Giải Quyết Mối Quan Hệ Giữa Lực Lượng Sản Xuất Và Quan Hệ Sản Xuất – Một Số Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn

Tác giả : Phạm Văn Linh
  • Lượt đọc : 100
  • Kích thước : 3.49 MB
  • Số trang : 410
  • Đăng lúc : 10 tháng trước
  • Số lượt tải : 92
  • Số lượt xem : 707
  • Đọc trên điện thoại :
Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất được thể hiện thành một quy luật cơ bản của sự vận động, phát triển xã hội loài người - quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong phương thức sản xuất. Đó là quy luật khách quan, cơ bản, phổ biến, tác động trong toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại và cùng với các quy luật khác làm cho lịch sử loài người vận động từ thấp đến cao, từ hình thái kinh tế - xã hội này lên hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, quy định sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên.

Khi nghiên cứu về xã hội loài người, C. Mác khẳng định mọi sự thay đổi của đời sống xã hội, xét đến cùng, đều bắt nguồn từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, trình độ của lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển nhảy vọt so với trước kia. Sự phát triển đó cung cấp thêm cho chúng ta những chứng cứ thực tiễn thuyết phục, để tiếp tục khẳng định quan điểm đúng đắn của C. Mác về lực lượng sản xuất, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn.

Ở Việt Nam, sau khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1954), Đại hội III của Đảng (tháng 9/1960) đã đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nội dung chủ yếu là tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học - kỹ thuật; cách mạng tư tưởng - văn hóa; trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; coi công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Xây dựng công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến. Kể từ sau đổi mới đến nay, Đảng ta thường xuyên đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, luôn gắn với yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, sự nhận thức và vận dụng mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa của Đảng, đã giúp nền kinh tế - xã hội nước ta đạt được những thành tựu đáng kể. Song, nó cũng chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Nhằm làm rõ nội dung cơ bản về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và mối quan hệ biện chứng của nó trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin từ đó khẳng định các giá trị bền vững, những vấn đề cần bổ sung, phát triển và đề xuất, kiến nghị những nội dung phù hợp vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, góp phần đấu tranh chống lại những luận điểm xuyên tạc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn chuyên khảo Giải quyết mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn do PGS.TS. Phạm Văn Linh làm chủ biên.

Cuốn sách là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp nhà nước “Tổng kết lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và đề xuất bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”, mã số KX.02.13/16-20 và bổ sung, cập nhật những quan điểm, chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng.

Nội dung cuốn sách gồm bốn chương:
Chương I: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng của một số đảng cộng sản trên thế giới về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.
Chương II: Nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong điều kiện Việt Nam.
Chương III: Bối cảnh tác động đến nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất hiện nay.
Chương IV: Tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong điều kiện mới.

Mặc dù có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, biên tập, song vấn đề lý luận này tiếp tục cần được nghiên cứu, bổ sung, làm sáng tỏ trong sự vận động và phát triển không ngừng, do vậy nội dung sách khó tránh khỏi những hạn chế. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để nội dung sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 9 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT

Sách liên quan