Ôtellô

Thể loại: Văn Học
Tác giả : Sêcxpia
  • Lượt đọc : 79
  • Kích thước : 12.09 MB
  • Số trang : 192
  • Đăng lúc : 8 tháng trước
  • Số lượt tải : 22
  • Số lượt xem : 369
  • Đọc trên điện thoại :
Shakespeare viết Othello vào khoảng 1604. Cốt truyện được mượn từ người Moor thành Venice in trong tập “Một trăm truyện ngắn” (Hecatommithi) của nhà văn Ý Giraldi Cinthio (1504-1573).

Người Moor của Shakespeare - hay nói rõ hơn Othello - là một dũng tướng ở Venice. Nhờ có nhiều công lao, Othello được nhà nước Venice tín nhiệm và đặc biệt được nguyên lão nghị viên Brabantio yêu mến. Những lần đến chơi nhà Brabantio chàng thường được yêu cầu kể lại chuyện đời mình. Chính câu chuyện này đã làm say mê Desdemona một thiếu nữ tuyệt sắc, con gái yêu của Brabantio . Nàng say sưa nghe chuyện, cảm phục những hành động của Othello, rồi cuối cùng yêu mến con người đã có cái quá khứ anh dũng và phong trần ấy. Hai người bí mật đưa nhau đi làm phép cưới, nhưng họ không ngờ rằng chuyện tình duyên của họ đã bị một cặp mắt xảo quyệt và lạnh lùng chăm chú theo dõi. Iago, hiệu uý của Othello căm thù chủ tướng chỉ vì Othello đã cử Cassio làm phó tướng mà không cử y.

Để phá đám, y xúi bẩy gã quý tộc si tình Roderigo đến báo cho Brabantio biết: “Con gái ông đã lẻn theo tên nhọ”. Được tin, Brabantio tức tối đem gia nhân đi bắt Othello và Desdemona. Nhưng đồng thời trong đêm đó, được tin cấp báo quân Thổ xâm lăng Cyprus, nghị viện Venice họp, có cho mời Othello và Brabantio đến luận bàn. Nghị viên Brabantio đòi bàn việc của mình trước và đòi trừng trị Othello, buộc tội chàng đã mê hoặc Desdemona; nhưng Desdemona đã thẳng thắn và can đảm nhận cô yêu Othello, chứ không phải “bị chài, bị bả” như cha nàng nói. Thất bại, Brabantio thề không nhìn mặt con gái, còn Othello được cử đến Cyprus để đối phó với hạm đội Thổ, Desdemona xin được đi theo chồng. Cùng đi có Cassio, Iago và Emilia, vợ y Nhưng cuộc binh đao không xảy ra, nên lễ thành hôn của Othello và Desdemona được cử hành ngay đêm đầu họ tới Cyprus. Trong một bữa tiệc, Iago chuốc cho Cassio say khướt và bày cách cho Roderigo chọc tức Cassio. Rượu say Cassio đuổi đánh Roderigo rồi lại đâm Monteno, vị trấn thủ Cyprus bị thương. Vì sự vi phạm kỷ luật này, Cassio bị Othello cách chức. Iago xui Cassio đến van nài Desdemona để nàng xin chồng phục chức cho. Đúng lúc Cassio đang nhờ cậy Desdemona thì Iago dẫn Othello về và bắt đầu từ đấy bằng những câu nói mập mờ bỏ lửng, bằng những lời xúc xiểm xảo quyệt, Iago đã dần dần gieo vào tâm trí Othello sự nghi ngờ day dứt: “Thà ta bị gươm đâm, thừng trói, bị lửa thiêu hay độc dược giày vò, bị nhấn chìm trong sông ngột ngạt, còn hơn để việc này dằn vặt. Cuối cùng, Iago xui vợ đánh cắp chiếc khăn thêu mà Othello đã tặng Desdemona. Nhưng Emilia may mắn lại bắt được chiếc khăn đó, nàng vô tình đưa cho chồng. Y vứt nó vào giường ngủ của Cassio để cho hắn vô tình lượm được. Sau đó, y bố trí để Othello nhìn thấy Cassio cầm cái khăn thêu trong tay. Bị mắc mưu, Othello ghen điên cuồng, sai Iago giết Cassio, và chính tay chàng đang tay bóp chết Desdemona. Đúng lúc Othello vừa giết vợ xong thì Emilia chạy vào báo tin Cassio bị thương. Trước thi thể con người đức hạnh, sự công bình, lòng nhân đạo đã khiến Emilia vô cùng đau xót lớn tiếng sỉ vả Othello ngay trước mũi dao hăm doạ của chàng. Mọi người xô đến, Othello trình bày nguyên nhân khiến chàng giết vợ, lúc ấy Emilia mới vỡ lẽ, nàng bèn kể lại chuyện cái khăn. Bị lột mặt nạ, Iago xông lại đâm chết vợ. Biết rõ “nguyên nhân”, Othello đau đớn, hối hận, nhưng... tâm hồn chàng yên tĩnh vì biết Desdemona trong trắng, và cuối cùng chàng tự tử.

“Người Moor thành Venice” của Cinthio chỉ đơn thuần kể lại một câu chuyện về lòng ghen, trái lại, tác phẩm Shakespeare đã miêu tả nó một cách cực kỳ sinh động, từ lúc mới manh nha đến khi nẩy nở, phát triển và đưa đến kết quả thảm khốc Shakespeare cũng lược bỏ, thay đổi một số tình tiết hoặc rườm rà hoặc tiêu cực của Cinthio, đưa vào những vấn đề mới và những nhân vật mới cùng với tính cách xã hội của họ. Shakespeare cũng đã xây dựng các nhân vật cá tính rất phong phú. Chính những đặc điểm này cùng với phẩm chất nghệ thuật đã làm cho Othello của Shakespeare sống qua thời gian và không gian, trong khi Moor của Cinthio nằm chết bẹp dưới những lớp bụi của năm thế kỷ.

Nhân vật Othello là một trong những sáng tạo kỳ diệu nhất của Shakespeare. Chàng là một quân nhân thẳng thắn và cao thượng: vì thẳng thắn, chàng tin dùng Iago không chút ngờ vực, vì cao thượng chàng không chấp trách lời phỉ báng của Roderigo. chàng cũng là một người rất điềm đạm, thanh lịch: thái độ của chàng trước Brabantio hung hãn, trước nghị viện Venice, đã chứng tỏ điều này, và tuy “những khao khát nhiệt cuồng từng khích động tuổi thanh xuân đã nguội trong lòng tôi”, nhưng đó cũng là một con người rất mực yêu đương, yêu đương say sưa nhất trong các tác phẩm của Shakespeare, như Bradly nhận xét. Chàng yêu Desdemona như yêu một cái gì toàn thiện toàn mỹ, chàng yêu đến tưởng như có thể chết được vì sung sướng khi gặp lại nàng ở Cyprus, yêu đến tưởng như “khi ta không còn yêu em nữa, thì cũng là ngày cõi đời trở lại hỗn mang”.

Thực ra “khi cõi đời trở lại hỗn mang” đối với chàng rồi, Othello vẫn còn yêu Desdemona: “Nhưng đáng thương biết bao, Iago, thực đáng thương biết bao?” Tiếng kêu thương ấy cũng là tiếng kêu thương cho sự đổ vỡ của những quan niệm tốt đẹp mà chàng có về cuộc đời. Tất cả từ nay đối với chàng chỉ còn là xấu xa và bỉ ổi, giả dối và vô nghĩa. Trừ Iago; chàng ngờ vực tất cả, ngay những lời Emilia khẳng định về đức hạnh của Desdemona. Tuy vẫn yêu nhưng bây giờ chàng không còn bình tĩnh sáng suốt trang nhã như Othello thuở trước , chàng trở nên cục cằn, tát cả vợ trước mặt mọi người. Chàng mất trí đến nói năng lảm nhảm ngay trong một cuộc tiếp tân, chàng phẫn uất đến mê loạn, lúc nào chàng cũng bị ám ảnh bởi những hình ảnh bẩn thỉu do Iago gợi ra. Sau cùng, chàng đã giết vợ.

Othello giết Desdemona vì đau đớn phẫn nộ, và tiếc hận rằng một người đạo đúc đến như vậy lại có thể sa ngã đến thế vì cho rằng danh dự của mình bị tổn thương, vì mục đích hết sức nhân đạo: “Nhưng nàng phải chết, nếu không nàng sẽ còn phản bội nhiều người khác nữa.” Chàng giết Desdemona không phải do ghen tuông mù quáng, vì - như Puskin nhận định, “Othello không phải là con người bản chất ghen tuông, mà là con người cả tin.” Chàng quá tin cậy Iago trung thực, nhưng cũng khó lòng tin rằng có một người chồng nào trong hoàn cảnh của Othello mà không bị “Con quỷ mắt xanh” chiếm đoạt mất linh hồn. Ngay trong hành động giết vợ của Othello, ta không cảm thấy căm giận hay khinh tởm chàng, cũng không thấy cái tàn nhẫn cái tầm thường, nếu không muốn nói cái hèn hạ của người Moor thành Venice. Và như vậy thì người ta sẽ tìm thấy ở đâu cái bản chất “man ri”, “cái thú tính trở lại” của Othello như một vài nhà phê bình tư sản đã phân tích, đặc biệt Schlegel với một ác ý rõ rệt? Thực ra những phản ứng của Othello, trừ việc chàng giết vợ, rất tự nhiên, tự nhiên ngay cả với một khán giả của thế kỷ thứ XX. Othello, ấy là một con người theo cái nghĩa đầy đủ của nó, hay, nói như Smimov, là một con người chứa đầy mâu thuẫn, là cả một thế giới phức tạp. Sau khi đã biết rõ nguyên nhân, Othello đã khóc “như cây Ả-rập, đầm đìa nhựa thuốc”, không phải chỉ vì đau đớn hối tiếc mà còn vì sung sướng thấy Desdemona không hư hỏng như chàng tưởng, sung sướng vì lòng tin ở con người đã trở về với chàng. Chính ở điểm này, tác phẩm của Shakespeare đã thể hiện một chủ nghĩa nhân bản lạc quan, đã mang một ý nghĩa tích cục khác với truyện của Cinthio.

Màu da của Othello là một vấn đề đã làm đổ nhiều mực trên văn đàn quốc tế. Đưa một người châu Phi lên sân khấu, Shakespeare đã đặt vấn đề chủng tộc của thời đại ông trong một hình thái cực đoan nhất. Thái độ của tất cả các nhân vật trong vở kịch đối với Othello - trừ Desdemona và Cassio - đều phản ảnh cái tư tưởng miệt thị người da màu của xã hội Tây u thời Trung cổ, đặc biệt là những ý kiến của Iago: “Tên Moor vốn phổi bò chất phác, dễ tin người làm vẻ thật thà, ngoan ngoãn cho người xỏ mũi lôi đi, chẳng khác chi giống lừa giống ngựa”, đã phần nào thâu tóm được sự ngạo mạn khinh khi trong quan hệ giữa những người châu u và châu Phi. Cái quan hệ bất công và nhục nhã ấy trong những xã hội tư bản kéo dài trong suốt từ thời đại ấy cho đến tận thế kỷ thứ XX này. Cái thành kiến đó, và cùng với nó hẳn phải có những kỷ niệm chua chát, đã gây cho Othello tư tưởng tự ti: “Hay có lẽ vì da ta đen đủi”, và điểm này đã tác động mạnh vào tâm lý chàng. Hiển nhiên Shakespeare phản đối quan niệm này của những người đương thời: qua hình ảnh một người châu Phi, ông đã dựng một con người cao thượng nhất, đẹp đẽ nhất trong văn học,và bên cạnh nhân vật ấy, ông đã nêu bật vai trò ngớ ngẩn của anh chàng Roderigo da trắng ngốc nghếch, một nghị viên Brabantio da trắng vô trách nhiệm, và nhất là một Iago hèn hạ bỉ ổi.

Iago, cái nguyên động lực của vở kịch, thao túng sân khấu qua suốt năm hồi. Ngay từ màn đầu, người xem đã phải chú ý đến cái con người, tuy mới “nhìn đời từ hai mươi tám năm nay”, mà đã ích kỷ đến trắng trợn ấy. Y phơi bày một cách rất vô tư cái mục đích vụ lợi của y trong việc phục vụ Othello và khi bất mãn một cách rất tàn nhẫn với chàng, y tìm cách hại chàng theo lối ném đá giấu tay cũng rất là tiểu nhân. Y đánh bạn với Roderigo không có gì ngoài lợi ích thú vui, một trong những thú vui kỳ quặc đến ma quỷ của y là “nếu anh thông dâm được với nàng thì tôi cũng được một trò giải trí”.Y khinh miệt chế giễu tất cả mọi người trừ bản thân y và tiền bạc. Ai y cũng nghi ngờ, đối với ai y cũng gán cho những ý nghĩ hành động bậy bạ: “vì ta ngờ tên Moor dâm đãng cũng đã mò tới giường ngủ vợ ta...”, “vì ta ngại rằng tên này (Cassio) cũng đã chui vào trong chăn chiếu vợ ta...” Thản hoặc, y có thừa nhận một vài đức tính của người khác, thì những đức tính đó, y chỉ coi là những sự sơ hở, những nhược điểm của kẻ ngốc. Y khéo léo đeo bộ mặt đạo đức để bịp bợm: không ai không bị lừa gạt, nhất là Othello. Không những Iago đã được lòng tin của Othello, mà dần dà y đã điều khiển, đã chỉ huy, hay - để mượn lời nhà phê bình Morozon - “Y đã chiếm đoạt được linh hồn chàng, khiến chàng bắt đầu cảm nghĩ theo những hình ảnh của Iago, nhận xét cuộc đời theo con mắt của Iago”. Thực vậy Iago đã biến một Othello thanh nhã điềm đạm, nói toàn những hình ảnh thơ mộng trang nghiêm và hùng tráng của thiên nhiên rộng lớn, thành một Othello gần như hoàn toàn rập đúng cái giọng lưỡi, cái ngôn ngữ của y, đặc trưng với những “dê, chó, mèo, khỉ, rắn, rết, cóc nhái...” Làm được như thế, vì Iago đã vận dụng được khoa tâm lý rất tinh vi: y biết chọn đúng lúc để “rót vào tai Othello những lời độc địa, để tác động vào tâm hồn chàng, bằng những việc ví dụ như chuyện cái khăn - thực ra, nhỏ nhen, vô nghĩa lý. Iago cũng là một con người cực kỳ tham lam và tàn ác đến man rợ: “kiếm thêm tiền vào...kiếm tiền khoẻ vào...” câu thúc giục ấy của Iago nhắc đi nhắc lại đến hàng chục lần không những đã cực tả lòng tham tiền của y mà phải chăng còn bộc lộ một hiện tượng phổ biến của xã hội đương thời: cái xu hướng tích luỹ trong giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa. Khi cần thiết, y cũng không ngần ngại gì mà không “sắm xe đòn” cho một đồng nghiệp của y như Cassio, một ông bạn phiền hà như Roderigo, một người vợ nguy hiểm cho y như Emilia. Iago thực xứng đáng được coi là một con người xấu xa, tàn ác và xảo quyệt nhất trong nền văn học thế giới, y đã được xếp trên Méphistopheles của Goethe, tuy rằng Méphistopheles vốn đã không phải là một con người. Chính cái điểm khác biệt này khiến chúng ta muốn tìm cho Iago một quan hệ thân tộc với một loại người có thực: những mẫu người của chủ nghĩa Quốc xã Đức.

Khác với viên chuẩn uý của Cinthio, Iago không hề yêu Desdemona, mà với cái tư tưởng khinh bỉ phụ nữ của y, y cũng chẳng yêu ai hết. Thực ra, đôi khi y cũng có ý tưởng thời gian cần thiết cho lòng ghen của Othello có điều kiện nảy nở và phát triển. Cái “thời gian kép” này (Double Time) - thời gian ngắn của các sự việc diễn biến và thời gian dài theo trình tự ngày tháng, đã gỡ nút cho vở kịch một cách hết sức tự nhiên và hợp lý để thuyết phục được người xem và người đọc về tính hiện thực của cốt truyện. Một độc giả trung thành với quy tắc duy nhất hành động của lý thuyết kịch cổ điển Pháp, hẳn sẽ còn chê trách sự xen vào những màn không cần thiết cho chủ đề vở kịch như màn hề, màn đánh úp... Điều này có phần đúng, nhưng có lẽ là một yêu cầu quá đáng nếu ta lại đòi hỏi tác giả phải vượt ra ngoài những thị hiếu của khán giả kịch trường Elizabeth.

Othello cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Shakespeare để minh hoạ bốn thể văn tác giả thường dùng: Thơ trữ tình, văn xuôi, thơ có vần và thơ không vần. Bình thường, Othello nói thơ không vần, chàng chỉ nói văn xuôi khi xúc động mãnh liệt, không tự chủ được mình. Trái lại, bình thường Iago, cái anh chàng “Iago trung thực” (honest Iago) toàn nói văn xuôi, y chỉ nói thơ không vần khi diễn tả tình cảm thực sự của y hoặc giả bộ “tình cảm” và “trung thực”. Thơ trữ tình được dùng để tạo nên một không khí nhất định: Hai bài hát của Iago đã gây nên một không khí vui vẻ ầm ĩ, là tiền đề thích hợp cho cảnh Cassio say rượu.

Bài hát “Cây Liễu” của Desdemona gây một không khí u uất buồn rầu như báo trước cảnh đổ vỡ đau thương. Đối với sân khấu thời đó âm nhạc có một chức năng tương tự với ánh sáng trên một sân khấu hiện đại. Thơ có vần làm cho câu nói có vẻ trịnh trọng, do đó, hời hợt, giả tạo như khi ông thống lãnh “ngoại cuộc” khuyên nhủ Brabantio “trong cuộc”, hoặc có cái vẻ nghiêm trọng, giọng nguyền rủa như khi Brabantio cảnh cáo Othello. Vì những thể văn này được sử dụng có chủ đích nên một bản dịch muốn trung thực cũng nên chuyển sang những thể văn thích đáng để có một tác dụng tương đương. Chúng tôi chỉ có thể đáp ứng yêu cầu này được một phần nhỏ nào bằng cách cố gắng dùng một thể văn có âm điệu.

Bút pháp của Shakespeare trong Othello khác với những tác phẩm trước đã thoát ly được những ảnh hưởng hình thức chủ nghĩa của các kịch tác gia Marlow, Green và Kyd. Ở đây lời văn không nặng nề vì những cái dài dòng, kiểu cách, khoa đại của tiêu ngữ tu từ học, vì những ẩn dụ uyên bác, hoặc những điển cố rút trong thần thoại Hy - La. Các nhân vật diễn đạt tình cảm bằng những lời sáng sủa tự nhiên, đơn giản say sưa, và mang nhiều kịch tính. Những cảnh Othello đau khổ vì ngờ vực, phẫn nộ đến điên cuồng và đã “tận mắt nhìn chứng cớ”, cảnh Desdemona bị giết... đã viết lên những trang bất hủ trong nền văn học của nhân loại. Ở đây, những hình tượng nghệ thuật không còn chỉ là mô phỏng theo những trước tác thời trước, như ta thường thấy ở các thi sĩ học giả Milton và Pope mà phần lớn, rút từ những kinh nghiệm bản thân đã được cách điệu hoá, do đó, cô đọng, dễ hiểu, mới lạ và độc đáo. Trong khi dịch, chúng tôi hết sức tôn trọng những hình tương nghệ thuật của nguyên bản. Để diễn đạt ý của tác giả một cách dễ hiểu đôi khi chúng tôi tự thêm một tính từ hoặc một vị ngữ - cố nhiên trong một mức độ tối thiểu - hoặc sử dụng những hình tượng tương đương có sẵn trong tiếng Việt, chúng tôi đều có chú thích. Đây là một bản dịch không đơn thuần chỉ để giải trí thưởng thức mà còn là một bản dịch có thể đối chiếu với nguyên bản, để nghiên cứu học tập.

Chúng tôi cố gắng sử dụng sự “phong phú” của tiếng Việt để lột tả ý văn của tác giả, và nghĩ rằng tiếng Việt của chúng ta cũng xứng đáng để dịch Shakespeare, một thiên tài vĩ đại, có một không hai, của văn học nhân loại.

Chúng tôi căn cứ vào bản Anh văn của Nhà xuất bản Penguin Books, London, do G.B. Harrison hiệu khảo và chú thích.

Trần Anh Kim - Phục Vĩnh Trọng