinh tế – xã hội và chính trị được kết hợp với sự bất lực trong việc hiểu biết về thế giới nội tâm của con người riêng biệt và trong việc không có khả năng tác động đến thế giới ấy. Các công nghệ hữu hiệu đã được tạo ra nhằm điều khiển ý thức con người, nhằm bắt hành vi của họ phục tùng ý chí của người khác. Song người ta vẫn không thể tạo ra được các thể chế và các cơ chế xã hội góp phần nâng cao phẩm giá đạo đức của con người và chống lại cái ác. Hơn nữa, việc thực hiện các quy tắc đạo đức trên thực tế thường bị coi hoặc là việc xâm phạm các quyền tự do của cá nhân, hoặc là một sự không tưởng giả nhân giả nghĩa. Rốt cuộc là những giá trị và những chuẩn tắc đạo đức dường như bị thủ tiêu tận gốc, hoặc bị coi là ảo tưởng.

Bước ngoặt trong phát triển của nền văn minh theo hướng chủ nghĩa phi đạo đức (immoraliste) hiểu chiến là một trong những hệ quả của sự tiến bộ về công nghệ thuần túy ở thời cận đại và ở thời hiện đại. Loài người đã có những phương án đối chọi, nhưng họ đã bỏ qua chúng không chỉ do những nguyên nhân và những kích thích vật chất. Sự khủng hoảng của văn hóa phương Tây đóng một vai trò quan trọng ở đây, nó đã bộc lộ ra ngay ở thế kỷ XIX, đã trở thành nhân tố quyết định đời sống tinh thần của phương Tây và của toàn bộ nền văn minh ở thế kỷ XX. Và một trong những biểu hiện của sự khủng hoảng ấy là việc biến triết học từ nhân tố quyết định mục đích trở thành thủ thuật và công nghệ tư duy. Dưới tác động của những trào lưu tư tưởng đa dạng như chủ nghĩa thực chứng, triết học phân tích, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại..., đạo đức học dường như đã bị tách biệt khỏi lĩnh vực triết học và khoa học, nhận được địa vị nhận thức luận đáng hoài nghi, trở nên gần gũi với mê tín dị đoan và tục thờ ngẫu tượng.

Trong khi đó, thì xa xưa cho tới nay, chính các nhà hiền triết là những người luôn dành toàn bộ cuộc đời mình, tất cả mọi nỗ lực của mình để tìm kiếm các cơ sở tối hậu của nhân tính và con đường đạt tới nó, giải thoát, cứu rỗi, giải phóng nhân tính khỏi sự áp bức, nô dịch của những cái phi nhân tính ở nơi con người và ở thế giới bao quanh con người. Để tồn tại với tư cách loài Người, cộng đồng văn minh hiện đại cần phải trở thành cộng đồng văn hóa theo đúng nghĩa của từ này. Quay lại với tinh hoa, sáng tạo của các triết gia, đặc biệt là những tư tưởng then chốt của các ông như một con đường hữu hiệu để chúng ta tự giáo dục mình trở thành những sinh thể văn hóa, qua đó tạo lập một ngôi nhà – Tổ quốc chung của loài Người trên Trái Đất thân yêu của mình. Đây là mục đích của cuốn sách này.

Cuốn sách bao gồm những tư tưởng, những ý kiến, những quan niệm và những đánh giá của các nhà triết học ở các thời đại khác nhau, được lựa chọn theo cách đề cập đến tất cả mọi vấn đề cơ bản của triết học có hệ thống: lý luận về tri thức triết học, lý luận triết học về tồn tại và lý luận nhận thức. Cuốn sách được dành cho sinh viên và nghiên cứu sinh đang nghiên cứu triết học, cho tất cả những người quan tâm đến hệ vấn đề triết học. Đây là những kiến thức cơ bản nhất, cần thiết cho mỗi người có mong muốn tiếp cận với lĩnh vực tri thức nhân văn trừu tượng nhưng cũng hết sức thú vị này. Tất nhiên, cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế nhất định, tác giả mong muốn nhận được những góp ý chân thành và bổ ích của độc giả nhằm ngày càng hoàn thiện, để cung cấp những tri thức hữu ích hơn cho mục đích tìm tòi “minh triết” của nhân loại. Thư góp ý xin gửi về: Công ty Cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề, HEVOBCO, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 25 Hàn Thuyên, Hà Nội.

ĐỖ MINH HỢP