Truyện ngắn của I. Bunin khiến người ta có cảm giác chuếnh choáng khi lần lượt đứng hai bên bờ cảm giác, hai thái cực tình cảm khác nhau cùng các nhân vật. Chẳng hiểu sao, nhân vật cứ bị cuộc đời xô dạt vào những trạng thái cảm xúc trái ngược ấy. Và chẳng hiểu sao niềm vui luôn ngắn, còn nỗi buồn cứ vít xuống thật dài. Một phu nhân xinh đẹp đã vui vẻ qua đêm với chàng trung uý trẻ, để rồi hôm sau nàng quay trở về cuộc sống của mình, chẳng để lại dù một cái tên (Say nắng). Một tiểu thư con nhà giàu cứ làm bộ dửng dưng với anh chàng bảnh trai, cũng là người giàu có, đùng cái chấp nhận qua đêm một lần, để sau đó mãi mãi không gặp nhau (Ngày thứ hai chay tịnh). Một phụ nữ khổ sở đôi đường, nào nghèo, nào chồng chẳng quan tâm đã hào hứng đón nhận tình yêu của một nhà văn trẻ. Thậm chí, chị chỉ coi đó như một cơ hội sung sướng của mình trong vệt dài những ngày vô nghĩa (Những tấm danh thiếp).
I. Bunin viết rất nhiều về tình yêu với những dòng ngợi ca, khi nhắc tới niềm hân hoan cũng như cung bậc tột cùng đau khổ. Tình yêu được xem như một thước đo chiều sâu tâm hồn của các nhân vật. Cho dù tình yêu cứ xô tới như một cơn "say nắng" và các nhân vật tức thì giang rộng tay đón nhận nhau, nhưng chẳng ai vì điều đó mà quẫn trí. Họ mau chóng bị lý trí kéo về đời thực, thậm chí còn hơi lạnh lùng. Người phụ nữ trong Những tấm danh thiếp khi rời tàu chẳng hề ngoái lại, như thể chẳng chút dùng dằng với người đàn ông mình vừa trên mức thân mật. Họ đã xử sự điều mọi người vẫn cho là không thể, mà dư âm sau đó là sự bí ẩn không thể lý giải. Chẳng thế mà chàng trung uý (Say nắng) vật vã mãi trong khoảng trống vô hình, dù anh đã trải qua những giờ sung sướng với phu nhân xinh đẹp. Chàng quý tộc bảnh trai (Ngày thứ hai chay tịnh) cũng phải tìm đến những quán rượu bẩn thỉu nhất, dấn sâu vào cảnh sa đoạ, tuyệt vọng suốt 2 năm trời.
Các cô gái trong Những lối đi dưới hàng cây tăm tối thật đáng yêu, vừa đỏng đảnh, vừa mạnh mẽ. Họ chẳng hề uỷ mị, cho dù là tiểu thư đài các, mệnh phụ phu nhân hay một cô gái quê chất phác. Nàng Ruxia của một điền trang heo hút đã chân thành đặt câu hỏi với chàng gia sư của em trai mình: "Anh có yêu em không?", nhưng vẫn dằn lòng quyết định chọn người mẹ điên khùng hơn là tình yêu (Ruxia). Và còn có những cảnh ngộ về tình yêu đầy ngang trái: cô gái nông dân nghèo sẵn sàng gật đầu cưới bạn của bố để trở thành một thị dân, sẵn sàng hôn một chàng trai xấu xí, bệnh tật để đổi lấy một món tiền, sẵn sàng đuổi con trai ra khỏi nhà để tái giá với ông chồng khá giả hơn (Cuộc đời tươi đẹp)...
Một lý do khiến truyện ngắn của I. Bunin căng đầy nhựa sống là không gian đẹp đẽ của nước Nga. Qua những ngôn từ trang nhã được sử dụng giản dị, giầu tính chân thực - những cảnh sắc nước Nga điểm xuyết cho những câu chuyện tình, những nhân vật một đời sống thực sự. Để rồi, xuyên suốt những truyện của Bunin là cảm giác về sự mong manh của tồn tại, là nhận thức thường trực và sự vô thường của những ước vọng...
I. Bunin viết rất nhiều về tình yêu với những dòng ngợi ca, khi nhắc tới niềm hân hoan cũng như cung bậc tột cùng đau khổ. Tình yêu được xem như một thước đo chiều sâu tâm hồn của các nhân vật. Cho dù tình yêu cứ xô tới như một cơn "say nắng" và các nhân vật tức thì giang rộng tay đón nhận nhau, nhưng chẳng ai vì điều đó mà quẫn trí. Họ mau chóng bị lý trí kéo về đời thực, thậm chí còn hơi lạnh lùng. Người phụ nữ trong Những tấm danh thiếp khi rời tàu chẳng hề ngoái lại, như thể chẳng chút dùng dằng với người đàn ông mình vừa trên mức thân mật. Họ đã xử sự điều mọi người vẫn cho là không thể, mà dư âm sau đó là sự bí ẩn không thể lý giải. Chẳng thế mà chàng trung uý (Say nắng) vật vã mãi trong khoảng trống vô hình, dù anh đã trải qua những giờ sung sướng với phu nhân xinh đẹp. Chàng quý tộc bảnh trai (Ngày thứ hai chay tịnh) cũng phải tìm đến những quán rượu bẩn thỉu nhất, dấn sâu vào cảnh sa đoạ, tuyệt vọng suốt 2 năm trời.
Các cô gái trong Những lối đi dưới hàng cây tăm tối thật đáng yêu, vừa đỏng đảnh, vừa mạnh mẽ. Họ chẳng hề uỷ mị, cho dù là tiểu thư đài các, mệnh phụ phu nhân hay một cô gái quê chất phác. Nàng Ruxia của một điền trang heo hút đã chân thành đặt câu hỏi với chàng gia sư của em trai mình: "Anh có yêu em không?", nhưng vẫn dằn lòng quyết định chọn người mẹ điên khùng hơn là tình yêu (Ruxia). Và còn có những cảnh ngộ về tình yêu đầy ngang trái: cô gái nông dân nghèo sẵn sàng gật đầu cưới bạn của bố để trở thành một thị dân, sẵn sàng hôn một chàng trai xấu xí, bệnh tật để đổi lấy một món tiền, sẵn sàng đuổi con trai ra khỏi nhà để tái giá với ông chồng khá giả hơn (Cuộc đời tươi đẹp)...
Một lý do khiến truyện ngắn của I. Bunin căng đầy nhựa sống là không gian đẹp đẽ của nước Nga. Qua những ngôn từ trang nhã được sử dụng giản dị, giầu tính chân thực - những cảnh sắc nước Nga điểm xuyết cho những câu chuyện tình, những nhân vật một đời sống thực sự. Để rồi, xuyên suốt những truyện của Bunin là cảm giác về sự mong manh của tồn tại, là nhận thức thường trực và sự vô thường của những ước vọng...