Có hai người đi săn ra khỏi rừng quá muộn đã phải dừng lại nghỉ đêm trong gian nhà kho của ông trưởng xóm Prôcôphi ở tận cuối làng Mirônôxítxkôê. Đó là bác sĩ thú y Ivan Pêtơrơvíts và giáo viên trường phổ thông Burkin. Ivan Pêtơrơvíts có cái họ khá lạ tai, một họ kép là Tsimtsa- Ghimalaixki, họ ấy xem ra không thích hợp gì lắm với ông và khắp cả tỉnh này đều quen gọi ông đơn giản là Ivan Pêtơrơvíts. Ông ở trại nuôi ngựa giống gần thành phố và vừa rồi đến đây đi săn để hưởng khí trời trong lành. Còn giáo viên Burkin thì hè nào cũng là khách của bá tước P và từ lâu đã rất quen thuộc với vùng này.
Họ không ngủ. Ivan Pêtơrơvíts, một ông già cao gầy ria mép dài, ngồi phía ngoài cửa và ngậm tẩu thuốc lá, ánh trăng chiếu lên người ông. Còn Burkin thì nằm trên đống cỏ khô, trong bóng tối không nhìn thấy rõ ông. Họ kể cho nhau về đủ thứ chuyện. Đại loại như họ nói rằng bà Mavra, vợ của ông trưởng xóm, một phụ nữ khỏe mạnh và không đến nỗi ngu đần, nhưng cả đời không đi ra khỏi làng, chưa từng nhìn thấy thành phố, đường sắt, và chục năm trở lại đây lúc nào cũng ngồi ru rú bên bệ lò, chỉ buổi tối mới đi ra ngoài nhà.
- Ồ, thế thì có gì lạ đâu - Burkin nói.
- Trên thế giới này chẳng thiếu những người bản tính vốn ưa sống đơn độc như con ốc, con sên lúc nào cũng cố thu mình vào trong cái vỏ. Có lẽ đó là một thứ di truyền lưu lại từ thời xưa khi tổ tiên con người chưa phải là một động vật sống trong xã hội mà sống đơn độc trong hang hốc của mình, cũng có thể đó là một dạng của tính cách con người - ai mà biết được? Tôi không phải là một nhà khoa học tự nhiên, và đề cập đến vấn đề ấy cũng chẳng phải là việc của tôi; tôi chỉ muốn nói rằng những người như bà Mavra không phải là hiện tượng hiếm thấy. Đây này, chẳng phải tìm đâu xa, cách đây khoảng hai tháng, ở thành phố có một người mới chết tên là Bêlikốp, bạn đồng nghiệp của tôi, một giáo viên dạy tiếng Hy Lạp. Chắc là anh cũng đã nghe tên ông này rồi. Hắn ta nổi tiếng về điều là lúc nào cũng vậy, thậm chí cả khi rất đẹp trời, hắn đều đi giày cao su, cầm ô và nhất thiết là mặc áo bành tô ấm cốt bông. Ô hắn để trong bao, chiếc đồng hồ quả quít cũng để trong bao bằng da hươu, và khi rút chiếc dao nhỏ để gọt bút chì thì chiếc dao ấy cũng đặt trong bao; cả bộ mặt hắn ta nữa dường như cũng ở trong bao vì lúc nào hắn cũng giấu mặt sau chiếc cổ áo bành tô bẻ đứng lên. Hắn đeo kính râm, mặc áo bông chần, lỗ tai nhét bông, và khi ngồi lên xe ngựa thì bao giờ cũng cho kéo mui lên. Nói tóm lại con người này lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo ra cho mình một thứ bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài. Cuộc sống làm hắn khó chịu, sợ hãi, buộc hắn phải thường xuyên lo âu và có lẽ như để bào chữa cho thái độ nhút nhát, ghê tởm đối với hiện tại, lúc nào hắn cũng ngợi ca quá khứ; ca ngợi những gì không bao giờ có thật; mấy thứ ngôn ngữ cổ mà hắn dạy đối với hắn thật ra cũng chỉ là một thứ giày cao su, một thứ ô che mà nhờ đó hắn có thể trốn tránh được cuộc sống thực.
- Ồ, tiếng Hy Lạp nghe thật là tuyệt vời, êm tai, - hắn ta nói với vẻ ngọt ngào; và như để chứng minh cho lời nói của mình, hắn nheo mắt lại, giơ một ngón tay lên và thốt ra tiếng: Anthropos.
Cả ý nghĩ của mình Bêlikốp cũng cố giấu vào bao. Đối với hắn, chỉ có những chỉ thị, thông tư, những bài báo cấm đoán điều này điều nọ mới là những cái rõ ràng. Khi một thông tư cấm học sinh ra khỏi nhà sau chín giờ tối hay một bài báo nào đó ngăn cấm tình yêu nhục thể thì những điều đó là rất rạch ròi, rõ ràng với hắn; cấm rồi - thế là đủ. Hắn bao giờ cũng cảm thấy cái gì đó mờ ám, khó nói, đáng ngờ vực chứa đựng trong sự cho phép làm điều này điều nọ. Khi người ta đồng ý cho một đoàn kịch, một phòng đọc sách hay quán trà trong thành phố được phép hoạt động thì hắn lắc đầu và nói nhỏ:
- Cái đó đã đành, hay thì hay thật, nhưng nhỡ lại xảy ra chuyện gì.
Mọi chuyện vi phạm khuôn phép, hơi trái với lẽ thường đều làm hắn rầu rĩ, mặc dầu thật ra những
chuyện đó chẳng liên quan gì đến hắn cả. Nếu có bạn đồng nghiệp nào đi muộn lễ nhà thờ, hay có tin đồn về một trò nghịch ngợm nào đấy của học sinh, hay người ta thấy có cô giáo nào đấy đi chơi khuya với một sĩ quan thì hắn lo lắng ra mặt, luôn miệng nói nhỡ lại xảy ra chuyện gì. Trong các buổi họp hội đồng giáo viên, quả tình hắn đã làm khổ chúng tôi bằng thái độ thận trọng đầy đa nghi, bởi những suy luận đúng theo kiểu thu mình trong vỏ ốc của hắn rằng bọn trẻ ở các trường nam nữ rất hư hỏng, rằng vào giờ học các lớp rất ồn ào, - nhỡ ra lại đến tai ban giám hiệu, nhỡ ra lại xảy ra chuyện gì - và nếu đuổi được thằng Pêtơrốp ra khỏi lớp hai và thằng Igorốp ra khỏi lớp bốn thì thật là hay. Thế rồi sao? Bằng những tiếng thở dài, những lời than vãn, với cặp kính đen trên gương mặt nhợt nhạt, bé nhỏ - anh biết không, bé choắt lại như mặt chồn - hắn đã lấn át tất cả chúng tôi và chúng tôi phải nhượng bộ hắn, phải bớt điểm hạnh kiểm của Pêtơrốp và Igorốp, bắt giam cả hai rồi cuối cùng thì đuổi chúng ra khỏi trường. Hắn có một thói quen kỳ quặc là đi hết nhà này sang nhà khác nơi bọn chúng tôi ở. Hắn đến nhà giáo viên nào đó chẳng hạn, kéo ghế ngồi, chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn chung quanh như tìm kiếm vật gì. Hắn cứ ngồi im như phỗng thế rồi độ một giờ sau thì cáo từ. Hắn gọi đó là "Cách duy trì những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp". Quả tình đi đến nhà chúng tôi và ngồi im như thế là một việc nặng nề đối với hắn, nên hắn đến nhà chúng tôi chỉ vì coi đó là nghĩa vụ bạn bè.
Bọn giáo viên chúng tôi đều sợ hắn. Thậm chí cả hiệu trưởng cũng sợ hắn. Anh thử nghĩ mà xem, giáo giới chúng tôi là bọn người biết suy nghĩ, rất nghiêm chỉnh, được giáo dục qua những tác phẩm của Turghênhép và Sêđrin, thế mà cái thằng cha quanh năm đi giầy cao su và mang ô ấy đã khống chế cả trường học chúng tôi suốt mười lăm năm trời. Mà đâu phải chỉ có trường học! Cả thành phố ấy nữa! Các bà các cô tối thứ bảy không dám tổ chức diễn kịch tại nhà nữa, sợ rằng nhỡ hắn biết thì lại phiền, giới tu hành khi có mặt hắn không dám ăn thịt và đánh bài.
Dưới ảnh hưởng của những kẻ như Bêlikốp, trong vòng mười, mười lăm năm trở lại đây, dân chúng trong thành phố đâm ra sợ tất cả. Sợ nói to, sợ gửi thư, sợ làm quen, sợ đọc sách, giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ...
Ivan Pêtơrơvíts húng hắng ho, muốn nói điều gì, nhưng thoạt đầu thì hút thuốc, nhìn lên trăng sau đó mới nói nhát gừng:
- Phải rồi, mang tiếng là những người biết nghĩ, có học, đọc Turghênhép, Sêđrin, Bơcơli và các thứ sách khác, thế rồi phải im lặng chịu đựng, qui phục... Đấy, việc đời là thế đấy. Bêlikốp ở ngay cùng một nhà với tôi, - Burkin nói tiếp - cùng một tầng, cửa đối diện nhau. Tôi với hắn vẫn thường xuyên giáp mặt nhau, và tôi biết rõ sinh hoạt ở nhà của hắn. Ở nhà hắn cũng sống thế thôi; cũng vẫn mặc áo khoác ngoài, đội mũ, đóng cửa, cài then, có đủ sự ngăn cấm và hạn chế, lúc nào cũng sợ nhỡ lại xảy ra chuyện gì. Ăn chay thì có hại mà thịt thì không nên; vì sợ người ta có thể kháo rằng Bêlikốp không chịu ăn chay nên hắn ăn cá rô với mỡ bò, một món ăn không thể là chay nhưng cũng không thể gọi là thịt được. Hắn không nuôi đầy tớ gái vì sợ rằng người khác có thể dị nghị. Hắn nuôi ông già đầu bếp Aphanaxi, tuổi chừng sáu mươi, say rượu luôn luôn, dở khôn, dở dại, trước đây đã từng làm lính hầu và cũng biết nấu nướng qua loa. Lão già Aphanaxi này thường đứng khoanh tay ở cửa, vừa thở dài vừa lẩm bẩm mỗi một câu:
- Người ở đâu ra bây giờ mà lắm thế!
Buồng ngủ của Bêlikốp chật như cái hộp, giường nằm thì móc màn. Khi nằm ngủ, hắn kéo chăn trùm đầu kín mít, trong buồng nóng bức, ngột ngạt, gió thổi ngoài cửa sổ đóng kín mít, lửa reo trong lò, có tiếng thở dài nghe dễ sợ vọng lên từ dưới bếp...
Nằm trong chăn hắn cảm thấy rờn rợn. Hắn sợ nhỡ ra lại có chuyện gì, nhỡ lão Aphanaxi lại cắt cổ hắn, sợ kẻ trộm chui vào nhà, sau đó suốt đêm hắn nằm mơ toàn những điều khủng khiếp; và buổi sáng khi cùng đi đến trường với tôi, mặt hắn tái nhợt, rầu rĩ. Có thể thấy rõ rằng cái trường học đông đúc mà hắn
đang bước tới kia thật là đáng sợ, trái ngược với cả con người hắn, và việc đi cạnh tôi, kẻ bản tính vốn cô độc như hắn quả là nặng nề:
- Độ này các lớp học ồn quá.
Hắn nói như thể tìm nguyên nhân cho tâm trạng nặng nề của hắn.
- Thật chẳng ra làm sao nữa. Thế mà vị giáo viên dạy tiếng Hy Lạp, người mang bao ấy, anh biết không, suýt nữa thì lấy vợ đấy. Ivan Pêtơrơvíts liếc nhanh vào nhà kho và nói:
- Nói đùa đấy chứ?
- Không đâu, suýt nữa hắn lấy vợ đấy, thế mới lạ chứ. Dạo ấy người ta bổ đến trường tôi một thầy giáo mới dạy lịch sử và địa lý, tên là Kovalenkô, Mikhain Xápvíts, người xứ Ucraina. Anh ta không đến một mình mà với chị là Varenka. Anh ta còn trẻ, cao lớn, nước da bánh mật, đôi tay to tướng, trông mặt cũng có thể đoán rằng anh ta có giọng trầm, và quả thật anh ta nói giọng ồm ồm như phát ra từ thùng gỗ. Varenka thì không còn trẻ nữa, tuổi chừng ba mươi, người cũng cao to, dáng thẳng, lông mày đen, má hồng - nói tóm lại không ra vẻ một cô gái mà như một thứ mứt trái cây, tính tình nhí nhảnh, hay nói, hay cười, hay hát những bản tình ca xứ Ucraina. Hơi một tí là cười phá lên ha-ha-ha! Tôi còn nhớ lần làm quen kỹ càng đầu tiên với chị em nhà Kovalenkô là trong buổi tiệc mừng sinh nhật ông hiệu trưởng. Giữa đám giáo viên mặt mày nghiêm nghị, nặng nề, buồn tẻ, những người đến dự lễ sinh nhật cũng chỉ vì nghĩa vụ, tôi bỗng thấy nữ thần Aphrôđita tái sinh từ bọt sóng; Varenka đi đi lại lại, tay chống nạnh, cười, hát, nhún nhẩy liên hồi. . . Chị ta say sưa hát bài "Gió cuốn" tiếp đó hát một bản tình ca rồi lại hát nữa, làm tất cả chúng tôi cứ ngây cả ra, kể cả Bêlikốp nữa. Hắn ta sán lại ngồi cạnh Varenka rồi mỉm cười cầu tài nói:
- Tiếng Ucraina của chị nghe cũng êm dịu, thánh thót như tiếng cổ Hy Lạp.
Câu nói đó làm cho Varenka hởi lòng hởi dạ, cô ta bắt đầu kể cho Bêlikốp nghe với giọng rạch ròi, say sưa rằng cô ta có một trang ấp riêng ở huyện Gađiátxki, ở đấy cô ta còn mẹ, ở đấy có nào lê, nào dưa hấu, nào bí ngô, người Ucraina gọi bí ngô là kabắc, còn quán rượu thì lại gọi là sinki, súp củ cải đỏ nấu lẫn với rau xanh "Ngon tuyệt là ngon, ngon kinh khủng". Chúng tôi ngồi nghe họ nói chuyện và tất cả cùng nảy ra ý nghĩ.
- Này, ghép họ thành đôi cũng hay đấy chứ, - bà vợ ông hiệu trưởng nói nhỏ với tôi. Không hiểu sao chúng tôi đều lần lượt nhớ rằng Bêlikốp không có vợ, và bây giờ chúng tôi mới lấy làm lạ rằng lâu nay chúng tôi đã bỏ qua, đã hoàn toàn không để ý đến chi tiết quan trọng đến thế trong đời hắn. Nói chung là hắn đối xử với phụ nữ thế nào, hắn có thái độ thế nào đối với vấn đề quan trọng đó? Trước đây chuyện đó chẳng hề làm chúng tôi quan tâm chút nào, có thể là vì chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng cái người bất cứ thời tiết nào cũng đi giày cao su và nằm màn ấy lại có thể biết yêu. Anh ta thì đã ngoại tứ tuần từ lâu, còn cô ả thì đã ba chục xuân xanh rồi... bà vợ ông hiệu trưởng giải thích ý nghĩ của mình. - Tôi có cảm giác rằng cô ta cũng sẵn sàng lấy Bêlikốp đấy. Ở tỉnh lẻ chúng tôi, người ta đã làm đủ chuyện vô bổ, ngu xuẩn vì quá buồn tẻ. Mà điều đó xảy ra chỉ vì những việc cần làm đã không được ai ngó ngàng tới. Chẳng hạn, hà cớ gì mà tự nhiên chúng tôi lại thấy cần phải tìm vợ cho Bêlikốp, một kẻ không ai có thể hình dung được là có vợ? Bà vợ ông hiệu trưởng, bà vợ ngài thanh tra và tất cả các bà trong trường chúng tôi đều hồ hởi hẳn lên, thậm chí trông như còn đẹp ra nữa, hệt như bất ngờ tìm được mục đích cuộc đời. Bà vợ ông hiệu trưởng mua vé cả lô trong rạp hát, và thế là chúng tôi thấy Varenka, tay cầm quạt, mặt mày tươi tỉnh, rạng rỡ đang ngồi cạnh Bêlikốp, nhỏ bé, dúm dó, co ro như thể người ta vừa khiêng hắn từ nhà đến trong một cái lồng. Có lần tôi tổ chức liên hoan thân mật, thì các bà đòi tôi thế nào cũng mời cả Bêlikốp và Varenka nữa. Nói tóm lại là cả một guồng máy lớn đã chạy. Hóa ra là Varenka cũng không phản đối gì chuyện lấy chồng. Cô ta sống với em trai chẳng lấy gì làm vui vẻ, hai chị em cứ cãi vã, chửi bới
nhau suốt từ ngày này qua ngày khác. Đây, đại loại như thế này: Kovalenkô đi ngoài phố, người cao lớn, khỏe mạnh, mặc áo thêu, tóc lòa xòa trước trán dưới vành mũ, một tay cầm mấy quyển sách, tay kia cầm một cái gậy to đầy mắt. Đi phía sau là Varenka, tay cũng cầm sách.
- Mikhailích này, cuốn sách đó cậu đã đọc đâu? - Varenka nói rất to. - Tôi đã nói với cậu rồi mà, thề rằng là cậu chưa hề đọc cuốn đó?
- Thì tôi đã nói rằng tôi đọc rồi mà! - Kovalenkô nói như gào lên, đập mạnh gậy xuống vỉa hè. - Trời, sao lại thế được hả Mikhailích! Cậu bực tức cái gì mới được chứ, vì chuyện này của chúng ta là chuyện có tính nguyên tắc cơ mà. - Thì tôi đã nói với chị là tôi đọc rồi mà! - Kovalenkô lại gào lên to hơn. Ở nhà thì như người dưng nước lã, cãi nhau suốt ngày. Sống như thế thì chắc là phát ngấy lên được, ai cũng muốn được sống riêng rẽ, mà tuổi tác thì cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Đến nước ấy thì chẳng còn thì giờ đâu mà kén chọn, lấy ai cũng được, thậm chí cả giáo viên dạy tiếng Hy Lạp. Tiện thể, cũng nói thêm rằng, nói chung là cánh đàn bà con gái nước ta có cần biết lấy người thế nào đâu, chỉ cần lấy chồng thôi. Dù sao chăng nữa thì Varenka vẫn bắt đầu tỏ rõ mối tình cảm của mình đối với Bêlikốp. Còn Bêlikốp thì sao? Hắn ta lui tới nhà chị em Kovalenkô cũng như lui tới nhà chúng tôi thôi. Tới đó, ngồi, cũng không nói nửa lời. Hắn thì ngồi im còn Varenka thì hát bài "Gió cuốn" cho hắn nghe hay mơ màng nhìn hắn bằng cặp mắt đen của mình hoặc bất chợt cười phá lên: - Ha-ha-ha!
Trong chuyện tình ái, nhất là trong hôn nhân, sự xúi quẩy của người ngoài đóng vai trò khá quan trọng. Mọi người, bạn đồng nghiệp cũng như các bà, đều thuyết phục Bêlikốp rằng hắn cần phải lấy vợ, rằng đời hắn chẳng còn việc gì đáng hơn là lấy vợ, tất cả chúng tôi đều chúc tụng hắn, nói với hắn đủ thứ chuyện tầm phào bằng giọng thật là trịnh trọng, đại loại như hôn nhân là một việc hệ trọng, thêm nữa Varenka cũng không đến nỗi xấu, tính tình hấp dẫn, cô ta lại còn là con gái một viên chức bậc năm, có trang ấp riêng, và điều chủ yếu cô ta là người đàn bà đầu tiên đối xử dịu dàng, chân thành với hắn, - đầu óc hắn quay cuồng và hắn quyết định rằng quả thật là hắn cũng cần phải lấy vợ!
- Có thế mới lột được đôi giày cao su và cái ô của hắn, - Ivan Ivanứts nói chen vào. Anh tưởng thế, chứ có lột nổi mấy thứ đó đâu?
Hắn đặt ảnh Varenka lên bàn, thường sang nhà tôi nói chuyện về Varenka, về cuộc sống gia đình, rằng hôn nhân là một việc quan trọng; hắn hay đến chơi nhà Kovalenkô nhưng cung cách sống của mình thì hắn không thay đổi chút nào. Ngược lại thế nữa, quyết định lấy vợ tác động lên hắn một cách bệnh hoạn đến mức hắn gầy gò hẳn đi, mặt mày nhợt nhạt, và hình như lại càng thu mình vào sâu trong bao của hắn.
- Tôi cũng thích Varenka, - hắn vừa nói với tôi, vừa khẽ nhếch mép cười gượng gạo. - Tôi biết rằng ai ai cũng phải lấy vợ lấy chồng, nhưng. . . chuyện này, anh biết không, đã xảy ra hơi đột ngột quá... Cần phải cân nhắc một chút. - Còn cân nhắc cái gì mới được chứ, - tôi nói với hắn. - Lấy thì lấy quách, thế là xong. Không được, hôn nhân là một việc hệ trọng, trước tiên còn phải cân nhắc mọi phận sự, nghĩa vụ... để sau này khỏi xảy ra điều gì đáng tiếc. Chuyện đó làm tôi lo lắng lắm, dạo này đêm nào tôi cũng thức trắng. Thú thật rằng, quả là cũng có điều làm tôi sợ: Hai chị em cô ấy có lối nghĩ hơi khác thường, cung cách tư duy của họ là lạ làm sao ấy, tính tình thì sôi nổi thái quá. Lấy cô ấy liệu rồi sau này có gì hay ho không khi phải rơi vào môi trường như thế. Và hắn không ngỏ lời cầu hôn, hắn cứ lần lữa mãi làm cho bà vợ ông hiệu trưởng và các bà trong trường chúng tôi đều thấy phát bực lên. Lúc nào hắn cũng đắn đo suy tính những phận sự, nghĩa vụ tương lai và đồng thời hầu như ngày nào hắn cũng đi chơi với Varenka, có lẽ hắn nghĩ rằng ở hoàn cảnh của hắn, cần phải làm như thế. Hắn cũng hay đến nhà tôi để bàn về cuộc sống gia đình. Xem ra thì cuối cùng chắc là hắn cũng ngỏ lời cầu hôn và sẽ lại có thêm một đám cưới trong số hàng nghìn đám cưới vô bổ ngu xuẩn vẫn diễn ra ở ta vì buồn tẻ, vô công rồi nghề nếu nửa chừng không bất ngờ xảy ra một vụ Kolossalische Skandala. Cần phải nói thêm rằng, em của Varenka ngay từ ngày đầu tiên quen biết
Bêlikốp đã có ác cảm với hắn và không thể nào chịu nổi hắn. - Tôi không hiểu, - anh ta nhún vai nói với chúng tôi. Tôi không thể hiểu nổi, vì sao các ngài lại chịu đựng nổi cái tên mách lẻo, cái mồm ton hót bẩn thỉu này. Ô, các ngài, thế mà các ngài cũng sống được trong cái bầu không khí ngột ngạt, tởm lợm này. Chẳng lẽ các ngài lại là thầy giáo, nhà sư phạm ư? Các ngài chỉ là những kẻ tranh giành cố leo lên bậc thang công danh, nhà trường của các ngài không phải là lâu đài khoa học mà chỉ là nơi chia nhau tước vị, bốc mùi chua loét như những đồn bốt culit. Không đâu các ông ơi, tôi cố sống với các ông ít năm nữa rồi cũng đến bỏ về làng tôi thôi, tôi sẽ đi bắt tôm, và dạy người Ucraina học. Cũng có khi anh ta cười sằng sặc, cười đến chảy nước mắt, rồi lúc thì lại cất giọng ồm ồm, lúc thì the thé giọng mũi hỏi tôi, tay khoa lên: - Hắn đến ngồi nhà tôi mần chi? Hắn cần chi nào? Cứ ngồi mà giương mắt ra thế. Thậm chí anh ta còn đặt tên cho Bêlikốp là "Kẻ phú hào hoặc là kẻ sống bám vào người khác". Cũng dễ hiểu vì sao chúng tôi tránh nói với anh ta rằng chị Varenka của anh ta sắp sửa lấy "con nhện" ấy. Có lần khi bà vợ ông hiệu trưởng nói xa nói gần với anh ta rằng kể cũng tết nếu vun vén cho chị anh ta đi lấy một người đứng đắn, ai cũng vì nể như Bêlikốp thì anh ta nhăn mặt và càu nhàu: Chẳng phải việc của tôi. Chị ấy có đi lấy rắn rết đi nữa tôi cũng mặc, tôi không ưa xen vào việc riêng của người khác. Bây giờ anh hẵng nghe chuyện gì xảy ra tiếp nhé. Có một cậu ngỗ nghịch nào đó đã vẽ một bức tranh châm biếm: Bêlikốp đang đi, chân xỏ trong giày mưa, quần túm ống, tay cầm ô, tay khoác tay Varenka; bên dưới bức tranh là dòng chữ "Một người si tình". Anh biết không, đường nét vẽ thật là sắc sảo, độc địa. Người vẽ chắc không phải chỉ làm việc một buổi tối vì tất cả các giáo viên ở hai trường nam nữ, giáo viên chủng viện, các viên chức đều nhận được mỗi người một bản. Cả Bêlikốp cũng nhận được. Bức tranh châm biếm đã gây cho hắn một ấn tượng nặng nề. Chúng tôi cùng ra khỏi nhà - đó là vào ngày mùng một tháng năm, một ngày chủ nhật, tất cả các giáo viên và học sinh chúng tôi đã hẹn gặp nhau ở trường rồi sau đó cùng đi ra ngoài thành phố vào rừng chơi, - chúng tôi đi ra và thấy mặt hắn xanh mét, ảo não hơn cả mây đen. - Sao lại có những người xấu xa, độc ác đến thế nhỉ? - hắn lầu bầu nói, môi run run. Trông vẻ mặt hắn tôi cũng phải thương hại. Chúng tôi đang đi thì, anh có thể tưởng tượng được không, bỗng thấy Kovalenkô phóng xe đạp qua, đi sau anh ta là Varenka, cũng ngồi xe đạp, mặt mày đỏ ửng, trông mệt mỏi, mà vẫn vui vẻ hớn hở. - Chúng tôi vượt lên trước nhé, - cô ta gào to. - Trời hôm nay đẹp thật, tuyệt đẹp, đẹp ghê gớm. Cả hai người đi khuất. Mặt Bêlikốp đang từ xanh mét chuyển sang trắng bệch, hắn ngẩn người ra. Hắn đứng lại và nhìn tôi... - Xin phép hỏi anh, đó là cái gì vậy? - hắn hỏi. - Hay có thể là thị giác đánh lừa tôi? Chẳng lẽ giáo viên và đàn bà con gái lại có thể cưỡi xe đạp, làm như thế coi sao tiện? - Có gì mà không tiện? - tôi đáp. - Ai muốn đi thì cứ tha hồ mà đi. - Hừ, sao lại có thể thế được? - hắn kêu lên, sửng sốt thấy tôi vẫn bình thản như không. - Anh nói cái gì lạ vậy? Hắn thảng thốt đến mức không muốn đi chơi nữa và bỏ về nhà. Suốt ngày hôm sau lúc nào hắn cũng bực dọc xoa tay, toàn thân run lên; trông mặt cũng biết là hắn đang thấy khó chịu trong người lắm. Hắn bỏ buổi lên lớp và đó là điều mà xưa nay hắn chưa từng làm. Trưa hắn cũng không ăn gì. Chập tối hắn đã mặc áo ấm hơn bình thường một chút mặc dù lúc đó là tiết trời mùa hạ, rồi lần mò đến nhà Kovalenkô. Varenka đi vắng, hắn chỉ gặp người em.
- Xin mời ông ngồi xuống cho, - Kovalenkô lạnh lùng nói, đôi lông mày nhíu lại, anh vừa nghỉ ngơi sau bữa ăn trưa muộn màng, nét mặt còn đang ngái ngủ, trong người đang rất bực bội.
Bêlikốp ngồi yên, chẳng nói chẳng rằng chừng độ mười phút rồi lên tiếng: - Tôi tìm đến anh để giãi bày tâm sự. Tôi rất buồn bực anh ạ. Có một tên vô lại nào đó đã vẽ châm biếm tôi và một người rất gần gũi với cả hai chúng ta. Tôi thấy có nghĩa vụ phải nói quả quyết với anh rằng tôi chẳng hề có liên quan gì tới một chuyện như thế... Tôi chẳng hề làm điều gì sơ suất đáng để cho mọi người giễu cợt như vậy, lúc nào tôi cũng xử sự như một người tử tế, đứng đắn. Kovalenkô ngồi lầm thầm và im lặng. Chờ một lát, Bêlikốp lại nói tiếp với giọng buồn rầu nhỏ nhẹ:
- Còn một điều nữa tôi cũng muốn nói với anh. Tôi thì vào nghề đã lâu, còn anh thì mới bắt đầu đi làm, nên với tư cách là bạn đồng nghiệp đi trước, tôi thấy có nghĩa vụ phải nhắc nhở anh đôi điều. Anh đã đi xe
đạp và cái trò giải trí ấy hoàn toàn không hợp với tư thế của một nhà giáo dục thiếu niên. - Vì sao vậy? - Kovalenkô hỏi lại bằng giọng trầm trầm. - Chẳng lẽ điều này lại còn cần phải giải thích nữa sao? Chẳng lẽ đó là điều khó hiểu ư? Nếu thầy giáo đi xe đạp thì học sinh sẽ làm gì? Lũ trẻ chỉ còn thiếu nước là đi đầu xuống đất thôi. Vả lại nếu không có chỉ thị nào cho phép thì ta không được làm. Hôm qua tôi sợ phát kinh lên đấy! Khi tôi nhìn thấy chị của anh, mắt tôi hoa lên. Đàn bà con gái mà đi xe đạp thì quả là chuyện kinh khủng. Nhưng mà ông muốn cái gì mới được chứ? - Tôi chỉ muốn mỗi một điều là nhắc bảo anh. Anh còn trẻ, tương lai của anh còn ở phía trước, anh cần phải xử sự rất thận trọng, thế mà anh đã buông thả. Ô, anh buông thả mình quá chừng? Anh mặc áo cũ ra đường, đi ngoài phố lúc nào anh cũng cầm theo sách này sách nọ, rồi bây giờ lại còn cưỡi xe đạp nữa. Chuyện anh và chị anh đi xe đạp mà đến tai ông hiệu trưởng, rồi đến tai ông thanh tra... Lúc ấy rồi còn ra cái thể thống gì nữa không? - Việc ta và chị ta đi xe đạp chẳng liên quan gì đến ai cả! - Kovalenkô nói, mặt đỏ gay. - Con nào thằng nào thò mũi vào chuyện riêng của nhà ta, ta cho chầu Diêm vương tất! - Bêlikốp tái mặt đứng dậy.
Nếu anh nói với tôi bằng cái giọng như thế thì tôi không thể tiếp tục nữa, - hắn ta nói. - Và tôi cũng yêu cầu anh khi có mặt tôi, đừng bao giờ ăn nói như thế về cấp trên. Anh cần phải có thái độ kính trọng đối với chính quyền.
Hóa ra là ta đã nói gì động đến chính quyền sao?- Kovalenkô hỏi, mắt hằn học nhìn Bêlikốp - Xin ông để cho ta yên. Ta là người trung thực, và với những người như "quí ngài" ta không muốn nói chuyện. Ta không ưa những tên mách lẻo.
Bêlikốp bối rối, luống cuống mặc lại áo ngoài, vẻ mặt đầy hoảng hốt. Bởi đó là lần đầu tiên trong đời hắn phải nghe những lời thô bạo đến thế.
Anh có thể nói gì tùy anh, - hắn vừa nói vừa bước ra ngoài hành lang dẫn xuống cầu thang. - Tôi chỉ muốn báo trước cho anh rằng có thể có người đã nghe được cuộc nói chuyện này, và để cho không ai có thể xuyên tạc câu chuyện vừa rồi và để khỏi có điều gì chẳng lành xảy ra, tôi sẽ báo cáo với ngài hiệu trưởng nội dung câu chuyện hôm nay. . . trên những nét chính. Tôi sẽ phải làm việc đó. - Báo cáo hả? Này, đi mà báo cáo đi này. Kovalenkô túm lấy cổ áo hắn từ phía sau rồi xô mạnh. Bêlikốp lộn nhào xuống cầu thang, đôi giày cao su lộc cộc đập vào bậc gỗ. Cầu thang khá cao, nhưng hắn đã lăn xuống dưới một cách bình yên vô sự. Hắn đứng dậy sờ lên mũi xem cặp kính có còn nguyên vẹn không? Nhưng đúng vào lúc hắn xuống cầu thang thì Varenka và hai bà nữa cũng vừa đi đâu về. Họ đứng ở dưới và nhìn lên -điều này đối với Bêlikốp là kinh khủng hơn cả. Thà tự vặt cổ, bẻ gẫy chân mình đi còn hơn là biến thành trò cười cho thiên hạ; bây giờ thì trước sau gì cả thành phố chả biết, chuyện sẽ đến tai ngài hiệu trưởng, ngài thanh tra, - chao ôi, thế rồi lại nhỡ xảy ra chuyện gì nữa chứ? - Họ sẽ lại vẽ tranh châm biếm khác, rồi mọi chuyện dẫn đến chỗ người ta sẽ ép mình về hưu . . . Khi hắn đứng dậy, Varenka nhận ra hắn. Cô ta nhìn bộ mặt nực cười của hắn, nhìn chiếc bành tô nhăn nhúm, đôi giày cao su, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Cô ta tưởng rằng hắn vô ý trượt ngã, không nén được, cô ta cười phá lên vang khắp khu nhà. - Ha-ha-ha! Cái tiếng cười âm vang, lảnh lót "ha-ha-ha" đó đã chấm dứt tất cả; chấm dứt chuyện cưới xin, chấm dứt cả cuộc đời của Bêlikốp. Hắn không còn nghe thấy Varenka nói gì, không còn nhìn thấy gì nữa. Trở về nhà, việc đầu tiên là hắn cất tấm ảnh để trên bàn đi, sau đó lên giường nằm và không bao giờ dậy nữa. Khoảng ba ngày sau, lão Aphanaxi đến nhà tôi hỏi liệu có cần mời bác sĩ đến không, vì như lão nói rằng ông chủ bị làm sao ấy. Tôi sang nhà Bêlikốp. Hắn nằm trong màn, đắp chănkín và im lặng. Hỏi thì hắn chỉ đáp "Không" hay "Có" thôi, không nói thêm điều gì. Hắn nằm đấy, còn lão Aphanaxi thì đi đi lại lại trong phòng, mặt mày hầm hầm, cau có, thở dài thườn thượt, mùi rượu nặng xộc lên như trong quán rượu.
Một tháng sau, Bêlikốp chết. Tất cả chúng tôi đều đi chôn hắn, nghĩa là cả hai trường trung học và chủng viện. Bây giờ, khi hắn nằm trong quan tài, vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa, cứ hệt như hắn mừng rằng cuối cùng hắn đã được chui vào cái bao mà từ đó không bao giờ
hắn phải thoát ra nữa. Phải rồi, thế là hắn đã đạt được mục đích cuộc đời! Y như thể mặc niệm hắn, khi đám ma cử hành, trời mưa dầm âm u, tất cả chúng tôi đều đi giày mưa và mang ô. Varenka cũng đi dự đám ma, và khi người ta hạ quan tài xuống huyệt, cô ta bỗng òa lên khóc. Tôi đã để ý thấy là đám đàn bà Ucraina thường chỉ gào khóc hoặc là cười phá lên, họ chẳng bao giờ rơi vào trạng thái lưng chừng. Thú thật là chôn cất những kẻ như Bêlikốp quả là một điều thích thú. Từ nghĩa địa quay về, mặt mày chúng tôi ai cũng có vẻ nhũn nhặn, rầu rĩ; không ai muốn để lộ ra cảm giác khoan khoái - giống như cái cảm giác mà chúng ta đã trải qua từ rất lâu, rất lâu thời thơ ấu, khi người lớn đi vắng và chúng ta tha hồ chạy chơi trong vườn hàng giờ đồng hồ liền, vui đùa tự do, thỏa thích. Ô, tự do? Tự do! Chỉ cần thoáng nghĩ đến nó, chỉ cần hy vọng mong manh đến khả năng có thể có của nó là đã đủ làm cho chúng ta như được chắp thêm đôi cánh, có phải thế không? Từ nghĩa địa trở về, lòng chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng chưa đầy một tuần sau, cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị một cuộc sống chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng cũng chẳng được tự do hoàn toàn, chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Trên thực tế, Bêlikốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!
- Đó, chính đây mới là điều đáng nói. - Ivan Ivanứts nói, và rít một hơi thuốc. - Và sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa, - Burkin nhắc lại.
Người giáo viên bước ra khỏi nhà kho. Đó là một người không cao nhưng to béo, đầu hói hết, có bộ râu đen dài quá ngực, hai con chó ra theo sau ông.
À, có trăng, có trăng! - ông ta ngước nhìn lên trời và nói. Đã nửa đêm. Phía bên phải hiện ra cả làng mạc, một con đường chạy dài đến năm cây số. Vạn vật đều chìm trong giấc ngủ im lìm, tĩnh mịch; không một vật nào di động, không một âm thanh nào vang ra. Thật khó mà tin rằng tạo hóa lại có thể lặng yên đến thế. Vào đêm trăng, khi nhìn thấy con đường quê thoáng đãng với những ngôi nhà nhỏ, những đồng cỏ khô, những hàng cây liễu rủ, lòng ta bỗng thấy thanh thản; và trong vẻ bình yên ẩn náu giữa bóng đêm xa cách những chuyện làm ăn tất bật, những buồn phiền, lo âu, tâm hồn ta bỗng trở nên dịu dàng, nhè nhẹ buồn và tốt đẹp. Có cảm giác rằng đến cả những vì sao cũng soi sáng xuống tâm hồn ta với vẻ đầy thương cảm và trìu mến, rằng cái ác đã bị loại bỏ trên mặt đất này và vạn sự đều êm đẹp, yên lành. Phía bên trái, từ rìa làng là cánh đồng rộng dưới ánh trăng mênh mông đến tận chân trời, ở đây cũng không một âm thanh, không một vật nào động đậy.
- Đó vấn đề là ở chỗ đó, - Ivan Ivanứts nhắc lại. - Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt, chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc - những cái đó họ chẳng phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa - đó chẳng phải là một thứ bao sao? Nếu anh muốn nghe, tôi xin kể cho anh nghe một chuyện bổ ích nữa.
- Thôi, khuya rồi, đi ngủ thôi, - Burkin nói. - Để ngày mai vậy. Cả hai người đi vào nhà kho và nằm trên đống cỏ khô. Hai người đã trùm chăn và thiu thiu ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân nhè nhẹ. Có ai đó đang đi gần nơi nhà kho, đi một lúc rồi dừng lại, một phút sau lại nghe thấy tiếng chân bước tiếp. Có tiếng chó sủa vang. - Đấy là bà Mavra đi đấy, - Burkin nói. Tiếng bước chân xa dần. - Nhìn thấy và nghe thấy mọi người nói dối, - Ivan Ivanứts vừa nói vừa trở mình, - và để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe những lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ, khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực, yêu tự do; và chính anh cũng nói dối, cũng nhăn nhở cười, chỉ cốt kiếm được miếng ăn, chỉ cốt được ấm vào thân, chỉ vì một chức tước hèn mọn nào đó chỉ đáng giá mấy đồng xu - không, không thể sống như thế mãi được.
- Ồ, đó lại sang chuyện khác rồi, anh Ivan Ivanứts ạ, người giáo viên nói. - Thôi, ta ngủ thôi.
Chừng mười phút sau, Burkin đã ngủ. Còn Ivan Ivanứts thì cứ thở dài và trở mình luôn luôn, sau đó ông dậy đi ra ngoài, ngồi xuống bên cửa, rồi lại lấy thuốc ra hút.
(Phan Hồng Giang dịch)
Lời bình:
“Trên thế giới này chẳng thiếu những người bản tính vốn ưa sống đơn độc như con ốc, con sên lúc nào cũng cố thu mình vào trong cái vỏ. Có lẽ đó là một thứ di truyền lưu lại từ thời xưa khi tổ tiên con người chưa phải là một động vật sống trong xã hội mà sống đơn độc trong hang hốc của mình, cũng có thể đó là một dạng của tính cách con người”.
“Chúng ta sống chui rúc ở thành phố này trong không khí ngột ngạt, chúng ta viết những thứ giấy tờ vô dụng, đánh bài đánh bạc - những cái đó họ chẳng phải là một thứ bao sao? Chúng ta sống cả đời bên những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ xui nguyên giục bị, những mụ đàn bà nhàn rỗi ngu si, chúng ta nói và nghe đủ thứ chuyện nhảm nhí, vô nghĩa - đó chẳng phải là một thứ bao sao?”. Lời của nhân vật Ivan Ivanứts chính là lời bình hay nhất cho câu chuyện này.
Câu nói của Burkin. “Không thể sống như thế mãi được” thể hiện rõ tư tưởng của tác giả.
Chiếc bao mà A. P. Sê- khốp nói đến trong câu chuyện đó là tư tưởng phong kiến, là sự chuyên chế của chế độ Nga hoàng.
Nhà văn Lỗ Tấn viết truyện ngắn “Lễ cầu phúc”, thông qua số phận nhân vật thím Tường Lâm, Lỗ Tấn kết luận: Tư tưởng phong kiến chính là sợi lạt mềm buộc chặt số phận người nông dân với cái khổ.
Cái bao của A. P. Sê- khốp, sợi dây mềm của Lỗ Tấn cứ ám ảnh tôi.
Bình luận