Giáo trình lôgíc học đại cương

Tác giả : Nguyễn Thúy Vân
  • Lượt đọc : 142
  • Kích thước : 1.29 MB
  • Số trang : 199
  • Đăng lúc : 11 tháng trước
  • Số lượt tải : 93
  • Số lượt xem : 743
  • Đọc trên điện thoại :
Tên gọi "Lôgic học” có nguồn gốc từ một từ cổ Hy lạp là "Logos” vốn có hai nghĩa:
Thứ nhất, là từ, lời nói, câu, quy tắc viết; Thứ hai, là tư tưởng, ý nghĩ, sự suy tư.
Xuất hiện trong triết học cổ đại như là tổng thể thống nhất các tri thức khoa học về thế giới, ngay từ thời cổ lôgíc học đã được xem là hình thức đặc thù, hình thức duy lý của triết học - để phân biệt với triết học tự nhiên và đạo đức học (triết học xã hội).
Càng phát triển, lôgíc học càng trở thành bộ môn phức tạp. Vì thế, ở những giai đoạn lịch sử khác nhau các nhà tư tưởng đã đánh giá khác nhau về nó. Một số người coi lôgíc học là một phương tiện kỹ thuật - công cụ thực tiễn của tư tưởng (“bộ công cự”). Những người khác lại coi nó là một “nghệ thuật” đặc biệt - nghệ thuật suy nghĩ và lập luận. Những người khác nữa lại thấy nó như là một kiểu “hệ điều chỉnh” - tổng thể các quy tắc, quy định và chuẩn mực của hoạt động trí óc (“bộ quy tắc”). Thậm chí đã từng có cả ý đồ hình dung nó như “một thứ y khoa” đặc thù - phương tiện làm lành mạnh lý tính.
Lô gích học là một khoa học đặc thù bởi khách thể của nó là tư duy. Đây là khoa học về tư duy. Tuy nhiên, tư duy lại là khách thể nghiên cứu không chỉ của riêng một lôgíc học, mà còn của nhiều khoa học khác như : triết học, tâm lý học, sinh lý học thần kinh cấp cao, điều khiển học, ngôn ngữ học v.v..
Vậy Lô gích học nghiên cứu tư duy khác các ngành khoa học khác cùng nghiên cứu tư duy ở chỗ nào?
Triết học với bộ phận quan trọng là nhận thức luận nghiên cứu tư duy trong tổng thể nhằm giải quyết vấn đề triết học cơ bản là quan hệ của tư duy con người với thế giới xung quanh, tri thức của con người về nó có đáng tin cậy hay không.
Tâm lý học nghiên cứu tư duy như một trong các quá trình tâm lý chẳng hạn cảm xúc, ý chí, v. v., vạch ra sự tương tác của tư duy với các quá trình ấy, phân tích các động cơ thúc đẩy hoạt động tư tưởng của con người, làm rõ những nét đặc thù của tư duy ở trẻ em, người lớn, những người tâm lý bình thường và của cả những người có các lệch lạc tâm lý.