Phố Của Làng

Tác giả : Dạ Ngân
  • Lượt đọc : 57
  • Kích thước : 6.57 MB
  • Số trang : 237
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 32
  • Số lượt xem : 364
  • Đọc trên điện thoại :
Năm nào người công sở cũng có nhiều loại lịch trong nhà. Từ rất nhiều nguồn, có thể biết trước và không thể biết trước. Lịch b-lốc thường do cơ quan nhà có nhã ý tặng như một món quà kèm theo tiền mừng tết dương lịch. Lịch nhiều tờ thường đến từ các bên hữu quan ví như Bảo hiểm nhân thọ, ví như các tòa báo, ví như một công ty quen đang muốn quảng bá một năm ăn nên làm ra. Năm biết nay bỗng dưng được tới ba khối lịch b-lốc siêu to, từ mấy nhà xuất bản. Có lẽ ít nơi nào trên thế giới trừ Trung Quốc và Việt Nam ưa chuộng thứ lịch phố phang này. Những tờ lịch bằng nguyên khổ giấy A4, hộp lịch phủ giấy điều phương rồng sặc sỡ, treo chỗ nào thì xệ định chỗ đó, chỉ các cô cậu học trò nghèo thú vị vì hay xin hàng xấp về để viết nháp.

Kẻ ăn không hết người lần không ra. Nhớ những ngôi nhà nghèo khó ở quê, vách ván hở hang hay vách lá đạm bạc thèm một cuốn lịch nhiều tờ có hoa kiểng hay chim chóc hay mỹ nữ để treo lên cho đỡ quạnh mà kiếm không ra. Đã thấy nhiều nhà vẫn còn treo những tờ lịch của năm 2000, mà treo la liệt một hàng dài kín hết bức vách, Vui là chính, có màu mè là chính chứ không cần đến thời gian vì thời gian của nhà nông thì lúc nào cũng như lúc nào, chật vật và đơn điệu. Có những cô gái trong lịch nhoẻn cười hết cỡ trên một bức vách lá tồi tàn trông như một cô tiên hạ cánh xuống đó và không bay lên được nữa. Cũng vui. Vui mà lại thấy muốn rớm nước mắt.

Chọn trong đống lịch thừa thãi được tặng một cuốn khả dĩ thích hợp để treo lên tường. Năm nào được cơ quan hay cá nhân nào đó ở nước ngoài biểu thì cuốn lịch giản dị của họ đặt ở chỗ nào trong nhà cũng thấy hợp. Không quá to khổ, không quá phô bày, không quá rối rắm, đó là nghệ thuật mà các nhà làm lịch nước nhà còn khuya mới theo kịp. Nhưng xem ra đống lịch mà mình lắc đầu lại là món quà xôm tụ cho bà con ở quê. Một cành đào tưng bừng trên giấy có còn hơn không. Và như đã nói, một người đẹp rạng rỡ thì đúng là tiên đến nhà chứ không còn là tờ lịch nữa. Chạnh nhớ tuổi thơ quê mùa, hồi ấy mình cũng ve vuốt mãi những người đẹp trên những tờ lịch để nuôi hy vọng về một vẻ đẹp, một cuộc sống, nói chung, một giấc mơ chính đáng đã được sinh ra và được nuôi dưỡng không mất tiền nhờ những tờ lịch.

Không quên nhớ dành một vài cuốn lịch để tối 30 tháng Chạp chạy ra đầu hẻm tặng cho những chị em lao công vệ sinh kèm một phong bì nho nhỏ. Không nghề nào khó nhọc và kết thúc muộn màng như nghề quét rác trong những ngày Tết. Người mang lịch đi biểu và người được nhận đều thấy bình đẳng với nhau trong sự cảm động rất đặc biệt từ lễ Tết. Có thể nghe rõ mùi thơm của cuốn lịch mới, hay đó là mùi thơm của nỗi vui mà người cho không rụt rè, người nhận cũng không mặc cảm, thứ tình cảm mà cả hai đều còn lưu giữ bắt nguồn từ tình quê và cốt cách người quê.