Khang Hy Đại Đế

Tác giả : Nhị Nguyệt Hà
  • Lượt đọc : 685
  • Kích thước : 5.52 MB
  • Số trang : 1359
  • Đăng lúc : 3 năm trước
  • Số lượt tải : 354
  • Số lượt xem : 3.539
  • Đọc trên điện thoại :
Khang Hy (1654-1722) là một vị vua uyên bác, tài trí, 8 tuổi thừa kế ngôi vua, 14 tuổi bắt đầu điều hành chính sự, ở ngôi lâu đến 61 năm, có nhiều sáng kiến lớn lao về kinh tế chính trị, đặt nền móng cho sự phồn vinh thịnh đạt một thời cho đất nước Trung Hoa phong kiến ở giai đoạn cuối (thời thịnh thế Khang Hy – Càn Long nhà Thanh).

KHANG HY ĐẠI ĐẾ là bộ tiểu thuyết lịch sử dài nhiều tập viết về vua Khang Hy. 8 tuổi lên ngôi vua trong hoàn cảnh chính trị vô cùng gay go phức tạp, đã phải đấu tranh chống âm mưu cướp ngôi của tập đoàn Ngao Bái, một đại thần phụ chính.

Khang Hy tuổi nhỏ đã rất thông minh đĩnh ngộ, từng nhận Ngũ Thứ Hữu, một vị cử nhân thi không đổ làm thầy học, để học tập bản lĩnh thống trị phong kiến. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang và thị nữ Tô Ma Lạt Cô, Khang Hy đã đoàn kết được một số địa chủ tầng lớp trung, lớp dưới và giới trí thức, hình thành một lực lượng bảo vệ chung quanh thuộc phái ủng hộ nhà vua. Qua nhiều lần đọ sức, đến năm 15 tuổi, ông đã mưu trí bắt Ngao Bái, củng cố được quyền lực ngôi vua, đặt cơ sở chính trị tốt đẹp cho sự chấn hưng vương triều Thanh.

KHANG HY ĐẠI ĐẾ tập trung miêu tả cái hùng tài đại lược nhìn xa trông rộng của Khang Hy trong việc bình định “tam phiên”.

Sau khi mưu trí bắt Ngao Bái, Khang Hy tự mình nắm giữ việc triều chính, nội bộ triều đình tương đối ổn định. Nhưng tình hình trong nước vẫn vô cùng phức tạp, có bốn mối nguy: Phía nam có tam phiên cát cứ do Ngô Tam Quế cầm đầu quân lính bộ hạ của Vương Bổ Thần làm phản, vùng Trung Nguyên có Dương Khởi Long giả mạo Thái tử Chu Tam, tụ chúng làm loạn, và cấu kết với Thái giám hậu cung, bí mật phối hợp với nhau. Trước khi triệt phiên, được sự phò tá của văn quan võ tướng, Khang Hy đã sắp xếp cẩn mật về mọi mặt quân sự, chính trị, tài chính... lần lượt đập tan chiến tranh gián điệp, mỹ nhân kế của các thế lực thối nát, và thông qua bao cuộc chiến đấu nẩy lửa một mất một còn, cuối cùng đã đánh bại phiến lọan Ngô Tam Quế, bảo vệ nền thống nhất quốc gia.

Thông qua miêu tả cuộc chiến diệt trừ phiến loạn kinh động lòng người, với bao hiểm nguy gian khó muôn trùng, tác giả đã khắc họa hình tượng nhân vật Khang Hy, và khắc họa cá tính đặc trưng của hàng loạt nhân vật Ngũ Thứ Hữu, Chu Bồi Công, Lý Vân Nương, Khổng Tứ Trinh, Hoàng Phủ Bảo Trụ, và Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng, Dương Khởi Long, Uông Sĩ Vinh... triển khai sinh động bức tranh lịch sử gian nan khai mở ra thời thịnh thế Khang Hy – Càn Long của vương triều Thanh.

***
Tháng giêng năm Thuận Trị thứ mười tám, một mùa đông rét mướt. Mới vừa qua cái Tết, mà từng đoàn từng đoàn ăn mày như từ dưới đất chui lên, đi ăn xin khắp phố phường. Thành Bắc Kinh, từ cửa Cáp Đức về tây, đoàn người chen chúc nhau dưới các hiên nhà, trong các ngôi miếu nát. Người ta dựng lên những chòi tạm, những lều tranh dưới chân thành cứ từng nhà, từng bếp, như có ý muốn ở lại đây lâu dài. Từ sau khi Lý Sấm Vương thua trận, thành Bắc Kinh bao phen gặp nạn binh đao, nhân khẩu mười phần đã bỏ đi năm sáu. Trong ngoài Đông Trực Môn gạch ngói vung vãi khắp nơi, có chỗ trống trơn, bỗng nhiên người ở đâu kéo đến chật ních. Những người này phần nhiều nói giọng Quan Đông, cũng có không ít người đâu như vùng Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, áo quần rách rưới, quấn chiếc thắt lưng rơm, tay cầm chiếc bát sứt dọc đường xin ăn.

“Lạy ông lạy bà, làm phước để đức, rủ lòng cho con miếng cơm thừa! Chúng con từ Nhiệt Hà lánh nạn đến đây, trên có người già, dưới có con nhỏ, xin ông bà thương tình bố thí cho!”

“Nam mô a di đà phật! Của đáng tội! Tai nạn đâu ập đến giữa mùa đông giá rét, đường đi xa biết bao!”

Một chàng trai trẻ vai gánh các thứ dụng cụ hàn nồi xoong, nghe câu nói đó liền dừng chân quay đầu lại, cười nhạt: “Anh là người nhà Thiên tử, làm sao biết được chuyện ở nhà quê! Mẹ nó chứ, quân cờ vàng khoanh mất đất nhà ông, không đi xin ăn thì ăn cái cóc khô gì?” Nói xong, vắt đuôi sam lên cổ bực dọc bỏ đi.

Đến đây chắc có độc giả hỏi: “Khoanh đất” là gì mà ghê gớm làm vậy?

Số là, trước khi người Mãn Châu vào Quan Trung, quân lính “tám cờ” đi đánh giặc đều phải tự trang bị ngựa xe, khí giới. Các “cờ” làm quân nhu cấp dưỡng đều chiếm số đất cờ rất lớn, chủ các cờ, vương công tôn thất tiêu pha hàng ngày cũng tốn số vàng bạc khá nhiều, bèn thành lập các loại trang viên lớn nhỏ khác nhau khắp nơi bên ngoài quan ải. Sau khi vào Quan Trung, hoàng thân quốc thích, bá quan văn võ nhà Minh trước, số thì chết, số thì chạy trốn. Khi Sấm Vương vào kinh, bỏ lại vô số ruộng hoang vô chủ. Đa Nhĩ Cổn bèn ra lệnh “chia hết cho các vương công, đại thần, cùng con cháu và quan lại có công”, tướng lĩnh các cờ đương nhiên là tranh nhau chọn cướp đất tốt. Họ dùng một dây thừng buộc vào hai con ngựa, trên đầu cắm một cây cờ, phía sau quân lính ra sức đuổi đánh, ngựa chạy được mấy vòng thì tính mấy vòng, đất nằm trong vòng khoanh biến thành sản nghiệp của người trong cờ. Gọi là đất khoanh. “Đây là đất khoanh của cờ vàng Tương”, “Đây là đất khoanh của cờ trắng Chính”. Cũng có người ngang ngược hơn, còn đuổi hết số dân trong đất khoanh, hoặc đổi cho họ chút đỉnh đất chua phèn, đó còn là tốt bụng, chứ có kẻ trắng trợn còn thừa cơ cướp bóc nữa kia. Những nơi có khoanh đất, mọi của cải trong nhà phải để lại tất, người vợ xấu xí được “gia ân” theo chồng ra đi, người nào xem được mắt một chút phải ở lại. Làm cho Kinh Kỳ, Trực Lệ, Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây suốt bảy mươi bảy châu huyện dọc ngang hai ngàn dặm đâu đâu cũng ruộng vườn hoang vu, rên xiết thảm thương, chết đói đầy đường, tiếng khóc than không dứt. Số người bắt buộc phải mạo hiểm đi “ăn cướp” cũng nhiều vô số kể.

Lại nói, trên phố chùa Vĩnh Hưng ở phía tây kinh thành có một quán trọ nhỏ tên là “Quán Duyệt Bằng” (Mừng bạn). Lấy ý câu nói “Có bạn phương xa đến, cũng không vui mừng sao?”. Sân sau của quán trọ này có mười mấy phòng khách, chuyên để cho sĩ tử vào kinh ở trọ đi thi. Bây giờ còn lâu mới đến kỳ thi, khách khứa còn vắng vẻ. Ba gian nhìn ra đường bày bốn cái bàn bát tiên. Cánh bắc là gian phòng lịch sự, làm phòng ăn. Phía đông có một quầy dài, bán rượu thịt và hàng linh tinh. Hầu bàn đều là người nhà quê, đã đi về ăn Tết rồi, trong quán chỉ còn có mỗi ông chủ họ Hà và mấy em nhỏ học nghề quê ở xa trông coi. Sáng sớm ngày mồng tám tháng Giêng, quán vừa mở cửa, nghe đánh rầm một tiếng, một xác người đổ ập vào trong quán.

Chủ quán Hà Quế Trụ nghe tiếng hô hoán của mấy chú hầu bàn, tròng vội cái quần, đá chiếc ấm vào dưới giường, kéo lê đôi dép bước ra. Thì là một người khoảng hơn hai mươi tuổi, đầu đội chiếc mũ đay xanh, đeo cái đuôi sam dài cả thước, đầu tóc dễ đến hơn hai tháng chưa cạo, mọc dài rậm rạp. Chiếc áo bông rách lỗ chỗ, lộ ra những đốm xơ bông bẩn nát. Mặt anh ta vàng tía như củ gừng sống, hai mắt nhắm tịt, người đã đông cứng lại rồi. Hà Quế Trụ bất giác thở dài: “Của đáng tội! Đây cũng là chuyện thường tình. Đưa anh ta đến đài hóa thân ngoài thành đi. Ôi, ngày hôm nay thật rủi ro!”

Mấy chú hầu bàn kiếm được một chiếc chiếu rách quấn cho người chết, đang tìm cánh cửa hỏng để khiêng đi, thì có tiếng người kêu sau cửa quán: “Hãy hượm!”

Mọi người quay đầu nhìn lại, một người bước ra ước khoảng ba mươi, đội chiếc mũ quả dưa, áo khoác lụa màu da chồn đen bên trong là chiếc áo dài màu xám, mang đôi ủng đế nhiều lớp, đứng sừng sững giữa cửa. Chủ quán vội cười nói: “Chào cậu hai, đây là một vị tú tài nghèo chết rét trước cửa quán.”

“Chết hay chưa còn phải xem đã”. Vừa nói ông ta vừa bước tới trước, quỳ gối, đặt tay lên mũi chàng trai trẻ, kéo tay bắt mạch một hồi rồi nói: “Người chưa chết đâu! mau mang ra đây bát nước nóng. Không, cho ly rượu nóng trước đã!”. Các chú hầu bàn nhìn nhau, đứng im không nhúc nhích, Hà Quế Trụ vội quát: “Ông đã bảo, sao không nhanh lên?”

Người mới đến là một vị cử nhân, người Triết Châu, tên Ngũ Thứ Hữu, là tài tử nổi tiếng vùng nam bắc Trường Giang. Nhà giàu có, tổ tiên đã có mấy người làm quan to. Chủ quán Hà Quế Trụ trước kia là tôi tớ nhà ông. Vào năm Sùng Trinh, binh đao loạn lạc, gia trưởng họ Ngũ sợ cây to gió cả, bảo gia nhân tìm nương nhờ người thân thích. Ông nội Hà Quế Trụ không có người thân thích bên ngoài, gia trưởng họ Ngũ nhân từ giúp ông mở một cái quán nhỏ tại địa phương. Quân Thanh vào Quan Trung. Sử Khả Pháp chống Thanh ở Dương Châu, sau khi thành bị hạ, trong thành máu chảy thành sông. Nhà họ Hà không sống nổi ở Dương Châu, đã chuyển cả đến Bắc Kinh. Ngũ Thứ Hữu nguyên là học trò Hầu Phương Vực, sau khi nhà Thanh ổn định, đã theo ý trời, thi đậu tú tài, rồi đậu cử nhân. Chỉ vì gia trưởng họ Ngũ lòng hướng về nhà Minh, thề quyết không ăn thóc nhà Thanh, đóng cửa ở nhà chuyên chú giải Đạo đức kinh. Lần này Ngũ Thứ Hữu lên kinh thi gặp ngay Hà Quế Trụ, liền ngụ ở quán Duyệt Bằng. Nay tuy không còn danh phận chủ tớ, ông Hà vẫn một mực trân trọng tôn kính vị chủ nhỏ trước kia của mình.

Mọi người xúm lại khênh chàng thư sinh sắp chết cóng vào quán, đổ cho một chén rượu nóng, độ mười lăm phút sau, chàng thanh niên mở hí mắt nhìn một cái rồi nhắm lại. Ngũ Thứ Hữu thở phào: “Dọn tạm cái phòng bên cạnh tôi, để anh ấy nằm nghỉ, chăm mấy ngày là khỏi thôi.”

Ông Hà chợt ngần ngừ suy nghĩ: “Vị công tử này cũng lắm chuyện, cứu được người, còn đòi nuôi sống người ta... Mặc kệ anh ta! Trước sau cũng không tốn tiền của ta, đợi người nhà bên Dương Châu đến sẽ đòi nợ.” Ngũ Thứ Hữu thấy chủ quán ngần ngại liền nói: “Cứu một mạng người còn hơn xây tháp bảy tầng. Vả lại cứu người mà không cứu cho họ sống thì còn ra cái gì?” Ông Hà vội nói: “Làm ngay theo lời ông dạy!”

Đến chạng vạng, chàng thanh niên tỉnh lại. Có lẽ do tác dụng của hai bát to miến gừng thịt gà, sắc mặt chàng ta dần dần hồng hào lên, chỉ còn hơi chóng mặt, thấy Ngũ Thứ Hữu cầm đèn lồng bước vào, bèn cựa quậy như muốn ngồi dậy. Ngũ Thứ Hữu vội ấn chàng nằm xuống: “Anh bạn, đừng động, anh phải nằm yên.” Chàng thanh niên co người, liên tiếp dập đầu xuống gối: “Ân nhân, ngài đã cứu con, núi xanh xanh mãi, nước trong chảy hoài, ơn sâu không nói hết bằng lời, con xin nguyền tan thây nát thịt báo đáp ngài!” Vừa nói, một chuỗi nước mắt lăn tràn trên gương mặt thanh tú của chàng.

Ngũ Thứ Hữu kéo chiếc ghế ngồi xuống bên cạnh, quan tâm hỏi: “Em tên gì? Đến Bắc Kinh làm gì? Sao lại đến nông nỗi này?” Chàng thanh niên nghiêng mình, bỗng bật lên tiếng thở dài: “Con là người cờ vàng Chính, tên là Minh Châu, kể ra tổ tiên cũng là con rồng cháu phượng. Thân phụ Ni Nha Cáp là một viên tướng dưới cờ Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn, theo vương vào Quan Trung. Đa Nhĩ Cổn thất cơ, thân phụ bị liên lụy bãi quan, tức giận mang bệnh chữa không khỏi, cảnh nhà sa sút. Con đành theo thúc phụ lưu lạc ở Mông Cổ. Đức ngài A Nhĩ Thái thương tình chúng con, cho một mảnh đất nhỏ cày cấy. Nào ngờ, mùa thu năm ngoái, chủ cờ vàng Tương là Ngao Bái lại đổi lấy đất của cờ vàng Chính, nói là hồi Đa Nhĩ Cổn khoanh đất, cờ vàng Tương bị thiệt, bây giờ phải lấy trở lại. Thế là người ta đã chôn sống gia đình chúng con. Cũng tưởng tên giặc già phải còn nể mặt tổ tông, để lại cho mảnh đất cứu sống đó, ai ngờ tên khốn kiếp cạn tàu ráo máng, đã sai em hắn là Mục Lý Mã ngay trong ngày giá rét đuổi hết cả một thôn chúng con ra ngoài, rồi châm mồi lửa thiêu rụi cả thôn ... thảm ơi là thảm!” Chàng chùi nước mắt, nghẹn ngào: “Chú cháu con phải xin ăn suốt dọc đường từ Nhiệt Hà vào Quan Trung, đến trấn Thái Bình lại gặp bọn cướp bắt buộc phải nhập bọn. Ngài nghĩ xem, phụ thân sống chết thế nào không biết, con làm sao đi làm cái việc ấy được? Chẳng còn cách nào, phải bỏ trốn, thúc phụ bị chúng bắn chết, con đơn độc một mình vào kinh, định tìm đến người bạn cha để nương nhờ, nào ngờ, tình người mỏng hơn tờ giấy, nghe nói gia đình con có xích mích với Ngao Bái, không ai dám chứa chấp, đành phải lưu lạc đầu đường bán chữ kiếm sống. Đáng thương cho con một dòng họ trâm anh phải rơi vào bước đường cùng này… Mấy ngày nay tuyết rơi nhiều quá, bụng lại đói, muốn tránh tuyết ở cửa quán này, ai dè...”

Minh Châu càng nói càng thương tâm, bỗng khóc nức nở: “Ân nhân, ngài là cha mẹ sinh ra con lần thứ hai, là cha mẹ ruột thịt của con! Minh Châu kiếp này không đền đáp được, thì kiếp sau xin kết cỏ ngậm vành báo đáp ân nhân!”

Nghe đến đây, Ngũ Thứ Hữu bất giác mủi lòng, liền an ủi: “Minh Châu, không nên nói nữa. Năm này bá tánh có ai sung sướng gì đâu! Mấy ngày nay thành Bắc Kinh người đi xin ăn nhiều như thế này đều là người ngoài quan ải bị khoanh đất, không còn nhà cửa quay về – Em có còn người thân nào ở kinh sư?”

Minh Châu lắc đầu: “Không còn ai thân thiết, mà có còn cũng khó gặp mặt.”

Ngũ Thứ Hữu vội hỏi: “Có đâu lại như vậy?” Minh Châu suy nghĩ một lát: “Nghe nói có một người cháu dì con, đang là nhũ mẫu của hoàng tử Tam A Ca. Bảy năm trước có gặp mặt một lần, bà đã phải tiến cung. Chốn cung cấm thâm nghiêm đó, bộ dạng con thế này làm sao vào được!” Ngũ Thứ Hữu trầm ngâm giây lát rồi nói: “Em hãy nghỉ tạm ở đây nhé. Em thông thạo chữ nghĩa, lại có công danh, không lo sau này không có cơ hội tiến thân. Vạn nhất không được, qua có thể cho em phong thư đến nhà gia phụ qua xin ông cụ tìm cho bát cơm ăn. Qua là Ngũ Thứ Hữu, người Dương Châu, đang đợi dự thi ở đây. Thi xong kỳ này chúng ta cùng trở về Nam.”

Minh Châu vô cùng thông minh, nghe Ngũ Thứ Hữu nói vậy, vội lăn xuống đất cung kính lạy ba lạy, nói: “Trên có trời xanh, Minh Châu tôi nếu bội bạc quên ân cứu mệnh của Ngũ đại ca, thì sẽ như cây bút này!” Nói xong móc trong tay áo ra một cây bút lông tơ chồn tuyết bẻ gãy làm hai trước ánh đèn.

Hai người đang sôi nổi hàn huyên thì chiếc rèm vải vén lên. ông Hà bước vào nói nhỏ: “Cậu hai này, vừa nãy, Vương Thái giám đứng đầu nha môn mời đến uống rượu, nói nghe phong phanh, vua Thuận Trị băng hà rồi!”

“Hoàng thượng đã băng hà!” Tin đó không cánh mà bay, qua quầy rượu, quán trà, vườn chơi, những nơi náo nhiệt đông người, chẳng bao lâu đã lan truyền khắp thành Bắc Kinh. Nhưng trước khi công bố chiếu chỉ, người ta chỉ lấp ló đâu đó, len lén nhìn, tìm bạn tri âm thông báo cho nhau làm như sự việc có thật:

“Hoàng thượng mới bai mươi bốn tuổi, còn quá trẻ, làm sao tự nhiên mà băng hà vậy?”

“Ôi dào, người ta họa phước có số, ai mà biết trước được. Ngay như anh đây, tối nay cởi giày lên giường, đã biết chắc sáng hôm sau có còn mang lại được không?”

“Thôi đừng có nói mò! Tôi lại nghe nói là chết vì Đổng nương nương. Hoàng thượng mang bệnh tương tư! Anh quên rồi sao, cái tên Trần gì ấy từ Giang Tô đến? Đúng rồi, Trần Mộng Vân, hắn vẽ chân dung Đổng nương nương, tên đó được thưởng một vạn lượng bạc. Ôi, cả đời anh có thấy được bấy nhiêu bạc không? – Người ta chỉ cần gặp vận may thì phát tài cũng thật là dễ dàng!”

“Cái anh này, cứ nói chuyện là hay đi lạc đề! Tôi nghe nói năm sáu ngày trước đây, Hoàng thượng còn triệu kiến đại nhân Tô Khắc Tát Cáp đấy! Chắc là có uẩn khúc gì chăng?”

“Này – mẹ nó chứ, anh mới là lạc đề! Đây mà là chuyện để anh nói à? Thực thà một tí nhé, băng hà hay không băng hà, liên quan đếch gì đến anh?”

Dù cho dân đen bàn luận thế nào, thì sự việc đã rõ rành rành: Bắt đầu từ mồng tám tháng Giêng, người trong nội phủ đều nhất loạt mặc đồ trắng. Bên trạm ngựa ngoài Ngọ môn, những chiếc kiệu đen sắp một dãy thật dài. Những tiểu Thái giám thích mang lồng chim cút vào quán trà, từ sau ngày Tết cũng không thấy đến nữa. Những việc không bình thường đó khiến cho thị dân Bắc Kinh cứ đoán già đoán non. Một số người già ở Bắc Kinh đã chứng kiến cảnh đưa tang lúc vua Vạn Lịch nhà Đại Minh băng hà, thấy việc làm của hoàng gia ngày nay có vẻ lén lút, không quang minh chính đại, không khỏi kinh ngạc, có điều chỉ ngậm miệng không nói.

Ngũ Thứ Hữu là anh mọt sách, vì trời lạnh, không ra khỏi nhà, chỉ ngồi bên lò sưởi đọc sách. Minh Châu tính thanh niên, người khỏe lên một tí bèn nhúc nhắc đi ra ngoài. Chàng lân la đến phía đông cửa Chính Dương xem cảnh náo nhiệt, chỉ thấy trước dãy kiệu xếp một hàng dài là sáu chiếc kiệu to màu xanh rất dễ nhận thấy, tuyết phía trước dày đến nửa thước. Hỏi thăm mới biết, từ hôm mồng ba, Thân vương Kiệt Thư, Lão Trung Đường Sách Ni, Át Tất Long, Tô Khắc Tát Cáp, Ngao Bái và Hồng Kinh Lược vào kinh thăm vua đều không trở ra, mỗi ngày ba bữa cơm đều do người nhà bỏ trong hộp mang vào. Đang xem mải mê, Minh Châu cảm thấy có người đập nhẹ vào lưng, quay lại nhìn, thấy dưới ánh tuyết một trang thiếu niên anh tuấn, tay nắm chuôi kiếm, đang mỉm cười nhìn chàng.

“Ông là … ai da! Chú em!” Do dự giây lát, Minh Châu kinh ngạc và vui mừng giang hai cánh tay lao tới trước. Đứng trước mặt chàng chính là người con trai độc nhất của bà họ Tôn hiện là nhũ mẫu của Tam A Ca, người em họ Ngụy Đông Đình đã năm năm cách biệt.

Năm năm không gặp, Ngụy Đông Đình đã xinh đẹp ra dáng, trên người mặc chiếc áo cổ tròn thêu sóng biển, một chiếc đao to bản giắt lưng, dải hồng điều rủ xuống dài đến gần một thước, chiếc quần lụa hồ mới toanh, dưới mang ủng đi ngựa. Xem cách ăn mặc của hắn, Minh Châu bất giác cảm thấy mất hồn, so ra thấy mình thua kém xa.

Minh Châu nắm tay Ngụy Đông Đình, nhìn xem trên dưới, một hồi lâu mới hỏi: “Em à, xa nhau năm năm, em khác xa ngày trước, có còn phục dịch ở Thừa Đức hoàng trang?” Ngụy Đông Đình cười đáp: “Em cũng mới vừa vào kinh sư. Năm ngoái mẹ nhờ vả bao nhiêu người mới kéo em ra được, hiện làm chân sai vặt ở nha môn Tuần phòng. Mẹ nói em còn trẻ phải nghiêm túc trau dồi rèn luyện mấy năm mới phục vụ được Hoàng thượng!”

Minh Châu nghe xong bất giác cúi đầu, thở dài: “Phần anh mới thảm chứ, số phận long đong, biết cách nào khác được! Ôi, sống trên đời chẳng có ý nghĩa gì.” Ngụy Đông Đình không để chàng dốc hết nỗi niềm bực tức, liền kéo tay áo chàng nói: “Đi, chúng ta đến lầu Hợp Tiên ngồi với nhau, bĩ cực thái lai, anh cũng đừng thương tâm làm gì, sắp tới sẽ có đại sự, không biết chừng còn có ân khoa nữa đấy!” Minh Châu nói: “Nguồn tin ở đâu vậy?” Ngụy Đông Đình cười: “Đâu có nguồn nào, chỉ để làm anh vui thôi!” Anh ta nhìn quanh bốn phía, hạ giọng nói nhỏ: “Anh à, vua Thuận Trị đã quy thiên rồi!”