Công Giáo Việt Nam Thời Kỳ Triều Nguyễn (1802-1883)

Tác giả : Nguyễn Quang Hưng
  • Lượt đọc : 5
  • Kích thước : 103.81 MB
  • Số trang : 397
  • Đăng lúc : 1 năm trước
  • Số lượt tải : 229
  • Số lượt xem : 2.528
  • Đọc trên điện thoại :
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Quang Hưng được biên soạn trên cơ sở chỉnh sửa. bổ sung khá căn bản luận văn thạc sĩ tại Khoa Triết học, Đại học Passau đã được Nhà xuất bản Marburg xuất bản năm 1998, đề cập tới một đề tài mà ở CHLB Đức cho đến nay hầu như chưa được quan tâm nghiên cứu. Đó là sự truyền bá và phát triển Công giáo ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII cho tới khi thiết lập chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam sau khi Tự Đức mất năm 1883. Đây là khoảng thời gian được lựa chọn bởi vì từ sau đó cho tới khi kết thúc thời kỳ thuộc địa, nhà nước Việt Nam không còn chính sách độc lập của mình đối với Công giáo. Trọng tâm của cuốn sách đó là những phản ứng khác nhau của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với việc truyền bá Kitô giáo và những vấn đề hệ lụy của nó.
- Một trong những nội dung được đề cập ở đây là vai trò của tôn giáo đối với xã hội Việt Nam nói chung và tại sao những tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống (đạo đức Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo Đại thừa) vốn hiện diện ở Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, lại không tạo ra được cái rào chắn ngăn cản được sự truyền bá Kitô giáo. Phải chăng là các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống đó đã có những hạn chế, những điểm yếu mà sự tiếp nhận Công giáo đã giúp cho việc bổ khuyết chúng? Những vấn đề này đã được phân tích trong chương đầu và chương cuối của cuốn sách, trong đó tác giả đã đi tới một kết luận khá thú vị là: chính vì đặc tính hỗn dung và tính ngoại lại của tam giáo (Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo) trong đời sống tâm linh của người Việt từ rất sớm đã tạo ra một sự thiếu hụt hay một “khoảng trống tâm linh”, như được gọi trong cuốn sách và đó là một tiền để tinh thần quan trọng để Công giáo có thể truyền bá vào Việt Nam.
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý cả khía cạnh chính trị bởi vì việc truyền bá Công giáo ở Việt Nam nằm trong bối cảnh những cường quốc tư bản châu Âu ngày càng . tăng cường hiện diện trong khu vực Đông Nam Á. Những cách đặt vấn đề này trong các cuộc tranh luận ở ngoài Việt Nam về chủ nghĩa đế quốc những năm gần đây ngày càng được lưu tâm, trong khi đó thì tại những diễn đàn tranh luận ở Việt Nam về các hoạt động truyền giáo của người châu Âu lại quá được chú ý. Lý do khá đơn giản bởi những tài liệu Việt Nam còn chưa được chúng ta khai thác nhiều trong khi đó ở Việt Nam thì lại ưu tiên cho những hướng nghiên cứu khác đối với lịch sử riêng của nước mình. Theo nghĩa đó, học giả Nguyễn Quang Hưng đến từ Hà Nội đã tiếp nối lớp người đi tiên phong khai phá. Bên cạnh những nguồn tài liệu bằng tiếng Pháp liên quan đến các hoạt động truyền giáo của các thừa sai Hội truyền giáo Hải ngoại Pari (Société des Missions Etrangères de Paris) tiếp sau các thừa sai Dòng Tên, tác giả còn khai thác một khối lượng không nhỏ các nguồn tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài khác, trong đó có những tư liệu mới ít được khai thác. Chẳng hạn, như tư liệu của Hans Ulrich Duwendag bằng tiếng Đức được xuất bản cách đây không lâu trong đó có nhiều bức thư của các thừa sai Dòng Tên thế kỷ XVIII ở Đàng Trong.
Nguyễn Quang Hưng đã chia công trình của ông làm 2 phần, trong đó phần thứ nhất phân tích quá trình truyền giáo ở Việt Nam từ tiên khởi tới cuối thế kỷ XVIII còn phần thứ hai đề cập tới vận mệnh của các hoạt động truyền giáo thời kỳ triều Nguyễn (1802-1883). Phần đầu phân tích những bối cảnh chính trị-xã hội và văn hoá tinh thần Việt Nam thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, những Dòng truyền giáo, nêu bật hoạt động của một số nhân vật tiêu biểu như Alexandre de Rhodes ở thế kỷ XVIII, Pigneau de Beháine ở thế kỷ XVIII. Thái độ của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong và sau đó là nhà Tây Sơn đối với Công giáo cũng được mổ xẻ ở đây. Trong phần hai và cũng là phần chính, qua việc phân tích tính chất của “vấn đề nghi lễ” dưới thời Trịnh - Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn, tác giả đã cố gắng làm rõ những khía cạnh văn hoá-chính trị trong quan hệ của triều Nguyễn - với Công giáo, đồng thời truyền tải nội dung các chỉ dụ cấm đạo, phân tích những lý do và hệ quả của chính sách của các vua triều Nguyễn đối với Công giáo. Thái độ của Gia Long, mặc dù thân hữu và hàm ơn Pigneau de Beháine, nhưng đã bất đồng, không thoả hiệp với Công giáo trong “vấn đề nghi lễ”, do vậy đã không cởi mở với tôn giáo này. Cái chính sách đoạn tuyệt với Công giáo về căn bản và có hệ thống của Minh Mạng và những người nối ngôi ông ở đây đã được nhìn nhận khác với nhiều cộng trình từ trước tới giờ, trong đó có cả những công trình của các học giả Pháp, về đề tài này.
Nếu như những phân tích về động cơ đế quốc của chính sách thực dân đối với việc truyền giáo trong những thập kỷ gần đây được chú ý nhiều - thì bạn đọc hoàn toàn có thể tìm thấy điều đó trong cuốn sách này. Với một lối phân tích và nhìn nhận vấn đề, theo ý kiến của tôi, là khá thuyết phục, cuốn sách có đóng góp trong phân tích sự phản ứng của người Việt đối với Công giáo trong khung cảnh cuộc đấu tranh của họ chống lại những kẻ xâm lược. Luận văn của ông Nguyễn Quang Hưng đã được nhiều học giả Đức đánh giá và xứng đáng nhận được sự thiện cảm như vậy đối với các học giả Việt Nam.

Passau, tháng 1 năm 2007
Giáo sư, Tiến sĩ Bernhard Dahm