Những Triết Gia Thiên Chúa Giáo Thế Kỷ XX

Thể loại: Triết Học
Tác giả : Nguyễn Hữu Triết
  • Lượt đọc : 388
  • Kích thước : 3.03 MB
  • Số trang : 495
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 380
  • Số lượt xem : 2.441
  • Đọc trên điện thoại :
Triết học được coi là đỉnh cao của tri thức, vì thế người ta thường thêm một phụ từ vào và gọi là minh triết. Chính vì nó là tầng cao của sự hiểu biết, hay nói cách khác, là tột đỉnh khôn ngoan của nhân loại cho nên không dễ nắm bắt, thấu đạt, mà đã không nắm vững vấn đề thì cũng khó mà đặt bút viết ra để loan truyền cho người khác. Có lẽ chính vì nguyên do này mà sách triết học rất ít, có thể nói cực hiếm trên thị trường sách bao la của đất nước ta.

Trong những kỳ hội sách hàng năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, người viết thấy tối mắt vì sách: hàng triệu cuốn sách đủ các loại đầy các gian hàng sát vách nhau tại công viên Lê văn Tám, thế nhưng tìm một cuốn sách về triết học chẳng dễ chút nào. Tháng mười 2012, trên nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc số 214, mục Văn Hoá trang 127 có bài:” Đọc :Trò Chuyện Triết Học – Nghĩ về khái niệm, vai trò của triết học” của tác giả Bùi Văn Nam Sơn. Người viết cảm thấy một chút ấm lòng, đỡ tủi cho dòng chảy triết học trên đất nước “con rồng cháu tiên” hiện nay. Vừa rồi nhà biên dịch Phan Quang Định lại yêu cầu người viết có đôi lời giới thiệu tác phẩm “Những Triết Gia Thiên Chúa Giáo Thế Kỷ Hai Mươi”. Đọc lướt bản thảo, người viết có cảm giác là tác giả đã “thai nghén” công trình này từ lâu và cũng đã khổ công tìm tòi, nghiên cứu tư liệu. Tuy mới chỉ giới hạn trong thế kỷ hai mươi và trong phạm trù Thiên Chúa Giáo, phần nhận định, phê bình về mỗi tác giả chưa được phong phú, nhưng với những sinh viên triết học Tây phương và cả những ai quan tâm tới triết học, thì công trình của tác giả và sự có mặt của cuốn sách dạng Từ điển Triết gia Thiên chúa giáo Thế kỷ XX, cũng đáng trân trọng, với 180 triết gia Thiên Chúa Giáo Thế kỷ XX (Chưa liệt kê những vị của các thế kỷ trước), có mặt trong hàng ngũ các triết gia thế giới, chắc chắn lâu đài triết học thế giới cũng lộng lẫy hơn, phong phú hơn và vững chắc hơn. Một cách nào đó, đây cũng là sự góp phần của Thiên Chúa Giáo cho nền triết học toàn cầu.

Người viết xin chân thành cảm ơn tác giả và hân hạnh giới thiệu tác phẩm với bạn đọc bốn phương.
Tân Sa Châu, ngày 05 tháng 3 năm 2013
L.m. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT
Trưởng Ban Văn Hoá
Tổng Giáo Phận TP. Hồ Chí Minh

LỜI NÓI ĐẦU

Tất cả những gì lên cao đều đồng qui

(Tout ce qui monte converge)

Teilhard de Chardin

Quyển sách này mang hình thức của một loại Tự điển Danh nhân, nhằm giới thiệu sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của những nhà tư tưởng Thiên Chúa Giáo ( được hiểu như là tên gọi chung cho Do thái giáo, Chính thống giáo, Công giáo La mã, Anh quốc giáo phái và tất cả các hệ phái Tin lành…) trên khắp thế giới, trong thế kỷ hai mươi. Mỗi một mục từ gồm có: 1) Cuộc đời và hành trạng; 2) Các công trình trước tác của chính người đó; 3) Các công trình nghiên cứu, khảo luận của người khác về tác giả đó ( mà chúng tôi gọi là phần Văn bản nhị đẳng ); 4) Trình bày những nét chính yếu trong tư tưởng của vị đó. Cuối sách có phần Phụ lục I giới thiệu sơ lược về các Trường phái và các Phong trào triết học trong thế kỷ hai mươi và Phụ lục II giới thiệu các nhà tư tưởng Thiên Chúa Giáo danh tiếng của Việt nam.

Đây là một công trình biên dịch tổng hợp và chọn lọc từ các quyển Philosophes et Philosophie depuis les origines jusqu’à nos jours của Bernard Morichère và nhóm bốn mươi Giáo sư các trường Đại học Pháp; quyển Histoire des Philosophes illustrée par les textes của Denis Huisman và André Vergez; quyển Biographical Dictionary of Twentieth Century Philosophers của Stuart Brown, Diané Collinson và Robert Wilkinson, quyển One Hundred Twentieth Century Philosophers cũng của ba tác giả trên; quyển La Philosophie au vingtième Siècle của Remo Bodei và một số tác phẩm khác có liên quan…

Nhân dịp này người biên soạn mạn phép được giải bày vắn tắt về một số cơ duyên đã đưa đến việc hình thành và ra mắt của tác phẩm. Trước tiên là, trong quá trình học tập của mình, từ trung học đến đại học và sau đó nữa, người biên soạn đã được sự chỉ giáo của những người thầy trong đó có nhiều vị là Linh mục Công giáo như cha Vang ( dòng Đa minh, Nhà thờ Ba Chuông), các Linh mục Trần Văn Hiến Minh, Trần Thái Đỉnh, Cao Văn Luận, Kim Định, Lê Tôn Nghiêm, Père Larre, Père Gaultier… ở Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sài gòn. Do vậy, dầu là người “ngoại đạo” nhưng bản thân chúng tôi vẫn luôn dành cảm tình tốt đẹp với đạo và luôn ghi nhớ lòng biết ơn với những bậc thầy yêu quí đã dày công rèn luyện và đào tạo kiến thức và nhân cách cho mình. Chúng tôi hằng mong muốn sẽ làm được điều gì đó thể hiện thành quả từ công lao dạy dỗ của quí thầy. Từ hơn hai mươi năm nay, nhờ chính sách mở cửa, chúng tôi đã có điều kiện trở lại với việc viết văn dịch sách và đã có hơn bốn mươi đầu sách được xuất bản thuộc nhiều lãnh vực từ phổ biến kiến thức đến sách học làm người rồi sách văn học, tâm lý học, triết học, tôn giáo…Và do nhiều nguyên nhân đưa đẩy khiến chúng tôi lại có hân hạnh làm quen với Linh mục Nguyễn hữu Triết (xứ đạo Tân Sa Châu, Tân Bình, Sài gòn). Chúng tôi trình bày với Linh mục ý nguyện biên dịch tổng hợp một quyển sách về các nhà tư tưởng Thiên Chúa Giáo thế kỷ hai mươi, một đề tài mà do việc biên dịch các tác phẩm triết học đã nêu nơi đoạn hai của Lời nói đầu này, nên đã không còn xa lạ với chúng tôi, và đã được Linh mục vui vẻ khích lệ và bảo trợ.

Tác phẩm sẽ bước đầu giới thiệu tổng quát khoảng một trăm tám mươi nhà tư tưởng Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới trong thế kỷ hai mươi, sắp xếp theo thứ tự alphabet của họ tên. Về phần thuật ngữ, ngoài việc sử dụng theo những quyển Tự điển Triết học của Linh mục Trần Văn Hiến Minh và Linh mục Cao Văn Luận, chúng tôi còn tham khảo quyển Tự điển Thần học Tín lý của nhóm phiên dịch do L.M. Vũ Kim Chính, SJ đại diện, xuất bản năm 1995.

Mặc dầu trên đây chúng tôi nói rằng đề tài này không xa lạ với chúng tôi, nhưng lại là một đề tài quá rông lớn, có tầm bao quát cao mà dụng ngữ vẫn còn đang biến hóa cho phù hợp với nhu cầu của thời đại chứ chưa định hình hẳn nên chắc là có nhiều chỗ còn phải tranh cãi chứ không dễ đạt được sự đồng thuận, cho nên dầu dụng công và cẩn trọng đến đâu cũng không thể tránh khỏi những hà tì khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong đón nhận những gợi ý, phê bình của bạn đọc để bổ khuyết cho những lần tái bản được hoàn hảo hơn.

Sài gòn, cuối đông Nhâm Thìn

Trân trọng