Luận giải Văn học và Triết học

Thể loại: Triết Học ;Văn Học
Tác giả : Phạm Quỳnh
  • Lượt đọc : 10
  • Kích thước : 27.55 MB
  • Số trang : 644
  • Đăng lúc : 9 tháng trước
  • Số lượt tải : 164
  • Số lượt xem : 709
  • Đọc trên điện thoại :
Mỗi con người có nhiều cuộc đời, nói đến cuộc đời nhà báo, nhà văn, học giả Phạm Quỳnh phải nói đến quãng đời gắn với Tạp chí Nam Phong (N.P.). Phạm Quỳnh là con mắt của Nam Phong. Tạp chí Nam Phong ra đời năm 1917 (số 1 ra ngày 1 tháng 7), tồn tại được 17 năm, tới năm 1934. Tuy nhiên, ngay từ sau năm 1932, nó đã bắt đầu chìm vào bóng tối với việc người sáng lập và là chủ nhiệm của nó - Phạm Quỳnh - ra đi, trao quyền phụ trách cho người khác. Người ta đã tốn khá nhiều thời gian và giấy mực trong việc nhận định về tờ Tạp chí này. Một số ý kiến còn trái chiều nhau do xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau. Nếu xét cái hiệu quả của Nam Phong từ góc độ hội nhập văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX thì sẽ thấy rõ ngay những đóng góp của nó. Nam Phong nằm ở thời điểm bản lề của quá trình văn hóa, văn học Việt Nam hòa vào dòng chung của văn hóa, văn học thế giới. Vấn đề đặt ra cho xu hướng này bấy giờ là dân tộc phải nâng mình lên trình độ quốc tế về mọi mặt: khoa học, triết học, văn học... Cần xây dựng một nền học vấn mới "tỏ thuật tư tưởng Âu Tây (quốc tế hóa, nhưng vẫn không quên cái quốc túy trong nước (dân tộc hóa)". Ở điểm này ta thấy Nam Phong đã làm được khá nhiều việc. Nam Phong là một Tạp chí có tính chất bách khoa, trong đó người ta chủ xướng cho đăng các công trình dịch thuật, khảo cứu về khoa học, triết học, các sáng tác văn chương; bên cạnh đó cũng công bố những tư liệu thư tịch cổ, in lại các sách cũ của ta. Ngoài ra còn đăng một số lượng rất lớn các bài về những lĩnh vực khác: chính trị, địa lí, luật học, giáo dục, y học. Qua đó dường như có thể thấy bóng dáng hầu hết các ngành học của nền quốc học mới sau này. Tạp chí thực sự là một trường học bổ ích cho nhiều trí thức Nho học và Tây học lúc ấy. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: "Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong Tạp chí (N.P.T.C) để bồi bổ cho cái học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây. Muốn hiểu những vấn đề của đạo giáo, muốn biết văn học sử cùng học thuật tư tưởng nước Tàu, nước Nhật, nước Pháp, muốn đọc thi ca Việt Nam từ đời Lý Trần cho đến nay, muốn biết thêm lịch sử nước Nam, tiểu sử các đấng danh nhân nước nhà, muốn am hiểu các vấn đề xã hội Âu Tây, và cả học thuyết của mấy nhà hiền triết cổ La Hy, chỉ đọc kĩ Nam Phong là có thể hiểu biết được" (Nhà văn hiện đại, quyển I, trang 127, Nxb Vĩnh Thịnh, H., 1951).
Không chỉ điều hành Nam Phong Tạp chí, Phạm Quỳnh còn trực tiếp viết rất nhiều bài trên nhiều lĩnh vực. Ông dịch kịch của Corneille, truyện của Maupassant; giới thiệu thân thế và học thuyết của Descartes, Montesquieu, Voltaire, Comte, Bergson; giảng thuyết Phật giáo, Nho giáo; khảo luận về ca dao tục ngữ Việt Nam, về Kiều; phê bình các sáng tác văn chương mới... Làm nên cốt cách ngòi bút của ông là các bài luận giải, khảo cứu mà nội dung nghiêng về tư tưởng và các vấn đề học thuật. Ở đó ta thấy một sự hiểu biết uyên bác, một cách diễn giải chu đáo tỉ mỉ, một nhiệt tình quảng bá tư tưởng, được diễn tả với loại văn phong chặt chẽ, khúc chiết, chắc nịch mà các độc giả trí thức chắc sẽ ưa chuộng.
Cuốn sách này tập hợp những bài viết mà chúng tôi cho là tốt và tiêu biểu cho ngòi bút Phạm Quỳnh, hầu hết đã in trên Nam Phong, nhằm cung cấp cho bạn dọc rộng rãi một mảng tư liệu lâu nay còn chìm khuất. Có thể ở một số luận điểm chúng ta còn chưa đồng tình với tác giả, có thể tính thời sự ở một số bài giờ đã qua đi, văn phong đầu thế kỉ cũng đôi khi gây khó khăn cho việc tiếp thu, song chắc chắn qua tập sách này, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn được phần nào trạng thái tư tưởng và học thuật ở buổi giao thời Á Âu, thấy được phương diện học giả của ông chủ bút Nam Phong Tạp chí.
Về văn bản thì nói chung người biên soạn tôn trọng nguyên tác, chỉ lược bỏ một đôi câu có thể gây hiểu lầm. Các tên riêng vốn nguyên ngữ La tinh mà tác giả dịch qua Hán ngữ thì được khôi phục lại dạng gốc để phục vụ đông đảo độc giả ngày nay.
TRỊNH BÁ ĐỈNH